LTS: Tôi chọn bông lúa làm quốc hoa, đó là tựa bài gốc của tác giả Nguyễn Văn Mỹ về câu chuyện hết sức quái lạ của văn hóa cộng sản hôm nay: Kêu gọi người dân góp ý để chọn “quốc hoa” nhưng lại đặt câu hỏi cho những nơi đề nghị là “ai công nhận ?”
Đầu năm 2011, báo chí và mạng xã hội Việt Nam sôi động việc “chọn quốc hoa.” Dịp giáp Tết bận rộn nên chỉ mấy chục ngàn người tham gia, vài trăm ý kiến trên báo, trên mạng. Ai cũng cho mình có lý, muốn loài hoa mình yêu thích được chọn. Hết Tết vẫn im re, sau đó chìm xuồng không rõ lý do.
Mấy bữa nay, chuyện cũ lại dậy sóng. Tại kỳ họp Quốc Hội thứ 7, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị “Cần cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoa sen là quốc hoa.”
Bởi năm 2011, Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch tổ chức bầu chọn quốc hoa, tỉ lệ chọn hoa sen đạt 81 %. Đại biểu Bùi Hoài Sơn – ủy viên thường trực Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục cho rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể chọn hoa sen làm quốc hoa vì nhiều lý do đặc biệt.”
Theo ông “Hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết và bền bỉ. Trong bùn lầy, hoa sen vẫn vươn lên nở hoa tinh khiết, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất và đức tính cao cả của người Việt, xuất hiện nhiều trong văn học, thơ ca, các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam; khắc họa trên các công trình kiến trúc cổ, chùa chiền; các đồ dùng hằng ngày; gắn liền Phật giáo, tôn giáo phổ biến ở Việt Nam; tượng trưng sự trong sạch, giác ngộ, từ bi…”
Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Từ 2011, Chính phủ đã giao bộ xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa. Hoa sen được đề xuất là quốc hoa. Tuy nhiên, khi trình các cấp lại vướng mắc ở chỗ “ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký.” Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền vì không có quy định.” Ông Hùng đề nghị Quốc Hội bổ sung và “có thể giao cho một địa phương hay bộ, ngành đưa vào trong luật để Chính Phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận.”
Theo sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (Ban Tôn Giáo Chính Phủ, 2023), Việt Nam hiện có hơn 26.7 triệu người có tôn giáo, chiếm 27 % dân số. Hai tôn giáo đông nhất là Phật giáo trên 14 triệu (14 %) và Công giáo hơn 7 triệu (7 %). Hơn 60 % người Việt theo tín ngưỡng dân gian (Thờ tổ tiên).
Lý do năm 2011 chưa quyết định chọn hoa sen làm quốc hoa vì “không biết cấp nào công nhận và ký.” Chuyện quốc gia, không thể giao cho địa phương, hay ngành, bộ nào công nhân như Bộ Trưởng Hùng đề nghị. Để có được quốc hoa đồng thuận, cần có những bước đi phù hợp và sẽ tốn kém. Quan trọng là chứng minh được hiệu quả sau khi có quốc hoa.
Tôi vốn dị ứng với đủ thứ “bình chọn” kiểu “đầu voi đuôi chuột,” thậm chí “đầu voi đuôi kiến,” “đánh trống bỏ dùi”… nên không để ý nhưng khi nghe ý kiến các đại biểu quốc hội, cứ như hoa sen đã được chọn, nên lên tiếng. Chọn hoa nào làm quốc hoa là quyền của mọi công dân, bình đẳng. Tôi cũng không quan tâm lắm việc phải có quốc hoa, bởi mấy ngàn năm nay chưa có quốc hoa, đất nước vẫn phát triển.
Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có quốc hoa, trong đó có Trung Quốc. Theo tôi, có thì tốt, chưa có cũng không xấu. Bởi xã hội đang có nhiều tệ nạn cần giải quyết. Từ vệ sinh thực phẩm, môi trường, giao thông, cháy nổ, ngập lụt, bạo lực đến chất lượng giáo dục… Nếu cần bình chọn, ưu tiên hàng đầu là quốc phục, cách chào, rồi mới tới quốc hoa.
Hoa cũng như người. Mỗi người là một bông trong vườn hoa cuộc đời. Con người có mặt này mặt khác, hoa cũng vậy. Có những loài hoa rất bình thường ở nước này nhưng là quốc hoa ở nước khác. Chẳng hạn dâm bụt (Malaysia), hồ tiêu (Liberia), Lạc tiên (Paragoay), Cỏ ba lá (Scotland), Cỏ mắt xanh (Bermuda)…
Những đặc điểm của sen, nhiều hoa khác cũng có, từ sự đa dạng trong cuộc sống đến việc xuất hiện trong thi ca. Khen sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì nên xem lại. Xã hội Việt Nam lâu nay một chiều, ít phản biện. Trong những năm lao động tự cải tạo, nhà thơ Phùng Quán đã phát hiện nhiều “chân lý” đáng kinh ngạc.
Tôi thích nhất là “phát hiện” về hoa sen của ông: “… Bùn với Sen đâu phải chuyện gần/Chính là Sen mọc lên từ trong đó/Gốc của Sen là thăm thẳm bùn đen.” Ông quả quyết: “Nhụy vàng – bông trắng – lá xanh/Tất cả – tất cả – tất cả/Là do bùn hôi nuôi dưỡng/Ngay cả hương thơm thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng/Cũng là từ xương thịt bùn tanh/Như nhân dân/Gian truân – thầm lặng – vô danh/Đã sinh ra/Vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ.”
Ông quyết liệt đòi “Đuổi những câu thơ phản trắc khỏi kho báu nhân gian.” Tôi trộm nghĩ hoa sen không có lỗi. Người viết không nghĩ sâu xa. Cũng không thể cấm người đọc suy diễn. Tôi sinh ra và lớn lên giữa đồng ruộng, ly nông nửa thể kỷ nhưng trong hơi thở và máu thịt mình vẫn vương hương lúa và bùn.
Cách đây hơn 15 năm, trước bàn thờ nhà thơ Phùng Quán, tôi đã xin phép cô Bội Trâm, vợ nhà thơ; mạo muội đổi câu kết thành “Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời.” Sen không cần bùn chỉ có thể là sen giấy, sen nhựa. Bùn không có sen vẫn là bùn. Nhân dân vẫn là nhân dân. Ưu thể hoa sen là ong bướm lánh xa, cả hoa, lá, thân, rễ, củ đều là thực phẩm chức năng. Nhược điểm rất nhanh héo tàn, không thể vượt nước nổi vùng Tây Nam bộ như hoa súng.
Hoa sen là quốc hoa Ấn Độ, Ai Cập, Sri Lanka. Tôi chọn bông lúa làm quốc hoa. Không có sen, không chết ai. Không có lúa, dân tộc này đã diệt vong từ ngàn xưa. Lúa là một phần cuộc sống người Việt và nhiều dân tộc; là ẩm thực chính, chế biến thành hàng ngàn món ăn, bánh kẹo, thức uống; gắn liền nhiều lễ hội tâm linh, truyền thống Việt.
Bông lúa cũng đã có trên quốc huy Việt Nam.
Sen chỉ sống trong ao hồ. Lúa có mặt khắp nơi. Từ đồi núi, nương rẫy đến ruộng sâu. Ai bảo bông lúa không có hương? Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ/Tuổi mới đôi mươi cưới bữa dâng cờ/Má trắng mịn thơm mùi lúa chín” (Yên Thao). Tết Giáp Thìn, nhà tôi chưng cả cây lúa non và những chậu bông lúa. Đẹp và đáng yêu vô cùng!
Viết về cây lúa phải mấy chục quyển sách dày chưa chắc đủ. Điều quan trọng nhất, chưa nước nào chọn cây lúa làm quốc hoa dù cùng chung văn minh lúa nước. Coi chừng chần chừ, thiên hạ chọn trước, lại tiếc vì chậm chân.