Quảng Trị: Sông Sa Lung ô nhiễm, chính quyền không biết hay làm ngơ?

Dòng nước đen trên sông Sa Lung, chụp sáng 19 Tháng Mười, 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đó là một câu hỏi rất khó cho chính quyền, nếu trả lời “không biết” là vô trách nhiệm, còn nếu gán tội “biết mà làm ngơ” thì không khác nói chính quyền nhận hối lộ?

Thế mà vị quan đầu tỉnh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng lại truy vấn các ngành tại sao không phát hiện ô nhiễm, đã làm hết trách nhiệm để tìm và xử lý nguồn xả thải trên sông Sa Lung chưa?

Chẳng hiểu trách nhiệm và uy tín của ông có còn không, khi cán bộ cấp dưới không báo cáo cho ông biết, đến nỗi ông phải đặt câu hỏi: “Ô nhiễm sông Sa Lung nhiều năm không phát hiện ra hay chính quyền làm ngơ?”

Trong phiên họp tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Sa Lung vào chiều 23 Tháng Mười, chẳng cán bộ có trách nhiệm nào dám trả lời thẳng vấn đề ông Hưng đặt ra. Chắc họ sợ “đụng chạm” đến một số cơ sở kinh doanh xả thẳng nước thải ra sông Sa Lung.

Ông Nguyễn Trường Khoa – giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – khẳng định nước sông Sa Lung ô nhiễm. “Chất lượng nước sông Sa Lung có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Mùi hôi có, nước sông đen nhưng nguồn gốc ô nhiễm vẫn cần thời gian để điều tra”, ông Khoa trình bày.

Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị xả thải ra môi trường, Tháng Chín, 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Khoa cho hay thượng nguồn sông Sa Lung có ba công ty và một số cơ sở chăn nuôi heo xả thẳng ra sông. Trong ba cơ sở chăn nuôi này, vào Tháng Chín vừa qua Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị bị người dân phát hiện xả thải ra môi trường, đã bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng.

Điều đáng nói là họ đã xả thải trong thời gian rất dài mới bị người dân phát hiện, còn những người có trách nhiệm thì hoàn toàn không biết. Ông Khoa cho rằng “thanh tra các công ty lúc nào cũng ngon hết. Có những lúc kiểm tra đột xuất nhưng không phát hiện xả thải”.

Về hậu quả ô nhiễm, ông Nguyễn Hữu Vinh – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin người nuôi tôm dọc sông chịu thiệt hại lớn, thông số coliform vượt mấy ngàn lần.

Ông Trần Văn Chung vẫn chưa hết xót xa vì vụ tôm thất bát do ô nhiễm nước sông Sa Lung vào Tháng Chín, 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo ông Trần Văn Lưu – 70 tuổi, ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn – hai năm trở lại đây tôm càng nuôi càng lỗ vì bị chết bất thường không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, vụ tôm hè 2023 ông lỗ trắng tay. Tháng 5-2023, ông Lưu mua 35 triệu tiền giống thả trong hai hồ. Sau 20 ngày, tôm chết sạch.

Nghĩ dịch bệnh bất thường, ông cải tạo hồ, bơm nước Sa Lung vào, đến Tháng Bảy ông Lưu thả đợt giống khác thì cũng chết sạch với chung biểu hiện. Chỉ trong vòng ba tháng, ông mất trắng 250 triệu đồng tiền giống, thức ăn, vật tư và nhân công.

Gần đó, ông Trần Văn Chung – 53 tuổi, thôn Phan Hiền – có hồ nuôi tôm công nghệ rộng 3ha. Tuy nhiên nguồn nước ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Vụ tôm vừa rồi, ông Chung dự kiến sản lượng là 10 tấn nhưng thực tế chỉ thu hoạch được 700kg. “Cả nhà thất thần, mất hơn 90% sản lượng”, ông Chung nói.

Sắp đến vụ tôm mới, nhiều hộ nuôi vẫn không tin tưởng chất lượng nước sông Sa Lung để thả giống – Ảnh: Tuổi Trẻ

Phát hiện nước sông Sa Lung ô nhiễm, Tháng Chín, 619 hộ nuôi tôm thuộc 5 tổ nuôi tôm cộng đồng tại xã Vĩnh Sơn và Hiền Thành đồng loạt gửi đơn kêu cứu, phản ánh việc xả thải trái phép ra sông Sa Lung của các nhà máy ở thượng nguồn.

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, trong vụ tôm hè 2023, toàn huyện có 260ha tôm chết ở các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Giang, do ô nhiễm nguồn nước, nắng nóng kéo dài… Hỏi tại sao nước sông ô nhiễm, cơ sở nào xả thải đầu độc nguồn nước,… thì chẳng lãnh đạo nào biết cả.

Điều khá mỉa mai là ông Võ Văn Dũng – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường – phát biểu: Từ khi cá chết trên sông Sa Lung năm 2018, đơn vị xác định đây là điểm nóng để quan trắc, giám sát nhưng từ chỗ phát hiện đến tìm cho ra nguồn xả thải thì khó quá (?!)

Ngay cả Thượng tá Bùi Huy Điểu – phó Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị – cũng khẳng định đơn vị đã triển khai các biện pháp trinh sát dọc sông nhưng khó phát hiện hành vi sai phạm.

Cuối cùng, ông chủ tịch tỉnh Quảng Trị chỉ biết đề nghị các ngành kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên môi trường, nguồn nước và nhất là sông Sa Lung, thanh tra, kiểm tra hồ sơ các công ty, hướng đến quan trắc tự động, đồng thời đề nghị công an điều tra mạnh mẽ hơn nữa. Ông Hưng kết luận:

“Phải làm cho sông sạch hơn, trong hơn, sau vài năm có thể tắm trở lại. Chúng ta phải lắng nghe nhân dân. Dân là tai mắt, họ phát hiện ô nhiễm nhanh lắm”.

Người dân nghe ông Hưng nói xong chỉ biết cười nhạt. Họ đã từng làm nhiều đơn tố cáo những cơ sở xả thải ra sông Sa Lung, nhưng chẳng lãnh đạo nào giải quyết đến nơi đến chốn cả. Họ chỉ tổ chức những buổi kiểm tra cơ sở như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, phạt cho có hoặc kết luận “không đủ yếu tố xác định cơ sở xả thải ra môi trường”, rồi bên kiểm tra và bên bị kiểm tra cùng bắt tay nhau đi… “liên hoan”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: