Được gì sau chuyến Tây du?

(Hình: Tác giả cung cấp)

Số là thằng con trai của tôi đang lớn dần và có theo học AFROTC (The Air Force Reserve Officer Training Corps) nghĩa là nếu nó ra trường được sau bốn năm thì sẽ trở thành người lính thật sự và có thể sẽ sống xa nhà.

Viễn cảnh ấy cho thấy nó sẽ càng ngày càng xa dần chúng tôi trong tương lai rõ ràng hơn. Nhận thấy thời gian con ở bên mình không còn nhiều bởi rồi ra nó sẽ có cuộc đời riêng của nó nên vợ tôi quyết làm một chuyến đi Tây như muốn được gần gũi con hơn, như để có các kỷ niệm đẹp về con sau này, như muốn níu lại thời gian, chứ thật tâm tôi thì cũng chẳng tha thiết cho lắm dù suốt thời thơ ấu tôi đã học trường Tây (Lasan Taberd) vì mơ ước đi Tây, sống như Tây, nói tiếng Tây như Tây , ã chết theo năm tháng trong lao tù cộng sản từ nhiều năm về trước rồi!

Do đó việc săn tìm vé máy bay rẻ, mướn khách sạn, tìm chỗ đi chơi, đi tham quan thì vợ tôi lo. Tôi chỉ việc đi làm kiếm tiền, còn con trai tôi lo tìm hiểu đường đi nước bước, đời sống, sinh hoạt bên Tây, chuẩn bị các thứ cần thiết khác như mua adaptor đổi điện, eSIM cho iPhone…

Thời gian đi còn xa, chúng tôi lo liệu từ từ và gần đến hôm đi tôi đến ngân hàng đổi một mớ tiền euro để sang Pháp xài cũng như làm một thẻ “credit card” cho “No Foreign Transaction Fees.” Đồng euro thường cao hơn đồng đô Mỹ một tí và hối suất hôm ấy là 1 euro bằng 1.16 đô Mỹ.

Thắm thoát rồi ngày lên đường cũng tới. Chúng tôi ra phi trường CVG (Cincinnati/Northern Kentucky International Airport) sớm hơn ba tiếng vào một buổi chiều, không mất nhiều thời gian lắm để làm mọi thủ tục lên máy bay một cách suông sẻ.

Sau khoảng tám giờ đồng hồ ăn, ngủ vật vờ trên máy bay vì khác múi giờ, chúng tôi đã xuống tới phi trường quốc tế Charles De Gaulles (CDG) một cách an toàn vào lúc 8 giờ 30 phút sáng hôm sau.

Đón tôi ở phi trường CDG là Tài, người bạn thân thiết thời trung học khi chúng tôi cùng chung mái trường Trần Quốc Tuấn tức Lasan Đức Minh cũ. Tài vẫn vui vẻ như xưa và còn nét trẻ trung hơn so với tuổi đời đã quá sáu mươi. Sau khi tay bắt mặt mừng xong, Tài dẫn chúng tôi ra ngoài. Không theo đề nghị đón taxi về khách sạn, vì Tài bảo Paris thời điểm này đang có Olympic sắp đến nên kẹt xe dữ lắm và Tài chọn đi Metro cho nhanh dù tuy có hơi bất tiện hơn một tí do vali khá cồng kềnh nhưng không sao!

Quả đúng như thế. Sau khi qua bảy, tám trạm cuối cùng chúng tôi dừng lại ở trạm “Butte de Chapeau Rouge,” rồi ra khỏi Metro và lên mặt đất. Nhờ có Tài là dân “thổ địa” ở đây rành đường đi nước bước nên chúng tôi đỡ mất thời gian và tốn tiền vé nhiều bởi trước khi sang Tài đã kêu chúng tôi gửi mỗi người một tám ảnh cho Tài làm thẻ đi hàng tuần rồi.

Lệ phí cho thẻ này là 5 euro. Sau khi có thẻ thì “charge” gần 31 euro một tuần cho mỗi thẻ. Chúng ta có thể sử dụng thẻ này đi bao nhiêu lần trong ngày và cho Metro, Tramway hay Bus đều được. Có cả thẻ đặc biệt cho trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ giảm giá cho học sinh hay sinh viên và thẻ dùng cả năm cho dân chúng ở đây nữa. Rất tiện lơi!

Nhận xét đầu tiên của chúng tôi về phương tiện công cộng này là dẫu rằng nó có dễ dàng và nhanh cho dân chúng nhưng vì có từ lâu đời nó vẫn thiếu nhiều phương tiện hơn bên Mỹ như không có lối đi riêng cho các người tàn tật dùng “wheelchair!” Và khi chúng tôi cực nhọc mang vali lên cầu thang bộ thì tôi thấy ở chiều ngược lại một phụ nữ phải vất vả vác “troller” trong có một em bé đi xuống. Bất tiện vô cùng!

Thật tình mà nói nếu chính phủ có kinh phí thì họ vẫn có thể “cải tạo” được dù có khó khăn, nhưng rõ ràng là Pháp chưa đủ tài chính nhất là thời buổi kinh tế đang gặp nhiều vấn đề như hiện nay trước một hệ thống Metro to lớn, rộng khắp trên cả nước thì đó là một chuyện gai gốc chứ không phải đơn giản mà có thể sửa chữa trong ngày một ngày hai được!

Sau khi mang hành lý về khách sạn ở Quận 19 gửi cho rảnh tay, rảnh chân rồi Tài đưa bọn tôi xuống nhà thờ Basilique du Sacré-Coeur de Montmartre gần đó chơi. Dù khá mệt nhưng trước sự hăng hái của bạn hiền chúng tôi cũng không thể từ chối nên lẽo đẽo đi theo.

Và trong chuyến Metro vào giờ tan sở, kẻ lên người xuống ào ạt này, tôi gặp lại một cặp vợ chồng đi chung máy bay, đứng kế tôi. Sau khi dừng lại vài phút khi Metro bắt đầu tiếp tục di chuyển thì cũng là lúc mặt người chồng thất sắc báo cho vợ biết là anh đã bị móc bóp, mất sạch!

Đây thật sự là một cú “shock” lớn với tôi trong xã hội Pháp ngày nay. Mặc dù có nghe những cảnh báo về các tệ nạn này qua bạn bè, báo chí truyền thông rồi nhưng tôi vẫn không ngờ bọn gian manh ra tay chớp nhoáng như thế. Theo lời hành khách trên Metro khi ấy nói lại, là bọn chúng thường đi một nhóm rất đông, cả trai lẫn gái tới chín hay mười đứa cả thảy. Lúc nhắm được con mồi nào rồi thì chúng theo dõi rất lâu, có khi từ phi trường hoặc khách sạn để lựa chọn thời cơ. Thường là chúng thực hiện trên Metro hay Tramway. Bởi trong những phương tiện công cộng này có đông người dễ cho chúng hành động. Khi ra tay bọn chúng thường chặn con mồi ở ngay cửa không cho vào sâu trong xe rồi vây con mồi vào giữa. Chúng nghiêng qua ngả lại như do xe lắc lư để áp sát con mồi và cũng là để cho nạn nhân phân tâm. Trong một phút lơ đãng mất cảnh giác là chúng ra tay ngay. Lúc lấy xong “chiến lợi phẩm” là bọn chúng xuống liền ở trạm kế tiếp và khi nạn nhân phát giác được thì đã trễ vì xe đã chạy, bỏ bọn chúng lại sau lưng rồi. Rõ là có một sự tính toán rất chuyên nghiệp!

Nhìn gương mặt của người đồng hành với mình thất thần, ảo não, tôi cảm thấy buồn và tội cho anh ta. Như thế thì không biết anh ta có còn tiếp tục chuyến đi không hay phải trở về vì mất cả giấy tờ tiền bạc? Tôi bắt đầu hoang mang, lo lắng và trở nên kỹ lưỡng, cẩn thận hơn trong những ngày tới mỗi khi phải dùng phương tiện công cộng để đi lại!

Montmartre là địa điểm du lịch nổi tiếng với phố họa sĩ, nghệ sĩ đường phố nên có đông đảo du khách từ khắp nơi đến thăm, lúc nào cũng nhộn nhịp ở mọi khu phố bán đồ kỷ niệm. Nhà thờ Basilique du Sacré-coeur de Montmartre nằm trên đồi, uy nghi và cổ kính với lối kiến trúc Gothique kinh điển. Kẻ lên cầu thang vô nhà thờ, người đi xuống sau khi lạy Chúa, thiên hạ băng ngang lướt dọc cười nói reo hò trong buổi chiều tà vẫn còn nắng gắt của trời tháng sáu rực rỡ, của Paris hoa lệ thật vui. Người ta gọi nhau chụp hình ơi ới, làm dáng trong trang phục sặc sỡ muôn màu, muôn kiểu của nhiều sắc dân trông thật lạ mắt!

Vì đi suốt chặn đường dài nên vợ chồng con cái tôi với Tài quyết định ghé lại một nhà hàng ăn tối rồi về khách sạn nghỉ ngơi mai đi tiếp. Chúng tôi chọn chỗ ngồi bên ngoài vừa thưởng thức đồ ăn tây vừa nhìn thiên hạ cũng ngồi ăn quanh đó hay khách bộ hành qua lại thật thích vì không khí và sinh hoạt khá giống Saigon; Hòn Ngọc Viễn Đông do người Pháp mang lại Việt Nam ngày trước.

Hôm sau chúng tôi đi thăm tháp Eiffel; kỳ quan của thế giới và là một trong các biểu tượng của Pháp quốc mà hồi nhỏ tôi chỉ học và thấy qua sách vở cùng Tài với Trúc; cô bạn thân của Tài, tình nguyện làm hướng dẫn viên miễn phí. Eiffel thì vẫn đứng yên, hiên ngang, cao vời vợi qua bao năm tháng chờ khách viễn du đến ngắm và chụp hình với mình như người tình muôn thuở đợi mong.

 

(Hình: tác giả cung cấp)

Đoạn chúng tôi tới Khải Hoàn Môn, đứng trên phố xá đầy xe cộ và cùng dòng người đông đúc tranh nhau chụp hình lưu niệm giữa Paris hoa lệ khiến cảnh sát phải mang xe đến giải tán nhóm du khách “thích chụp hình không sợ chết!”

Rồi bọn tôi lại tiếp tục đi dạo quanh phố phường, xem nơi ở của William Shakespeare; tác giả viết quyển tiểu thuyết “Romeo and Juliet” lừng danh nay đã trở thành một thư viện, có một “café terrace” nho nhỏ, xinh xinh bên ngoài, trên lề đường cho khách bốn phương ngồi nghỉ chân tán gẫu. Đứng từ dây tôi cũng có thể ngó sang bên kia đường và thấy Notre Dame de Paris sừng sững thuở nào nay đang ủ rũ, bị rào kín như người thương binh bị băng bó khắp nơi vì phần mái bị cháy vẫn chưa sửa chữa xong do đó du khách không thể vào thăm, đọc kinh hay lạy Chúa được! Dĩ nhiên là ở các chỗ này lúc nào cũng đông đảo, đặc biệt là đại hội thể thao Olympic lại sắp diễn ra vào Tháng Bảy tới nên đường sá thêm kẹt và chật chội hơn do chính phủ ngăn chặn nhiều nơi để sửa soạn.

Chiếc đồng hồ đếm ngược ngày giờ đến đại hội Olympic Tháng Bảy 2024. (Hình: tác giả cung cấp)

Tối đến vợ chồng con cái tôi dẫn nhau đến nhà hát “La nouvelle Eve” vô cùng dễ thương ở phố đèn đỏ để xem show “Paris je t’aime” thật hay với các nam vũ công điển trai, nữ vũ công xinh xắn mà vợ tôi đã đặt mua vé “online” từ khi còn ở bên nhà. Trong “revue” này có vũ điệu French Cancan truyền thống mà chúng tôi trông đợi được xem tận mắt vô cùng hấp dẫn. Bất ngờ lớn là có cả màn vũ sexy 50% khiến thằng con tôi giật mình chưng hửng vì mới thấy lần đầu tiên trong đời nó, còn vợ tôi thì hốt hoảng bắt con tôi nhắm mắt lại nom thật buồn cười! Bởi trước khi mua vé, vợ tôi đã xem xét nội dung chương trình, cô có thấy ghi chú cấm trẻ em dưới 13 tuổi nhưng cô cứ ngỡ dù 13 tuổi cũng còn là con nít thì làm gì có chuyện này. Hóa ra bên Tây, do nền văn hóa khác biệt, người ta quan niệm 13 tuổi trở lên là lớn đủ để có quyền xem 50% rồi!

Hai ngày sau tôi gặp như đã hẹn trước với anh Phong, người thiện nguyện viên từng làm việc cho Ecoles Sans Frontières của Pháp cũng như thông dịch viên tiếng Anh ở văn phòng Cao Ủy Tị Nạn, sống trong cùng trại tị nạn PFAC với tôi trước đây, để được anh hướng dẫn đi thăm viện bảo tàng Louvre; là viện bảo tàng nghệ thuật lớn, nổi tiếng trên thế giới, nơi chứa các cổ vật quý hiếm như bình, lọ, vương miện đính đầy hột xoàn to bự của hoàng hậu Josephine, những tấm tranh được biết đến nhiều qua những nét vẽ sắc sảo miêu tả lại các cuộc chinh chiến lẫy lừng, hay sinh hoạt cung đình xa hoa của vua chúa Pháp ngày xưa hoặc những bức họa chân dung của Napoleon, của Louis XIV, Louis XVI, chân dung Mona Lisa của họa sư Leonardo da Vinci… các bức tượng điêu khắc khỏa thân của mấy vị thần danh tiếng, rồi đi du thuyền trên sông Seine, đoạn lấy xe lửa đi thăm cung điện Versailles vào hôm kế tiếp…

Versailles, một cung điện ngoài sự nguy nga, tráng lệ, cực kỳ lộng lẫy của vua Mặt Trời (le Roi Soleil-Louis XIV) với vô số tranh, tượng giá trị thì nơi đó còn được nhiều người biết đến vì là địa điểm đã ký kết một hòa ước quan trọng để chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến năm 1919 mà người ta thường gọi là Hòa Ước Versailles ngay tại Phòng Chiến Tranh của cung điện này!

Cuộc hội ngộ của hai anh em chúng tôi thật vui và trong thời gian đi chơi chung, đi ăn trưa, hay ngồi ăn kem Berthillon, thỉnh thoảng tôi và anh Phong có nhắc lại các kỷ niệm đau khổ thời còn ở trại hoặc kể chuyện buồn vui đời tị nạn mà không khỏi bùi ngùi, chạnh lòng xót xa ngày tháng cũ!

Nói riêng, nếu đi thẳng từ Việt Nam sang Pháp sinh sống, chúng ta sẽ thấy Pháp thật đẹp, thật lớn, văn minh, với những đền đài uy nghi, quảng trường rộng rãi, các tượng đá cao to sắc sảo, kiến trúc Gothique hùng vĩ, cổ xưa từ nhiều thế kỷ trước như chúng ta đã từng thấy qua phim ảnh hay học qua sách vở… nhưng vì đã định cư ở Hoa Kỳ nên tôi thấy có nhiều điều khác biệt giữa một quốc gia với nền văn hóa lâu đời ở lục địa già với một quốc gia non trẻ ở lục địa khác.

Trong thời gian ở đây, hằng ngày chúng tôi ghé các quán xá để ăn uống và một hôm bọn tôi lại ghé nhà hàng “La fourmi ailée” nhỏ nhắn, bên trong bày trí cổ kính và thưởng thức đồ Tây với anh “chief cook” dễ thương, khá đẹp trai và có gương mặt hài hước tương tự như Louis de Funès.

Sau mấy buổi ăn, tôi nhận thấy xã hội và đời sống sinh hoạt của người Pháp có ít nhiều thay đổi trong một số lĩnh vực như về ẩm thực thì ở Mỹ hiện nay lúc tính tiền những nhà hàng, quán ăn ghi “tip” đề nghị khách hàng phải cho là 18%, 20%, 25%… khiến đôi khi người ta cảm thấy lúng túng trong khi ấy bên Pháp không có còn cho tiền tip (pourboire) nữa vì tiền này đã được nhà hàng, quán ăn tính luôn vào hóa đơn rồi. Nếu thơm thảo vì người phục vụ chìu, hay dễ thương chúng ta có thể cho vài ba euro là xong. Mấy ngày đầu khi tôi để lại tờ 5 euro trên bàn khi rời đi là bạn bè tôi giãy nảy lên và lấy lại. Nhưng từ từ quen dần tôi lại thấy hay, vì “tip” không bắt buộc. Điều này khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn. Vả lại bây giờ người ta có thể “to go” đồ thừa mà không còn cảm thấy ngượng nghịu như trước nữa! Tuy vậy quán xá bình dân ở đây nhỏ hơn so với Mỹ nhất là “restroom” thường bé khiến cho tôi cảm thấy việc đi vệ sinh khá tù túng, không thoải mái lắm!

Ở Mỹ đường lộ to, rộng và đi đâu chúng ta cũng đi xe, tiện lợi hơn trong lúc ở Pháp đa số sử dụng phương tiện công cộng, nhiều khi phải đổi Metro hai, ba lần hoặc thay phương tiện di chuyển trong một chuyến đi như từ Metro sang Tramway (xe điện) hay xe Bus chẳng hạn khiến cho hành khách cực nhọc và tốn nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên cũng vì thế mà phần lớn người Pháp ốm hơn, mấy cô đầm Pháp thon gọn, xinh xắn, “mignon” hơn! Và điều này cũng có cái lợi vì đó là một hình thức “exercise” tránh khỏi bị các bệnh béo phì, tim mạch… đỡ tốn tiền chữa bệnh, giảm ngân sách cho chính phủ.

Mặt khác, giá xăng ở Pháp lúc tôi sang là 2 euro/ litre, cao hơn nhiều so với Mỹ. Sự đắt đỏ này cũng là yếu tố quan trọng buộc người dân muốn tiết kiệm tài chánh thì phải dùng phương tiện công cộng, vô hình trung góp phần làm cho chương trình giảm khí thải của động cơ của chính phủ gia tăng trong mục đích làm trong sạch hóa môi trường sống. Với cùng mục đích này, hiện nay Pháp dẹp bớt các “parking lot,” biến những nơi này vào các việc khác như xây dựng thành công viên, khu thương mại làm cho người sử dụng xe hơi thêm khó khăn trong việc kiếm chỗ đậu xe, nhằm giảm số lượng xe vào thủ đô cho bớt nạn kẹt xe cũng như bớt đi lượng khí thải độc hại, bảo vệ sức khỏe cho dân chúng, nên mấy ngày ở đây tôi thấy có rất nhiều người dùng xe đạp và xe gắn máy để di chuyển!

(Hình: tác giả cung cấp)

Tuy nhiên, dùng phương tiện công cộng nhiều lại phát sinh ra các tệ nạn trộm cắp, móc túi và… cướp giật. Ngày gần về tôi chứng kiến hai gã lưu manh bụi đời dơ dáy bước vào Tramway và đảo mắt nhìn mọi người trong toa tàu khiến ai cũng e dè, tay giữ chặt túi tiền, giỏ xách. Vài phút sau nhắm thấy không làm ăn gì được, chúng nhìn xuống đường quan sát khi xe sắp ngừng lại. Lúc Tramway vừa dừng hẳn, chúng lân la đến cửa, lợi dụng sơ hở của một người đàn ông vừa bước lên là một tên thò tay giựt lấy đồ trong túi của ông ta ngay khi ông còn chân trong chân ngoài. Sau vài giây lưỡng lự người đàn ông ấy đành bỏ xe và rượt theo tên hai tên lưu manh nọ. Xe chạy rồi, chúng tôi chẳng biết sự thể ra sao sau đó?

Paris với tôi bây giờ cũng nguy hiểm thật! Vì thế mà hiện nay chính phủ dán các biển cảnh báo coi chừng trộm cắp, móc túi trên các Tramway cũng như thường xuyên phát loa thông báo hành khách coi chừng tệ nạn này tại các trạm chờ đợi.

Bên cạnh đó, người ta thường bảo du khách nên học một số câu tiếng Pháp căn bản như chào hỏi xã giao với người bản xứ trước khi đến đây thì sẽ chiếm được cảm tình của họ khi nói chuyện và dễ dàng cho thời gian sống, sinh hoạt hơn là nói chuyện bằng tiếng Anh vì đôi khi họ không thèm tiếp chuyện với mình nếu mình không biết tiếng Pháp. Nhưng hiện nay vì Pháp muốn ngành du lịch của họ phát triển nên họ đã thay đổi quan điểm xưa, bởi hôm rồi chúng tôi dùng tiếng Anh giao dịch với họ vẫn dễ dàng và thân thiện như thường nhưng có điều cách nói tiếng Pháp của họ ngày nay có khác hơn hồi tôi học một chút.

Ngoài ra, trong các thương xá lớn như Mall bên Mỹ chẳng hạn chúng ta đi “restroom” thoải mái nhưng bên Pháp mà đi vệ sinh thì phải trả một Euro. Tiền này có thể khấu trừ ở một số cửa hàng có quy định trên ticker nếu chúng ta mua sắm ở các tiệm đó…

Sau vài ngày ở đây, thằng con tôi đã rành rẽ cách sử dụng các phương tiện công cộng trên nên nó cứ theo “Google map” mà dẫn vợ chồng tôi đi tá lả tùng lùng, mỏi cả chân, mờ cả mắt! Cũng nhờ vậy mà chúng tôi thấy có rất nhiều tiệm McDonald, KFC hiện diện khắp nơi tại Paris này.

Ngày thứ 8 chúng tôi tới thăm Musée d’Orsay, viện bảo tàng nổi danh với các tác phẩm nghệ thuật của trường phái ấn tượng (impressionism) và hậu ấn tượng từ 1848-1914 của những họa sư bậc thầy như Claude Monet, Vincent Van Gogh với bức tranh “ngôi nhà màu vàng” mô tả phòng ngủ của ông qua thủ thuật sử dụng màu tương phản một cách đặc trưng, ngắm tấm “Bal du moulin de La Galette” của Auguste Renoir vẻ năm 1876 với những nét cọ nhỏ, bố cục mở với lấm tấm đốm sáng miêu tả một bữa tiệc khiêu vũ ngoài trời của dân Paris vào một chiều chủ nhật ở Montmartre mà tôi đợi hơn mười phút vẫn không dứt dòng người vào xem để chụp một các trọn vẹn được!

(Hình: tác giả cung cấp)

Cuối cùng là đêm hôm trước ngày về gia đình tôi được vợ chồng Tài và Hạnh, mời tới nhà hàng Rạng Đông tại Quận 13 dùng cơm tối cùng với Trúc và anh Phong. Trong buổi ăn thân mật này chúng tôi đã hàn huyên rôm rả, vui vẻ trong tình cảm thân thiết của người Việt xa xứ dù có vài người mới chỉ biết nhau lần đầu. Đúng là “tha hương ngộ cố tri!” Cám ơn tất cả các bạn đã đón tiếp gia đình tôi bằng tình nghĩa anh em bạn bè, tình đồng hương ấm áp!

Nói chung, sau vài ngày ngắn ngủi đi chơi bên Pháp thì chuyến du lịch này cũng là cơ hội cho tôi gặp lại được vợ chồng cô em họ Sakiné của tôi sau gần năm mươi năm xa cách để thấy hai đứa giờ đã già, tóc đã bạc phơ cũng như nó đã cho tôi có thêm một số hiểu biết ở “kinh đô ánh sáng” để thấy rằng ở đâu cũng có cái hay cái dở. Chúng ta có thể nhận xét những cái khác nhau của mỗi quốc gia nhưng không nên so sánh. Bởi so sánh tạo ra sự soi mói, từ đó sẽ sinh ra đố kỵ, hơn thua, ganh ghét… nên hãy vui vẻ chấp nhận với những gì chúng ta đang có để nhận thức được là bằng lòng với hiện tại là hạnh phúc!

Vì sao? Bởi hôm đi du thuyền trên sông Seine thơ mộng, nhìn con nước vẫn chảy lặng lờ dưới chân các chiếc cầu đá to sừng sững hay tháp Eiffel cao ngất trời xanh qua bao đời mà thời thơ ấu tôi đã được các thầy cô chiếu cho xem từ các tấm phim (diaporama-slide show) thì thấy chúng vẫn “bình chân như vại” theo tháng ngày mà thầy cô của tôi cũng như biết bao du khách thì đã không còn. Rồi hàng triệu người nữa lại sẽ đến để chiêm ngưỡng và cũng sẽ ra đi khiến tôi bỗng chạnh lòng nhớ tới ca sĩ lừng danh Charles Aznavour với “Hier encore j’avais vingt ans. Mais j’ai perdu mon temps…”

Trước nỗi niềm cảm khái bất chợt ấy tôi lại nghĩ đến mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong “Thăng Long hoài cổ” thuở nào: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương… Cảnh đó người đây luống đoạn trường!” để thấm thía “một mảnh tình riêng ta với ta,” để hiểu rằng đời người là vô thường!

Tất cả rồi cũng tàn theo năm tháng để từ đó thương yêu, trân trọng nhau hơn.

Đó là cái tôi biết từ lâu nhưng chỉ mới nghiệm ra thấu đáo được trong chuyến đi này khi đầu đã bạc. Vật chất phù du, tình thương mới là vĩnh cửu!

(Ohio, Tháng Năm, 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: