Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 68 tuổi, vừa chết vào sáng sớm Thứ Sáu 27 Tháng Mười (giờ địa phương) sau khi bị suy tim – truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Tân Hoa Xã thông báo ngắn gọn rằng Lý Khắc Cường, người giữ chức thủ tướng suốt một thập niên cho đến Tháng Ba, đang ở Thượng Hải thì bị đau tim đột ngột vào Thứ Năm, và qua đời ngay sau nửa đêm, sau khi “mọi nỗ lực cứu chữa thất bại”.
Lý Khắc Cường là quan chức số hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2022. Sinh ngày 1 Tháng Bảy 1955, Lý Khắc Cường bước vào con đường chính trị khi trở thành một quan chức cấp huyện tại An Huy, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Lý Khắc Cường sau đó vào đại học, lấy bằng luật và kinh tế, trở thành nhân vật trí thức hiếm hoi trong bộ máy đảng.
Lý được phe Hồ Cẩm Đào, người lãnh đạo Đảng Cộng sản trong thập niên đầu tiên những năm 2000, đưa lên đỉnh quyền lực. Năm 2007, Lý được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, và được coi là người có khả năng kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, trong cuộc cải tổ lãnh đạo vào năm 2012, Lý Khắc Cường “đánh” không lại Tập Cận Bình. Cuối cùng, Đảng chọn Tập vào ghế tổng bí thư và sau đó là chủ tịch nước trong khi Lý trở thành thủ tướng.
Như Thủ tướng Chu Ân Lai thời Mao Trạch Đông, Lý Khắc Cường có trình độ học vấn vượt trội và năng lực trong các vấn đề đối nội lẫn quốc tế. Lý Khắc Cường thậm chí có thể đàm đạo bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, Tập Cận Bình là một tay bảo thủ và độc tài. Tự khẳng định mình là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Trung Quốc kể từ thời Mao, Tập Cận Bình củng cố quyền lực bằng cách đảm nhận trách nhiệm cá nhân đối với hầu hết vấn đề nội chính, kể cả kinh tế. Lý Khắc Cường bị cho ra rìa. Dần dần, Lý trở thành cái gai của Tập, đặc biệt nhiều lần Lý không lặp lại những khẩu hiệu chính trị mà Tập đề xuất hoặc có vẻ mâu thuẫn với những gì Tập cổ xúy.
Được xem là thủ tướng theo khuynh hướng kỹ trị, Lý Khắc Cường từng cam kết “giải quyết các thủ tục vô nghĩa, quan liêu”. Một trong những thành tựu của Lý là giảm thời gian đăng ký kinh doanh ở Trung Quốc xuống dưới 10 ngày (tính đến thời điểm ông rời nhiệm sở), từ gần 35 ngày (khi ông mới bắt đầu ngồi ghế thủ tướng) – theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, các chính sách siết cổ doanh nhân của Tập đã làm suy yếu những gì Lý Khắc Cường đạt được.
Mối quan hệ của Lý Khắc Cường với các nhà hoạt động dân chủ tại nhiều trường đại học từng khiến giới quan sát hy vọng rằng ông sẽ thay đổi hệ thống chuyên quyền của Trung Quốc từ bên trong. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Lý Khắc Cường cũng là một trong những nhân vật chính trị chóp bu hiếm hoi dám bày tỏ hoài nghi công khai về số liệu thống kê của Trung Quốc, vốn nổi tiếng thế giới là toàn số liệu bịp.
Theo bức điện bị rò rỉ của đại sứ Hoa Kỳ, Lý Khắc Cường nói rằng ông đã theo dõi mức tiêu thụ điện, khối lượng hàng hóa đường sắt và việc phân bổ các khoản vay của Trung Quốc; và tất cả cho thấy rằng “các số liệu về tổng sản phẩm quốc nội đều được ngụy tạo”. Năm 2007, Lý Khắc Cường nói với Đại sứ Hoa Kỳ Clark Randt rằng dữ liệu kinh tế do chính phủ công bố là “không đáng tin cậy”. Đó là gáo nước lạnh tạt vào mặt đảng cộng sản Trung Quốc, khi Bộ Chính trị Trung Quốc luôn tự hào những con số GDP bóng lộn được đánh bóng định kỳ.
Năm 2020, khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, Lý Khắc Cường nói trong một bài phát biểu rằng 600 triệu người ở Trung Quốc kiếm được ít hơn $140 mỗi tháng. Những phát biểu thẳng và thật như vậy đã gây ít nhiều phẫn nộ trong xã hội Trung Quốc trước tình trạng bất bình đẳng, bất chấp chiến dịch xóa đói giảm nghèo và bất chấp bộ máy tuyên truyền chính phủ ra rả ca ngợi những thành tựu kinh tế mang lại sự thịnh vượng quốc gia. Lý Khắc Cường cũng khéo léo phản đối chính sách zero-Covid của chính phủ Bắc Kinh. Trong thời kỳ đại dịch, Lý Khắc Cường kêu gọi “cân bằng” giữa việc chống dịch bệnh với phát triển kinh tế.
Trong chuyến thăm Thâm Quyến 2022 tưởng nhớ Đặng Tiểu Bình, Lý Khắc Cường nhắc lại “những thay đổi chấn động” mang lại cho Trung Quốc nhờ việc mở cửa với thế giới và nhấn mạnh rằng cải cách phải tiếp tục. Cách nói này rõ ràng ám chỉ đường lối điều hành quốc gia cực đoan của Tập Cận Bình. “Việc mở cửa của Trung Quốc phải tiếp tục phát triển. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử không thể chảy ngược”, Lý nói.