Khi nợ sinh viên lệ thuộc vào ‘bàn cờ chính trị’

(minh họa: Villasmil/Unsplash)

“Nợ sinh viên là hình thức tín dụng tiêu dùng lớn thứ hai, sau các khoản thế chấp, và ngày nay, hơn 45 triệu người nợ gần $1.7 nghìn tỷ,” nhà báo Polar Marrero mở đầu cuộc hội thảo qua Zoom do EMS tổ chức hôm 19 Tháng Tư. “Cứ sau 26 giây, lại có một trong những sinh viên vay tiền học vỡ nợ.”

Hậu quả không chỉ là số phận của những con người phải sống cả đời trong cảnh nợ nần chồng chất, đôi khi già rồi vẫn mang nợ, mà còn tạo ra sự bất bình đẳng hơn nữa về kinh tế, giới tính và chủng tộc trong xã hội.

Luật Sư Adam Minsky, cũng là tác giả về khoản vay dành cho sinh viên, giải thích kế hoạch mới nhất của Tổng Thống Biden, nhằm giảm nợ khoản vay dành cho sinh viên, bao gồm năm con đường để người đi vay được giảm bớt gánh nặng.

“Chính quyền Tổng Thống Biden từng tiếp cận việc giảm nợ theo hai cách: thông qua cứu trợ rộng rãi, bằng cách phê duyệt lên tới $153 tỷ để xóa nợ sinh viên cho khoảng 4.3 triệu người vay, và thông qua cứu trợ có mục tiêu, bằng cách cải cách các chương trình hiện có,” Luật Sư Minsky cho biết.

Tuy nhiên, những nỗ lực cung cấp cứu trợ lại gặp phải sự phản đối chính trị rất quyết liệt. Theo Luật Sư Minsky, nỗ lực đầu tiên của chính quyền là sẽ xóa khoản nợ vay sinh viên liên bang lên tới $20,000 cho hàng triệu người vay theo đạo luật Heroes Act of 2003, cho phép Bộ Giáo Dục ban hành các quy định về chương trình cho vay liên bang “để đối phó với tác hại kinh tế do tình trạng khẩn cấp quốc gia gây ra – trong trường hợp này là đại dịch.

Điều này bị thách thức bởi liên minh gồm các tiểu bang chiếm đa số thuộc đảng Cộng Hòa (Nebraska và Missouri), và bị Tòa Án Tối Cao đa số bảo thủ bác bỏ vào Tháng Sáu năm ngoái với lý do việc xóa nợ hàng loạt không được đề cập rõ ràng trong đạo luật.

(minh họa: Annie Spratt/Unsplash)

Minsky giải thích rằng nỗ lực cứu trợ rộng rãi hiện tại của chính quyền liên quan đến một cơ quan pháp lý riêng biệt – Đạo Luật Giáo Dục Đại Học, “cho phép miễn hoặc hủy nợ vay sinh viên một cách rõ ràng, mặc dù cho đến nay chỉ được sử dụng trong một số trường hợp hạn chế.” Chương trình có thể đi vào hoạt động đối với những người vay sớm nhất là vào mùa Thu.

Nhưng mọi chuyện không dễ dàng chút nào, vì nỗ lực này rồi cũng sẽ bị phản ứng, theo dự báo của nhiều người, mặc dù có “cơ hội sống sót” cao hơn trước thách thức pháp lý.

Các sáng kiến ​​có mục tiêu khác bao gồm Điều chỉnh tài khoản IDR (IDR Account Adjustment) cấp tín dụng xóa nợ cho những người đi vay mà không thể trả, dựa trên thu nhập trong 20 hoặc 25 năm; chương trình Public Service Loan Forgiveness (PSLF) xóa nợ trong vòng ít nhất 10 năm cho những người đi vay làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc chính phủ; và Save Plan (Kế Hoạch Tiết Kiệm) miễn cho những người vay có thu nhập dưới mức thu nhập nhất định và rút ngắn thời hạn xóa nợ đối với một số khoản thu nhập cao hơn mức đó.

Tất cả những điều trên cũng đều vấp phải sự phản đối. Ví dụ đến nay có ít nhất tám triệu người đi vay ghi danh chương trình Save Plan, trong đó, “phải hứng chịu hai vụ kiện mới, riêng biệt do 18 tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa đưa ra, bao gồm một số vụ kiện ngăn chặn kế hoạch giảm nợ hàng loạt đầu tiên của Tổng Thống Biden,” theo lời Luật Sư Minsky.

Ông nói thêm: “Họ đưa ra những lời chỉ trích là những chương trình này không công bằng đối với những người đã trả xong nợ. Có thể bạn cũng cho rằng điều đó không công bằng, nhưng nhìn chung chúng tôi vẫn cho rằng biện pháp này là tích cực.”

Diện giã thứ hai là Michele Shepard Zampini, giám đốc cấp cao về khả năng chi trả của trường đại học tại The Institute for College Access and Success (TICAS).

“Chính phủ đang có những hành động quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ sinh viên, nhưng người đi vay đang lo là liệu họ có được xóa nợ hay không, điều kiện xóa nợ ra sao,” bà  Zampini đặt vấn đề.

Trong một năm bầu cử quyết định, hàng chục triệu sinh viên vay nợ cũng đang chuyển từ điều khoản thanh toán đại dịch chưa từng có, từ Tháng Ba năm 2020 đến mùa thu năm 2023, miễn thanh toán khoản vay sinh viên liên bang và tích lũy lãi, trở lại chi trả.

Đối với đa số người đi vay này, các khoản phải trả hàng tháng quá cao khiến họ không đủ khả năng. Đâu phải chỉ nợ sinh viên, họ còn phải trả hàng loạt chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền thuê nhà, thực phẩm, chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe hoặc đi lại,” Zampini giải thích. “Trong khi 92% đến 93% số nợ tồn đọng của sinh viên là liên bang, nhiều người trong số họ có các khoản vay phi liên bang, tư nhân hoặc tiểu bang thì hoàn toàn không đủ điều kiện nhận các gói ​​cứu trợ này.”

Bà Zampini cho rằng nếu Tổng Thống Biden tái đắc cử, chính phủ sẽ tiếp tục cố gắng và mở rộng những sáng kiến này. Ngược lại, chắc chắn “phe chống đối” sẽ không đầu tư vào các chương trình hỗ trợ sinh viên. Nhiều chương trình không được pháp luật bảo đảm.

Đối với những người đi vay với lãi suất tăng vọt, việc giảm nợ có thể là sự khác biệt giữa việc nghỉ hưu và làm việc suốt đời.

Diễn giả cuối cùng là bà Virginia Brown, 72 tuổi, một nhân viên xã hội về sức khỏe tâm thần vừa nghỉ hưu. Bà kể: “Năm 1990, tôi từ Venezuela chuyển đến Florida và hành nghề bác sĩ, vì tôi có bằng thạc sĩ về phẫu thuật tai mũi họng. Tôi nói tiếng Anh tốt, nhưng không thể tìm được một công việc tốt. Cuối cùng, tôi đến trường để tư vấn sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp – tôi luôn thích giúp đỡ mọi người.”

Hàng trên, từ trái: Polar Marrero, Adam Minsky. Hàng dưới, từ trái: Michele Shepard Zampini, Virginia Brown. (Hình chụp qua màn hình Zoom)

Như bao người khác, bà Brown cũng phải vay nợ sinh viên, may mắn là bà được xóa nợ. Bà tiếp tục kể: “Đã có bằng thạc sĩ, tôi không thể quay lại học bằng cử nhân hoặc tìm một giải pháp thay thế hợp lý, vì vậy tôi đã vay tiền để theo học tại Orlando Rollins, một trường đại học tư thục. Lúc đó ai cũng hù ‘nợ này, gánh tới hết đời đó nhe,’ nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác.”

Để có tiền trả nợ, bà làm một lúc hai, ba công việc, làm việc trong tổ chức dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, nhưng lãi suất khiến khoản nợ tăng lên vượt quá $100,000 ngay cả khi bà vẫn đang “cày” miệt mài để trả nợ.

Bà phải chọn giữa việc trả khoản vay lên tới $900 một tháng, rồi còn đủ các chi phí khác, nên bà không đủ khả năng để chuyển đến gần gia đình mình hơn ở Jersey City, nơi mà chỉ khi được xóa nợ bà mới được chuyền về, và là nơi hiện tại bà đang sinh sống.

Brown giải thích: “Tôi phát hiện ra rằng mình có thể được xóa nợ sau 10 năm thông qua chương trình PSLF, bằng cách chuyển khoản vay của mình từ tư nhân sang liên bang và tiếp tục làm việc trong các tổ chức phi lợi nhuận. Vào giữa năm 2021, tôi nhận được một email nói tôi được xóa nợ. Ồ, không thể tin được! Tôi chuyển email đó cho con trai tôi và tự hỏi liệu mình đang mơ hay đang tỉnh. Nếu không được xóa nợ, chắc tôi vẫn đang phải ‘cày bừa’ tiếp để có tiền trả nợ, và đương nhiên không thể sống gần gia đình như bây giờ.”

Việc được xóa nợ làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, trong đó có bà Brown.

Trong vài năm qua, chính quyền Tổng Thống Biden cố gắng mở rộng các chương trình xóa nợ cho sinh viên được triển khai dưới thời chính quyền cựu Tổng Thống Obama, đạt được một số thành công, nhưng liên tục phải đối mặt với những thách thức pháp lý từ các tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa. Đến năm 2021, một chương trình mở rộng được công bố năm 2021 phải tạm dừng.

Trong khi đó, người đi vay vẫn có các lựa chọn nếu họ có thu nhập thấp, đã trả nợ trong một hoặc hai thập niên hoặc làm việc trong các công việc dịch vụ công, nhưng bức tranh toàn cảnh về dịch vụ cho vay rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi các quy định lỏng lẻo và các tác động phản kháng.

Rõ ràng, những sinh viên tương lai và những người còn đang mang món nợ không nhỏ kia phụ thuộc vào Tòa Bạch Ốc và bàn cờ chính trị sắp tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: