Tháng Ba năm 1975, lúc đang còn ở lứa tuổi đôi mươi, khi khổng khi không, ông Cao Xuân Huy – một cựu sĩ quan của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, giã từ vũ khí.
Bỏ súng đạn, dù ở vị thế của một kẻ chiến bại ê chề, để chấm dứt một cuộc chiến tranh đã triền miên tàn phá quê hương đất nước, không chừng, cũng là kỳ vọng hay ước mơ của Trung úy Cao Xuân Huy nói riêng, và của cả nước, nói chung.
Sau đó, theo lệnh của những người thuộc phe thắng trận, ông Cao xuân Huy cầm cuốc, cuốc tới tấp, cuốc túi bụi, cuốc không ngừng, cuốc tưng bừng, và cuốc liên tục rất nhiều năm trên những mảnh đất… vô phương canh tác ở nhiều trại cải tạo khác nhau.
Cây cuốc, một nông cụ rất hữu ích và phổ biến kể từ khi loài người bắt đầu đời sống định canh cho đến hết Thời Trung Cổ, nếu được tận dụng và thiện dụng, trong điều kiện đất đai và thời tiết lý tưởng, may ra mới có thể mang lại vừa đủ cơm áo cho chính bản thân người sử dụng.
Còn dùng thứ cuốc do tập thể làm chủ, qua hình thức lao động cưỡng bách, trong điều kiện làm việc khắc nghiệt, trên những nông trường quốc doanh, theo những kế hoạch kinh tế cứng rắn và hoang tưởng, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi… thì chỉ là một sự phí phạm nhân lực vô cùng tai hại và đáng tiếc, nếu nói một cách bao dung. Nói cách khác, chính xác hơn, đây là phương cách trả thù hèn hạ đê tiện của những kẻ tiểu tâm.
Bởi vậy, sau khi rời trại cải tạo, ông Cao Xuân Huy không đến những vùng kinh tế mới để tiếp tục cuốc cày – theo ý muốn của những người thuộc phe thắng trận. Ông đã bỏ nước mà đi.
Tháng Ba năm 1975, không phải chỉ có một mình trung úy Cao Xuân Huy bỏ súng. Sau đó, ông cũng không phải là kẻ duy nhất vượt biên. Ông chỉ là một trong hàng triệu triệu dân Việt, trong cơn quốc biến, hốt hoảng, ù té, bỏ chạy, hay đâm sầm ra biển, tứ tán, lênh đênh, phiêu bạt khắp bốn phương trời.
Giữa ông Cao Xuân Huy và phần lớn những người Việt tị nạn cộng sản khác chỉ có một chút dị biệt nho nhỏ. Sau khi bỏ súng, bỏ cuộc, thay vì cầm kìm, cầm búa hay một dụng cụ nhẹ nhàng nhưng thiết thực nào khác để kiếm sống nơi quê người đất khách, ông Cao Xuân Huy chả may lại vớ ngay cây bút, một vật dụng mà hiệu quả trong việc mưu sinh vô cùng giới hạn và vẫn thường gây vô số chuyện phiền lòng, cũng như “tai nạn” cho khổ chủ!
Dù vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng, và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng, được nhiều người yêu quý trong mấy thập niên qua, dù ông viết không nhiều.
Là một độc giả của ông nên khi có dịp gặp gỡ, tôi đã lên tiếng phàn nàn:
-Cha nội này làm biếng chết mẹ, uống thì nhiều mà viết chẳng bao nhiêu.
-Thì mày cũng vậy!
Chúng tôi cùng cười ha hả, và cùng “tự hứa” sẽ bỏ bớt rượu trong tương lai gần để cầm bút một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh và chăm chỉ hơn. Cái “tương lai gần” này, tiếc thay, vẫn cứ hơi xa quá đối với tình trạng sức khoẻ mong manh của Cao Xuân Huy vào những ngày tháng cuối đời.
Hôm 12 Tháng Mười Một năm 2010, nhà văn T.Vấn buồn bã cho hay: “Như vậy là ông Gẫy Súng đã lên tàu về quê. Lần này thì súng của ông bị bẻ gãy chẳng bởi tại người, hay bởi vận nước, mà bởi cái lẽ sinh lão bệnh tử mà không một ai thoát ra khỏi được vòng cương tỏa của nó.”
Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông và của rất nhiều những chiến hữu của ông, đã bị bẻ gãy. Súng gãy thì vứt súng, ông cầm bút.
Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gãy được ngòi bút của ông. Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Một con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió…
Hơn 25 năm nay, tiếng kêu bi phẫn của ông Gẫy Súng đã được nhiều người lắng nghe. Mỗi người, ở vị trí của mình – trong và sau cuộc chiến – đều mang một tâm trạng khác nhau khi đọc ông. Người ta có thể phản bác ông, nhưng tôi tin rằng, không một ai – dù là người ở bên kia chiến tuyến với ông – có thể nghi ngờ tính nhân bản phủ đầy những trang viết của “Tháng Ba Gẫy Súng.”
Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là lòng thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình.
Ông Gẫy Súng của tôi ơi! lối nhỏ bằng hữu đang hân hoan đón chào ông, hành trang thương yêu của gia đình đang sẵn sàng chờ ông ghé vai đỡ lấy. Chúc người về cố quận thượng lộ bình an!”
Tôi vốn ham chơi, hay đàn đúm, tụm năm tụm ba mới cảm thấy vui. Bạn bè đang vui, khi khổng khi không, nó bỏ đi ngang như vậy, tôi còn biết uống với ai, và viết cho ai đọc nữa?