Người chết vô thừa nhận ở Los Angeles, nghĩa tử nghĩa tận!

Một bông hoa trên ngôi mộ tập thể những người chết vô thừa nhận ở Los Angeles. (ảnh: Ted Soqui/Corbis via Getty Images)

Arusyak Martirosyan cố gắng mở cánh cửa căn hộ của người chết vô thừa nhận, căn nhà một phòng ngủ nhỏ bé nhưng chất đầy đồ đạc.

Kẹp sát cửa là một hộp bột giặt Gain khổng lồ và những chiếc bồn nhựa chất cao. Quần áo treo đầy trên móc ở thanh rèm cửa phòng khách, cản gần như toàn bộ ánh sáng mặt trời. Chưa hết, những thùng chất đầy quần áo đặt dưới sàn che hết các tấm thảm. Các hộp đựng thức ăn “to-go” và Tupperware trống rỗng, còn trên bếp thì đầy gián, kiến, và đầy dẫy các loại côn trùng mắc kẹt, thậm chí không còn nhìn rõ cái lò nó như thế nào.

Người chết trong nhà xác

Hồi Tháng Mười năm ngoái, người phụ nữ 74 tuổi qua đời tại bệnh viện, bà không có ai là người thân, mấy tuần sau cũng không có ai đến nhận thi thể của bà.

Martirosyan đóng vai trò là đại diện sống của những “người chết vô thừa nhận”, theo cách gọi của Quận Los Angeles. Cô là một trong hơn chục điều tra viên làm việc cho Bộ phận hành chính công (Public Administration), một văn phòng mà lúc nào cũng thiếu nhân sự và ít được biết đến của Phòng Thủ quỹ và Nhân viên thu thuế của quận.

Công việc của cô là đi tìm thân thế của những người chết vô thừa nhận, xem họ có ai là thân thích, ai cần phải biết về những kẻ bất hạnh qua đời không người thân, như trường hợp phụ nữ 74 tuổi kia. Nghĩa tử nghĩa tận, không thể để thi thể người vô thừa nhận mãi quạnh quẽ, cô đơn.

Martirosyan và các đồng nghiệp của cô dành ba năm để điều tra một vụ trước khi đưa một người quá cố đến khu mộ chung trong nghĩa trang quận để chôn cất – phương sách cuối cùng đối với người chết vô thừa nhận. Công việc tương tự cũng được thực hiện ở các thành phố trên khắp Hoa Kỳ, nhưng ở Los Angeles, với một trong những nơi có dân số vô gia cư lớn nhất quốc gia, những nỗ lực này đặc biệt khó khăn.

Nói thì đơn giản, nhưng đây quả thật là một quá trình khó khăn, các nhà điều tra, những người phải “tìm ra manh mối” của khoảng 200 vụ mỗi năm, được cấp một tập tài liệu có tên, ngày sinh và một số thông tin khác về mỗi cái chết. Theo AP.

Ban đầu, đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Thi thể của những người này được đặt ở phòng đông lạnh của nhà xác quận trong khi các nhà điều tra gấp rút đi tìm kiếm thân nhân,  trước khi được cấp giấy phép đem đi hỏa táng.

Dennis Cotek, một trong những người giám sát của Martirosyan, cho biết: “Chúng tôi giống như bước vào ‘cuộc đời’ của người chết”. Ông thừa nhận, khi tiếp xúc với hồ sơ của những người chết vô thừa nhận, lúc nào ông cũng nghĩ về cuộc sống của họ, ngay cả khi về nhà.

“Tôi luôn cầu nguyện cho họ,” Cotek nói. Người đã khuất có thể không còn người thân thích nào còn sống hoặc người thân của họ không đủ khả năng chi trả cho việc chôn cất thân nhân mình. Có những trường hợp, thân nhân của người mất ở quá xa, họ từ chối đến nhận xác; cũng có người là bạn bè của người quá cố, nhưng lại không thể nộp đơn lên tòa án để nhận xác bạn mình.

Cotek và Martirosyan mới bắt đầu tìm lại cuộc đời của người phụ nữ 74 tuổi trên. Các nhà điều tra đã khám xét căn hộ của bà vào Tháng Mười Một, chỉ tìm thấy một số thông tin cơ bản, như số điện thoại của một mục sư địa phương và năm bà chuyển đến sống trong căn hộ: 1988.

Không phải ai khi ra di cũng có thân nhân bên cạnh. (minh họa: Jon Tyson/Unsplash)

Martirosyan lật từng tập tài liệu trong tủ hồ sơ, trong khi Cotek lôi những cuốn sổ ghi chép đen trắng đã cũ ra khỏi giá sách. Những câu Kinh thánh tiếng Hàn được đóng khung treo trên tường. Họ tìm thấy các mẫu đơn trợ cấp tàn tật, đơn xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ còn để trống, các báo cáo ngân hàng – tất cả những manh mối quan trọng có thể được đưa vào túi bằng chứng.

Trở lại văn phòng của họ ở trung tâm thành phố Los Angeles, các nhà điều tra đã giao túi đựng bằng chứng cho một đồng nghiệp với lời đề nghị nên đến Hàn Quốc để tìm thân nhân của bà. Nếu không tìm thấy ai sau ba năm, quận sẽ phải hỏa táng thi thể bà, tro cốt của bà sẽ được chuyển vào nhà để cốt, nơi cất giữ những chiếc bình.

Ngôi mộ thể của những người chết vô thừa nhận

Martirosyan, người mới làm công việc này được hơn một năm, cho biết công việc đã khiến cô nhận thức sâu sắc về cái chết của chính mình và thúc đẩy những cuộc trò chuyện đầy nước mắt nhưng quan trọng với cậu con trai tuổi teen của mình.

“Điều này sẽ xảy ra, bằng cách này hay cách khác, với tất cả chúng ta,” cô nói. “Chúng ta không biết đủ về những người mà chúng ta đang chôn cất hôm nay, để có thể làm gì đó, thực sự công bằng với họ.”

Đó cũng là động lực thúc đẩy cô và đồng đội của mình – những người đang thực hiện nhiệm vụ mang lại điều cuối cùng của một đời người – về với lòng đất, cho hàng chục nghìn người chết vô thừa nhận ở quận đông dân nhất nước Mỹ. Những nỗ lực của họ lên đến đỉnh điểm với lễ chôn cất chung và nghi lễ đa tôn giáo, đa ngôn ngữ, một sự kiện được tổ chức hàng năm kể từ năm 1896.

Buổi lễ gần đây nhất vào ngày 14 Tháng Mười Hai, gợi lại sự tàn phá đến kinh hoàng, về những nỗi cô đơn tột cùng của đại dịch COVID-19. Lễ chôn cất 1,937 người lần đầu tiên bao gồm những người chết vì virus Corona. Trong số họ, có người nhập cư, có trẻ em và cả người vô gia cư.

Quận Los Angeles tổ chức lễ chôn cất hàng năm cho những người chết vô thừa nhận tại Nghĩa trang Quận L.A. vào ngày 9 Tháng Mười Hai năm 2015. (ảnh: Leo Jarzomb/MediaNews Group/San Gabriel Valley Tribune via Getty Images)

Tham dự buổi lễ ngoài trời chỉ có vài chục người, những tiếng nấc nhẹ, tiếng khóc sụt sịt khi các giáo sĩ cầu nguyện trước ngôi mộ chung ở nghĩa trang quận. Mỗi người đặt một bông hồng trắng ở mộ.

Một trong những người tham dự buổi lễ – Susan Rorke, cư dân dân địa phương, nói cô ước mình từng là thân nhân của những người đang nằm đó, để bây giờ họ không phải là những người vô thừa nhận, và nữa, cô đến tham dự để hình dung ra rằng sau này khi mất đi, mình cũng là “hàng xóm” của họ – trong nghĩa trang quận này.

Nhiều người tại buổi lễ là nhân viên quận như Martirosyan và Carlos Herrera, một công nhân bảo trì đã tình nguyện giúp đào mộ trong hơn 30 năm.

Đầu Tháng Mười Hai vừa qua, Herrera và nhóm của ông đã đào một khu đất sâu 14 foot (4.27 mét) để tìm 1,937 hộp nhựa chứa tro cốt của mỗi người, trên mỗi hộp chỉ có tên họ người quá cố. Địa điểm này được đánh dấu bằng một bia mộ phẳng, không có tên, chỉ có con số 2020 – là năm những người này ra đi.  

Những cánh hoa hồng được rải trên một ngôi mộ tập thể 1,464 người chết vô thừa nhận năm 2010 ở Quận Los Angeles. (ảnh: Brian van der Brug/Los Angeles Times via Getty Images)

***

Mỗi ngày sau khi tìm kiếm trong căn hộ của người chết vô thừa nhận, Martirosyan lại có thêm những manh mối mới.

Một lần, khi tìm được số phone trong ngôi nhà của một người quá cố, Martirosyan gọi máy, và nghe giọng một phụ nữ. Người này khóc ngất khi nghe tin, người mất là mẹ của cô – người mà đã lâu lắm rồi cô không thèm đoái hoài. Người mẹ chắc từng trải qua cuộc sống hết sức buồn tủi, và nằm xuống trong cô đơn. Người con gái, giờ có khóc cũng bằng thừa, nhưng ít ra, sự hối lỗi muộn màng cũng giúp cho mẹ cô sẽ không còn lạnh lẽo trong ngôi mộ vô thừa nhận của quận.

Martirosyan nói: “Mỗi khi tìm được thân nhân của người mất, là một ngày tốt lành đối với chúng tôi. Ít nhất là trong phần đời này, họ đã được kết nối với nhau.”

Nhưng ở một quận có gần 10 triệu dân, luôn có những người chết vô thừa nhận, để rồi Martirosyan chẳng hề được nghỉ ngơi, khi vẫn còn một núi hồ sơ tồn đọng, và lại bắt đầu đi tìm…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: