Mozart có thực sự nghèo đói hay không?

Chân dung Wolfgang Amadeus Mozart vào khoảng năm 1780 do Johann Nepomuk della Croce vẽ. Wolfgang Amadeus Mozart (1-27-1756 – 12-5-1791), nhà soạn nhạc người Áo có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ Cổ điển. (ảnh: Universal History Archive/Getty Images)

“Đặc sản” của giới yêu nhạc hay chí ít cũng quan tâm đến âm nhạc khi có dịp qua thăm Salzburg hay thành Vienna, là ghé thăm những ngôi nhà mà thần đồng Mozart hoặc đã chào đời, hoặc đã sống những năm thời thanh niên, hay về sau.

Tất cả giờ đã trở thành bảo tàng viện, và việc biến những danh nhân và câu chuyện của quá khứ (lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…) trở thành những giá trị đương đại (mà giá trị về hiện kim cũng không phải nhỏ!) trong nền văn hóa đại chúng là biệt tài của nhiều nước, trong đó Áo làm rất tốt.

Ở Salzburg, ngôi nhà nơi Mozart chào đời ở ngay giữa khu phố đi bộ Getreidegasse trung tâm nhất và sầm uất nhất. Ngôi nhà ông cư ngụ những năm tháng thanh niên và có ảnh hưởng nhiều đến phong cách sáng tác của ông, cũng rất trung tâm, ngay bên Công viên và Lâu đài Mirabell, đi bộ vài bước thì ra tới con sông Salzach.

Còn tại Vienna, ngôi nhà hay được du khách tới thăm nhất tại số 5 Ngõ Nhà Thờ thì có lẽ khó có địa điểm nào “sang chảnh”, gần khu trung tâm lịch sử, đền chùa miếu điện… và những nơi đô hội như thế.

(ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)

Vị trí những nơi mà Mozart từng sinh sống trong đời, thời gian dài hay ngắn, đều cho thấy ông không nghèo khó như những câu chuyện chúng ta hay truyền tụng về ông. Xung quanh cuộc đời của các danh nhân thì bao giờ cũng có rất nhiều huyền thoại, mà đa số là các “huyền thoại đô thị” tức là đôi khi có thể có chút sự thật nào đó, nhưng nhìn chung là vô cơ sở, có điều chúng hay được truyền tụng và “phát tán” vì nghe rất hay, thú vị, lâm ly, và cũng không nhiều người có ý đi “tầm nguyên” lại căn cứ của chúng, chả để làm gì.

Hãy thử xem một huyền thoại phổ biến nhất và được tin tưởng một cách mãnh liệt nhất về con người được Herbert von Karajan – một đồng hương, hậu duệ cũng rất nổi tiếng của ông – đánh giá rằng đó là “cả một nền âm nhạc”, trong khi các “đại gia” âm nhạc khác như Beethoven, Brahms, Chopin, Schubert… chỉ là các nhà soạn nhạc! Đó là việc ông đã chết trong cảnh nghèo đói và bị bỏ rơi, bị chôn trong một ngôi mộ tập thể vì người vợ góa của ông, Constanze, thậm chí còn không có điều kiện để chôn cất ông đàng hoàng.

Chuyện nửa hư nửa thực, nhưng rất hợp với… phim ảnh và những mẩu chuyện truyền khẩu về cuộc đời chật vật của các thiên tài, nên được nhiều người tin và thích. Quả thực, Mozart yên nghỉ trong một ngôi mộ tập thể – giờ đã hoàn toàn không còn dấu tích – tại Nghĩa trang Sankt Marx (Vienna) nhưng lý do không phải vì chuyện giàu nghèo, mà vì lúc đó theo sắc lệnh của Hoàng đế Joseph II của Thánh chế La Mã (1741-1790), tất cả mọi người khi qua đời đều phải được “xử lý” như thế, do nguyên nhân kinh tế và vệ sinh dịch tễ.

Thần đồng âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart chơi piano tại triều đình Francis I. Ấn bản gốc từ một bức tranh của Richio. (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Những ghi chép lịch sử cũng cho thấy, Mozart không để lại một xu nào cho vợ, nhưng không phải vì ông không kiếm được nhiều tiền mà vì ông sống hoang phí, kiếm được bao nhiêu thì “vung tay quá trán” lập tức bấy nhiêu. So với điều kiện thời đó, Mozart có một tủ quần áo sang trọng và đáng nể, trước khi qua đời, ông sống trong một căn hộ được trang bị nội thất trang nhã rộng khoảng 140m2, ông có cây đàn dương cầm cổ và các nhạc cụ riêng, “xịn” khác, cũng như bàn bi-a vô cùng đắt đỏ và chiếm toàn bộ một căn phòng.

Mozart thích cưỡi ngựa, có dạo từng sở hữu ngựa riêng, đây cũng không phải là nhu cầu bức thiết cơ bản ở một thành phố lớn. Ông thích rượu punch, hút tẩu chất lượng hảo hạng, mê cà phê, chơi bi-a, đánh bài – có lẽ ông từng là dân bài bạc ăn tiền.

Tất nhiên, ai cũng biết là nhạc sĩ làm việc – sáng tác, biểu diễn, chạy sô… – rất nhiều, nhưng thích nuông chiều bản thân vào những lúc rảnh rỗi. Và Mozart cũng đã có cách để làm điều này trong phần lớn cuộc đời mình, do có thu nhập đáng nể từ sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình.

Được biết, thời đó, một người hầu gái kiếm được 20-30 guilder (đơn vị tiền cổ) một năm, một người giúp việc gia đình kiếm 60 guilder, một quản gia có thể nhận được 120-140 guilder cộng một bộ quần áo phục vụ hàng năm. Mức lương của các viên chức nhỏ dao động từ 300 đến 900 guilden, các nhà tu hành và trợ lý bác sĩ cũng nhận được thu nhập tương tự. Mức lương một giáo viên chừng 120-250 guilder.

Tất nhiên, vị thế của các ngôi sao thì khác, đặc biệt là giới ca sĩ – đặc biệt là người Ý – có thể trông cậy vào cát-sê cao.

Mozart được coi là nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ được trả lương cao nhất ở kinh thành Vienna: Theo ước tính thận trọng, mỗi buổi hòa nhạc mang lại cho ông lợi nhuận từ 100 đến 300 guilder. Nhà hát Opera Quốc gia đã trả cho ông 450 đồng tiền vàng cho một vở nhạc kịch, nhưng đối với vở opera nổi tiếng “Cosi fan tutté” (Đàn bà đều thế cả, 1789) chẳng hạn, ông nhận được cát-sê gấp đôi. Đặc biệt, 10 năm cuối đời, trái với lời đồn là Mozart phải vật lộn để kiếm sống đến mức từ trần ở tuổi 35, thật ra ông kiếm tiền rất khá.

Tượng đài Mozart. (ảnh: Imagno/Getty Images)

Ghi chép cho thấy, mức thu nhập trung bình hàng năm của ông thời gian này là 3,000-4,000 guider (theo một số nhà nghiên cứu khác, khoản thu này có thể lên tới 10 nghìn), cách rất xa những gì có thể bị gọi là “nghèo đói” vào thời điểm đó.

Nhưng chi tiết này nếu đưa vào phim ảnh, các tác phẩm nghệ thuật và chuyện “quán nước”, thì chắc chắn không “hay” bằng hình ảnh một thiên tài nghèo đói, cùng quẫn đến phút cuối cuộc đời. Nên những gì chúng ta hay được nghe trong các chuyến đi, cần bổ sung “sự thật lịch sử” này.

Xét cho cùng, việc Mozart giàu hay nghèo, tiêu pha theo cách nào,… hoặc rất nhiều điều “cần phải nói lại” liên quan tới những câu chuyện về đời ông, cũng không có gì quan trọng, cùng lắm chỉ với những nhà nghiên cứu sử nhạc. Cái chính vẫn là sự nghiệp của “thần đồng Mozart” để lại cho đời, và đây cũng là điều cần quan tâm khi nhắc đến các danh nhân khác: Mọi chi tiết cá nhân đều là nhỏ nhặt và không đáng kể, chúng ta biết đến chỉ như chuyện “trà dư tửu hậu”, bên cạnh những gì họ cống hiến cho nhân loại…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: