Những vệt sáng và ảm đạm trong bức tranh kinh tế 2024

(minh họa: Tech Daily/Unsplash)

Người tiêu dùng ở Mỹ đã phải đối mặt với giá xăng và hàng tạp hóa ở mức kỷ lục trong hơn hai năm. Chi phí nhà ở – cho cả người thuê và người mua – không ổn định, với tỷ lệ thế chấp tăng lên đến đỉnh điểm gần 8% vào mùa thu năm ngoái.

Tại hội thảo qua Zoom do về Dịch vụ Truyền thông Thiểu số (Ethnic Media Services -EMS) tổ chức tuần qua, các diễn giả “phác thảo” bức tranh về nền kinh tế không ổn định, những gì sắp xảy ra trong năm 2024 và những cư dân dễ bị tổn thương sẽ bị tác động như thế nào.

Giá nhà cao hơn 45% so với trước đại dịch

Tình trạng người vô gia cư là một trong những vấn đề nhức nhối ở tiểu bang vàng California, nơi chiếm 12% dân số Hoa Kỳ, nhưng lại có tới 28% dân số vô gia cư.

Tại hội thảo, ông Nathan Ganeshan, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người vô gia cư Community Seva, cho biết ngay cả ở những khu vực giàu có nhất của Vùng Vịnh như Thung lũng Silicon – nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới – cuộc đấu tranh tìm nhà ở vẫn đang là vấn đề nóng, diễn ra trên diện rộng.

“Kể từ năm 2013, Community Seva đã giúp đỡ khoảng 320,000 người vô gia cư có những bữa ăn nóng, mền, túi ngủ, thẻ quà tặng mua đồ dùng, sản phẩm vệ sinh, nhà ở tạm thời, vận động chính sách và hơn thế nữa,” Ganeshan cho biết.

Người vô gia cư ở California chiếm 1/3 trong tổng số người vô gia cư trên cả nước. Tặng thực phẩm cho người vô gia cư ở thành phố Westminster, CA. (ảnh: Đ.Trang/SGN)

“Chúng tôi quan niệm chúng ta không nên quên cuộc đấu tranh vì những nhu cầu cơ bản như thực phẩm và vệ sinh gắn liền với cuộc đấu tranh tìm nhà ở. Cho dù nền kinh tế có cải thiện đến đâu, những người không nhà, không cửa, không gia đình đang gặp khó khăn vẫn sẽ gặp rủi ro hơn, nhất là khi chi phí cho các nhu cầu cơ bản đều tăng.”

Chỉ riêng ở Santa Clara County, nơi 10,000 người vô gia cư, hơn một phần tư trong số họ bị đói ăn.

Vì thị trường nhà ở vừa đắt vừa hiếm, ngay cả những người trung lưu trong giới công nghệ có thu nhập cao ở Santa Clara, cũng đang trong tình trạng bấp bênh về nhà ở.

Ganeshan cho rằng tình trạng sa thải nhân viên trong ngành công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, có ​​tác động nghiêm trọng tới nhà ở, vì các bãi đậu xe ở Santa Clara ngày càng chật kín những người sống trong xe hơi và RV.

“Gần đây có người nói với tôi rằng: ‘Nếu mất việc, tôi có thể tìm được một công việc khác, nhưng nếu mất nhà là coi như… ra đường ở’,” Ganeshan nói.

Rob Warnock, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Apartment List, cho biết giá nhà đã vượt xa thu nhập trên toàn quốc vì “đại dịch đã mang đến những thay đổi ghê gớm cả về cung lẫn cầu”, theo như lời Warnock.

Chuyên gia này cho biết nhiều người mua thì nhiều mà kẻ bán thì ít, tình trạng khan hiếm càng khiến giá nhà cứ leo thang hoài mà không thấy đứng lại, cho đến giữa năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất, giá nhà hiện nay vẫn đắt hơn 45% so với giá trước đại dịch COVID-19.

Los Angeles của California đứng thứ năm trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. (minh họa: Unsplash)

Theo Rob Warnock, ngược lại, giá thuê nhà lại giảm trong thời kỳ đại dịch, vì có nhiều căn hộ trống cho thuê, chứ không bán. Khi thoát khỏi đại dịch COVID-19 vào năm 2021, giá thuê tăng đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả, lên đến đỉnh điểm vào năm 2022, khi hơn một nửa số người thuê nhà ở Hoa Kỳ phải gánh chịu gánh nặng chi phí, tức là phải chi hơn 30% thu nhập của họ cho tiền thuê nhà.

Nhưng khi cả nước bắt đầu các công trình xây dựng nhà ở trên quy mô lớn, giá thuê đã giảm 4%, gần 500,000 ngôi nhà mới “gia nhập” thị trường địa ốc. Không dừng ở đây, trong vòng một hoặc hai năm tới, sẽ có thêm khoảng 1 triệu căn hộ nữa.

Điều gì tiếp theo cho năm 2024?

“Giá bán nhà sẽ tiếp tục tăng,” ông nói. “Cục Dự trữ Liên bang cho biết họ sẽ không tăng lãi suất thêm nữa. Tuy nhiên, giá cho thuê mới sẽ tăng mạnh trong 12 đến 24 tháng tới, và bài học mà tất cả chúng ta có thể học được: nếu bạn muốn có nhà ở giá phải chăng, buộc lòng phải xây thêm nhà, chứ không có cách nào khác.”

Denton Cinquegrana, Giám đốc phân tích dầu tại OPIS, cho biết giá dầu đang ổn định kể từ sau khi đại dịch bùng phát. Ông giải thích: Giá khí đốt trung bình toàn quốc vào năm 2023 là $3.52/gallon – giảm gần 11% so với $3.95/gallon vào năm 2022, khi Nga tấn công Ukraine. Khi ấy cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng thị trường sẽ mất từ 7 đến 8 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga.

Cinquegrana đưa ra cái nhìn tổng quan về sản lượng dầu vào năm 2024 và nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến giá cả trong năm tới. Ông nói: “Trong năm qua, xuất khẩu dầu vẫn tiếp tục sang các nước không bị trừng phạt như Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù hiện tại căng thẳng đang gia tăng ở Trung Đông, nhưng việc sản xuất dầu vẫn chưa ngừng hoạt động và chi phí gia tăng duy nhất là do phải mất thêm thời gian để tránh khu vực đang có giao tranh, vận chuyển dầu quanh Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) .”

Cinquegrana cho biết trong năm tới, giá xăng dầu có thể sẽ giảm từ 5 đến 15 cent so với năm 2023, nghĩa là vào khoảng $3.45 đến $3.50/gallon. Ông nói thêm: “Mặc dù quá trình điện khí hóa xe hơi trên toàn quốc đang làm tăng thêm nguồn cung và giảm giá dầu, ‘quá trình này diễn ra rất chậm’”.

“Phải mất khoảng 10 đến 12 năm để chuyển giao hơn 280 triệu xe hơi được đăng ký tại Hoa Kỳ. Việc giảm giá có thể là do những chiếc xe chúng ta đang chạy hiện nay tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với một hoặc hai thập niên trước, và thực tế là kể từ sau đại dịch, nhiều người vẫn làm việc tại nhà, nên giảm đáng kể số người đi lại bằng xe hơi.”

Ngành công nghệ cũng có các giải pháp giúp tiết kiệm xăng dầu tốt nhất cho xe hơi. (minh họa: Unsplash)

Tích cực trong sự ảm đạm

Diễn giả cuối cùng là bà Chiling Tong, chủ tịch và Giám đốc điều hành cho biết của Phòng Thương mại và Doanh nhân Hoa Kỳ Quốc gia Châu Á/Đảo Thái Bình Dương (National ACE)

National ACE được thành lập vào năm 2012 bởi một nhóm giám đốc điều hành người Mỹ gốc Á nhằm đóng vai trò là tiếng nói thống nhất về lợi ích kinh doanh của Người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương (AAPI).

“AAPI là cộng đồng thiểu số phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ, đóng góp hơn $1,000 tỷ vào sản lượng kinh tế chỉ trong năm 2021 và chiếm gần 10% tổng số doanh nhân trên toàn quốc, với 2.9 triệu chủ doanh nghiệp AAPI, tuyển dụng 5.1 triệu người,” bà Chiling Tong cho biết khi nói về quyền sở hữu doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế hiện tại.

Bà nói thêm: “Khi các chủ doanh nghiệp AAPI tiếp tục phục hồi sau đại dịch, thách thức hàng đầu mà họ gặp phải là ‘tiếp cận vốn’. Gần 30% số người trả lời cuộc khảo sát gần đây nhất của chúng tôi có rất ít niềm tin rằng họ có thể tài trợ cho khoản chi phí kinh doanh khẩn cấp $5,000.”

Theo Tong, các doanh nhân AAPI thường không biết đến những khoản hỗ trợ như Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) thời kỳ COVID-19, thường là do rào cản ngôn ngữ. Vào năm 2021, các chủ doanh nghiệp nhỏ AAPI có tỷ lệ tài trợ là 66% thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương, so với 75% của người da trắng.

Bất chấp những thách thức này, năm 2023 đã chứng kiến ​​5.5 triệu đơn đăng ký kinh doanh mới được nộp, trở thành năm có số đơn đăng ký kinh doanh mới mạnh nhất được ghi nhận; tổng cộng, Hoa Kỳ có hơn 33 triệu doanh nghiệp nhỏ.

Hàng trên: Chiling Tong (trái) và Rob Warnock. Hàng dưới: Nathan Ganeshan (trái) và Denton Cinquegrana. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Nói tóm lại, có hai luồng ý kiến cho viễn cảnh nền kinh tế 2024. Trong khi 61% chủ sở hữu có triển vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của chính họ vào năm 2024, thì 71% chỉ thấy một bầu trời ảm đạm cho toàn nền kinh tế.

Tong cho biết nền kinh tế là “vấn đề số một” đối với nhiều người trong cộng đồng AAPI và doanh nghiệp nhỏ. “Mặc dù cá nhân họ cảm thấy tích cực, nhưng là do họ đã phải đối mặt với ba năm chi phí tăng cao và gián đoạn nguồn cung. Vào năm 2024, cộng đồng AAPI hứa hẹn sẽ có nhiều nỗ lực cho một nền kinh tế tốt đẹp hơn, ở phía trước”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: