Chuyện trao đổi, mua bán, gửi tặng nhau các loài vật từ xứ sở này sang xứ sở khác là chuyện phổ biến từ xưa đến nay. Thảo cầm viên Sài Gòn, tên dân gian thường gọi là Sở Thú từng tiếp nhận nhiều con vật khác từ nước ngoài.
Tôi nhớ khoảng thập niên 1990 có đến Sở thú để xem mấy con rồng Komodo từ Indonesia đưa về, chuồng đặt sát vách tường đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mấy con này khá nhỏ so với hình dung, bây giờ không biết còn không? Năm 2007, có thêm hai con tê giác trắng nhập từ châu Phi về nữa.
Đọc báo xưa, có câu chuyện mấy con voi xứ Việt xuất ngoại. Cách nay trăm năm, chính xác là năm 1924, chính quyền thuộc địa Pháp có gửi một con voi Việt sang Pháp mà tờ Trung Hoà nhật báo có đưa tin. Số là Sở Thú Sài Gòn có 5 con voi. Gần thời gian đó, thành phố Lyon viết thơ sang hỏi mua một con. Chính quyền Sài Gòn lúc đó không thể từ chối với thành phố Lyon được, vì đó chính là thành phố mà ông Herriot từng làm thị trưởng, và ông đang làm Thủ tướng nước Pháp.
Lúc báo đưa tin ngày 27 Tháng Chín năm 1924, con voi đã được đưa xuống chiếc tàu Azay le Rideau để chở về Pháp. Báo cho biết khi đem xuống tàu, rất nhiều người xúm lại xem. Để chở được con voi này về tận nước Pháp thì phí tổn khá nhiều tiền, khoảng 4,000 quan, kể cả thức ăn cho nó.
Báo Công Luận số 7890, 29 Tháng Mười Hai 1938 đưa tin Sở Thú có thêm hai con đà điểu vừa được cung cấp từ Vincennes thuộc thành phố Paris đem qua do chiếc tàu Cap Varella chở đến Sài Gòn ngày 18 Tháng Mười Hai. Hai con này do ông Urbain cai quản vườn bách thú ở Vincennes gửi tặng. Mỗi con trị giá 1,000 đồng bạc Đông dương, tiền chở qua là 3,000 đồng.
…
Gần hai mươi năm sau, lại có voi Việt đưa ra nước ngoài. Theo tờ báo Gia Đình xuất bản năm 1957 (không ghi ngày phát hành), khoảng giữa thập niên 1950 tại miền Nam, có một kỹ sư canh nông người Mỹ tên là Orville H. Hosmer, từ tỉnh Portland đến tỉnh Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam giúp phục hồi và cải tiến phương pháp thủy lợi đưa nước vào ruộng.
Sau một thời gian làm việc ở đây, năm 1956, người dân ở đó vì tình quý mến đã tặng ông khi về nước một con voi cái mới 2 tuổi, nặng ngót 350 kg, đặt tên theo tên địa phương là voi Tuy Hòa.
Bé voi con này sau đó đã được đưa từ quê nhà Tuy Hòa vào Sài Gòn để xuống tàu về Mỹ.
Ở Sài Gòn, trong khi đợi tàu, bé voi được cho tiếp xúc với các em học sinh tiểu học ở đây. Sau đó, voi lên tàu ở bến Bạch Đằng và bắt đầu trải qua một hành trình mười ngày không dễ chịu. Lênh đênh trên biển cả, có lẽ voi luôn nhớ đến cái thung lũng nơi mình sinh sống, thường rống lên và ăn rất ít. Lo lắng cho bé voi, một nhân viên trên con tàu Charles Dant là ông William Van Rhyn, đồng hương với kỹ sư Hosmer đã chịu khó mỗi ngày nấu cơm cho bé voi ăn và cho ăn thêm trái cây.
Dần dần, nó thích nghi được chuỗi ngày sống trên tàu. Con tàu Charles Dant hành trình qua biển đến bến Tacoma thuộc Washington và sau đó được bằng xe tải về tỉnh Portland, thuộc tiểu bang Oregon. Ông Hosmer đã tặng voi Tuy Hòa cho vườn thú Portland, được sống trong chuồng bên cạnh chuồng nhốt hai chú voi khác tên là Rosy và Budy.
Ở sở thú Portland, voi Tuy Hoà được chăm sóc kỹ lưỡng, ăn nhiều trái cây, nhất là chuối. Nó thích nhất là cà rốt và thỉnh thoảng nhai cả… thuốc lá nữa. Bé voi này nhanh chóng thích nghi khí hậu ở đây và rất nhiều thiếu nhi vùng Porland đã đến xem bé lớn lên từng ngày.
Trong trang web của tỉnh Portland tra cứu khoảng 2021, trong phần nói về lịch sử phát triển của tỉnh giai đoạn 1941 đến 1960 có nhắc tới chú voi Tuy Hòa này, tặng vật của kỹ sư Hosmer.
Gần đây, trong trang dữ liệu về voi https://elephant.se cho biết voi Tuy Hoà đã chết ngày 20 Tháng Tư năm 1983, nguyên nhân là do viêm khớp. Như vậy, voi Tuy Hoà sau khi sang Mỹ còn sống thêm được 27 năm nữa, thọ 29 tuổi. Hồ sơ cho biết voi Tuy Hoà sinh ra hai con voi cái và một voi đực.
Tuổi thọ của loài voi trong điều kiện sống ổn định trung bình khoảng 50 tuổi. Voi Tuy Hòa, một cô voi xứ nhiệt đới rời quê hương miền Trung nước Việt đi làm cầu nối giữa quê hương với những người Mỹ ở vùng đất xa xôi không sống thọ, có lẽ do không thích nghi với thời tiết xứ lạnh?