Đám tang của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã được tổ chức ngày 2 Tháng Mười Một 2023 trong không khí an ninh thắt chặt gần như nghẹt thở. Dù báo chí Trung Quốc được lệnh giảm thiểu tối đa những bài viết về Lý Khắc Cường nhưng thái độ người dân vẫn công khai thể hiện sự tưởng nhớ.
Đài truyền hình nhà nước CCTV chiếu cảnh Tập Cận Bình, cùng vợ (Bành Lệ Viện), cúi đầu trước thi thể Lý Khắc Cường được phủ cờ đảng. Theo sau là sáu thành viên Thường vụ Bộ Chính trị. Tân Hoa Xã đăng cáo phó không thể ngắn hơn: “Lý Khắc Cường là một đảng viên cộng sản kiên trung, một người lính cộng sản trung thành được thử thách qua thời gian, đồng thời là một nhà cách mạng vô sản, một chính khách và nhà lãnh đạo đảng và nhà nước xuất sắc”.
Lý Khắc Cường được cho là qua đời vì “một cơn đau tim” vào ngày 27 Tháng Mười, chỉ vài tháng sau khi rời ghế thủ tướng. Không như truyền thống cộng sản Trung Quốc trong việc tổ chức tang lễ nhà nước cho viên chức cấp cao, tất cả những gì liên quan chương trình lễ tang Lý Khắc Cường đều không được công bố, ngoài một thông báo ngắn gọn ghi rằng Lý Khắc Cường sẽ được hỏa táng tại Bắc Kinh và cờ rũ sẽ được treo khắp Trung Quốc để tưởng nhớ sự ra đi của “một nhà lãnh đạo phi thường”. Vụ việc khiến người ta nhớ lại cách mà Bắc Kinh thể hiện với lễ tang của cựu Thủ tướng Lý Bằng vào năm 2019.
Chỉ vài giờ sau khi có thông báo chính thức về cái chết của Lý Khắc Cường vào Thứ Sáu tuần trước, bộ máy kiểm duyệt khắc nghiệt của Trung Quốc bắt đầu hoạt động hết công suất. Những thông tin liên quan thành tích trong sự nghiệp Lý được lọc và xóa khỏi không gian mạng. Tất cả mạng xã hội tuyệt đối không được để người sử dụng đăng tải những ý kiến ca ngợi Lý.
______________
Không chỉ kiểm duyệt ý kiến lẫn lời bình luận, các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc thậm chí còn chặn tìm kiếm bản tình ca “Khả tích bất thị nễ” (可惜不是你 – Unfortunately, It’s Not You) của ca sĩ Malaysia Fish Leong (Lương Tĩnh Như, 梁靜茹)– ca khúc vốn rất phổ biến đối với dân mạng Trung Quốc mỗi khi một nhà lãnh đạo hàng đầu qua đời. Tựa ca khúc được dân mạng Trung Quốc dùng để mỉa mai rằng, thật không may, cái loại người đáng chết (như Tập Cận Bình chẳng hạn) thì sao không chết quách đi. Bộ máy kiểm duyệt trực tuyến thậm chí còn xóa lời chia buồn của Tổng thống Joe Biden về cái chết của Lý Khắc Cường.
______________
Tuy nhiên, không thể hiện được trên mạng, một số người Trung Quốc đã bày tỏ công khai trong đời thực. Hàng ngàn người Trung Quốc đã xếp hàng bên ngoài ngôi nhà thời thơ ấu của Lý Khắc Cường ở Hợp Phì, tỉnh An Huy để tỏ lòng thành kính người quá cố. Họ đặt những bó cúc vàng và trắng tại các đài tưởng niệm dựng tạm và chép lại những câu nói phổ biến của Lý Khắc Cường trên những tờ giấy dán. Cảnh tượng tương tự cũng được thấy tại các không gian công cộng ở nhiều thành phố khác, như Thâm Quyến và Thành Đô.
Trước nhà tang lễ ở Bắc Kinh, công an chìm mặc thường phục đứng dày đặc. Cảnh sát chặn nhiều con đường. Gần nghĩa trang, nơi tổ chức tang lễ cấp nhà nước và chôn cất nhiều lãnh đạo cấp cao, an ninh Trung Quốc đầy nghẹt. Tuy nhiên, một rừng camera điện thoại đã giơ lên khi đoàn xe tang đi ngang. Tất cả cho thấy không chỉ thái độ của người dân đối với cá nhân Lý Khắc Cường mà còn cho thấy sự bất mãn của họ đối với Tập Cận Bình. Cách người dân Trung Quốc công khai bày tỏ tưởng nhớ Lý Khắc Cường chẳng khác gì một cuộc bỏ phiếu phổ thông cho việc chấm điểm tín nhiệm đối với Tập Cận Bình.
Lý Khắc Cường được xem là nhà lãnh đạo kỹ trị, ủng hộ doanh nghiệp tư nhân, mong muốn thực hiện cải cách theo định hướng thị trường. Một số nhân vật trí thức nhắc nhớ đến Lý Khắc Cường khi còn là sinh viên luật Đại học Bắc Kinh đã quan tâm đến hệ thống pháp luật phương Tây và đã giúp dịch cuốn pháp quyền của Lord Denning, một thẩm phán người Anh. Tuy nhiên, thời ngồi ghế thủ tướng, Lý Khắc Cường trở thành bù nhìn, trong giai đoạn mà cái bóng Tập Cận Bình phủ rộng từ nội chính đến đối ngoại. Lý Khắc Cường bị loại khỏi Thường vụ Bộ Chính trị vào Tháng Mười 2022 và rời ghế thủ tướng vào Tháng Ba 2023, dù hai năm nữa mới đến độ tuổi nghỉ hưu không chính thức (70 tuổi).
Tại Đại hội đảng 2022, Tập Cận Bình tự trao cho mình nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba với tư cách là lãnh tụ tối cao của đảng. Cũng trong kỳ Đại hội đảng này, Tập Cận Bình tống khứ tất cả gương mặt nào được xem là cái gai trong mắt mình và đưa vào hệ thống lãnh đạo chóp bu toàn người trung thành. Vị trí số hai được trao cho Lý Cường, bí thư thành ủy Thượng Hải, người hoàn toàn thiếu kinh nghiệm điều hành cấp quốc gia như Lý Khắc Cường.
Một thập niên của Lý trên cương vị thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2023 là giai đoạn chứng kiến việc Đảng Cộng sản Trung Quốc điên cuồng đập phá một cách có hệ thống các cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực, đập tan nát chế độ pháp quyền để thay thế bằng mô hình “quản trị quốc gia dựa trên pháp luật” theo phiên bản Tập Cận Bình.
Dưới sự áp chế của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường được coi là một trong những thủ tướng yếu nhất lịch sử chế độ cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, những viễn kiến của Lý Khắc Cường và những giấc mơ bất thành của ông trong việc kiến thiết quốc gia đã được không ít người dân nhìn thấy, đặc biệt giới tinh hoa.
Với nhiều người, Lý Khắc Cường là đại diện hiếm hoi những người lãnh đạo ít bị chi phối bởi hệ tư tưởng, ít độc tài, tập trung theo đuổi cải cách thị trường, và kết nối với thế giới bên ngoài. Hình ảnh Lý Khắc Cường tương phản với Tập Cận Bình – kẻ áp dụng chính sách kiểm soát ý thức hệ và thu hẹp quyền con người, với sự tự do bị tống vào nhà ngục không chấn song và chính trường đầy mùi “gió tanh mưa máu” thanh trừng như thời phong kiến.
Trong những năm Lý Khắc Cường ngồi ghế thủ tướng, người dân Trung Quốc quen với việc thấy Lý Khắc Cường trong những thời điểm khó khăn và bi kịch. Ông là quan chức cấp cao nhất của đảng thường luôn có mặt để chia buồn với những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, động đất hay đại dịch. Khi Covid-19 bùng nổ ở thành phố Vũ Hán đầu năm 2020, Lý Khắc Cường thân chinh đến tận nơi, gần hai tháng trước khi cá nhân Tập kinh lý Vũ Hán, ở thời điểm mà dịch bệnh đã được kiểm soát.
Trong một video từng được lan truyền rộng – và được chia sẻ lại những ngày gần đây – người ta thấy Lý Khắc Cường, không đeo khẩu trang, xuất hiện tại một trường đại học ở tỉnh Vân Nam vào Tháng Năm 2022, thời điểm mà nhiều chính quyền địa phương thắt chặt các hạn chế zero-Covid theo lệnh Tập Cận Bình. Chia tay đám đông sinh viên, Lý Khắc Cường chúc họ may mắn và tìm được việc trong tương lai. Với nhiều sinh viên, đó là một lời động viên tinh thần lớn, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng kỷ lục. Trong khi đó, Tập Cận Bình nhắc đi nhắc lại “lời khuyên” rằng, giới trẻ hãy từ bỏ lối sống ăn sung mặc sướng, phải biết lao động, vì lao động là vinh quang.
Cái chết của Lý Khắc Cường không thể dẫn đến biến động chính trị nào như cái chết của Hồ Diệu Bang năm 1989. Bộ máy kiểm duyệt giờ đây tiếp tục lọc, chặn và xóa những hình ảnh người dân than khóc tiễn đưa Lý. Hác Quần (Hao Qun, 郝群), một nhà văn Trung Quốc lưu vong có bút danh Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun, 慕容 雪村), nói rằng nhiều người Trung Quốc coi Lý như một “hình ảnh phản chiếu” của chính họ, khi so sánh cuộc sống bị đàn áp của chính họ dưới sự cai trị chuyên quyền của Tập với sự tồn tại “nhục nhã” của Lý trong tư cách là một thủ tướng không có thực quyền. “Khi họ thương tiếc Lý Khắc Cường, họ cũng đang thương tiếc chính mình” – Mộ Dung Tuyết Thôn nói.