Chuyện lạ Cà Mau: Trừ lương phó chủ tịch xã cho tới năm… 2076 để trả nợ!

Con dấu của UBND xã Khánh Bình Đông và chữ ký của ông Đạt trong giấy cầm cố nhà và đất – Ảnh: Thanh Niên

Năm nay ông Cao Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) 51 tuổi. Để trả hết nợ theo thỏa thuận, ông phải mất đến 53 năm, tức là ông phải sống và làm việc đến năm 104 tuổi mới trả hết nợ!

Chuyện lạ có thật này vừa xảy ra ở Cà Mau, và thỏa thuận đó đã được Chi cục thi hành án dân sự (THADS) H.Trần Văn Thời (Cà Mau) và ông Cao Văn Đạt xác nhận.

Chuyện lạ đó xảy ra rất bình thường như thế này:

Ông Đạt có căn nhà chính sách và đất của bà nội vợ ông. Tức là ông không đứng tên. Ngoài tiền lương phó chủ tịch xã 6.6 triệu đồng mỗi tháng, ông không có tài sản gì, và cũng không đứng tên (giùm ai) bất kỳ tài sản nào.

Tóm lại, ông Đạt đúng là thuộc giai cấp vô sản, giai cấp tiên phong của Đảng CSVN. Vậy mà ông vẫn “nuôi vợ nuôi con” được. Thế mới “ngon”!

Căn nhà vợ chồng ông Đạt đang ở được bà vợ ông là Trần Thảo Sương đứng tên. Ngày 18 Tháng Hai năm 2020, ông Đạt cùng bà Sương cùng ký giấy cầm cố căn nhà này cho bà Nguyễn Thị Kim và bà Thái Thị Xuyên số tiền 550 triệu đồng, lãi suất 1%/tháng. Thời gian cầm cố 6 năm, mỗi năm trả tiền một lần (90 triệu đồng – PV). Nếu trong 6 năm, vợ chồng ông Đạt không trả đủ vốn, lãi thì bà Kim và bà Xuyên được quyền lấy căn nhà, đất (ngang 5m, dài 29m) của vợ chồng ông Đạt.

Tờ giấy cầm cố tuy được viết tay nhưng lại có mộc đỏ của ông Phó chủ tịch Cao Văn Đạt, như một sự bảo chứng về mặt chính quyền (đương nhiên bảo chứng luôn về mặt đảng).

Tuy nhiên, giấy cầm cố ghi như thế, nhưng thực tế, vợ chồng ông Đạt không đóng một đồng lời nào, và cũng chưa trả vốn một xu nào cho chủ nợ.

Qua năm 2021, bà Sương mất, ông Đạt tiếp tục “lơ” luôn vụ cầm cố nhà, nên bà Kim và bà Xuyên làm đơn kiện ông Đạt, là người thừa kế của bà Sương, nên phải có trách nhiệm trả nợ.

Đến lúc này thì “giai cấp vô sản” trở mặt.

Tại phiên tòa, ông Đạt thừa nhận chữ ký của ông nhưng ông không chấp nhận về nội dung, khi trực hành chính cũng ký khá nhiều hồ sơ nên thiếu kiểm tra. Ông cho rằng, ông ký là chức danh công tác chứ không phải tư cách cá nhân đứng ra cầm cố nên không đồng ý trả khoản vay theo yêu cầu của nguyên đơn.

Rồi tại biên bản làm việc với TAND H.Trần Văn Thời ngày 9 Tháng Năm 2022, ông Đạt thừa nhận chữ ký trong giấy cầm cố nhà và đất là do ông ký, nhưng ông không biết nội dung, việc ký do sai sót trong khâu kiểm tra.

Trong những lần xét xử khác, ông Đạt đều cho rằng vợ ông vay tiền nhưng ông không biết vì không có ai thông báo về khoản nợ trên. Vợ ông vay tiền cũng không nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình nên ông không đồng ý trả nợ.

Cãi qua cãi lại từ năm ngoái đến Tháng Mười năm nay, tòa án mới “kết” được vụ án này và giao cho Chi cục thi hành án dân sự (THADS) huyện Trần Văn Thời làm việc với ông Đạt để bàn về phương án trả nợ số tiền 726 triệu đồng cho chủ nợ. Đồng thời, kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hằng tháng ông Đạt phải chịu khoản tiền lãi chậm trả tương ứng số tiền và thời gian chậm.

Qua làm việc với Chi cục THADS huyện Trần Văn Thời, ông Đạt đồng ý cho khấu trừ 30% lương thực nhận của mình, tương đương số tiền 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, ông Đạt phải trừ lương hơn 53 năm để thi hành án và đóng án phí.

Bên chủ nợ chưa kịp buồn thì được đại diện Chi cục THADS H.Trần Văn Thời cho biết, đơn vị đang khấu trừ lương của ông Đạt để thu trước phần án phí với số tiền hơn 56 triệu đồng, khi nào thu xong sẽ chia tỷ lệ cho các bản án mà ông phải thi hành.

Có thể bên chủ nợ sẽ phải chờ đến “Tết Congo” mới nhận được chút đỉnh món nợ cầm cố này. Mà cũng chưa chắc, vì họ có thể chết trước ông Đạt, nên món nợ khó đòi này sẽ được giải quyết ở thế giới bên kia.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: