Ngày 18 Tháng Ba 2024 vừa qua, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc tại TPHCM, mục đích là kêu gọi “đổi mới” báo chí.
Đây là một hội nghi quan trọng, vì có đủ các mặt quan chức quan trọng của ngành tuyên truyền như Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân và có đến 500 đại biểu đại diện cho hơn 25.000 hội viên nhà báo trong cả nước, để lắng nghe giảng huấn.
Nhưng “đổi mới” được nói đến ở đây, không giống những gì mà người bình thường nghĩ. “Đổi mới” là một hiệu lệnh phục vụ toàn phần cho nhà cầm quyền.
“Mỗi tác phẩm báo chí phải tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng ban tuyên giáo trung ương đăng đàn nói.
Rõ là quan chức tuyên truyền của Đảng CSVN đang hối thúc cỗ máy truyền thông độc quyền khổng lồ của mình phải thuyết phục dân chúng hơn nữa – và chỉ được viết theo lệnh của Đảng. Tổng chi cho việc tuyên truyền của Đảng cộng sản – vốn luốn rút ruột từ tiền thuế nhân dân – luôn là một bí mật, nhưng được biết là con số rất lớn để vận hành mọi thứ.
Theo số liệu từ năm 2015 (tạm nhân lên 30% cho hiện tại), riêng tờ Nhân Dân đã ngốn 46,5 tỷ. Tạp chí Cộng sản có ngân sách còn cao hơn báo Nhân Dân, ở mức 49 tỷ 850 triệu. Còn Hội đồng Lý luận Trung ương, có một ít nhân sự để “đẻ” những lý thuyết đối phó thời sự, có ngân sách 38 tỷ 800 triệu. Theo hồ sơ chính thức của hội đồng này, chỉ có 23 chuyên viên lý luận biên chế và sáu nhân viên hợp đồng. Các khoản chi cho lĩnh vực tuyên truyền, truyền thông và lý luận của Trung ương Đảng lên tới 195 tỷ 730 triệu VND.
Tạm chỉ ra những con số như vậy, để thấy Đảng CSVN đã dùng vô số tiền mồ hôi nước mắt của người dân chạy cho bộ máy tuyên truyền, nhưng vẫn thất bại, nên dẫn đến đại hội như nêu trên cùng những lời thúc hối như tuyệt vọng của các quan chức cấp cao.
Tương tự, ông Lê Quốc Minh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh:
“Công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, chống tham nhũng, tiêu cực… được quan tâm, chú trọng, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa tích cực”.
Không thấy các nhà báo, các lãnh đạo truyền thông nhắc đến đạo đức nghề báo, về nói thẳng nói thật, chỉ ra những sai trái trong xã hội, để xây dựng nền truyền thông của một quốc gia xứng đáng hơn. Rõ ràng, nhiệm vụ của họ là dùng báo chí để tuyên giáo chứ không thể có được một nền báo chí độc lập như những quốc gia khác.
Dường như báo chí, truyền hình ở ở Việt Nam không giống thế giới. Báo chí không cần có nhiệm vụ truyền tải tin tức đa chiều từ mọi phương diện xã hội đến người đọc một cách khách quan. Người viết báo không cần có tư duy độc lập. Điểm nhấn chính là phải giỏi biến thành bồi bút tuyên truyền theo định hướng chính trị và đảng phái chứ không còn mang tính khách quan nữa.
Lãnh đạo tuyên truyền nói báo chí nhà nước phải thu hút được người dân, nhưng thực tế, hầu như mỗi ngày, ai nấy cũng phải tìm đọc “những trang báo lề trái”, khác biệt với cộng sản để tìm hiểu về cuộc đời thật.
Năm 2023, báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết có tới 19 nhà báo ở Việt Nam đã bị bỏ tù, khiến nước này đứng trong tốp 5 các quốc gia tấn công, bỏ tù và làm hại các nhà báo bên cạnh Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga. Những người không muốn làm bồi bút tuyên truyền đã có số phận như vậy.
Không dám đối mặt với tư tưởng khác biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm mọi cách để triệt tiêu những tiếng nói bất đồng quan điểm. Tương lai Việt Nam đi đến đâu, nhìn vào hội nghị tuyên truyền, thì tất cả chúng ta cũng có thể đoán được.