Liễu trai chí dị – Vương Bích Ngọc

(Hình: Javardh/Unsplash)

Không ai biết rõ nguồn cội của thư sinh họ Khổng tên Châu đã đến quận Hà An, một quận bé nhỏ thuộc tỉnh Hải Bắc này từ khi nào, nhưng mọi người đều thấy Châu luôn luôn áo mão chỉnh tề, nói năng nhỏ nhẹ, đúng là người thông thạo lễ nghĩa thánh hiền. Nhiều người thắc mắc, lân la thân cận với Châu dò hỏi, được Châu cho biết thuộc dòng dõi của Khổng Minh.  Qua biết bao nhiêu phong trần với hàng ngàn năm thời thế biến đổi nên giòng họ trôi nổi, phân tán khắp thiên hạ.

Thế hệ của ông bà Châu lập nghiệp, định cư ở phương bắc nhưng thời thế loạn ly, cướp bóc đã đẩy đưa con cháu phân tán ra tứ hướng mười phương. Gia đình Châu cũng không ngoại lệ, tưởng rằng di chuyển xuống phương Nam tránh nạn binh đao, tìm đất an cư lạc nghiệp nhưng lại bị một nhóm cướp cạn chấn lột, giết hại toàn gia.

Châu lúc đó chỉ là thằng bé 5, 6 tuổi may mắn không ở nhà nên thoát chết. Châu lang thang dựa vào lòng thương hại của nhân gian, nhất là các nơi thờ tự tôn giáo mà sống qua ngày. Dù rơi vào nghịch cảnh khó khăn nhưng Châu vẫn tự hào mình là giống nòi họ Khổng nên vẫn cố theo đòi đèn sách, đã lấy được bằng tú tài. Dù biết cũng chả là gì trong xã hội nhưng Châu vẫn cố gắng giữ gìn thân phận cho đúng nghĩa nho gia, đợi chờ dịp học cao hơn mà vươn lên trước là ấm thân mình sau là phục lại chức danh cho giòng họ.

Hàng ngày Châu vẫn khăn đống, áo dài xách táp lên trung tâm thành phố, đến các cơ sở hành chánh, sở bưu điện… lo việc làm đơn, viết thư cho khách lấy tiền công. Chiều tối về nhà, lại  đến các nhà giàu trong quận chỉ bảo việc học cho các cậu ấm, cô chiêu mãi khuya mới về nhà. Công việc không giàu nhưng cũng dư dả cho cuộc sống khá cần kiệm, khuôn thước của Châu.

Một hôm sau khi dậy học về nhà, đang định vào bếp hâm lại vài món ăn lót bụng rồi đi ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa, gọi tên mình. Có chút thắc mắc vì đêm khuya, ai lại làm phiền mình, nhưng Châu vẫn ra mở cửa thì thấy một cô gái khoảng tuổi 18, 20, không gọi là sắc nước hương trời nhưng cũng thuộc hàng xinh đẹp, dễ coi nhìn Châu mỉm cười. Châu ngạc nhiên giương mắt nhìn người đẹp, không nói gì mà cũng quên không mở cửa. Cô gái nhìn Châu mà nói:

-Chàng không mở cửa, mời thiếp vào nhà, để cho thiếp cóng lạnh với gió mưa hay sao?

Trách móc của nữ nhân đã làm Châu tỉnh táo, vội vàng mở cửa mời khách vào nhà, ngạc nhiên mà hỏi:

-Nàng là ai, giữa đêm khuya đến tìm ta có việc gì? Xin cho biết.

 -Là người quen biết, cũng là hàng xóm, sát cạnh nơi đây đã nhiều năm rồi, hôm nay có dịp rảnh rỗi mà đường đột đến thăm, tâm sự vui buồn đây!

Nhìn nữ nhân ra vẻ ngạc nhiên, Châu nói:

-Lạ kỳ thật, ta thuê căn nhà nhỏ này ở giữa vườn cây rộng lớn, chung quanh chẳng có một căn nhà nào, sao là hàng xóm, sát cạnh nhau được nhỉ?

-Chàng không nhìn thấy một nấm mồ sát gần đây sao?

Với tí chút đùa giỡn, Châu nhìn nữ nhân mà nói:

-Không lẽ nàng là ma hay sao?

-Thì đúng rồi đó, thiếp là ma chứ là ai nữa!

Nghe nữ nhân nói xong, Châu có chút cảm giác sờ sợ, giương mắt nhìn nữ nhân mà hỏi:

-Ta nhìn thấy nàng có khác gì người nhân gian đâu? Cũng mồm miệng chân tay, xác thịt mà con xinh đẹp nữa, đã thế còn mang cảm giác lạnh khi ở ngoài trời. Xin đừng đùa giỡn mà mất vui.

Cô gái chưa kịp trả lời thì Châu hỏi tiếp:

-Nếu là ma thì nàng từ âm phủ đến hay sao?

-Đúng như vậy, từ lâu thiếp biết chàng là người có chí khí tiến thân mà lại chuẩn mực của một nho gia chân chính nên hôm nay, thiếp đánh bạo mà đến làm quen sau cũng vì cảm kích con người mà muốn thân cận với chàng đây.

Thấy cô gái không có ác ý mà lại ra vẻ nhu mì, hiền hậu, Châu không còn sợ hãi nữa mà hỏi:

-Ở âm phủ nàng làm gì? Sống ra sao? Mà tại sao không đi đầu thai?

-Hơn chục năm về trước, lúc đó chàng chưa đến đây, thiếp bị bệnh mà mất ở tuổi 18. Đã tưởng rằng cũng như mọi người chết, sẽ được đi đầu thai, nhưng Diêm vương xét mãi hồ sơ phúc đức cũng như tội lỗi của thiếp từ tiền kiếp nhưng đã không kiếm ra được nơi đầu thai nào đúng với hoàn cảnh của thiếp. Mấy năm trước Diêm phủ có một hồn nhân làm việc tại đó phải đi đầu thai nên trống chỗ. Nhờ thiếp có tài viết chữ đẹp lại biết về sổ sách, hành chánh nên đã được tuyển vào làm việc tại Diêm phủ. Đến nay đã được gần 5 năm rồi, được Diêm vương rất tin tưởng. Mấy hôm trước thiếp đã xin phép Diêm Vương về thăm gia đình và cũng để gặp chàng, người mà thiếp có nhiều cảm mến.  

Nghe nói xong, với vẻ tò mò, Châu kéo nữ nhân đến gần, đưa bàn tay nắn vuốt nắn cơ thể, mặt mũi thấy chẳng khác biệt gì với con người bình thường. Bạo mạnh hơn, Châu ôm người đẹp  vào lòng, tay di chuyển khắp cơ thể, miệng thì hôn như rải gạo trên mặt người đẹp. Ban đầu cô gái còn tỏ vẻ ngượng ngùng nên im lặng để yên cho Châu làm gì thì làm, nhưng một lúc sau, người đẹp lấy hết sức đẩy Châu ra xa mà nói:

-Hình như chàng không còn là người chuẩn mực, đàng hoàng như thiếp đã nghĩ thì phải? Thiếp vì mến yêu chàng mà đến đây nhưng không vì thế mà chàng có những hành động xuồng xã như tuồng vô học như vậy được. Nếu chàng không biết giữ lễ độ đối với thiếp thì sẽ chẳng bao giờ có dịp gặp nhau nữa đâu.

(Hình: Alexander Grey/Unsplash)

Nghe cô gái nói, Châu dừng tay lại, với vẻ ngượng ngùng quỳ xuống mà nói:

-Ta biết lỗi rồi, mong nàng bỏ qua mà đừng giận. Cũng chỉ vì nàng xinh đẹp đã làm cho ta quá yêu thương, động lòng mà lầm lỗi vậy, xin chừa!

Vui mừng ra mặt, người đẹp trả lời:

-Thiếp cũng đâu ngu ngơ mà không biết tình của chàng dành cho thiếp. Nhưng chỉ mới gặp nhau, chàng đã hung hãn như vậy thì làm sao mà thiếp không sợ hãi được?

Nói xong , cô gái cho biết tên là Vương Bích Ngọc, con gái út của quan đốc học trong tỉnh, chủ nhân của khu vườn rộng lớn này. Hơn chục năm trước, khi Bích Ngọc lên 18 tuổi bị bệnh mà mất, được gia đình an táng tại trong vườn nhà.  Song thân Ngọc buồn vì con gái mất nên bán nhà và vườn cây này cho người khác, dọn nhà lên trung tâm tỉnh lỵ sinh sống. Không muốn đụng chạm đến nơi an nghỉ của con gái nên đã không di chuyển mộ của con gái đi nơi khác, cũng yêu cầu người mua cũng không được di dời nó. Nhờ vậy đã hơn chục năm qua, ngôi mộ vẫn còn đó. Nghe người đẹp nói xong, Châu thắc mắc:

-Như vậy, tuổi nàng đã hơn 30 tuổi, hơn tuổi của ta rồi sao? Nhưng nhìn nàng vẫn như ở tuổi đôi mươi, có lạ kỳ lắm không?

-Âm giới không có khái niệm về thời gian và không gian. Khi người ta chết, tuổi tác, hình thể vẫn được giữ nguyên cho đến khi Diêm Vương xét xử.  Sau khi xét xử xong, đi đầu thai sẽ trở lại kiếp hài nhi trên trần gian. Về không gian cũng vậy, khi chết đi dù chôn ở bất cứ đâu trên trần gian, chưa được Diêm Vương xét xử, linh hồn có thể hiện diện bất cứ nơi nào để  tiếp cận với thân nhân cho đến khi đi đầu thai kiếp khác thì chấm dứt. Chính vì vậy âm giới cũng không có khái niệm về không gian.

Trường hợp của thiếp trong suốt hơn 10 năm qua, chưa được Diêm Vương cho đi đầu thai nên vẫn thường về nơi phần mộ của mình cũng như hưởng lộc từ gia đình cúng viếng. Khi chàng đến nơi đây làm việc để sinh sống, chăm lo việc đèn sách đã làm cho thiếp cảm phục, mến yêu mà tìm đến gần gũi với chàng hôm nay đó.

Châu sung sướng khi nghe cô gái nói tốt về mình, không ngại ngần ôm lấy người đẹp hôn lia lịa mà nói:

-Cám ơn nàng đã hiểu và thương yêu, ta nguyện sẽ vì kẻ tri âm mà trả nghĩa ân tình.

Cả hai xoắn lấy nhau trong hoan lạc. Sau đó cứ vài ba ngày Bích Ngọc lại đến sống với Châu  đầm ấm như vợ chồng. Được khoảng vài tuần lễ, vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm với tí chút đắn đo Bích Ngọc nói với Châu:

-Trong suốt 10 năm qua, thiếp làm việc cho Diêm Vương điện, thu nhập khá nhiều nhưng chẳng có gì để tiêu pha. Không những thế, hàng năm vào ngày giỗ, ngày sinh nhật của thiếp cũng như vào dịp tết, tảo mộ… Song thân lại đốt, gửi cho thiếp biết bao nhiêu tiền mã, vàng bạc… Thiếp cũng chẳng biết làm gì cho hết, biết chàng đang phải cực nhọc kiếm sống, lo chuyện ăn học…  Thiếp muốn tặng cho chàng, coi như món quà ân tình cho người thiếp mến yêu, xin đừng chối từ.

Không như vậy được! Ta làm sao mà nhận được ân huệ đó của nàng. Việc học hành và làm việc của ta dù có chút cực nhọc nhưng vẫn trôi chảy đúng như ta tính toán mà . Xin nàng đừng bắt ta phải khó xử.

-Chàng biết đó, việc thiếp đến với chàng, không thể dài lâu được. Bất cứ khi nào Diêm Vương tìm được nơi tái sinh thích hợp với thiếp, thì chúng ta phải xa nhau. Trước khi xa nhau, thiếp muốn dùng món tài sản đó mua cho chàng một căn nhà tại Đế Kinh, nơi đó cách biệt với chung quanh, hàng xóm, thiếp sẽ thường đến với chàng và cũng để thuận lợi cho việc học hành của chàng hơn. 

Với vẻ cảm động, Châu trả lời:

-Ta chỉ ước mong được mãi như hiện tại mà thôi. Với ta được gần nàng vẫn là điều ta ước muốn vậy.

-Việc xa nhau là chuyện chắc chắn xảy ra, sớm hay muộn mà thôi. Mong chàng hiểu mà nhìn vào thực tế để không bị buồn đau lúc chia ly.

Cuối cùng với mọi lý lẽ phân trần của Bích Ngọc, Châu đành chấp nhận rời chuyển lên Đế Kinh để tiếp tục việc đèn sách. Rồi với hơn một năm sau đó, nhờ cuộc sống dư dả, không phải bận rộn việc sinh nhai, Châu đã xong bằng cử nhân. Thời gian qua mau, thấm thoát đã gần 3 năm tại Đế kinh, Châu đang chuẩn bị cho kỳ thi Đình lấy tiến sĩ thì Bích Ngọc đến với vẻ mặt buồn bã nói với Châu:

-Đã đến lúc chúng ta phải vĩnh biệt nhau rồi! Diêm Vương đã hoàn tất sổ sách để cho thiếp đi đầu thai trở lại nhân giới. Từ hôm nay, chúng ta đành vĩnh biệt. Thiếp sẽ không có dịp gặp chàng nữa, với 3 năm được sống với chàng là những ngày tháng hạnh phúc nhất của đời thiếp.

-Nàng không thể cầu xin Diêm Vương cho chúng ta sống với nhau được vài ba năm nữa hay sao?

Buồn bã, Bích Ngọc trả lời:

-Khi đã có tên trong danh sách đi đầu thai, việc xin xỏ để trì hoãn không bao giờ có tại âm giới. Tuy nhiên, trước khi vĩnh biệt chàng, thiếp sẽ tìm cách nối kết chàng với một người con gái khác đang sống trên trần gian. Cô ta sẽ thay thiếp để nâng khăn, sửa túi giúp đỡ chàng đạt được những gì mà chàng ước mơ. Hai ngày nữa, kinh thành có cuộc lễ hội nghinh xuân, chàng hãy dành thời gian mà tham dự.  Thiếp sẽ xếp đặt để chàng có dịp thân cận với người đẹp. Xin chàng đừng quên mà phụ lòng tốt của thiếp.

Nói xong, Bích Ngọc lặng lẽ, buồn bã bước ra khỏi cửa nhà, biến mất.

Tại kinh đô từ người dân bình thường đến giới quan lại sĩ phu, không ai mà không biết đến Hình bộ thượng thư Hạo Công Khanh, một vị quan nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Ông có 3 người con, 2 trai đầu lòng đều làm quan Tuần phủ. Con trai cả tên Hạo Công Chính làm tuần phủ một tỉnh vùng núi tây bắc, con trai kế Hạo Công Kiên, làm tuần phủ một tỉnh giáp biển miền nam. Cả hai đều là những quan viên vì dân vì nước được dân chúng mến trọng như cha.

Người con gái út tên Hạo Thuý Lan, vừa bước sang tuổi hai mươi, sắc nước hương trời, ăn nói dịu dàng lại giỏi việc nội trợ, đúng là dạng phụ nữ phúc hậu, vượng phu… Biết bao nhiêu bạn bè, thân hữu của cha mẹ cũng như của hai anh đã lân la nhờ mối mai mong được kết nghĩa vợ chồng, nhưng Thuý Lan vẫn lơ là mà lấy lý do  chưa gặp được người vừa ý. Song thân và hai anh nhiều lần không vui mà dò hỏi có ý ép buộc ái nữ, nhưng cũng chẳng đến đâu, cuối cùng cũng đành  thở dài, buông xuôi mà để cho Thuý Lan tự do đến đâu thì đến.

Một buổi tối, sau cả ngày mệt mỏi việc vá khâu với mẹ, Thuý Lan ăn vội bữa cơm tối rồi trở về phòng lên giường mà ngủ thiếp đi rồi mơ thấy một cô gái rất xinh đẹp đến sát bên giường gọi mình dậy mà hỏi:

-Tiểu thư có muốn gặp gỡ người hôn phu tương lai của mình không?

Với vẻ ngạc nhiên không biết cô gái từ đâu đến, vào được phòng riêng của mình mà hỏi như vậy. Với tí chút lo sợ khi tưởng tượng đến chuyện ma quái, hồ ly… hiện về làm hại cho mình. Lan nhìn cô gái mà hỏi:

-Ngươi là ai? Sao có thể vào được phòng riêng của ta mà hỏi như vậy? Ngươi có phải là ma quỷ, hồ ly muốn hãm hại ta không?

Cô gái, đưa tay vỗ nhẹ lên vai Lan, thân thiện cười vui ra mà trả lời:

-Sao tiểu thư lại nghĩ xấu cho muội như thế, chúng ta không thù, không oán nhau. Ngược  lại muội còn yêu mến tiểu thơ nữa thì làm sao lại có ý hãm hại tiểu thơ được nhỉ? Muội đến đây muốn giới thiệu tỷ tỷ với một nam nhân,  sẽ là người chồng của tiểu thơ nay mai đó! Tiểu thơ không muốn biết thì muội đành rời xa vậy.

Nói xong cô gái, làm ra vẻ muốn bỏ đi. Nghe lời nói nhỏ nhẹ, dễ mến của cô gái, biết là cô ta không có ý hãm hại mình nên Thuý Lan mỉm cười vui vẻ mà trả lời:

-Thôi, ta không còn nghi ngờ muội nữa, xin đừng giận, hãy ở lại và cho ta biết về người có duyên vợ chồng với ta đi.

Cô gái cười hiền hoà, ngồi xuống mép giường, cho Lan biết mình đúng là hồn ma nhưng biết nhiều về gia thế và bản chất tốt đẹp của Thuý Lan nên muốn nối kết nối nàng với một nam nhân cũng là dòng dõi hiển vinh trong xã hội. Rồi cô gái cho biết, 2 ngày nữa, nam nhân đó sẽ tham dự lễ hội nghinh xuân của kinh đô, Thuý Lan hãy đến đó thì sẽ gặp được nhau. Nghe cô gái nói xong, Lan thắc mắc mà hỏi cô gái:

-Tỷ nói hàm hồ như vậy, không cho muội biết tên tuổi, hình dạng thì làm sao muội biết là ai mà gặp được giữa lễ hội đông người được?

Cô gái mỉm cười mà nói:

-Tỷ đừng lo cho mệt, khi đã có duyên nợ với nhau thì người ta sẽ gặp được nhau mà thôi. Đúng 2 ngày nữa vào buổi chiều, tỷ cứ trang điểm cho thật đẹp rồi như mọi người khác, hoà mình vào đám đông của lễ hội, duyên kỳ ngộ sẽ tới với tỷ mà. 

Ngồi nói chuyện tầm phào một lúc rồi cô gái lấy cớ không thể ở lâu được mà từ giã ra về. Đúng như dự tính, hai hôm sau Thuý Lan trang điểm rồi một mình lên trung tâm thành phố hoà mình vào với đám đông của lễ hội, nhưng vẫn đưa mắt nhìn chung quanh xem có nam nhân nào trong đám đông khả dĩ làm cho mình yêu mê không.

Lang thang như vậy được một lúc, vì không chú ý nên Thuý Lan vướng vào một khúc rễ cây nổi lên giữa đường làm cho Thuý Lan lạng quạng mất thăng bằng mà phải ôm vội lấy nam nhân đi phía trước. Sau khi đã lấy được cân bằng, ngước mắt nhìn nam nhân thấy dáng vẻ thư sinh, phong thái đĩnh đạc, anh ta không tỏ vẻ gì bực bội mà còn nở nụ cười ra vẻ rất thích thú. Có lẽ nam nhân cũng bàng hoàng khi Thuý Lan ôm lấy mình, cũng chưa biết làm gì thì Thuý Lan với vẻ ngượng ngùng nhìn anh ta mà nói:

-Xin lỗi công tử, thiếp đã vô tình vướng vào khúc rễ cây trên đường mà làm phiền đến ngài. Xin công tử bỏ qua cho….

Không để cho người đẹp nói hết câu, nam nhân nhìn người đẹp, vẫn giữ nụ cười có vẻ đùa giỡn trên môi, thích thú mà trả lời:  

-Có gì đâu mà lỗi với phải? Tại hạ còn mong cho cô nương vấp ngã mấy lần nữa để tại hạ lại được ôm lấy cô nương, một mỹ nhân của ngày hội đó.

Cho rằng câu tán tỉnh của nam nhân quá sỗ sàng nên Thuý Lan cúi đầu, im lặng liếc mắt nhìn nam nhân với vẻ coi thường rồi vội tránh đi hướng khác. Nam nhân có phần ngạc nhiên với phản ứng đột ngột của người đẹp mà tự trách lời đùa giỡn quá mức làm cho mỹ nhân giận mà hiểu lầm nên vội vàng nói với theo:

-Xin tha lỗi, ta hoàn toàn không có ý đùa giỡn, coi thường cô nương. Nhưng là lời nói thật lòng vì mến yêu của ta với nàng đó.

Dù vội bước quay đi nhưng Thuý Lan vẫn nghe rõ câu nói của nam nhân, với tí chút ân hận vì mình quá khắt khe với một câu nói chẳng có gì quá đáng, huống chi nó còn làm cho mình vui sướng vì sắc đẹp của mình được tôn vinh nữa. Dù nghĩ như vậy, nhưng Thuý Lan vẫn không quay lại mà vẫn tiếp bước, rời xa. Nhưng chỉ khoảnh khắc sau đó, lời nói của cô gái trong giấc mơ  chợt  hiện về trong trí nhớ đã làm cho Thuý Lan ân hận. Vội vàng quay lại chỗ mà mình trượt té, đưa mắt giáo giác tìm kiếm nam nhân nhưng đã không còn ở đó nữa. Với cảm giác buồn, ân hận vì cá tính quá khắt khe, nóng giận vô lý của mình đã trách oan một người đã gia ơn, giúp đỡ, khen tặng nhan sắc mình. Với tâm trạng ân hận, không vui đó, Thuý Lan tiếp tục hoà mình vào đám đông trong lễ hội mong tìm gặp lại nam nhân đó. Nhưng cũng vô ích, cho đến một lúc cảm thấy mỏi mệt, Thuý Lan bước vào một quán bên đường mong tìm một chỗ để uống nước, nghỉ chân, nhưng quán đầy khách, không một chỗ trống. Đang lúc định quay ra, đi tìm nơi khác thì bất thình lình từ chiếc bàn sát gần cửa quán. Nam nhân, người đã giúp đỡ Thuý Lan trong tai nạn vấp ngã vừa qua, với vẻ vui mừng, anh ta đứng dậy vẫy tay gọi lớn:

 -Tiểu thơ xinh đẹp ơi, nếu không có gì phiền trách, xin đến đây, bổn mỗ xin được mời nàng một ly nước để tạ lỗi lời nói khiếm nhả vừa qua.

Với vẻ vui mừng hiện rõ trên nét mặt, Thuý Lan nhìn nam nhân mỉm cười rất tươi mà trả lời:

-Thiếp cảm thấy mình quá hồ đồ mà trách oan công tử, nên cũng đang muốn tìm công tử để xin tha lỗi đây.

Thế là cả hai đã gặp nhau đúng như giấc mơ của Thuý Lan và cũng đúng như sắp đặt của Bích Ngọc dành cho Khổng Châu trước khi vĩnh biệt. Cả hai cho nhau biết rất nhiều về nhau. Sau lễ hội, mẫu thân của Thuý Lan thấy ái nữ có vẻ khác với thường, đã biết chú ý đến phấn son nhiều hơn, luôn luôn trang điểm mỗi khi ra đường, những công việc mà trước đây rất hiếm thấy. Biết con gái mình đã có gì khác lạ, bà dò hỏi mới biết con gái mình đã tìm được ý trung nhân trong kỳ lễ hội vừa qua… Bà gặng hỏi mãi mới được ái nữ kể cho biết mọi sự, từ giấc mơ cho đến cuộc gặp gỡ, gần gũi với Khổng Dương… Mẫu thân vui mùng, đem chuyện của con gái nói với phu quân. Quan thượng thư cũng chẳng giấu được hoan hỉ mà nói với vợ:

-Ta sẽ tìm hiểu, nếu đúng là một kẻ có cội nguồn danh giá như bà nói, thì chẳng còn gì để chúng ta không vun vào cho ái nữ. Xin bà đừng lo!

Rồi một hôm, khi Khổng Dương đang ngồi trong thư phòng học kinh sử  thì lão gia nhân đến báo tin:

-Thưa công tử, có một vị quan gia rất sang trọng với chiếc xe song mã, quân lính hầu cận, ông ta đang đứng ngoài cổng, muốn gặp công tử.

Với vẻ ngạc nhiên, Khổng Dương vội vàng chỉnh tề áo mũ ra tận cửa mời khách:

-Đại quan có việc gì quan trọng mà phải đích thân tìm bổn nhân, xin cho biết?

Đưa mắt nhìn khá kỹ Khổng Dương một lúc, vị quan nhân với nụ cười dễ dãi mà nói:

-Ta là Hạo Công Khanh, quan thượng thư trong triều, phụ thân của Thuý Lan, người mà công tử đã quen biết trong kỳ lễ hội vừa qua đây. Công tử không trách ta vì quá đường đột mà đến đây chứ ?

Khổng Dương thẫn thờ nhìn vị khách quý rồi cúi rạp người xuống lậy mà nói:

-Được gặp đại nhân là điều hân hạnh quá lớn, làm sao mà kẻ học trò thấp hèn này dám phiền trách đại nhân được. Xin ngài đừng làm cho tiểu bối phải lo sợ.

Sau một lúc nói chuyện với Khổng Dương về mọi lãnh vực, kể cả việc học hành, gia thế và ước muốn tương lai. Quan thượng thư không dấu được vui mừng khi biết ái nữ đã tìm được một người đàn ông đúng nghĩa. Trước khi từ giã ra về, ông thân thiện vỗ vai con rể tương lai mà nói:

-Ái nữ của ta đã không lầm lẫn khi đã chọn được ngươi. Vợ chồng chúng ta cũng rất vui mừng nếu có đứa con rể như ngươi.

Ngần ngừ tí chút, Quan Thượng thư nói tiếp:

-Ta chờ đợi ngày đại đăng khoa của ngươi trong kỳ thi Đình sắp đến. Ta cũng không ngại ngần dẫn dắt ngươi trên đường quan lộ, trước là danh giá cho ngươi và ái nữ của ta. Sau đó là giúp người thực hiện ước mơ mà làm vinh hạnh cho tổ tiên ngươi.

Khổng Dương quá vui mừng, mà trả lời:

-Tiểu bối rất cảm động với sự ưu ái đặc biệt của ngài, nguyện sẽ cố gắng để không phụ lòng mong đợi của ngài. 

Rồi đúng như dự tính, cuối năm đó, sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ, Khổng Châu đã thành con rể của họ Hạo. Rồi cũng nhờ danh tiếng của gia đình vợ và tài năng cá nhân, Khổng Châu được triều đình tuyển dụng vào chức Án Sát sứ giúp việc toà án cho tổng đốc một tỉnh sát cạnh phía bắc Kinh đô. Không chỉ thăng tiến trong đường quan lộ, cuối năm sau vợ chồng Khổng Châu lại cho ra đời một quý tử xinh đẹp. Đúng là phúc đức trùng lai!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: