Nói thẳng: Đó là nước Nga mà đứng đầu là Putin đang ngậm máu người Ukraine phun vào Do Thái. Cả thế giới biết Putin đang xâm lược Ukraine tới nay đã gần hai năm và vẫn còn tấn công và giết người Ukraine không ngưng nghỉ, nhưng khi Do Thái cô lập Dải Gaza nhằm tiêu diệt bọn khủng bố Hamas thì Nga cùng những nước trong khối Hồi giáo ầm ầm lên tiếng chống đối vì cho rằng Do Thái đang giết người dân Palestine!
Và cả thế giới đều biết Liên Hiệp Quốc ngậm bồ hòn làm ngọt khi không ra một nghị quyết lên án hành động xâm lăng của Nga trước Ukraine, một thành viên khác của Liên Hiệp Quốc.
Cách hành xử này không lạ. Nó đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam và suốt cuộc đấu tranh giành độc lập của Do Thái từ năm 1948 khi nước này từ khắp thế giới trở về gây dựng lại đất nước mà họ bị buộc phải rời đi sống cuộc đời lầm than kéo dài nhiều thế kỷ. Cuộc đấu tranh trường kỳ ngay cả quốc gia này đã thành hình vẫn bị những kẻ quá khích, cực đoan đòi tiêu diệt và biến cố ngày 7 Tháng Mười 2023 chắc chắn là vết thương khó lành của người Do Thái.
Cách mà Do Thái phản ứng trước cuộc xâm lăng nhằm tiêu diệt dân tộc mình đối với Hamas là có thể hiểu được. Đó là “tit for tat”, ăn miếng trả miếng, hay “mắt trả mắt, răng trả răng”. Bởi họ biết rằng không đánh trả một cách cực đoan như vậy thì dân tộc của họ sẽ bị tiêu diệt.
Tổ chức khủng bố Hamas dội mưa hỏa tiễn vào Israel làm người Việt liên tưởng tới cuộc chiến trước năm 1975 khi Bắc Việt thường xuyên pháo kích tấn công miền Nam. Nhiều trái đạn ấy rơi vào vùng dân cư hơn là khu quân sự. Không phải họ pháo kích lầm vì những đơn vị tiền tiêu Bắc Việt nằm đầy tại Miền Nam và việc lấy tọa độ một đơn vị quân sự không bao giờ là khó đối với họ. Thế nhưng, nếu pháo kích vào khu quân sự thì gần như ngay lập tức sẽ bị quân đội VNCH phản pháo. Vì vậy họ chọn khu đông dân cư để dội pháo lên đầu người dân vừa không bị phát hiện vừa gây tiếng vang về sự hiện diện của quân đội giải phóng.
Vụ pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy ngày 9 Tháng Ba 1974 giết chết 32 em học sinh và 55 học sinh khác bị thương là điển hình. Trước đó, năm 1972, cộng quân pháo kích vào trường tiểu học cộng đồng Song Phú, quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long giết chết nhiều em học sinh khác. Thế nhưng, hai vụ pháo kích này bị truyền thông thiên tả của Mỹ đặt dấu hỏi về tính “trung thực”. Thậm chí không ít nhà báo viết rằng chính quyền VNCH đã dàn dựng vụ việc để đổ tội lên đầu cộng quân Bắc Việt.
Những cái chết từ các vụ thảm sát khủng bố trong Mậu Thân 1968, trong vụ tàn sát tại làng Tân Hiệp, Xuân Lộc 1975 và còn nhiều nữa đều được những kẻ khuynh tả cho là cuộc chiến đấu “giành độc lập”. Họ phớt lờ đi tất cả bằng chứng và tiếp tục biện hộ cho hành vi giết người man rợ nhân danh cuộc đấu tranh giành độc lập. Cờ chính nghĩa được trao vào tay những kẻ giết người. “Tòa án lương tâm” được dựng lên trên những xác người dân vô tội. Trong khi những giải khăn tang phủ trắng miền Nam bởi đạn miền Bắc thì miền Nam lại bị qui kết như thể chỉ họ mới là kẻ đáng bị nguyền rủa nhất trong cuộc chiến!
Bây giờ thì Palestine và Hamas.
Đừng ngạc nhiên khi đọc tin nhiều người Mỹ kéo nhau biểu tình tại New York phản đối Israel và chống lại hành động cô lập Dải Gaza; và cũng đừng ngạc nhiên khi hàng trăm “trí thức” đặt bút ký vào bản chống đối lên án Do Thái, trong đó có vị giáo sư khả kính Nguyễn Thanh Việt, nếu bạn từng biết đến phong trào phản chiến trải rộng trên khắp nước Mỹ và miền Nam Việt Nam.
Những người từng sống ở miền Nam trước 1975 chẳng ai lạ gì những trí thức tả khuynh cũng như giới văn nghệ sĩ phản chiến ở Mỹ giai đoạn 1970. Những “tiếng trống lương tri” vang dội của họ đã góp phần dẫn đến cuộc rút quân của quân đội Mỹ, cùng lúc mở đường cho cộng sản tràn vào miền Nam. Điều đáng nói là thái độ của họ thời hậu chiến. Sau 1975, miền Nam bị nghiền tan nát. Thế nhưng, lạ thay, chẳng ai nghe “tiếng trống lương tri” nữa. Hay là “lương tri” của họ không còn?
Người ta có quyền kêu gọi Do Thái xem xét lại cách họ trả thù nhưng nếu vậy thì không thể không lên án việc Hamas dùng búa bửa củi đánh vỡ sọ thường dân Israel trong cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười. Và một lần nữa, lại không thấy lương tri của bất kỳ trí thức nào đả động cuộc thảm sát man rợ của lính Nga tại Bucha (Ukraine) vào đầu năm 2022.
Ngày 1 Tháng Tư 2022, sau khi quân Nga rút đi, 458 thi thể thường dân Ukraine đã được phát hiện, trong đó có chín thiếu niên/trẻ em dưới 18 tuổi. Điều tra của Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết có nhiều trường hợp nạn nhân bị trói ngược tay và bị giết tập thể – một hình ảnh tương tự cảnh tượng ghê rợn ở Huế sau khi cộng quân Bắc Việt rút đi hồi Mậu Thân 1968. Không thấy “trí thức có lương tri” nào chỉ trích những điều đó và đồng lòng ký vào “thư ngỏ lên án”, theo cách như họ phẫn nộ trước tấm ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan nã súng vào tên Việt Cộng Bảy Lốp sau khi hắn bắn giết gia đình một sĩ quan VNCH.
Những gì mà “lương tri” một lần nữa được gióng lên lần này – từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine đến cuộc xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông – nghe giống tiếng phèng la trên một sân khấu, với những nhân vật chánh tà lẫn lộn, và mỗi nhân vật đều có nhóm khán giả riêng vỗ tay ủng hộ cuồng nhiệt.
Nhưng mà, cần biết rằng, thế giới ngày nay đã khác rất nhiều so với thời 1970, so với thời cuộc chiến Việt Nam. Người ta có nhiều phương tiện hơn để tự nhìn thấy sự thật, thứ sự thật không bị bịt một mắt và được kể từ một phía. Diễn một màn khóc bây giờ không còn đơn giản, một khi khán giả có thể thấy rõ mồn một cái tiêu chuẩn kép trong sự xúc động của một hình hài vật vạ méo mó trong vai trí thức.