Nhạc sĩ Tiến Luân có viết bài hát “Quê em mùa nước lũ”.” Rồi ca sĩ Hương Lan hát ra rã trên đài phát thanh cộng sản. Tôi là dân miền Tây, nghe bản nhạc buồn nầy mà cười thiếu điều té ghế.
Nhạc sĩ Tiến Luân viết về bài hát. Nhạc sĩ viết nhạc buồn. Ca sĩ rên. Thính giả lại cười té ghế là sao? Sao có chuyện oái ăm, tréo cẳng ngỗng như vậy chớ?!
Chẳng qua ông nhạc sĩ Tiến Luân nầy qua cái tên là tui đoán ổng là người Bắc. Theo ổng xì ra, Nguyễn Hoàng Tuấn là tên thật, sinh năm 1955 tại Sài Gòn, là cây guitar bass nổi tiếng ở phòng trà Queen Bee trước 1975, cựu thành viên ban nhạc Quốc Dũng lừng lẫy ở Nhà hát Q10 thập niên 80 – 90 cùng với Kim Tuấn, Quốc Dũng, Quang Đạt, Mỹ Linh, Văn Quyến, Tùng Châu.
Nhạc sĩ Tiến Luân hiện làm công tác biên tập, hòa âm phối khí cho các trung tâm băng nhạc.
Trong khoảng 170 ca khúc của ông có một số bài nổi tiếng như: Mong em còn ngày mai, Những
trái tim hồng, Chờ anh hát lý duyên tình, Nợ em một khúc dân ca, Phải em Lý ngựa ô, Lao xao mùa xuân, Điệu nhạc xuân…
Tiến Luân là tác giả của ca khúc “Quê em mùa nước lũ” rất được yêu thích với tiếng hát ca sĩ Hương Lan. Những ca từ não nuột đến se lòng trong bài hát “Quê em mùa nước lũ” đã được cất lên rất nhiều trên các đài truyền hình, đài phát thanh kêu gọi đồng bào cả nước hướng về miền Trung ruột thịt đang chìm trong cảnh tang thương do bão tàn phá.
Nhạc sĩ Tiến Luân tâm sự: “Tôi sáng tác ‘Quê em mùa nước lũ’ năm 2000 từ sự gợi ý của ca sĩ Hương Lan. Qua truyền hình, tôi bàng hoàng xúc động khi ống kính quay cận cảnh một bà mẹ ngồi thu lu trong góc tối ôm xác đứa con ướt sũng, gương mặt mẹ thất thần dường như bà đã khóc con đến không còn nước mắt”.
“Quê em mùa nước lũ” đã tạo ấn tượng qua tiếng hát Hương Lan trên HTV suốt gần 10 năm qua và trên nhiều đài truyền hình khi phát động cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt.
Ca từ là:“Không còn con sông nước dâng tràn lên bãi bồi. Anh về quê em khắp nơi như là biển khơi. Chập chờn mái tranh ngôi lên giữa ngọn triều dâng. Những đàn gà con bơ vơ đứng nhìn trời xanh.
Bao ngày trôi qua lũ cao dâng thêm nữa rồi. Không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi.
Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh câm. Xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này.
Ôi nước lũ dâng cao, nước lũ dâng cao.Dâng theo bao nỗi sầu đau. Ôi nước tràn bờ đê, nước tràn bờ đê. Tan thương khắp một miền quê.
Bên bờ đê cao mái tranh tạm che kiếp người. Ơi đồng bằng ơi biết bao thân phận nổi trôi. Còn một trái tim ai ơi nhớ lại miền Tây
Nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường.”
Rõ ràng ông viết về Miền Tây của tui. Chớ không phải Miền Trung hay Miền Bắc gì hết ráo!
Ổng nói bài nầy là do Hương Lan gợi ý. Quê em mùa nước lũ” đã được cất lên rất nhiều trên các đài truyền hình, đài phát thanh kêu gọi đồng bào cả nước hướng về miền Trung ruột thịt đang chìm trong cảnh tang thương do bão tàn phá.
Qua ca từ bài hát của ông thì nó đá lại lời ông nói.
Nếu bão tràn vào Miền Trung gây mưa nhiều. Lòng sông Miền Trung hẹp và dốc. Mưa to tạo thành lũ quét. Bão chỉ không hơn một ngày thì hết mưa. Hết mưa là hết nước. Thì làm sao quê em có mùa nước lũ cho được chớ?!
Nói tới mùa là nói tới thời gian ít nhứt ba tháng tới sáu tháng. Như bà con mình thường hay nói Miền Tây mưa nắng hai mùa.
Tháng Mười Một tới Tháng Tư là mùa nắng. Tháng Năm tới tháng Mười Một là mùa mưa, mùa nước nổi.
Năm nào trên thượng nguồn sông Cửu Long bên Tây Tạng, dòng Lan Thương bên Vân Nam mưa nhiều hơn mọi năm thì Miền Tây mới có lụt. Lụt là nước lên từ từ rồi lan ra cả đồng bằng. Mà lụt thì bà Miền Tây trước khi bị Tàu Cộng xây hàng chục cái đập thì năm nào cũng có. Nước nồi rồi nước lụt bà con sống biết bao đời nay không có ai rên rĩ khóc than như ông viết “Ơi đồng bằng ơi biết bao thân phận nổi trôi.”
Và cũng xin nhắc nhỏ ông là bà con đồng bằng của tui chằm lá dừa nước để lợp nhà. Nhà tranh vách đất cũng có nhưng ít lắm. Chỉ có miệt đồng bưng mới có tranh để lợp nhà!
Té ra ông là dân Bắc kỳ 54, Hương Lan là con ông Hữu Phước nhỏ lớn chỉ biết đi hát nên suy nghĩ về mùa lụt đồng bằng trật lất. Rồi ông lại bị nhiễm độc Bake 75 viết về: Nước sông Hồng mùa khô dòng cạn kiệt, trơ đáy sông, bờ bãi cát, giữa dòng; rồi lũ quét!
Con sông ngầu đỏ máu; gào thét điên cuồng vỡ bãi đê sông!
Mùa lũ phăng phăng nước về Châu thổ, dân đói nghèo …chèo vớt củi trên sông;‘Anh phải sống’*!
Xuôi tay dòng nước bạc, chịu cảnh thiên tai: mùa lũ sông Hồng!
Vùng trũng Chiêm, ngậm đòng, chìm trong nước, trắng tay rồi! Mùa gặt sắp đến nơi! Nên ông khóc tang thương là phải quá! Thương đồng bào phải ăn cháo cầm hơi!
Không có lũ đất đồng bằng Nam Bộ! Tháng Chín hằng năm, nước nổi là thường! Quà tặng thiên nhiên cho người cùng khổ! Hà cớ gì thơ ông khóc tang thương?*
Con nước sương sa mang phù sa tôm cá. Tháng Chín về đồng tứ giác Long Xuyên, bông điên điển ngoi lên mừng nước nổi. Nước nổi quê mình! Mừng! Quá xá vui!
Hoàng đế Trung Hoa… 16 vàng, 4 tốt?! Chặn Cửu Long để cất thủy điện rồi! Nước nổi bây giờ… mơ thời mới có! Bởi tại ai? Nào phải bởi tại Trời!
Không còn phù sa; không còn tôm cá! lúc đó rồi… ông hãy khóc tang thương!
Do đó cái gì mình không biết thì phải đi hỏi ông già bà cả vùng đất đó rồi hãy viết. Đừng có nghe ca sĩ Hương Lan cũng không biết gì mà xúi bậy, rồi coi bão ngoài Trung trên Tivi dám lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, rên ư ử tối ngày một cách bậy bạ. Rồi mình tự ‘bợ đít’ mình thì coi sao được nè?