Cô gái sản xuất bia thành công từ những mẩu bánh mì thừa

Đồng sáng lập viên công ty Breer, Anushka Purohit trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Hong Kong University of Science and Technology. (ảnh: Breer)

Lúc Anushka Purohit mới lên mười, cô bé từng phẫn nộ khi thấy một nhân viên ở quán cà phê Starbucks ném những mẩu bánh ngọt, bánh mì kẹp còn thừa vào thùng rác.

Hơn 10 năm sau, ký ức về hành vi lãng phí đó đã truyền cảm hứng cho thiếu nữ Anushka Purohit thành lập công ty khởi nghiệp của mình, nơi cô tái sử dụng những chiếc mẩu bánh mì dư thừa để sản xuất bia dạng thủ công.

Làm bia từ bánh mì

“Khi bạn đến dùng bữa sáng tự chọn tại các khách sạn, họ thường sẽ có món bánh mì. Khi được phục vụ trên máy bay, mọi người đều nhận được phần ăn kèm lát bánh mì và một chai nước. Bánh mì rất phổ biến và có trong tất cả các bữa ăn của nhiều người. Có lẽ vì thế mà không ít người bỏ thừa bánh mì, hoặc nếu ăn dở thì chỉ đem vứt đi mà thôi,” Purohit, 23 tuổi, nói với CNBC tại The Forbes 30 Under 30 Summit Asia ở Singapore, hồi trung tuần Tháng Mười Hai 2023.

Purohit và ba người bạn cùng lớp đại học của mình nói chuyện với nhau về những mẩu bánh mì thừa bị vứt vào sọt rác, và họ nảy ra ý tưởng dùng bánh mì làm thức uống nhiều người ưa thích – bia! Ý tưởng này hình thành khi họ phải học trực tuyến do các cuộc biểu tình ở Hong Kong và sau đó là lệnh phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Nghĩ là làm, họ hùn tiền mua một bộ dụng cụ pha bia trị giá HK $1,218 (tương đương $156) trên Amazon và tiến hành thử nghiệm trong ba tuần, trước khi tạo ra một nồi bia từ bánh mì thừa.

Những mẩu bánh mì thừa giúp cô gái 23 tuổi khởi nghiệp xây dựng công ty sản xuất bia. (minh họa: Matthew Moloney-Unsplash)

Purohit kể lại: “Mẻ bia đầu tiên, ái dà, chẳng ngon tí nào, nhưng vì biết cách điều chỉnh nên nó khiến chúng tôi nhận ra ý tưởng này có khả năng thành công.” Tuy vậy, nhóm của cô cũng phải mất khoảng sáu tháng sau, để có thể tìm hiểu, thử nghiệm, và làm ra loại bia có hương vị hợp với khách hàng của họ, trước khi ra mắt nhãn hiệu Breer vào năm 2020.

Ngoài loại bia nhạt có vị chua dâm bụt, công ty Breer của Purohit và các bạn mình còn bán các loại bia có hương vị bánh trứng, bolo bao và bánh dứa, thể hiện nét đặc sắc của nền ẩm thực đến từ Hong Kong.

(ảnh: Breer)
(ảnh: Breer)

Công ty cho biết họ đã kiếm được HK $2.5 triệu (tương đương khoảng $319,815) trong hai năm qua. Năm 2023, Breer đạt doanh thu HK $1.8 triệu (tương đương khoảng $230,267) và lợi nhuận dự kiến sẽ là HK $1.2 triệu (tương đương khoảng $153,511).

Công ty khởi nghiệp này chưa huy động bất kỳ khoản tài trợ nào nhưng đã giành được khoảng HK $6 triệu (tương đương $767,557) thông qua các cuộc thi khởi nghiệp và doanh nhân không trao vốn cổ phần.

Purohit cho biết công ty của cô chưa lên kế hoạch mở rộng ngoài phạm vi trong nước và điều đó chỉ xảy ra, nếu công ty hoạt động ổn định và bền vững hơn. “Chúng tôi sẽ không giao hàng ra bên ngoài Hong Kong, mà thay vào đó sẽ hợp tác với các tiệm bánh và nhà máy bia địa phương,” Purohit nói.

Anushka Purohit kể chuyện lập nghiệp tại The Forbes 30 Under 30 Summit Asia ở Singapore. (ảnh: Breer)

Breer hoạt động ra sao?

Mỗi năm, mỗi người dân Hong Kong lãng phí khoảng 156 pound thực phẩm. Điều đó mang lại cơ hội kinh doanh cho các công ty, như Breer.

Breer thu gom những mẩu bánh mì còn sót lại từ các nhà hàng, tiệm bánh địa phương và những nhà hàng theo phong cách Hong Kong hay còn gọi là ‘cha chaan tengs’. Sau đó, bánh mì được gửi đến các nhà máy bia theo hợp đồng, sản xuất từ 4,000 đến 6,000 lít bia, mỗi năm ít nhất sáu lần.

Purohit giải thích, lượng bia được ủ mỗi phiên thay đổi tùy theo nhu cầu: “Nếu lại xảy ra dịch bệnh, như COVID-19, hoặc bất kỳ thảm hoạ bất ngờ nào xảy ra lần nữa, nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng và bia sẽ tồn lại quá nhiều. Vì vậy, chúng tôi quyết định ‘gió chiều nào theo chiều nấy’ và chỉ pha chế khi có người mua.”

(ảnh: Breer)

Tuy đã qua thới kỳ đại dịch, nhưng vì các tiệm bánh, nhà hàng gặp khó khăn trong việc ước tính nhu cầu của khách hàng ngày, nên họ vẫn thường phải bỏ đi nhiều thực phẩm, rất lãng phí. Theo Purohit ước tính, số lượng thực phẩm thường bị sai lệch. Khách hàng có thể yêu cầu 33 pound bánh mì vào Thứ Hai, nhưng có khi qua tới sáng Thứ Ba mà chẳng ai mua, khiến các cửa hàng phải bỏ đi rất nhiều thực phẩm đã làm. Với bánh mì, Breer nhận phân phát cho người già và người nghèo hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc như heo, gà.

(ảnh: Breer)

Dù vẫn còn trẻ, nhưng với “kinh nghiệm sương gió” của mình, Purohit vẫn có thể chia sẻ những lời khuyên dành cho các doanh nhân trẻ khác:

-Việc trở thành một doanh nhân trẻ sẽ có những thách thức riêng, đặc biệt là sự khó khăn trong việc lấy được lòng tin của khách hàng. Lần đầu tiên khi Purohit bắt đầu hỏi xin bánh mì thừa ở các tiệm bánh, cô khá bối rối khi bị chất vấn: “Lấy bánh mì làm bia à? Mặt búng ra sữa thế kia mà biết cách nấu bia ư?”, hay “Phải với mục đích chống lãng phí không đây? Chứng minh nào để lấy lòng tin của chúng tôi?”

Sau hai tuần kiên trì, tiệm bánh đầu tiên mà Purohit hỏi xin, đưa cho cô 4.4 pound bánh mì thừa với điều kiện, cô phải mang tới số bia làm từ những chiếc bánh mì đó. Purohit đã làm đúng như vậy, nên từ từ tạo dựng được được niềm tin.

Hãy đam mê công việc của bạn

“Nếu bạn có niềm đam mê và mục đích cho một việc gì đó, tự khắc tiền sẽ chảy vào túi bạn. Một khi đã không thích một công việc gì đó, thì đừng cố. Cố quá thì sẽ mau ‘quá cố’ mà thôi, hãy tìm ra lý do hoặc nguyên nhân để dừng lại.”

Muốn biết phải thử, chưa thử làm sao biết!

“Tôi sẽ không bao giờ ở vị trí này nếu tôi không nắm lấy cơ hội mà mình có được. Hãy mạnh dạn thực hiện bước đầu tiên.”

Quản lý tiền bạc một cách cẩn thận

“Tiền không phải là khoản đầu tư duy nhất mà bạn cần. Tất cả số tiền mà chúng tôi kiếm được đều quay ngược trở lại vào hoạt động kinh doanh.”

(ảnh: Breer)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: