Gần đây, nhiều ngân hàng rao bán tài sản thế chấp – từ nhà máy đến dự án, và nhiều tài sản khác – để thu hồi nợ, nhưng kết quả nhận được chỉ là một con số âm.
Có những tài sản điều chỉnh giá bán tới… 14 lần, nhưng vẫn không “dụ” được ai!
Thí dụ như Ngân hàng BIDV rao bán đấu giá lần thứ 6 nhà máy xi măng ở Khu công nghiệp Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để thu hồi nợ. Đây là tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC.
Nhà máy này có diện tích đất rộng 10,000m2 kèm tài sản trên đất gồm nhà văn phòng; nhà kho clinken; nhà kho xi măng; nhà nghiền xi măng; máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Giá chào bán là 28.2 tỷ đồng.
Mới đây, BIDV tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hơn 1,130m2 có thời hạn sử dụng đến tháng 7-2058. Mục đích khu đất này là xây thương mại, dịch vụ ở phường 12, quận 6, Sài Gòn. Giá khởi điểm hơn 72,8 tỷ đồng. Đây là tài sản được rao bán tới 14 lần, mà không một “đại gia” bất động sản nào chịu để mắt tới.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm tài sản thế chấp mà BIDV đang phải “ôm cứng”, không có cách nào “nhả” ra được, kể cả những bất động sản có giá khởi điểm rất thấp, chỉ từ vài tỷ đồng.
Mới đây nhất, Agribank cũng rao bán đấu giá 11 căn nhà ở TP Hội An, trong đó nhiều căn nằm ở khu phố cổ, giá khởi điểm từ 8.5 tỷ đồng, căn có giá cao nhất gần 72 tỷ đồng.
Đây đều là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank chi nhánh Bắc TP.HCM, trong ba năm từ 2016 đến 2018
VietinBank rao bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của Công ty TNHH Hải Hương tại VietinBank Hà Nam là thửa đất rộng 286m2 kèm tài sản trên đất là nhà ở và công trình phụ trợ tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Giá khởi điểm được chào bán là hơn 9,5 tỷ đồng.
VietinBank cũng thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp 769.7m2 đất ở đô thị tại phường Thạnh Lộc, quận 12, Sài Gòn với giá khởi điểm: 31.8 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm như hiện nay, thị trường địa ốc đóng băng ở nhiều nước nên ở Việt Nam chịu chung cảnh ngộ cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc các ngân hàng không thể “bán tháo” tài sản thế chấp để thu hồi nợ, cắt lỗ cũng khiến dư luận một lần nữa đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch trong các thương vụ thế chấp này.
Một chuyên gia địa ốc nhận định: “Trước đây, các ngân hàng ‘bắt tay’ với chủ đất nâng giá trị tài sản thế chấp lên (thậm chí gấp 10 lần) để được vay quá giá trị thực của tài sản đó. Thế nên giờ này, cho dù họ có giảm giá 50-60% chăng nữa, giá vẫn cao hơn giá trị thực của tài sản này. Thế thì ai dám mua?”