Tôi không nhớ từ đâu có câu nói “đằng sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một phụ nữ”. Viết như thế không có nghĩa tôi là một người thành đạt, vì khó có thể định nghĩa thế nào là thành đạt, nhưng điều tôi chắc chắn là đằng sau mình có một người luôn hỗ trợ mình, tôi muốn viết tặng điều này đến bà xã yêu quý của mình .
Tôi trở về Việt Nam sau 27 năm sống tại Pháp để tìm cho mình một hướng đi mới và ở đây hai chúng tôi gặp nhau. Một sự gặp gỡ tình cờ, nhưng không kém phần lãng mạn. Cũng như bao người khác, hai chúng tôi bỏ một thời gian để tìm hiểu vì thực sự chúng tôi sinh ra, lớn lên ở hai phương trời cách biệt, cách biệt về địa lý cũng như ý thức.
Tôi đã đưa em đi đến những nơi tôi chưa hề nghĩ mình sẽ đến như Ải Chi Lăng, Ải Nam Quan, Đền Hùng, Điện Hai Bà… đưa em về thăm quê quán của tổ tiên hai bên. Trong những lần ấy tôi có dịp bày tỏ những suy nghĩ của mình và thật mừng rỡ khi có được sự đồng cảm của em. Cần phải nói thêm rằng sự đồng cảm này không phải đến cách hời hợt, qua loa nhưng là những suy nghĩ thận trọng và chín chắn. Tôi còn nhớ thời gian ấy chúng tôi cũng tranh luận khá nhiều về Trịnh Công Sơn, về những vấn đề thời sự. Phải nói rằng qua những lần tranh luận ấy tôi đã học ra được nhiều điều ai cũng ngỡ rằng hiển nhiên như biết lắng nghe, sự bình tĩnh, khả năng thuyết phục…Những đức tính này quả thực còn giúp tôi vượt qua những khó khăn cho đến ngày hôm nay.
Tháng Tám 2010, an ninh đến bắt tôi tại nhà. Hôm ấy trời đất tối mịt. Mưa miền nhiệt đới mà. Tâm trạng tôi lúc ấy rối bời vì chưa biết cuộc đời mình rẽ sang hướng nào. Vài tháng sau, họ cho chúng tôi gặp nhau. Mặc kệ cho cả chục người vây quanh như để uy hiếp tinh thần, nước mắt tôi chảy ra khi nhìn lại được vợ con. Oanh thì “cứng” hơn tôi, nhưng sau đó em nói trên đường về đã khóc vì “anh gầy đi thấy rõ”.
Sau này tôi mới biết được sau ngày tôi bị bắt, an ninh họ cũng tra tấn tinh thần em cả tháng để điều tra. Phải nói rằng cả hai chúng tôi cùng gánh chịu cực hình này, và có lẽ ai phải sống qua mới hiểu được thế nào là cực hình về tâm hồn và tinh thần. Nhưng nói gì đi nữa tôi cũng phải công nhận là chúng tôi may mắn vì án tôi ngắn và trại giam ở gần nhà nên điều kiện thăm nuôi dễ dàng hơn gấp bao tù nhân khác.
Ngày mãn tù, thay vì về nhà, tôi vào thẳng bệnh viện thăm bố và lúc ấy tôi mới biết cả nhà đã giấu tôi bệnh tình của bố, và đến đây tôi lại một lần nữa cảm nhận được sự hy sinh của vợ mình. Em đã hầu như túc trực bên bố để chăm sóc cũng như “nói dối” về sự vắng mặt của tôi. Và cho đến lúc nhắm mắt lìa đời, bố cũng không hề biết về sự vắng mặt của con mình. Bố đi thanh thản. Và khi chiếc quan tài tiến về phòng hỏa thiêu. Lúc ấy chỉ còn hai vợ chồng, em đã nắm tay tôi và nói :”bây giờ mình đã mất bố rồi”. Câu này còn khắc ghi mãi trong tôi, tôi có cảm tưởng như em đã dành sự yêu quý bố chồng hơn bố ruột của mình. Sau khi bố mất, em lại là người tiếp tục chăm sóc cho mẹ đến khi mẹ ra đi.
Nhân nói về sự yêu quý, tôi phải công nhận Oanh được rất nhiều người yêu mến vì sự chân thật và thân thiện của mình (dĩ nhiên phải trừ lũ tay sai làm tai mắt cho chính quyền). Nhiều hôm đi chợ về em phân trần khi cả nhà nhìn thấy giỏ đầy thức ăn :”Em thấy người ta nghèo quá, đến xế rồi chẳng ai mua vì rau héo, thịt không ngon nên em tội nghiệp mua giùm. Anh đừng rầy em”. Cho dù biết là chẳng bao giờ tôi phiền vì chuyện này nhưng em vẫn nói. Còn tôi thì cười xuề xòa :“em mà ra ứng cử thì chắc cả cái chợ này bầu cho em!”.
Mà thực sự là vậy, ngày tôi mãn tù, bà xã đã dẫn tôi đến chào và cảm ơn những người đã hỏi thăm mình lúc thụ án. Toàn là những người buôn thúng bán bưng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tôi nghĩ đây mới chính là phần thưởng cho những anh em dấn thân, vì họ đã chinh phục được trái tim của những người sống trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của xã hội. Rồi mãi về sau này Oanh có “thú nhận” rằng em đã âm thầm thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho tiền hoặc mua sản phẩm của họ.
Rồi cũng đến ngày đen tối nhất của cuộc đời, ngày mà Tổng Lãnh sự Pháp tại Sàigòn thông báo tôi bị tước quốc tịch Việt Nam, và bắt buộc phải trở về Pháp. Lúc ấy nghe như sét đánh ngang tai và tôi cảm tưởng mình không còn đứng vững trên đôi chân. Trên suốt quãng đường về nhà, đầu óc tôi rối bời vì không biết phải nói gì với vợ mình. Ngày xưa, khi còn chiến tranh, có lẽ việc báo tang cho các bà mẹ, người vợ các chiến sĩ đã hy sinh là một việc thật khó thì ngày nay, việc thông báo “cái chết” của chính mình lại khó hơn gấp bội.
– Em ơi ! Có tin buồn lắm em ạ !
Oanh ngước nhìn tôi, nếu người đó là ai khác thì cái tin buồn sẽ là tôi bị bắt hoặc bị tai nạn. Nhưng mà mình lại đứng sờ sờ ra đó, giọng nói thì lạc đi như muốn khóc. Và khi nghe tôi thông báo, Oanh chết lặng. Mãi sau em mới nói trong nước mắt :
– Rồi bây giờ mình làm gì hả anh ?
Tôi im lặng không trả lời nổi. Trước đây, trong những lần đối phó với chính quyền thì hai chúng tôi luôn áp dụng chiến thuật “luân phiên kẻ công người thủ”. Nhưng đây là lần đầu tiên cả hai chúng tôi đều bế tắc. Chúng tôi làm sao đương đầu được với một bộ máy đàn áp khổng lồ cộng với một lũ sai nha sống dựa vào vây cánh của quyền lực. Kể từ hôm đó, tôi sống trong tình trạng giam lỏng. Không dám ra đường, cứ đến bữa là vợ xách gà-mên mang thức ăn sang cho tôi và người anh thương phế binh tật nguyền. Tự do trong tù ngục là đây chứ đâu !
Cuối Tháng Sáu 2017, công an hơn chục người xông vào nhà lôi tôi đi và không để thời giờ cho tôi xin được mặc quần áo. Cháu bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện, người anh thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chỉ còn Oanh gào thét giữa một bộ sậu vây quanh. Lúc lôi tôi ra khỏi nhà, họ đẩy Oanh trở vào và khóa từ bên ngoài. Kể từ giờ phút này chúng tôi kẻ Đông người Tây.
Tuy nhiên nỗi cơ cực cũng chưa chấm dứt. Vắng tôi, bố mẹ đều mất nên Oanh phải đưa ông anh tật nguyền về nuôi như anh ruột. Anh Huy bị bắn thủng đầu trong trận Tống Lê Chân năm 1973, bị liệt một nửa người, mắt mù 90%, tiêu tiểu tại chỗ, ăn uống phải có người lo. Oanh lại gánh tất. Được cái cho dù khả năng suy nghĩ gần như tàn phế, nhưng anh vẫn cảm nhận được tình thương yêu của em dâu. Có lẽ anh cũng chẳng hiểu tại sao những người thân, cha mẹ, anh em, họ hàng đi đâu hết bỏ anh lại một mình.
Ít năm sau, để giảm bớt gánh nặng cho Oanh, gia đình đưa anh lên Cần Giờ, nơi các cha chăm sóc các ông thương phế binh VNCH. Anh “bị” đưa đi trong sự ngỡ ngàng. Kể từ đấy, hàng tháng Oanh đổ đường thăm anh chồng. Đến một hôm, anh bập bẹ hỏi một câu mà Oanh muốn té xỉu tại chỗ :
– Tôi có làm gì cho Oanh buồn không ? Tại sao đưa tôi lên đây ?
Câu này Oanh chỉ kể cho tôi nghe và lần nào cũng nức nở. Làm thế nào một người hơn nửa thế kỷ sống trong tình trạng suy nhược thần kinh mà lại có thể thốt ra một câu xé lòng như vậy ? Bây giờ anh đã lìa cõi thế, và trên chốn An Bình chắc anh đã nhận ra ai là kẻ yêu thương anh nhất trong những ngày cuối của cuộc đời ?
Tuy nhiên, để sòng phẳng, cũng phải đến lúc “kết tội bả”. Viết ra thì chắc cũng “hơi bị nhiều”, nhưng tóm gọn một câu phù hợp với mọi phụ nữ khác là tính nói “dai như đỉa”. Viết ngắn gọn như thế để “san sẻ căng thẳng” sang nửa thế giới đối phương. Tính tình của “nhóm bên này” vốn dĩ hòa vi quý.
Oanh ơi !
Hôm nay, anh ghi lại vài dòng đơn sơ như là đóa hoa tinh thần gởi đến em. Đường đời chắc chắn còn nhiều chông gai, nhưng anh vững tin vì bên cạnh anh lúc nào cũng có em.
* tựa do SGN đặt