“Lạy mẹ con đi, ôm ấp linh hồn Việt Nam…” [1]
“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…”[2]
Quê hương, như tôi từng hiểu, là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi mẹ cha sinh ra ta, là nơi ta khóc tiếng chào đời. Nhưng, sau ngày đặt chân đến Hoa Kỳ, một chiều cuối tuần, tôi được đưa đến thăm khu vườn tượng tại vùng giáp ranh thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngay sau các bức tượng đồng khắc hình những vị quốc phụ khai sinh đất nước vĩ đại này, tôi đọc thấy câu cách ngôn khắc theo cách đơn sơ nhất dưới nền gạch thô: “Where liberty dwells, there is my country. Benjamin Franklin.” Tạm dịch “Ở đâu có tự do ngự trị, ở đấy là quê hương tôi.”
Thoáng sững người khi tôi nhận ra rằng, người dân xứ sở này đã nghĩ về quê hương rất khác với tôi, kể cả với phần đông đồng bào người Việt của tôi. Vì lẽ, nguyên thủy, nếu không tính người bản địa, thì người Mỹ đến Tân Lục Địa từ hàng trăm quốc gia trên thế giới. Họ đến đây để tìm kiếm điều mà họ không thể thấy ở cố quốc. Kỳ diệu, họ đã nhận nơi đây làm quê hương khi xứ sở này mang lại cho họ điều mà họ tìm kiếm, biến những giấc mơ của họ trở thành hiện thực: “Giấc mơ Mỹ!”
“Giấc mơ Mỹ” chẳng là gì nếu không được ươm mầm và nuôi dưỡng từ giá trị tự do. Thế nên, quê hương, cố quốc của họ, có thể cũng không còn nhiều ý nghĩa một khi nơi ấy không có tự do, khi nơi ấy không thể biến giấc mơ của họ thành sự thật.
Tôi đã đi tìm nhân phẩm đời mình như hàng triệu người Việt. Dường như trong lịch sử nhân loại, dòng người tìm kiếm tự do chưa từng bao giờ dứt. Và tôi, tôi cũng đã theo bước chân họ đến đây tìm kiếm tự do, điều mà bao năm qua, tôi từng khao khát thể hiện ở từng con chữ trên trang mạng xã hội cá nhân của mình, trong từng vụ án mà tôi tham gia bào chữa; để rồi, tôi phải “trả giá” vì nó, trên chính quê hương mình, nơi mà chính quyền luôn bất dung tự do.
Với tôi, tôi không thể dễ dàng quên hết mọi sự. Tất cả chỉ mới như ngày hôm qua mà thôi. Rằng, hàng ngày là chuỗi đắn đo có nên tiếp tục nhận bào chữa cho các vụ án chính trị nữa hay không? Khi một bên là sự an toàn bản thân, gia đình và sự xấu hổ khi phải ngoảnh mặt từ nan. Bên kia là rủi ro, bất trắc, kể cả trả giá bằng việc bị giam cầm tù đày như chính những thân chủ đã lựa chọn tôi làm nhân chứng cho các phiên tòa kiên cường của họ. Cuối cùng, với tôi, sự lựa chọn lúc nào cũng chỉ cho ra một kết quả: Tiếp tục.
Rằng, hàng đêm phải khổ sở đối diện với ánh mắt lo lắng của hiền nội, của người thân, là bất an khi tiếng chuông cổng gọi giật, là sự choàng tỉnh toát mồ hôi sau chuỗi cơn ác mộng vẫn ám ảnh cho đến tận những ngày tôi viết dòng chữ này…
Tôi chợt nhớ những lúc bước vào một vài tiệm ăn, hoặc những gian nhà ẩm thấp, bí bách. Khi bước qua ngạch cửa, không khí ngột ngạt, nóng bức, cùng các loại mùi khó chịu… phủ ập vào người, khiến chúng ta chỉ muốn bước ngược trở ra. Nhưng nếu ráng chịu đựng ít phút, sự khó chịu giảm dần, thậm chí, sau đó chúng ta có thể quên mất cảm giác khó chịu ban đầu. Khi ấy, dường như cơ thể tự chuyển đổi để thích nghi với môi trường không gian ấy. Không chỉ cơ thể mà ý thức cũng bắt đầu “thỏa hiệp” với hoàn cảnh và môi trường mới xung quanh.
Và cũng theo cách “thích nghi” khốn khổ ấy, chúng ta đã phải chịu đựng “sống chung với quỷ dữ” suốt bấy lâu nay, trong một xã hội tan hoang vô phương cứu chữa, khi mà quyền lựa chọn để tạo dựng một xã hội lương hảo đã bị tước đoạt hoàn toàn và thô bạo; và chúng/những kẻ tội đồ vẫn buộc người dân phải biết ơn sự tước đoạt đó và tung hô chúng “vinh quang!”…
Với tôi, một người tha hương mới, đang “ôm ấp linh hồn Việt Nam” và đón một mùa xuân trên đất người mà không khỏi bùi ngùi. Vì nhiều lẽ, được lẫn mất.
Được hít hà lại mùi pháo Tết cùng với tiếng nổ dòn dã sau hơn 30 năm sống ở một đất nước bặt im tiếng pháo giao thừa.
Mất những nồi bánh chưng, bánh tét nghi ngút khói trong những con phố nhỏ vào đêm giáp Tết.
Được sống, hít thở và biểu đạt chính kiến đúng với phẩm chất như một con người và là một người tự do.
Mất đi nỗi bất lực, bất an và bất trắc vì phải chứng kiến sự tham tàn, bất công hàng ngày và viễn cảnh giam cầm ám ảnh hàng đêm trước giấc ngủ.
Chỉ giữ lại lý tưởng, còn những thứ khác, tôi đành xin gởi lại phía sau; để từ nay tôi có thể nhìn về phía trước, để được làm người.
Tạm biệt quê hương, nơi tôi đã sống. Tạm biệt quê hương, nơi tôi đã rụt rè nhưng đầy vinh dự làm chứng nhân cho nhiều anh chị em tranh đấu kiên cường vì lý tưởng tự do trong các phiên tòa xét xử họ. Tạm biệt quê hương, nơi tôi đã cố gắng không khom lưng và tự cám ơn mình không từ nan khi lòng luôn vẫn tràn ngập nỗi lo lắng. Và tạm biệt quê hương, nơi tôi đã quỳ lạy hôn đất mẹ tại miền biên viễn cho lần đi xa…
Quê hương, với tôi vẫn chỉ là một, nơi tôi được sinh thành.
————
[1] Trích từ nhạc phẩm “Lạy mẹ con đi” của nhạc sĩ Anh Bằng
[2] Trích từ thi phẩm “Quê hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân