Trin và Lucas chỉ mới 35 tuổi, từng đeo đuổi giấc mơ tài chánh, là có $3 triệu trong ngân hàng sau năm năm, nhưng giờ đang ôm khoản nợ $285,100.
Vợ chồng Trin và Lucas họ chỉ mới 35 tuổi, muốn nhanh chóng giàu có và tiết kiệm cho tương lai của hai đứa con – lý tưởng nhất là có $3 triệu trong ngân hàng sau 5 năm.
Lucas điều hành công việc tư vấn của riêng mình, điều đó có nghĩa là thu nhập của anh có thể không ổn định cho lắm, dao động từ khoảng $8,000 đến $12,000 mỗi tháng. Trin làm hãng, kiếm được gần $3,000/tháng. Tổng cộng vợ chồng Lucas có thu nhập khoảng $140,000/năm.
Khoản thu nhập trên không phải ai cũng có được. Tuy nhiên, Trin và Lucas chi tiêu luôn “vung tay quá trán”, và còn nói với triệu phú tự thân Ramit Sethi trên podcast “Tôi sẽ dạy bạn trở nên giàu có” vào tháng trước. Nhưng hiện tại, họ đang ở trong một cái hố khá sâu, với món nợ ngập đầu lên tới hơn $285,100.
Sethi nêu ra ba sai lầm lớn mà vợ chồng Trin-Lucas mắc phải, dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại của họ, và cách mà bạn nên biết để tránh, là:
Sai lầm số 1: Đặt ra những mục tiêu kỳ quặc
Lucas và Trin muốn thoát khỏi nợ nần. Nhưng mục tiêu có khoảng $3 triệu trong ngân hàng trong vòng 5 năm là “không khả thi”. Bạn không nên đặt ra mục tiêu “kỳ lạ” như thế này vì nó có thể khiến mọi người đưa ra những quyết định vô cùng mạo hiểm để đạt được mục tiêu.
Sethi nói, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng là một chuyện, còn thực tế hay phi thực tế là chuyện khác, cần phải xem lại.
Dưới đây là cái nhìn thoáng qua về tình hình tài chính của Trin và Lucas tại thời điểm ghi podcast:
Tài sản: $40,000
Đầu tư: $27,000
Tiết kiệm: $20,000
Nợ: $285,100
Giá trị ròng: -$198.100
Nợ trên phần lớn là khoản vay sinh viên của Trin, $200,000, ngoài ra hai người còn nợ thẻ tín dụng khoảng $12,500.
Nợ là một vấn đề lớn, nhưng khi xem xét ngân sách của họ, Sethi cho biết lý do họ không thể giải quyết được là vì chi phí hàng tháng của vợ chồng này vượt quá thu nhập hàng tháng thông thường của một gia đình nhỏ.
Lucas đã có những tháng tốt đẹp khi kiếm được hơn $10,000 và có thể trang trải các hóa đơn mà không cần dùng thẻ tín dụng. Nhưng những tháng hoạt động kém hiệu quả, vợ chồng họ vẫn xài rất sang, khiến Lucas phải rút nhiều tiền hơn từ công việc kinh doanh của mình, hoặc xài thẻ tín dụng nhiều hơn.
Sethi nói: “Bạn có thể tỏ ra ổn trong một thời gian dài và rồi đột nhiên, một ngày nào đó “Bùm!”, bạn phải chi rất nhiều thứ “trên Trời rớt xuống” mà bạn không thể tránh khỏi. Tốt hơn hết là hãy sống tiết kiệm hơn một chút hoặc chấp nhận ít rủi ro hơn một chút để tránh rơi vào tình huống siêu rủi ro.”
Bước đầu tiên Sethi muốn Trin và Lucas thực hiện là xem xét các khoản chi tiêu hàng tháng và cắt giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết.
Sai lầm số 2: Không tính toán kỹ khi mua trả góp tài sản lớn
Khi bạn đang phải trả góp mua xe, nhà ở hoặc thiết bị lớn, bạn nên tự hỏi liệu mình có đủ khả năng trả hàng tháng hay không. Lucas cho biết khi họ mua chiếc xe thứ ba vào đầu năm nay, anh nghĩ rằng họ có đủ khả năng trả hàng tháng, nhưng tổng chi phí của chiếc xe không nằm trong ngân sách của gia đình anh.
Sethi nói: “Đừng bao giờ đưa ra những quyết định mua sắm quan trọng dựa trên khoản thanh toán hàng tháng, vì điều này có thể lôi kéo bạn vào một số quyết định tài chính khác nhau có tác dụng tốt trong ngắn hạn, nhưng có thể gây rắc rối về sau.
Bất cứ khi nào muốn mua một món gì, bạn cần đặt cược với chính mình rằng bạn sẽ có thể trả hết trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng phải dự phòng mọi bất trắc xảy ra. Cuộc đời mà, chẳng bao giờ diễn ra đúng như ý mình mong muốn.
Khi chuẩn bị mua thêm một chiếc xe, thu nhập hàng tháng của Lucas có vẻ như sẽ đủ cao để trả góp hàng tháng và trả hết chỉ trong vòng vài năm. Rồi họ “bể kế hoạch” vì thu nhập của Lucas giảm trong những tháng sau đó, mà xài vẫn xài, tiêu vẫn tiêu, khiến ngân sách hàng tháng của họ càng rơi vào tình trạng báo động đỏ.
Sai lầm số 3: Cố gắng ‘làm giàu’ nhanh chóng
Lucas thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để cố gắng xây dựng sự giàu có và cải thiện tình hình tài chính của mình, như đầu tư vào bất động sản, chi quá nhiều vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Nhưng chẳng có gì đem lại lợi nhuận. Sethi nói. “Lucas dường như đang chìm đắm trong thế giới ‘làm giàu nhanh chóng’.”
Các chiến lược mà Lucas sử dụng để cố gắng tiến lên phía trước đã được nhiều người có ảnh hưởng về tài chính và các nhà giáo dục chào mời, như là chìa khóa để mở ra sự giàu có một cách hiệu quả. Nhưng Sethi nói nó quá phức tạp và đặc biệt rủi ro đối với một người như Lucas, có thu nhập không ổn định.
(theo CNBC)