Quân đội Israel đang tập trung quanh Dải Gaza, sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ mà hệ quả sẽ là cuộc giao tranh đô thị khốc liệt trên một diện tích có mật độ dân cư cao, khi kẻ thù có thể xuất hiện từ khắp mọi hướng, kể cả dưới lòng đất và qua những bức tường, nhà cửa thông nhau. Các mối đe dọa có thể đến từ bất kỳ nơi nào và lính bắn tỉa được bố trí ở các tầng cao.
Không thể lường hết các tình huống
Israel đã rút quân khỏi Gaza vào năm 2005 nhưng năm 2008 và 2014 lại đưa quân vào lãnh thổ này trong các chiến dịch kéo dài nhiều tuần để tiêu diệt năng lực tác chiến của Hamas. Nhưng mục tiêu như vậy hầu như không đạt được sau khi Israel rút đi.
Raphael Cohen, nhà khoa học chính trị cấp cao tại Rand Corp, nhận định: “Về cơ bản, những gì người Israel đang hướng tới là thay đổi hoàn toàn chế độ cai trị Dải Gaza. Đây là bước đột phá đáng chú ý nhất so với các chiến dịch trước đây và cả chiến dịch lớn năm 2014 của IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel). Nếu muốn nhổ tận gốc Hamas, chiến dịch phải kéo dài trên 50 ngày giống như chiến dịch Protection Edge trước đây”.
Ghaith al-Omari, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông Washington (Washington Institute for Near East Policy) tin rằng một chiến dịch trên bộ chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến dân thường ở Gaza. Ông giải thích: “Mật độ đô thị dày đặc của Gaza cho thấy mọi hoạt động xâm nhập sẽ bị phản kháng quyết liệt, buộc Israel phải sử dụng vũ lực trên diện rộng, khó phân biệt dân thường. Việc Hamas giấu và sử dụng hoả tiễn cũng như các khí tài quân sự khác trong các khu dân cư và cả trong các cơ sở nhân đạo sẽ làm tăng thêm khả năng dân thường gặp rủi ro”.
Để tiêu diệt Hamas, IDF (một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới) sẽ phải chiến đấu trong một không gian cơ động hạn chế. Nếu Hamas có thể dành hơn hai năm để lên kế hoạch cho cuộc tập kích bất ngờ thì tổ chức này cũng có khả năng chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quy mô lớn.
Các vụ đánh bom dữ dội của Israel đã biến các tòa nhà và đường phố ở Gaza thành một mê cung đổ nát. Những đống đổ nát cùng với các chướng ngại vật nay trở thành chỗ ẩn náu lý tưởng cho các tay súng Hamas. Các tay súng sẽ dụ kẻ thù đi vào các khu vực đã cài chất nổ, mìn bẫy hay ổ phục kích. Vì sức mạnh trên không của Israel bị hạn chế khi bộ chiến bắt đầu để tránh giết lầm, IDF sẽ sử dụng vũ khí tổng hợp, bộ binh, thiết giáp và các yếu tố hỗ trợ khác để tìm diệt kẻ thù.
Đáp lại, Hamas dàn sẵn các tay súng ở những cứ điểm thuận lợi dễ quan sát, những tòa nhà bê tông và thép vững chắc và cả những điểm lánh nạn của dân thường và nơi giam giữ con tin. Không giống như chiến trường mở, chiến đấu trong đô thị đòi hỏi di chuyển trên địa hình ba chiều. Máy bay không người lái sẽ được Hamas sử dụng cho các cuộc tấn công chính xác, trong khi máy bay bốn cánh từng được Hamas sử dụng thành công trong cuộc đột kích ngày 7 Tháng Mười sẽ theo dõi chuyển động của Israel và thả chất nổ. Xe bọc thép rất quan trọng để binh lính Israel làm nơi trú và hỗ trợ cho bộ binh nhưng cũng bị hạn chế bởi đường xá hẹp và dễ bị vũ khí chống tăng vô hiệu hoá.
Tử thần rình rập cả hai phía và dân thường
Nhiều mục tiêu chỉ có thể tiếp cận bằng bộ binh trong phạm vi gần, nên lính Israel phải đi từng nhà và lên từng tầng để giải quyết những ổ kháng cự. Khi đó họ sẽ tấn công bất ngờ từ những lỗ hổng trên tường và giao thông hào giữa các tòa nhà. Các tay súng Hamas sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ nhanh chóng di chuyển đến nơi khác trong ma trận hoặc chui nhanh xuống đường hầm an toàn.
Đường hầm, phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Hamas sẽ đóng vai trò rất lớn trong bộ chiến. Năm 2021, Hamas tuyên bố đã xây dựng khoảng 300 dặm đường hầm dưới Gaza. Chúng rất sâu nên khó bị không kích đánh sập. Theo nhà chiến lược quân sự và nhà sử học Edward Luttwak, một số đường hầm có cả dây chuyền lắp ráp hoả tiễn, xưởng chế tạo đầu đạn, trạm sửa chữa động cơ, có cả kho vũ khí và chất nổ”.
Những đường hầm khác là trung tâm chỉ huy tác chiến khu vực. Còn những đường hầm sâu nhất, an toàn nhất, có nhiều lối thoát nhất là nơi các thủ lĩnh Hamas sinh sống và bày mưu. Phá hủy các đường hầm từ trên không sẽ giết cả dân thường. Tìm và diệt đường hầm bằng bộ binh cũng nguy hiểm. IDF từng sử dụng robot để giảm thiểu rủi ro.
Sau cùng, một cuộc tấn công lớn trên bộ vào Gaza có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã thảm khốc. Cuộc bao vây của Israel khiến gần như toàn bộ nhiên liệu và năng lượng dự trữ cho dân thường Gaza biến mất. Thực phẩm, nước uống và vật tư y tế cạn kiệt.
Michael Eisenstadt, giám đốc chương trình nghiên cứu quân sự và an ninh tại Viện Chính sách Cận Đông Washington nhận định: “Có vẻ điểm xâm nhập trên bộ lớn nhất của Israel là Thành phố Gaza, ít nhất là lúc đầu và hạn chế ở những nơi khác. Tuy nhiên, các mục tiêu trên khắp Gaza sẽ tiếp tục bị không kích từ đất liền và từ biển”, dẫn lại từ The Washington Post.
Chuẩn bị tấn công trên bộ, Israel đã kêu gọi người dân Gaza sơ tán về phía Nam, tránh xa Thành phố Gaza, nhưng Liên Hợp Quốc trích dẫn các báo cáo cho biết “số dân thường đang cố gắng dời xuống phía Nam Gaza đã bị tấn công và bằng chất nổ”. “Điều đáng lo nữa là bộ chiến có thể kéo dài hơn những chiến dịch trước. Lúc đó, dân thường đối mặt với cái chết không chỉ vì bom đạn mà còn vì thiếu các nhu yếu phẩm và thuốc men cơ bản.