Tu bổ đình làng, xã buộc mỗi gia đình phải đóng 300,000 đồng

Đình Láo thôn Khoang xã Hưng Thi mới được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh nên xã ép dân đóng góp tu bổ – Ảnh: Lao Động

Để có tiền tu bổ đình làng, UBND xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) buộc mỗi gia đình phải góp 300,000 đồng ($12.21).

Dân xã này đã gửi đơn đến báo Lao Động phản đối cách thu tiền bắt buộc này. Theo ý dân, việc đóng góp tu bổ đình làng nên để tùy tâm, vì trong xã có người giàu, người nghèo, không nên bổ đều mỗi gia đình như vậy.

Theo thông tin từ Phòng Lao động huyện Lạc Thuỷ, hiện nay xã Hưng Thi có khoảng 970 gia đình, trên 18% gia đình nghèo và gần 10% gia đình sắp nghèo (Việt Nam sử dụng chữ “hộ cận nghèo”, tức gia đình có mức thu nhập đầu người hơn gia đình mức nghèo và dưới gia đình mức trung lưu).

Tiếng là “vận động” nhưng khi quy định mức sàn đóng góp cho từng gia đình thì đó là ép – Ảnh: Lao Động

Sau khi cử phóng viên đến tận nơi tìm hiểu, ngày 24 Tháng Mười 2023, Lao Động dẫn lời ông Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, cho biết, ngôi đình của làng mang tên đình Láo, tọa lạc tại thôn Khoang, xã Hưng Thi.

Đình Láo xưa được khởi dựng từ lâu đời, phụng thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương, là vị thần có công giúp nước, bảo vệ, che chở cho dân trong lúc khó khăn hoạn nạn. Ngôi đình này vừa được công nhận là Di tích Văn hoá cấp tỉnh. Do không có kinh phí để đầu tư tu bổ nên địa phương đã “vận động” người dân đóng góp chứ không bắt buộc, ai có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít (!)

Tuy nhiên, ông Đông lại xác nhận mức sàn (thấp nhất) để đóng góp của mỗi gia đình trong xã là 300,000 đồng trở lên (?), còn cán bộ, đảng viên là 100,000 đồng trở lên!

Điều này được Đảng ủy xã Hưng Thi quy định bằng văn bản về việc trùng tu tôn tạo di tích đình Láo, thôn Khoang có tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng, trong đó vận động khối gia đình trong xã góp 270 triệu đồng (tính mức sàn 300,000 đồng/gia đình trở lên); khối đảng viên – cán bộ công chức, viên chức, góp 15 triệu đồng (mức sàn 100,000 đồng/người trở lên); khối doanh nghiệp của xã và con em xa quê góp 115 triệu đồng (mức sàn 500,000 đồng/doanh nghiệp trở lên).

Người dân than thở với Lao Động chuyện bị ép đóng góp tu bổ đình – Ảnh: Lao Động

Trao đổi với vài người dân, ông N.V.T (thôn Mán, xã Hưng Thi) cho Lao Động biết: Đầu Tháng Mười, xã yêu cầu mỗi gia đình nộp thấp nhất là 300,000 đồng; đảng viên là công chức, viên chức nộp 100,000 đồng và đảng viên (không đương chức) mỗi người nộp 50,000 đồng… để tu bổ đình Láo ở thôn Khoang.

Theo ông T., tại cuộc họp thôn cách nay gần 10 ngày, nhiều người không đồng ý, nêu ý kiến xã cứ tu bổ đình, còn tiền thì để dân tùy tâm ủng hộ, khi khánh thành, dân sẽ góp thêm tiền công đức. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã không đồng ý, yêu cầu các gia đình phải nộp đủ hoặc chia ra nộp nhiều lần cho đủ.

Còn ông Bùi Văn Lúc (71 tuổi, ngụ thôn Trâm, xã Hưng Thi) nhận xét: “Tôi thấy việc đóng bình quân mỗi hộ 300 nghìn để tôn tạo đình Láo là không hợp lý vì người có người không, người giàu người nghèo. Nếu đã là vận động đóng góp thì nên để tuỳ tâm, người có nhiều đóng nhiều, người có ít góp ít. Bản thân tôi cũng sẵn sàng đóng góp ủng hộ”.

Xã Hưng Thi đúng là ép dân chứ vận động gì? Việc tu bổ đình làng nên để dân tùy tâm ủng hộ chứ sao lại bổ đồng đều mỗi gia đình một mức giống nhau?

Từ trường học đến làng xã, tỉnh thành, mỗi lần trường hay chính quyền làm cái gì thì cũng kêu gọi “xã hội hóa”, đúng là “trăm việc đổ đầu dân”!

Ông Bùi Văn Lúc ấm ức về cách làm của xã Hưng Thi – Ảnh: Lao Động

Theo báo điện tử Hòa Bình ngày 6 Tháng Tám 2019, trong giai đoạn 2010-2019, huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình có thành tích là vận động “xã hội hóa” người dân được trên 738 tỷ đồng ($30,036,600) để xây dựng nông thôn mới (như vận động dân hiến đất mở rộng đường, làm đường bê tông; vận động dân đóng góp tiền và công sức để làm các công trình hạ tầng, chỉnh trang nhà cửa, xóm làng…).

Vận động “xã hội hóa” dễ quá nên khi tu bổ đình, tội gì không ép tiếp?

Có lẽ ít có chính quyền thôn nào chịu chơi như thôn Yên Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội), dám bán một phần đất của thôn để lấy tiền tu bổ đình làng Yên Lũng, chứ không ép dân đóng góp.

Pháp Luật Việt Nam ngày 3 Tháng Ba 2019 cho biết do không đủ kinh phí sửa chữa đình làng Yên Lũng tuổi đời gần 400 năm sắp sụp đổ, nên lãnh đạo thôn Yên Lũng đã họp hội nghị, thống nhất đổi đất khu vực ao Cổng Me cho doanh nghiệp thi công sửa chữa đình làng.

Đình làng Yên Lũng sau khi sửa xong – Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Thế nhưng, bên thi công công trình sửa chữa đình làng là công ty Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn Hoá sau khi lấy hơn 700m2 đất công do thôn quản lý đã lập tức san lấp, phân lô và bán cho nhiều người, thu về số tiền hơn 10 tỷ đồng ($407,000).

Chính vì món lợi doanh nghiệp thu về quá lớn so với việc sửa chữa đình làng, UBND huyện Hoài Đức mới tiến hành kiểm tra và xử lý, sau đó Công an huyện Hoài Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ thôn Yên Lũng!

Cuối cùng thì đình làng cũng được sửa chữa xong, còn miếng đất đổi cho doanh nghiệp bị xã An Khánh thu hồi và một số cán bộ thôn Yên Lũng bị khởi tố.

Cán bộ thôn Yên Lũng hóa ra tốt, vì ít ra cũng không “dòm ngó” đến túi tiền của dân!

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: