Chợ Sài Gòn ở Atlanta – Chợ Việt, hồn Việt!

Trái cây bán bên ngoài chợ Sài Gòn. (Hình: Trần Phú Đa)

Thật lâu rồi tôi mới có dịp quay lại chợ Sài Gòn.

Chợ Sài Gòn, một cái tên thân quen và rất yêu thương của biết bao người con Việt khi buộc phải ly hương xa xứ. Khu chợ này tọa lạc tại số 5000 Buford Hwy, thành phố Chamblee, thuộc Quận DeKalb County.

Nếu như người mới đến tiểu bang Georgia, cứ theo xa lộ 85, lái xe theo hướng Đông Bắc ra Exit 94 quẹo trái sẽ gặp Chamblee – một thành phố cổ nằm về phía bắc của quận DeKalb, tại đây có nhiều khu thương mại Á châu dọc theo thành phố Doraville nơi có xa lộ 285 chạy ngang qua.

Những cửa hàng ở đây gồm có nhiều sắc tộc phục vụ như người Tàu, Đại Hàn, Thái Lan, Nhật Bản… Ngoài khu thương mại Việt Nam được ví như ở Little Saigon do Công ty 99 Ranch Market từ California qua đầu tư xây dựng năm 1998, thì nơi đây còn có thêm một khu chợ Việt Nam do vợ chồng anh Võ Bình – Nga Nguyễn mua lại của người Mễ để  nâng cấp tân trang thành chợ Sài Gòn.

Chợ Sài Gòn, một cái tên thân quen và rất yêu thương của biết bao người con Việt khi buộc phải ly hương xa xứ. Khu chợ này tọa lạc tại số 5000 Buford Hwy, thành phố Chamblee, thuộc Quận DeKalb County.

Theo lời kể của một số cư dân định cư ở đây hàng mấy chục năm theo diện H.O thì: Chợ Sài Gòn này khoảng thời gian tám chín năm về trước là một khu chợ trời của người Latino mà ta thường gọi chung là người Mễ, ở đây họ ngăn từng kiosk ra để bán áo quần, vật dụng xây dựng, cả đồ ăn thức uống nữa nhưng không được sạch sẽ cho lắm.

Sau đó vợ chồng anh Bình-chị Nga đến đây dạo quanh thành phố một vòng và quyết định mua lại khu này để sửa chữa mở rộng ra khang trang sạch đẹp hơn.

Anh Bình chị Nga, chủ nhân của sáu khu chợ Việt tại Atlanta Georgia. (Hình: Trần Phú Đa)

Vừa chọn mua những trái ổi tươi ngon mới nhập từ Florida về đang được nhân viên chợ sắp xếp, tôi đến bên một chị gái có nụ cười rất duyên dáng, biết người Việt với nhau, chị vừa lựa ổi vừa trò chuyện:

“Anh biết không, nghe nói hồi trước ở Doraville và Chamblee này người Việt mình đông lắm, phần lớn là quý cô chú đã từng phục vụ trong chính quyền VNCH qua đây định cư theo diện H.O. Em sinh ra ở Việt Nam nhưng theo ba mẹ và lớn lên ở đây, thế hệ như tụi em dần dần trưởng thành nên cũng di chuyển đi các thành phố khác để dễ bề sinh hoạt. Hễ mỗi lần về ngang qua đây là phải ghé chợ Sài Gòn, cái tên thân quen gắn liền với tuổi thơ em không bao giờ quên được anh ạ.”

Theo quan sát chúng tôi thấy hiện tại người Mễ chiếm đa số. Được cái người Mễ họ đi chợ mua đồ ăn thức uống nhiều lắm, nên chợ ngày nào cũng đông khách, nhộn nhịp nhất là mấy ngày lễ, Tết, tính tiền phải chờ lâu lắm.

Trái cây tươi bán trong chợ Sài Gòn. (Hình: Trần Phú Đa)

Tôi hỏi chị gái về cách phục vụ của chợ như thế nào. Vẫn nụ cười thật hiền, chị trả lời không chút do dự:

“Nhân viên ở đây trẻ, họ làm việc nhiệt tình, mình không biết gì thì hỏi họ nên cũng dễ. Hồi trước quên thứ gì lại hỏi quầy phục vụ hoặc mấy chú ‘security’ là được hướng dẫn tận nơi, vì mỗi bộ phận ở đây được vợ chồng ông bà Bình Nga chủ nhân khu chợ này, cùng với người quản lý, bố trí có người nói tiếng Việt, nên mua bán chẳng phiền hà chi.”

Được anh Paul quản lý chợ dẫn đi giới thiệu một số mặt hàng mới nhập về, tôi cùng với anh  dạo quanh chợ một lượt nhìn thấy các gian hàng bày bán đều có bản hướng dẫn bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Tại hàng cá thịt thấy nhiều loại cá tươi, có loại cá còn đang bơi lội trong tủ kính, thịt heo, bò, dê trông rất ngon, gà vịt cũng vậy. Ở đây có rất nhiều chủng loại hàng hóa và thực phẩm, đa dạng mẫu mã, người Việt thích ăn gạo trắng nên chợ nhập các loại gạo thơm từ Thái Lan cho đến miền Tây Việt Nam,như gạo ba cô gái, gạo có thương hiệu nổi tiếng Sóc Trăng và nếp, tấm cũng vậy.

Người ăn kiêng thì đã có gạo nâu. Một điều rất thú vị là các bà nội trợ người Việt luôn muốn gói bánh bằng nếp không những khi Tết về xuân đến, mà còn muốn tự tay mình làm ăn cho ngon cuối tuần khi gia đình sum họp, thế nên lá chuối luôn có sẵn. Ở đây còn phục vụ các loại thức uống như cà phê, đá me hạt dẻ, bánh bao, một loại bánh vừa thơm vừa béo, dẻo được nhiều người ưa chuộng.

Như anh Paul cho biết, hiện tại theo nhu cầu của người tiêu dùng, chợ cho nhập rất nhiều loại thực phẩm tươi như heo sạch của Công Ty Danforth, một trang trại gia đình người Mỹ lớn nhất ở tiểu bang Georgia với lịch sử gần 400 năm khởi nguồn từ nước Anh. Họ nuôi heo chất lượng cao, cả thức ăn và con giống đều khép kín.

Anh Paul Vũ, quản lý chợ Sài Gòn. (Hình: Trần Phú Đa)

Anh Paul còn cho biết thêm, hiện tại người lớn tuổi thì thích nấu nướng, còn lớp trẻ lại có nhu cầu thức ăn nhanh nhiều hơn, nên chợ cho nhập cá thịt, canh đều làm sẵn, chỉ cần hâm nóng vài phút là có được những món ăn hợp vệ sinh nhưng bảo đảm dinh dưỡng, thích hợp với cả người làm công ty hãng xưởng và cả sinh viên học sinh. Loại thực phẩm này đang bán rất “hot” tại chợ.

Trò chuyện với chúng tôi anh Hồng, anh Phương trước đây các anh đều là sĩ quan Quân Lực VNCH, cho biết dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng các anh muốn đi làm thêm cho vui, đảm nhận công việc security từ ngày thành lập chợ đến nay, giúp quản lý việc ra vào chợ của khách được an toàn hơn.

Phía bên ngoài còn có một cô nhân viên người Venezuela, giúp giám sát an ninh trong và ngoài chợ qua màn hình camera. Cô này thường xuyên kết hợp với cảnh sát Mỹ giải quyết kịp thời những vụ việc gây mất trật tự, nên người đi chợ rất an tâm. Các anh làm security ở đây còn chỉ cho bà con đồng hương biết những yêu cầu hay thắc mắc có liên quan tới chợ búa.

Tôi gặp anh Xuân, một cựu Hải Quân trong Quân Lực VNCH, vào làm công việc dọn dẹp từ khi chợ mới thành lập, với tính tình chịu thương chịu khó anh luôn làm sạch sẽ các khu vực trong chợ, lặng lẽ như chiếc bóng, hay làm ít nói, nên được mọi người yêu mến, với giọng nhỏ nhẹ, anh kể:

“Chợ Việt mang hồn Việt, từ phong cách phục vụ đến thức ăn thức uống các vật dụng đều nhập từ Việt Nam, qua kiểm tra chất lượng chặt chẽ nên người tiêu dùng an tâm, bà con xa quê khi đi chợ đỡ nhớ quê nhà!”

Nhiều người Việt ở đây đều tỏ lòng biết ơn vợ chồng anh Bình-chị Nga, người Việt Nam đã biết nhìn xa trông rộng và luôn đặt chữ tâm với cộng đồng. Chợ luôn sạch sẽ, ngăn nắp khiến người vào chợ có cảm giác như ở trong ngôi nhà thân thương của mình.

Tất nhiên những lợi ích mà chợ Việt đem đến cho người Việt là vô giá, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những sai sót dù rất nhỏ, bởi “làm dâu trăm họ” biết làm sao hơn!

Ở khu vực chăm sóc khách hàng, anh Paul thường xuyên có mặt giúp bà con những việc cần thiết khi họ có nhu cầu.

Chúng tôi ghé lại nơi sản xuất bánh mì Sài Gòn, gặp và nói chuyện với một anh bạn trẻ tên Trần Vũ Dũng, tự dưng nhớ Sài Gòn một Thủ Đô sầm uất trước năm 1975, mảnh đất được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông.”

Bánh mì ở đây được sản xuất ra bằng công thức và chất liệu đặc trưng mà trước đây ở quê nhà, tôi thường nghe tiếng rao quen thuộc “Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm ngon, hai ngàn một ổ.”

Bánh mì được sản xuất tại chỗ. (Hình: Trần Phú Đa)

Chúng tôi cũng được anh bạn trẻ này cho biết ngoài việc sản xuất bánh mì truyền thống ra chợ Sài Gòn còn thực hiện nhiều công thức để cho ra lò những chiếc bánh mì mang nhiều hình dáng khác nhau, được bà con ở các tiểu bang khác khi về Georgia thăm chơi, thường mua về ăn và tặng cho bạn bè, nên việc bán buôn rất thuận lợi.

Mấy ngày cuối tuần tôi được gặp anh Võ Bình đến thăm và kiểm tra việc bán buôn của chợ, cùng anh dạo một lượt qua các khu bày bán rau cải xanh tươi. Anh dừng lại bên quầy bày bán rau muống, cầm trên tay một bó rau muống tươi xanh anh bồi hồi nhớ lại một thời kỳ còn ở Việt Nam, một dĩa rau muống luộc hoặc xào tỏi làm cho bữa ăn gia đình thêm ấm áp.

Qua Mỹ rất nhiều năm, chính quyền tiểu bang không cho trồng và bán rau muống, chính anh đã cùng với cộng đồng người Việt rất nhiều lần, nhiều năm kiến nghị để cuối cùng tiểu bang Georgia cho phép người dân được trồng và các chợ được nhập rau muống về bán cho người dân.

Anh vừa cười vừa nói:“ Cam go lắm, nhưng thành công rồi!”

Câu nói của anh khiến tôi liên tưởng đến những năm đầu bước vào kinh doanh một vài khu chợ Việt, những khó khăn cứ chồng chất lên nhau, thương trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều khi mỏi mệt nhưng với ý chí cầu tiến, sự yêu mến quê hương qua từng món ăn Việt.

Anh Võ Bình thẳng tiến và luôn được bà con anh chị em đồng hương tin yêu quý mến để rồi đến nay trên dải đất cao nguyên Atlanta này, có tới sáu khu chợ Việt do vợ chồng anh quản lý. Đó chính là CITY FARMERS MARKET.

Một điều đáng ghi nhận ở đây là mặc dù bận rộn với biết bao công việc hằng ngày, nhưng vợ chồng anh Bình-chị Nga luôn dành thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc dạy dỗ những đứa con của anh chị, vừa lễ phép vừa giỏi giang cả trong học tập và khởi nghiệp.

Người con gái đầu cháu Jenny Vo Diep là Miss Vietnam Of Georgia, Miss Hoa Hậu Áo Dài GA 2015, từng học ở University Of GA, hiện cháu đang giúp ba mẹ điều phối mọi hoạt động của một khu chợ ở Pleasant Hill. Đôi lúc Jenny cũng tới chợ Sài Gòn giúp ba xem xét công việc kinh doanh ở đây. Còn cháu Julie Vo thì tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa. Bất kỳ gặp người lớn tuổi ở đâu các cháu cũng cúi đầu chào, thật đáng quý biết bao.

Đứng ở chợ Sài Gòn chưa tới một buổi mà chúng tôi thấy nhân viên phải đổ đầy sạp rất nhiều lần những trái cà chua chín đỏ, vì người Mễ rất chuộng loại quả này, kể cả chanh, cam, quít, mít, dưa hấu và sầu riêng.

Nhân viên an ninh chợ. (Hình: Trần Phú Đa)

Cứ mười đến mười lăm phút, nhân viên đi kiểm tra những loại củ quả, trái cây, rau cải không còn xanh tươi thì họ thay thế ngay. Chợ Sài Gòn luôn được nhân viên và khách hàng yêu mến. Anh Paul không phải ngồi ở văn phòng mà luôn có mặt ở khắp các gian hàng, sắp xếp ngăn nắp các loại  hàng hóa mà khách lỡ tay làm rơi vãi. Một khi thấy người nào đó có sai sót điều gì, anh liền gặp riêng nhỏ nhẹ trao đổi và nhắc nhở để họ làm việc chăm chỉ hơn.

Cháu An được anh chị Bình Nga và anh Paul tin tưởng giao cho công việc tổng hợp tài chính và coi ngó bộ phận cashier. Mọi người đi chợ có việc cần giúp cháu luôn có mặt ở quầy chăm sóc khách hàng và sẵn sàng hỗ trợ rất thân thiện và niềm nở.

Chợ Sài Gòn còn có cả shop sửa chữa điện thoại, áo quần, bên ngoài còn có nơi chuyển tiền, thức ăn nấu sẵn. Cuối tuần chợ tổ chức BBQ ngoài trời… rất đông người đến mua về ăn, những nhân viên chợ đi làm sớm được phục vụ thức ăn sáng, cà phê…

Đi chợ ghé lại mua vé số may mắn. (Hình: Trần Phú Đa)

Có mấy lần ra dự các sự kiện Cộng Đồng người Việt GA tổ chức, chúng tôi thường gặp vợ chồng anh Võ Bình. Họ tâm sự: “Vì mình sống xa quê hương nên được phục vụ cho bà con đồng hương là hạnh phúc của mình. Phương châm hàng đầu của chúng tôi là phục vụ tận tình, chu đáo khi bà con có nhu cầu gì thì sẵn sàng đáp ứng ngay, luôn lắng nghe và điều chỉnh mọi công việc ngỏ hầu phục vụ cho bà con mỗi ngày một tốt hơn!”

Chợ Sài Gòn ở Atlanta Georgia là một địa chỉ quen thuộc với bà con đồng hương người Việt. Hai tiếng Sài Gòn nhắc ta biết bao kỷ niệm buồn vui, hình ảnh miền Nam Việt Nam với một thể chế Việt Nam Cộng Hòa nhân văn, độ lượng, nơi bình yên và luôn có một cuộc sống nhân bản.

Sài Gòn tuy không còn danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” như trước đây nhưng trong mỗi một người con xa quê luôn nhớ về một Thủ Đô Miền Nam hoa lệ, đẹp và giàu có, để bây giờ khi không còn được sống ở Sài Gòn, những hình ảnh và địa chỉ thân thương như thế này nơi xa xứ luôn là niềm vui, là sự an ủi khi chúng ta buộc lòng phải xa quê Cha đất Tổ!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: