Đà Lạt không còn ngày tháng cũ

Đà Lạt của những ngày chưa bị sạt lở – ảnh chụp sáng sớm một ngày cuối Tháng Ba 2022 ở hồ Tuyền Lâm – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Kể từ khi bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbiang hồi năm 1893 và thuyết phục Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, xây dựng nơi nghỉ dưỡng ở đây, thành phố Đà Lạt dần dần được hình thành.

Vùng đất này dưới thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ xảy ra ngập nước và bị sạt lở. Vậy mà chỉ trong vòng vài tháng nay, Đà Lạt – Lâm Đồng liên tục bị ngập nước và sạt lở đất đến nỗi gây chết người, chỉ sau những trận mưa.

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, thành phố thơ mộng hay mộng mơ, có khí hậu ôn hòa dễ chịu, đem đến cho con người những rung cảm tích cực đối với cuộc sống trong suốt 130 năm qua.

Bỗng đâu, phe nhà nước và kể cả phe dân “nổi trận” khuấy động Đà Lạt – Lâm Đồng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, biến vùng đất mát lạnh bạt ngàn rừng thông trở thành bình địa, ngổn ngang những khu vui chơi có kiến trúc hổ lốn và những tòa cao ốc vô hồn.

Hoa lồng đèn mọc dại bên đường ở TP.Đà Lạt, một vẻ đẹp thu hút du khách của Đà Lạt – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Phá bỏ quy tắc về chiều cao tối đa của tòa nhà, UBND tỉnh cấp giấy phép xây dựng tràn lan

Tại Đà Lạt từ xưa đến nay, trong xây dựng có một quy tắc: Chiều cao của một tòa nhà được xác định không được vượt quá ngọn thông, tiêu biểu là các chung cư tại Đà Lạt đều xây không vượt quá năm tầng.

Thế nhưng Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng hiện đang phá bỏ quy tắc này.

Những ngày đầu Tháng Mười Một, báo mạng trong nước xôn xao với thông tin khách sạn Merperle Dalat Hotel (số 1 phường 10, Đà Lạt) cao chín tầng lầu, đã tự ý xây dựng với tổng diện tích sai phép, không phép gần 4,500 m2 (từ 8,800 m2 trong dự án lên đến 11,758 m2).

Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 6 Tháng Mười Một, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã biện minh rằng diện tích xây dựng lố của Merperle Dalat Hotel như báo chí nêu là chưa chính xác. Nguyên nhân do phóng viên cộng dồn diện tích các sàn vi phạm từ các số liệu trong thông báo của UBND TP. Đà Lạt gửi chủ đầu tư, nên diện tích sai phạm mới lên tới 4,500m2 (?)

Thực tế, theo ông Trung, khách sạn này chỉ vượt… 1,315m2 sàn tầng hầm 1 so với giấy phép xây dựng (?) Vì thế, chủ đầu tư đang hoàn thành hồ sơ thẩm định “thiết kế bổ sung” tại Bộ Xây dựng và khi hoàn thành các bước trên, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng sẽ tiến hành “cấp phép xây dựng bổ sung”!

Ai đời, công trình xây dựng vi phạm mà chủ đầu tư không bị đình chỉ thi công, không bị đập bỏ phần đã xây lố mà còn được “hứa hẹn” sẽ được “cấp phép xây dựng bổ sung”! Thiệt là nhân đạo (!)

Đà Lạt hút hồn du khách bằng khung cảnh tự nhiên như thế này – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Ngày 8 Tháng Mười Một, cộng đồng mạng lại một phen hỡi ơi cho Đà Lạt khi Tuổi Trẻ cho biết: “Tòa nhà khách sạn trong Đồi Cù Đà Lạt che tầm nhìn núi thiêng Langbiang”.

Tác giả bài viết mô tả: “Đứng từ hồ Xuân Hương, đặc biệt là vị trí quảng trường Lâm Viên (quảng trường trung tâm của Đà Lạt), tòa nhà bên trong sân golf Đồi Cù che gần như toàn bộ hai đỉnh núi thiêng Langbiang. Từ nội ô Đà Lạt, dù đứng ở góc nào, người dân cũng đều không thể thấy được 1/2 núi Langbiang như trước khi có tòa nhà này.

Điều đáng nói là nhìn từ hồ Xuân Hương, biểu tượng tháp ngôi sao của Trường đại học Đà Lạt cũng bị chắn hoàn toàn. Biểu tượng này rất quan trọng với người Đà Lạt, xuất hiện từ năm 1957, khi thành lập Viện đại học Đà Lạt (tiền thân Trường đại học Đà Lạt) và ăn sâu vào tâm thức…”.

Một người dân Đà Lạt là ông Đặng Trần Huỳnh Đức đã cảm thán: “Từ khi người ta khoanh vùng Đồi Cù rồi giao cho doanh nghiệp kinh doanh 30 năm trước là chúng tôi mất Đồi Cù. Mất đi một không gian công cộng đã gắn với nhiều thế hệ người Đà Lạt từ khi vùng đất này hình thành.

Giờ nhìn từ hồ Xuân Hương, tôi muốn trào nước mắt. Tôi và người Đà Lạt không chỉ mất mặt đất Đồi Cù mà mất luôn không gian bên trên, mất luôn hướng nhìn thoáng đãng. Đó là những gì cuối cùng còn sót lại và tôi không nghĩ sẽ mất đi ít nhất trong vài mươi năm tới”!

Làng Cù Lần (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) hồi Tháng Ba 2022, hiện đã bị đóng cửa vì mới xảy ra tai nạn nước lũ ập xuống suối làm lật xe Jeep, cuốn trôi bốn du khách Hàn Quốc và khiến họ thiệt mạng – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Còn một người nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook là ông Giang Dang viết: “Không ai phản đối xây dựng và phát triển. Nhưng oái ăm thay, những người chịu trách nhiệm cho xây dựng và phát triển luôn chọn phương án tệ nhất, thô bạo nhất cho cộng đồng, trong đó có họ và con cháu họ. 

Ở Đà Lạt, từ 30 năm trước, người dân Đà Lạt đã không còn được lên Đồi Cù (nó được biến thành sân golf).

Đến giờ thì một công trình lớn xây trên sân golf này khiến từ hồ Xuân Hương và quảng trường trung tâm, người ta không còn nhìn thấy hai đỉnh núi thiêng LangBiang được nữa.

Cũng từ hồ, tháp ngôi sao của Trường đại học Đà Lạt, một biểu tượng có từ gần 70 năm nay và đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, cũng bị chắn hoàn toàn.

Tóm lại, các điểm nhấn thị giác để tạo cảm giác nơi chốn, những kết nối với quá khứ để tạo cảm giác thuộc về, các giá trị văn hoá, giá trị phi vật thể để tạo nên bản sắc của một địa phương và qua đó, căn tính của con người, bị lạnh lùng xoá sổ một cách không thương tiếc”.

Mà ai đã nhẫn tâm làm điều này với vùng đất thơ mộng Đà Lạt? Đó là phe nhà nước, mà đại diện là Sở Xây dựng Lâm Đồng.

Rừng thông đã bị chặt bớt để mở rộng làn đường cho xe chạy và để… xả rác – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Báo Lâm Đồng online hồi Tháng Ba 2022 đã cho biết trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2025 có 16 công trình xây dựng trọng điểm tại tỉnh. Trong đó, ngoài bảy công trình đang xây dựng (khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng, đường Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, khu trung tâm Hòa Bình, dự án cấp – thu gom – xử lý nước thải tại TP. Bảo Lộc, khu du lịch hồ Đại Ninh, hồ Đông Thanh, hồ Kazam) thì còn có chín công trình sắp được đầu tư xây dựng, đó là:

Khu du lịch hồ Prenn; khu công nghiệp Phú Bình; xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh; dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp; khu du lịch núi Sa Pung – Bảo Lộc; xây dựng khu đô thị Liên Khương – Prenn; khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng; hồ Tà Hoét; đầu tư nâng cấp các quốc lộ: 27 (đoạn Phi Nôm – cầu K’Rông Nô), 27C, 28B, 55.

Du khách đến Đà Lạt để ngắm hoa nở dọc đường, hít thở không khí mát lạnh trong lành chứ ai cần ngắm khu đô thị, khu công nghiệp hay thành phố thông minh bị ngập nước khi trời mưa? – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Khi nhìn vào chín công trình xây dựng mới thì thấy tỉnh Lâm Đồng đang tham quá, vì Đà Lạt, một thành phố nghỉ dưỡng có cần khu công nghiệp, cần thành phố thông minh, cần các khu đô thị?

Làm sao mà du khách nghỉ dưỡng cho nổi với tiếng ồn sản xuất của khu công nghiệp, hoặc dân cư đông đúc của các khu đô thị bủa vây? Hãy nhìn thành phố thông minh kiểu Hà Nội và Sài Gòn: Một mớ hỗn độn trong giao thông, tiếng ồn bủa vây, và xây dựng quá đà đến mức nước không còn chỗ thoát, mưa một trận là phố biến thành sông!

Thương thay, chưa xong dự án “thành phố thông minh” thì phố Đà Lạt hiện tại cũng biến thành sông mất rồi.

Kế hoạch xây dựng các công trình mới vẫn còn đến năm 2025, điều này có nghĩa là trong tương lai, Đà Lạt – Lâm Đồng tiếp tục bị tàn phá, tiếp tục bị ngập nước và sạt lở!

Nhà kính bao phủ hơn một nửa diện tích Đà Lạt khiến thành phố hoa vào ban ngày nóng như Sài Gòn, mặt khác khiến cảnh quan đẹp tuyệt vời của Đà Lạt bị bức tử – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Phá rừng thông, lấy đất canh tác và làm khu du lịch bằng nhiều thủ đoạn

Đi chơi Đà Lạt nhiều lần, tôi cảm thấy sự thay đổi rõ rệt: Rừng thông biến mất dần, nhà kính nhiều hơn, khiến khí hậu nóng hơn, không còn mát mẻ như trước.

Để nghe tiếng thông reo, giờ du khách phải thuê xe đi cách xa trung tâm Đà Lạt vài chục cây số, chứ lúc trước đứng ở đồi Cù ngay hồ Xuân Hương là nghe tiếng thông reo và ngửi được mùi thơm của nhựa thông.

Năm 2015, lần đầu tiên chứng kiến những mảng rừng thông trơ trụi bên đường, tôi sửng sốt khi nghe anh tài xế – một cư dân địa phương, cho biết cây thông chết đứng vì có người lén đổ thuốc độc vào gốc cây thông hoặc bơm thuốc vào thân.

Như vậy là phe dân cũng “hiệp sức” với phe nhà nước để cùng nhau triệt hạ rừng thông – loài cây tạo nên vẻ đẹp và khí hậu trong lành cho vùng đất này.

Nhiệt độ buổi trưa ở Đà Lạt ngày 7 Tháng Mười Một – Ảnh: Tidoo Nguyễn

VTV ngày 17 Tháng Năm 2019 cho biết, có 90,000ha rừng ở Lâm Đồng bị chặt phá trong hơn 5 năm trở lại đây (tức tính từ 2014), đồng thời so sánh: Độ che phủ của rừng ở tỉnh Lâm Đồng trong năm 2010 là khoảng 61%, nhưng hiện tại (2019) chỉ còn khoảng 54%.

Chắc chắn một điều là hiện nay (Tháng Mười Một 2023) tỷ lệ che phủ rừng của Lâm Đồng suy giảm dưới mức 50%, vì chỉ tính sáu tháng đầu năm 2022, có thêm 22.5ha rừng ở Lâm Đồng bị tàn phá (tăng 5ha, tương đương tăng 29% so với năm 2021), theo Tuổi Trẻ.

Tờ báo này trích lời ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Điều đáng buồn là việc phá rừng và lấn đất lâm nghiệp (để canh tác và làm khu du lịch) là có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của chính quyền, kiểm lâm, ban quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở.

Bên cạnh đó, hiện nay diện tích nhà kính tại tỉnh Lâm Đồng vào khoảng 4,476.2 ha mà trong đó Đà Lạt chiếm hơn một nửa diện tích, tương ứng với 2,554 ha (57.1%). Đây chính là nguồn thải ra khí CO­­­­2 (Carbon dioxide) làm khí hậu Đà Lạt – Lâm Đồng nóng dần lên.

Bên trong nhà kính, người ta trồng dâu cho du khách đến tham quan, đến hái và tính tiền – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Đến lúc Mẹ Thiên Nhiên nổi giận

Sự tàn phá rừng thông và địa hình tự nhiên ở Đà Lạt – Lâm Đồng để xây dựng đã mang đến hậu quả khôn lường. Cụ thể là chỉ trong bảy tháng đầu năm 2023, các vụ sạt lở đã làm cho chín người chết, hư hại 230 căn nhà, tàn phá 283 ha cây trồng, phá hủy 210 mét đường giao thông, với tổng thiệt hại ước tính hơn 23 tỷ đồng (gần $1 triệu).

Vụ kinh hoàng nhất là sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc ngày 30 Tháng Bảy đã làm bốn người thiệt mạng. Trước đó một tháng, ngày 29 Tháng Sáu, sự cố sạt lở đất, gãy ta-luy tại một công trình xây dựng làm chết hai người tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, Đà Lạt); ngày 17 Tháng Sáu, hàng chục tấn đất đá sạt lở vùi lấp hai người, một thiệt mạng, một chấn thương nặng tại xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc.

Và mới đây, sau trận mưa ngày 23 Tháng Mười, một công trình đang xây dựng nhà ở số 22 đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, phường 10, Đà Lạt, lại bị sạt lở, đất đá rơi xuống đổ đè một xe hơi làm hư hại nặng.

Phe nhà nước giải thích rằng nguyên nhân là do mưa lớn, tập trung dồn vào một thời điểm ngắn. Quan chức đổ tội cho “ông trời”, cứ như thể rằng tỉnh Lâm Đồng lần đầu tiên có mưa trong suốt 130 năm qua!

Dân Đà Lạt bày bán một ít nông sản của gia đình ngoài đường cho du khách – nguồn thu nhập đáng kể của dân địa phương – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Nguyên nhân do đâu thì nhiều người thấy, chỉ quan chức cấp phép xây dựng là… giả mù. Đà Lạt vốn dĩ đã đẹp lắm rồi, thơ mộng lắm rồi thì cần gì phải phá rừng, bạt núi… xây dựng chi nhiều đến vậy? Mật độ xây dựng càng cao, càng đồ sộ thì càng gây áp lực lên địa hình sườn dốc của Tây nguyên nói chung và Đà Lạt – Lâm Đồng nói riêng.

Nhẫn tâm tàn phá cảnh quan tươi đẹp của Đà Lạt và vẫn tiếp tục phá, đến khi Đà Lạt vắng bóng du khách thì chính quyền lại loay hoay tìm cách phát triển du lịch Đà Lạt,  thông qua cuộc thi “Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, thật khôi hài!

Chỉ có một cách theo tôi là trả lại Đà Lạt ngày tháng cũ: Đập hết tòa cao ốc mới xây ở Đồi Cù và phường 10; dẹp bỏ nhà kính; trồng lại thông ở trung tâm Đà Lạt và trả lại Đồi Cù – một không gian công cộng cho người dân.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, chắc chắn chính quyền tỉnh Lâm Đồng không bao giờ làm như vậy.

Nhìn xa hơn, cách quản lý những di sản thiên nhiên của Việt Nam ở những tỉnh thành khác đều có vấn đề, không riêng Đà Lạt – Lâm Đồng. Ngay vịnh Hạ Long – di sản thiên nhiên thế giới, mà bây giờ cũng bị hủy hoại bởi dự án đô thị nằm trong vùng đệm, bị chủ đầu tư đổ đất xuống vịnh để làm đường, quây núi đá thiên nhiên ban tặng thành “hòn non bộ” trong ao của nhà giàu!

Muốn nghe tiếng thông reo, du khách giờ đây phải thuê xe ra ngoại ô Đà Lạt và ngậm ngùi nhìn những cây thông chết đứng vì bị bỏ thuốc độc – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Xem ra nhà thơ Trần Tế Xương từng sáng tác bài thơ “Năm mới chúc nhau” hồi Thế kỷ 19 mà vẫn còn đúng cho đến ngày nay vì thiên hạ không chỉ chiếm núi để ở, mà còn táo tợn hơn là lấn biển để làm nơi sinh sống. Bài thơ có đoạn:

“Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non”.

Cứ cái đà bê tông hóa cảnh đẹp thiên nhiên, hủy hoại môi trường – như đã làm đối với Đà Lạt – Lâm Đồng và vịnh Hạ Long, thì e rằng tương lai không xa, khi không còn mài di sản và cảnh quan thiên nhiên để thu ngân sách được nữa thì chính quyền Việt Nam sẽ tìm mọi cách moi tiền trong dân!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: