Vào giấc xế chiều, nhâm nhi vài miếng snack khoai tây cũng thú vị, nhưng cảm giác “đỡ đói lòng” này có khi lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nghiên cứu mới cho thấy thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ bị suy nhược và giảm nhận thức khi bạn già đi. Một số thực phẩm chế biến kỹ thậm chí còn có tác hại tệ hơn.
Ở Mỹ, thực phẩm siêu chế biến chiếm gần 60% lượng năng lượng tiêu thụ của mọi người, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh. Các thực phẩm này bao gồm đồ ăn nhẹ đóng gói, thức uống có gas, mì ăn liền, bữa ăn làm sẵn và hầu hết các sản phẩm có chứa một danh sách dài các thành phần, chất bảo quản, chất nhũ hóa, chất làm ngọt và hương vị nhân tạo khó nhận biết.
Chúng ta ngày càng biết rằng nếu ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, ung thư ruột, béo phì và suy giảm nhận thức. Hiện nay, nghiên cứu mới cho thấy rằng những món ăn nhẹ được chế biến kỹ càng này cũng có thể làm tăng nguy cơ suy nhược của con người, đặc biệt là ở phụ nữ.
Suy nhược là một tình trạng lão khoa phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 15% người Mỹ trưởng thành từ 65 tuổi trở lên. Nó thường được biểu hiện ở giảm khả năng đáp ứng với hoạt động, giảm sức mạnh cơ bắp, tăng tính dễ bị tổn thương trước các tác nhân gây căng thẳng và nhiều thay đổi thể chất khác khiến việc thực hiện các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hơn.
Nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi Teresa Fung tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, đã theo dõi 63,743 phụ nữ không bị suy nhược từ 60 tuổi trở lên trong khoảng thời gian tối thiểu 26 năm. Cứ bốn năm một lần, những người tham gia được hỏi một loạt câu hỏi về lượng thức ăn và lối sống của họ.
Trong thời gian nghiên cứu, có 15,186 trường hợp suy nhược đã được báo cáo. Những trường hợp này có mối liên hệ chặt chẽ với khẩu phần ăn uống hàng ngày của người tham gia.
Các nhà nghiên cứu viết: “Thực phẩm siêu chế biến trong khẩu phần mỗi ngày có liên quan trực tiếp đến nguy cơ suy nhược. Chúng tôi nhận thấy nguy cơ suy nhược cao hơn với mỗi khẩu phần mỗi ngày gồm đồ uống nhân tạo và có đường; chất béo và gia vị; sữa chua và món tráng miệng làm từ sữa, và các thực phẩm chế biến sẵn khác.”
Điều đáng nói thêm là không phải tất cả các loại thực phẩm chế biến sẵn đều có liên quan đến tình trạng suy nhược, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt.
Fung cho biết trong một tuyên bố: “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh tác động đáng kể của khẩu phần ăn uống đối với nguy cơ suy nhược ở phụ nữ lớn tuổi. Chúng tôi nhận thấy ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có liên quan chặt chẽ đến tình trạng suy nhược gia tăng, ngay cả khi tính đến chất lượng ăn uống tổng thể. Không chỉ những gì chúng ta ăn mà cả mức độ chế biến thực phẩm cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa và chức năng thể chất.”
Những phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ.
(theo Newsweek)