Chỉ có thể là truyện ngụ ngôn trong sách vở

(Tokyo Guide)

Chuyện rất thật ngày tôi ở Nhật. Buổi trưa, tôi quay lại phi trường Narita tìm mua bộ chuyển đổi cho máy laptop cho ăn khớp với ổ cắm điện ở khách sạn. Với chú ý thoạt tiên là tinh nghịch, tôi đã có một kinh nghiệm thú vị về người Nhật, qua một chuyện thật mà chừng như chỉ có thể là câu truyện ngụ ngôn trong sách, sách công dân giáo dục.

Tôi đến Tokyo sớm hai ngày vì phải chuẩn bị cho sự kiện mà BPSOS đồng tổ chức đầu tuần tới. Trong hai ngày này tôi ở một khách sạn gần sát phi trường, rẻ hơn ở trung tâm Tokyo nơi sự kiện sẽ diễn ra.

Dù thời tiết nóng nực, tôi quyết định đi bộ đến phi trường vì muốn thể dục và giữ mình tỉnh ngủ lúc ban ngày cho quen múi giờ nơi đây.

Ghé mấy tiệm bách hóa xong, tôi vào tiệm ramen dùng bữa trưa. Trên lối ra, đi ngang quầy thông tin tôi nẩy ý thử tạt vào nhắn tìm số tiền mặt nhỏ tôi nghi đánh rớt hôm qua ngay sau khi đổi tiền. Tôi đổi 40 Euro được hơn 6,600 yen. Tôi gói 6,000 tiền mặt trong tờ biên nhận rồi đút vào túi. Về đến khách sạn thì gói tiền không còn trong túi. Tôi đoán là nghễnh ngãng đánh rớt đâu đó ở phi trường.

Số tiền không là bao nhiêu. Vả lại mọi thứ mua bán đều dùng thẻ tín dụng nên cũng chẳng cần tiền mặt. Nhưng tôi muốn làm phép thử vì có lần tôi đọc trên Facebook câu chuyện một phụ nữ Việt bỏ quên túi xách tay đắt tiền ở một phi trường Nhật Bản. Khi báo an ninh, nhân viên an ninh dắt vị phụ nữ ấy trở lại đúng nơi bỏ quên thì thấy một nhân viên bảo vệ đứng canh hàng giờ để chờ chủ nhân quay lại.

Nhưng đó là chủ nhân biết rõ để quên chỗ nào và báo động ngay, còn trường hợp của tôi là tiền mặt, đánh rớt đâu đó không rõ cả một ngày trước. Chẳng hy vọng gì.

Với chút tò mò và tinh nghịch, tôi nói với cô nhân viên trực quầy thông tin: “Tôi không kỳ vọng gì nhưng xin cô ghi số điện thoại để nhỡ trong muôn một có người nhặt được mớ tiền mặt 6,000 yen tôi làm rớt hôm qua đâu đây, thì gọi cho tôi biết. Chỉ cầu may vậy thôi.”

Người nữ nhân viên nhanh nhẩu rà trên máy computer, hỏi lại là có đúng là 6,000 yen, rồi gọi điện thoại cho ai đó.

Xong, cô ấy quay lại hỏi, “Hôm qua, Ông dùng quầy đổi tiền nào?”

“Ở cái quầy sau lưng tôi đây,” tôi chỉ tay về hướng đối diện quầy thông tin.

“Ông có chắc không? Đằng kia còn có một quầy đổi tiền nữa.”

Tôi định thần một lúc: “À, phải rồi. Quầy đằng kia mới phải.”

Người nữ nhân viên hỏi tiếp: “Thế Ông có giữ biên nhận không?”

“Tôi đổi 40 Euro được 6,600 yen lẻ, kẹp trong tờ biên nhận rồi đút vào túi. Tôi đánh rớt tiền lẫn tờ biên nhận.”

Tôi nghĩ thầm, “Chẳng có gì làm chứng; có tìm ra được tiền cũng chẳng chứng minh được đó là tiền mình đánh rơi.”

Thử như vậy là đủ. Tôi đã chứng kiến sự ân cần, tận tuỵ theo đúng phong cách truyền thống của người Nhật. Tôi định bỏ đi thì người nữ nhân viên ra dấu chờ.

Cô ấy đưa tôi xem bản đồ khu vực quanh quầy thông tin, hỏi thêm: “Sau khi đổi tiền thì Ông đi đâu?”

“Từ chỗ đổi tiền tôi ra cổng số 2 để đón xe buýt ở trạm này đây để đến khách sạn.”

Cô ấy lấy một mẩu giấy vuông nhỏ, viết lên đó một mã số rồi dặn tôi cầm đến “Support Center” (Trung Tâm Trợ Giúp) ở lầu 2.

Tôi cảm ơn và đi tìm Support Center, trong bụng nghĩ, “Chắc đây là thủ tục báo cáo đánh mất tài sản; trong mảy may mà họ tìm được thì sẽ gọi báo khổ chủ. Xác suất tìm được là zêrô. Hay là thôi, ta về đi.”

Nhưng trong đầu lại có tiếng nói ngược lại: “Đã thử thì thử cho ngã ngũ xem sao.”

Tôi lên lầu 2, tìm ra Support Center, trao tấm giấy vuông nhỏ với mã số cho một phụ nữ đang trực. Cô ấy đi vào phòng trong; bước ra là một nhăn viên nam vạm vỡ. Anh ta chìa ra bọc plastic trong đó tôi nhận ra ngay 6 tờ 1,000 yen và tấm biên nhận. Anh ấy xin xem passport rồi đưa tôi tờ đơn ký nhận lại của đánh rớt.

Tôi tò mò hỏi, “Ai nhặt và nhặt ở đâu, lúc nào?”

Anh ấy chỉ trên tờ đơn tôi vừa ký có ghi tên nhân viên lau dọn đã nhặt, nhặt ở gẩn nhà vệ sinh, lúc 3 giờ 35 phút chiều.

Thì ra họ đã có cả một quy trình và thủ tục đâu ra đó để giải quyết ngay cả trường hợp đánh rớt tiền mặt lãng nhách và ngớ ngẩn như tôi.

Nhân viên lau dọn nhặt gói tiền, trao cho Support Center, điền đầy đủ chi tiết vào bản báo cáo. Thông tin này được chuyển vào hồ sơ điện tử. Cô nhân viên ở quầy thông tin rà hồ sơ điện tử và tìm ra thông tin tương ứng lời tôi tường thuật. Vì đi cùng với số tiền mặt là biên nhận của quầy chuyển tiền, cô ấy phối kiểm xem tôi đã dùng dịch vụ đổi tiền nào. Cuối cùng, cô ấy hỏi lộ trình tôi di chuyển sau khi đổi tiền để đối chiếu với bản báo cáo của nhân viên lau dọn.

Phép thử mỹ mãn, tôi cuốc bộ về khách sạn với nhiều suy tư.

Người Nhật họ khiêm cung vì đủ tự tin chứ không lộng ngôn kiểu “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam,” thứ ba hoa của kẻ tự ti làm thiên hạ thêm khinh.

Người Nhật họ bảo vệ quốc thể bằng cách dạy cho nhau sống ngay thẳng, lương thiện, có trách nhiệm. Họ không vẽ truyện Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… để kích động tinh thần “tự sướng” của công dân từ tấm bé.

Người Nhật sẵn sàng học những điều hay của cựu thù để vươn lên thành cường quốc, thay vì vỗ ngực ta đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ rồi ngửa tay ăn xin tiền viện trợ.

Họ khom mình tôn kính người đối diện và nhận lại sự tôn kính tương xứng chứ không ưỡn ngực với mấy tá huy chương lủng lẳng áo không còn chỗ đeo, nhảm nhí như lũ phường chèo.

Và kinh nghiệm hôm nay cho tôi thấy, chuyện rất đời thường của họ cứ như là bài học công dân chỉ có thể có trong giáo khoa thư.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: