(Hình: Max Do/Unsplash)

Khải về Sài Gòn, tính đến nay mới hơn mười ngày, chàng đã vội có thư lên thăm Nhạn.

Lần lên Đà Lạt vừa rồi, có cơ hội biết Dung, quen Nhạn, hiểu gia đình ông Trí, tình cảm trong chàng chưa sâu đậm, nhưng Khải vẫn thấy có cái gì vấn vương nhen nhuốm trong hồn chàng. Nó như gió như mây nhẹ nhàng lãng đãng, êm ái như mùa xuân cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Mặc dù chưa đón nhận tình cảm của Nhạn, hay nói cho đúng hơn, Khải biết rõ, Nhạn chưa ý thức một chút gì về tình yêu, hôn nhân nhưng chính sự trong trắng ngây thơ và nhất là niềm đam mê ham học của Nhạn như nét son, điểm nổi khiến chàng đặc biệt chú ý. Đã vậy, Nhạn vui tươi sống động như con sóc tung tăng giữa mùa xuân trong một vườn hoa đua nhau khoe sắc, tạo cho người lạc lối niềm yêu đời thích thú mải miết loanh quanh thưởng ngoạn quên cả lối về, không muốn rời xa. Khải không vội vã, không hấp tấp. Chàng cứ rảo bước như đi vào chốn thiên thai để thưởng thức niềm an lạc, vui sướng hiện tại. Trước khi rời Đà Lạt, chàng cũng thưa với ông Hải, chú chàng, hãy để mọi sự tự nhiên, cái gì đến sẽ đến…

Bức thư của Khải gởi tới, Minh nhận được, cầm thư Khải và reo lên:

-Ới chị Nhạn ơi! Ới chị Nhạn ơi! Có thư anh Khải nè.

Dung gắt:

-Thư của Khải thì mặc… nó, việc gì mà mày phải la toáng cả lên, nhốn nháo… nhốn nháo… như có giặc.

Minh tiu nghỉu:

-Giặc gì? Có thư anh Khải gửi cho chị Nhạn. Em nhận được, em mừng.

Nhạn nghe gọi cũng vội chạy đến:

-Cái gì? Thư anh Khải hả?

Minh đáp:

-Dạ, để em đọc chị nhé?

Nói rồi nó bóc thư ra đọc lớn:

-“Vũ Thị Bạch Nhạn, con chim nhạn có… lông trắng của anh thân mến…”

Minh chưa kịp đọc tiếp, Dung hét:

-Thôi, “tốp” đi mày, đem chỗ khác mà đọc, thư từ gì nghe bẩn thỉu mất vệ sinh quá. Lông… với lá… nghe bẩn cả tai.

Minh làm lơ, càng đọc to hơn:

-“Anh vừa đến Sài Gòn, vội viết thư lên thăm Nhạn ngay. Trước hết, Nhạn cho anh trân trọng kính lời thăm sức khoẻ của bố mẹ, chị Thảo, chị… chị…”

Minh ngập ngừng:

-“chị… chị… chữ gì mà khó đọc quá vậy cà. Chị…Dữ.”

Và Minh ngẩng đầu lên:

-Ủa, nhà mình đâu có ai tên… Dữ cà?

Nhạn giựt lá thư trên tay Minh:

-Thật… óc tô xi-măng, ngu quá đi mất. Dù chữ gì viết khó đọc, mày phải biết suy luận ra chứ. Nhà mình thì có mấy chị? Chị Thảo, chị Dung với tao, chị Thảo xong thì đến chị Dung, chứ… Dữ… Dữ cái gì?

Và Nhạn dằn lá thư trước mặt thằng Minh:

-Đây này, chữ “Dung” anh Khải viết tắt cho nhanh nên nuốt mất chữ “n”, chứ  dữ… dữ cái gì?

Dung đứng dậy giận dữ vơ ngay chiếc đũa bếp gần đó, khõ mạnh lên đầu thằng Minh:

-Thằng phải gió, đụng đến tao là tới số.

Minh khóc, miệng mếu máo:

-Em chọc chị bao giờ? Chữ “Dung” anh Khải viết kiểu đó em có thấy bao giờ đâu? Bụng chữ “g” thì lép xẹp mà cái đuôi lại hất cao lên uốn éo nữa, nên em tưởng dấu ngã, thấy mài mại giống chữ “dữ” chứ em có chọc chị đâu. Cho dù “chị Dung” em đọc nhầm “chị Dữ” thì cũng… đúng quá chứ có sai đâu. Cũng dữ như bà chằn.

Dung quát:

-Này này, mày đứng đó mà lải nhải, tao “khỏ” thêm cái nữa bây giờ!

Minh thút thít lấy khăn lau nước mắt trong khi Nhạn đọc tiếp thư Khải:

-… “Trân trọng kính thăm sức khỏe bố mẹ, chị Thảo, chị Dung, Nhạn và em Minh.

Nhạn ơi! Nhạn có biết không? Anh về đến Sài Gòn, cái hòn ngọc viễn đông hoa lệ to lớn này không làm sao giúp anh quên được hình ảnh bé nhỏ đầy duyên dáng quyến rũ của em. Em lảng vảng mãi trong anh, làm sao anh quên được đôi mắt đẹp… hai mí của em. Nhớ mãi miệng em cười, nhớ cả lời em nói. Nhạn ơi! Em hãy… mau lớn lên, em còn nhỏ quá, thơ ngây quá, trong trắng quá. Nhưng anh mãi thương em, vẫn tôn sùng hình ảnh thần thánh ấy của em. Anh sẽ đợi em, đợi cho em lớn, dù đợi cho đến… già. Ráng chăm học anh thương. Khải”

Nghe đọc xong, Dung bực tức:

-Viết thư gì đọc nghe như thằng “ngố”, thấy dỏm bỏ bà. Chắc… trình độ văn hoá kém!

Minh bênh vực:

-Viết thư như vậy mà chị chê. Em thấy anh Khải tỏ ra con nhà nề nếp, ăn nói đầu cuối lễ phép vậy mà còn chê.

Nhạn cũng bực, dù không yêu Khải, nhưng thấy chị Dung chê bai quá đáng, Nhạn thấy tội nghiệp Khải, nên nói:

Trình độ văn hoá chị thì cao!

Dung giận dữ:

-Này, này, mày không được xỉa xói, móc méo gì đến tao nghe chưa? Đồ nhãi ranh bày đặt mê trai rồi ca ngợi. Thấy ông Khải, cứ xấn xa xấn xác. Tao không ưng rồi nhảy vô mà thỏm.

Nhạn nóng mặt:

-Xin lỗi chị nha, ngữ ông Khải chỉ có xứng với chị. Ông “trốn lính” xứng với bà “trốn học” chứ miễn dịch cái gì. Tui điều tra lý lịch là biết ngay, nhà đông con ai mà cho miễn. Còn chị, chị tưởng chị ngon. Ổng chê chị mắt một mí đó.

Dung cãi:

-Mắt tao một mí mà có hí đâu. Cho mày biết hiếm gì chàng khen mắt tao long lanh và đen nháy. Chỉ tại một mí mà giảm đẹp mất năm mười phần trăm. Cỡ ông Khải ai mà thèm, lại dám chê tao.

Nhạn:

-Giá có… thèm, cũng đâu có được chị  ha!

Nói xong, Nhạn bỏ đi để lại Dung với nỗi căm tức. Riêng Minh chưng hửng nhìn theo…

* * *

Cuối niên học năm đó, thi Tú tài Nhạn đậu ưu, trong khi Dung chỉ đậu… trúng cành mềm nên phải rớt cái… bịch.

Khải thì thỉnh thoảng vẫn viết thư lên thăm Nhạn, xem chừng Nhạn đã… lớn chưa. Mỗi lần nhận thư, Nhạn cũng thấy vui vui, mặc dù nàng không hề trông đợi. Nàng thường đem thư cùng Minh chụm đầu vào đọc. Và Nhạn không hề trả lời cho chàng. Phần do nàng bận học; phần nữa, Nhạn không muốn viết thư cho… trai. Thêm vào đó, trái tim nàng đang ngủ vùi, chưa bị đánh thức bởi bất cứ một tiếng chuông của tình yêu, và bóng hình nào cả. Nhạn muốn gạt hết qua một bên, chỉ để tâm trí vào bài vở, say mê với việc học. Nhiều khi Thảo thấy em thờ ơ với Khải như thế bất lịch sự quá, nàng thúc Nhạn trả lời, nhưng Nhạn nói “ Em không rảnh và không quen viết thư cho ai hết. Chị trả lời dùm em”. Bất đắc dĩ, Thảo phải ngoáy vài chữ thăm hỏi lại gia đình Khải, giải thích việc ham mê, bận rộn bài vở của Nhạn và cám ơn những bức thư của chàng. Riêng Khải, dù không nhận thư Nhạn, Khải vẫn kiên nhẫn trường kỳ mai phục theo dõi Nhạn qua ông Hải, chú chàng. Và Khải đợi…!

Thi đỗ, Nhạn càng vui vẻ bao nhiêu, Dung càng ủ dột bấy nhiêu. Bao nhiêu điều không may “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” cứ dồn dập đến với Dung. Dung âu sầu rũ ra như tàu lá chuối. Dung nhan xuống sắc thấy rõ, mặc dù thế, nét dễ thương vẫn không mất hẳn nơi nàng. Thật ra, Dung đâu xấu xí mà còn dễ nhìn nữa cơ. Nước da nàng trắng trẻo mịn màng, cũng nhờ con mắt một mí nhưng lại khá long lanh và đen láy nên thoạt nhìn trông nàng như người lai Tàu, lai Nhật. Đã thế nàng còn có một vóc hình mảnh mai uyển chuyển, nàng nhảy đầm nổi tiếng… số một. Từng bước nhảy của Dung nhẹ nhàng như én lượn, như tiên sa, như công múa. Mỗi lần nàng ra sàn, không khỏi kéo theo bao cặp mắt nhìn theo ngưỡng mộ. Đó là năng khiếu của riêng Dung, nàng chỉ học lóm từ bạn bè chứ nàng không được đào tạo từ trường lớp nào cả mà ông bà Trí cũng đâu muốn con gái nhảy nhót suốt như thế. Dung hay lén ông bà để tham gia vào những cuộc vui. Qua đó, Dung cũng có rất nhiều bạn trai theo đuổi nhưng bố mẹ không cho chơi vì nghĩ bạn của Dung chắc cũng là thứ… bán trời không văn tự. Còn Nhạn, Nhạn chẳng lấy gì làm đẹp, nước da lại ngăm ngăm, nhưng Nhạn rất có duyên, đôi mắt sáng, tròn và to mang cái nét thông minh, tinh nghịch, lém lỉnh. Trái ngược với sở thích của Dung, Nhạn không ham chơi lại đam mê việc học, thân hình nàng thì đẫy đà… bụ bẫm. Chỉ bấy nhiêu thôi mà Nhạn lại ăn đứt Dung trước  mọi người.

Thi rớt, Dung cũng buồn lắm, mặc dù nàng vẫn không thích học, nhưng thấy Nhạn và một số bạn bè thi đỗ đang lăng xăng chuẩn bị lên lớp mười hai, còn mình ngồi lại lớp mười một, nàng mắc cỡ bỏ học luôn. Ở nhà thì chẳng biết làm gì, cứ đi ra đi vô, hay ngồi dài mà nhìn thời gian lặng lẽ trôi nàng cảm thấy cõi đời héo hon, tàn tạ. Đi chơi mãi cũng chán, Dung lại muốn… có chồng. Vì có chồng may ra khỏa lấp được những ngày vô vị trống vắng, cũng là cách giải quyết dành cho những người thi rớt, chán đời.

Điều nàng mong mỏi không lấy gì làm khó khăn, vì chỉ nửa năm sau đã có người đánh tiếng muốn coi mắt nàng rồi. Dù sao Dung cũng dễ thương, ông bà Trí lại đàng hoàng, làm ăn lương thiện và giàu có nên việc “kiếm chồng” dễ như trở bàn tay.

Hôm nay, người đến coi mắt Dung tên là Tuấn Kiệt, con trai độc nhất của ông bà Hào, bạn thân cùng xí nghiệp với ông Trí.

Kiệt vốn là sĩ quan không quân với cấp bậc đại úy. Chàng có tính tình phóng khoáng, hào hoa, lãng tử thích phiêu bạt giang hồ, nên ngành không quân rất thích hợp với chàng, là cơ hội cho chàng đi đây đi đó.

Đã thế Kiệt lại rất đẹp trai, dáng người dong dỏng, có chiếc mũi thẳng và cao, khuôn mặt vuông cương nghị;  nhưng trội nhất vẫn là cặp mắt đắm đuối đa tình, nhìn đến phái đẹp là như thôi miên hồn của các cô nàng, nên bay đến đâu là gieo tình yêu đến đó. Thư từ của các “em” bay về nườm nượp, đôi khi lọt vào tay ông Hào. Ông như người phát sốt với những bức thư tình nóng bỏng, lãng mạn, đỏng đảnh của các cô. Có lần ông đọc được một bức thư của một cô gái từ Sài Gòn gửi lên, ông đã nổi trận lôi đình vì giọng điệu nhõng nhẽo, xấc xược của lá thư:

“Anh Kiệt của em, hổng thân mến nữa…,

Nè, anh Kiệt ơi! Sao em viết thư cho anh nhiều, mà anh hổng chịu trả lời cho em gì hết “dzậy”? Tại sao… và tại sao? Tại vì anh lười? Tại anh làm biếng? Tại anh hay ngủ? Hay tại trong nhà anh có… ông kẹ mắc dịch nào làm kỳ đà án ngữ ném  thư của em vào sọt rác? Trời ơi, nếu thực thế thì tức chết đi được. Tức ơi…là tức! Em khóc đây nè…hu… hu…híc …híc…”

Sau bức thư đó ông bàn với bà Hào cưới vợ cho Kiệt, mà phải là người vợ con nhà đàng hoàng, ông bà từng quen biết, từng đi lại nhiều lần hiểu rõ tông môn do chính ông bà lựa chọn để làm cho Kiệt “dừng bước giang hồ” ngưng ngay các khối tình lang bang vớ vẩn.Và vì thế, ông bà đã nhắm Dung, đơn giản, vì Dung là con gái ông bà Trí, bạn ông.

Riêng Kiệt, mỗi lần đi bay về, Kiệt phát bực mình vì sự hối thúc của ông bà Hào, bắt đi xem mắt chỗ này, đi coi mắt đám nọ và cuối cùng để chiều theo ý của ông bà Hào, Kiệt cũng đành chịu khó quá bước ghé nhà Dung… xem thử!

Ở nhà ông bà Trí, hôm nay biết “khách quý” lại nhà và rút kinh nghiệm từ lần trước, bà Trí ra lệnh cho Nhạn cút vào trong, không được bén mảng hay chường mặt ra ngoài khi khách đến.

Bà nói với Nhạn:

-Hôm nay có Kiệt đến xem mắt chị Dung, con chịu khó núp vào trong xem ra được rồi, kẻo lại lỡ duyên chị con.

Nhạn vâng lời nhưng vẫn nói:

-Mẹ làm như con… đắt chồng lắm vậy.

Bà Trí:

-Biết đâu đấy. Cứ đề phòng vẫn hơn.

Còn Dung, lần này thực sự muốn lấy chồng, nên không bỏ trốn như lần trước mà nàng vui lòng ở nhà “rót nước.”

Lại nghe phong phanh người đến hỏi mình là đại úy không quân đẹp trai, hào hoa, phong nhã nên trong bụng khoái lắm. Suốt cả ngày hôm ấy nàng lăng xăng lo dọn dẹp nhà cửa, chải chuốt quần áo thật tươm tất để chuẩn bị đón “lang quân.” Dung diện cho nàng một váy đầm dài qua khỏi gối, hàng vải nhẹ, sẫm màu có lấm tấm hoa văn; chiếc áo lá ngắn tay, cổ bẻ, màu hồng lợt hài hòa cùng với váy. Chân Dung mang dép da. Tóc nàng chải gọn, sấy cẩn thận cho những lọn tóc cụp vào trong, ôm trọn cái gáy cao, trắng muốt. Một bên tóc, Dung hất về phía sau đính một chiếc kẹp dắt nhỏ để ló vành tai đeo đôi bông lấp lánh hạt kim cương… giả. Còn một bên nàng để tóc lòa xòa lờn vờn rơi trên má, mềm mại theo từng cử động của khuôn mặt. Dung cũng đánh sơ một chút kem, một chút phấn hồng, một chút son. Với cách trang điểm kín đáo nhẹ nhàng như thế, kèm với bộ quần áo đơn giản cùng dáng vẻ nhu mì của nàng hôm nay trông Dung rất tiểu thơ, gọn gàng, khá dễ thương và trẻ trung. Suốt cả ngày, Dung hồi hộp có ý trông đợi. Nàng đi ra đi vô, bồn chồn, vẻ ngóng trông. Cuối cùng, người nàng mong cũng  đến.

Cũng như Khải, Kiệt đến coi mắt Dung sau buổi cơm tối. Chàng thung dung bước vào nhà, theo sau ông Hào đến ngồi vào ghế sa-lông. Trái với Khải, Kiệt chả chau chuốt gì, lè phè trong chiếc quần kaki quân đội bạc màu, áo thun xanh xậm ngắn tay. Tóc chàng bềnh bồng, hơi dợn rất tự nhiên. Mặt chàng tỉnh bơ, coi như chẳng có chuyện gì quan trọng cả. Cái nét ngạo mạn kiêu hùng ấy kèm theo bộ dáng phong lưu tao nhã lịch sự, làm cho chị em Dung nhốn nháo.

Thằng Minh chép miệng:

-Chà, anh Kiệt đẹp trai quá các chị ơi!

Rồi nó chắt lưỡi:

-Chà, anh đẹp trai ác chiến, em thấy cũng mê tít luôn, đừng nói chi đến chị Dung. Trời! Cái sống mũi gì mà thẳng và cao như cái tháp Eiffel. Nước da ảnh hồng hào trắng bóc không khác gì tây. Chà, còn cặp mắt nữa, cặp mắt ảnh mơ huyền… mờ. Không, cặp mắt ảnh mơ màng trông giống như hai cái giếng sâu thẳm. Ô, đẹp quá, đẹp quá!

Nghe thằng Minh trầm trồ, Nhạn cũng phải nôn nao:

-Đâu? Mầy tránh ra cho tao nhìn chút coi!

Nói rồi Nhạn ghé mắt qua khe hở nhìn ra ngoài:

-Sao tao chẳng thấy gì cả, chỉ thấy dáng dấp cao ráo chút thôi, còn mặt mũi méo tròn, lớn bé, già hay trẻ tao chẳng thấy rõ gì cả. Mầy làm ơn chạy tìm cho tao cái mắt kiếng coi.

Thằng Minh lắc đầu:

-Thôi, chị cận thị điều tiết mắt làm gì cho tăng độ. Cứ nghe em tả cũng biết rồi.

Nhạn nói:

-Cứ theo mầy tả, tao nghe cũng phát khiếp. Giống quỷ sứ hiện hình hay ma chết trôi quá.

Chị Thảo chêm vào:

Không, nó tả nhầm nhan sắc của… Chung Vô Diệm.

Dung chẳng nói gì, tâm hồn nàng đang dao động. Nàng không ngờ Kiệt đẹp trai hơn cả sức nàng tưởng. Dù Kiệt không chau chuốt, dáng vẻ bất cần đời, nhưng chính cái nét “bất cần đời” đó của chàng lại làm cho bao thiếu nữ cảm thấy như “cần” có chàng mới sống được. Nó như nam châm toát ra sức hút mãnh liệt lôi cuốn bao cô gái.

Dung hồi hộp, tim nàng đập loạn xạ muốn rớt ra ngoài. Phần sung sướng, phần e thẹn, phần lo âu, không biết Kiệt có “chịu” mình không nữa hay lại bị chê như lần trước chỉ còn  nước độn thổ mà thôi.

Tiếng bà Trí gọi vào trong bảo Dung mang nước làm cho nàng giật bắn người lên. Mang khay nước trên tay, Dung run lập cập, rón rén bước ra ngoài, rụt rè đến bên bàn khách. Nàng bưng từng tách nước đặt trước mặt mọi người, miệng lí nhí không nói rõ thành lời. Đến tách nước của Kiệt, nàng ngẩng đầu đưa mắt nhìn chàng. Kiệt nhếch mép mỉm cười thật… đểu. Chẳng hiểu Dung ngẩn ngơ vì nụ cười duyên dáng thu hồn đó hay tại nàng sơ ý mà tách nước trên tay nàng tuột ra khỏi đĩa rơi “choảng” xuống đất vỡ toang. Mặt bà Trí tái mét, cố nén cơn giận:

-Dung, sao con vụng về quá vậy?

Dung lặng thinh cúi đầu, nhặt các mảnh vỡ bỏ vào khay, trong khi Kiệt đỡ lời:

-Không, có lẽ tại cô Dung nhút nhát.

Ở bên trong, Minh thấy thế vội than:

-Rồi, lại có điềm bất tường nữa rồi. Điệu này dám anh Kiệt lại ưng chị Nhạn nữa.

Nhạn nạt:

-Thôi đừng nói xàm nữa mày. Mẹ cấm tao không được ló mặt, không được tiếp xúc thì còn ưng cái gì.

Minh trách:

-Bà Dung tệ quá đi thôi, có mỗi một tách nước mà cũng bưng không nổi. Chắc điệu này bà Dung… ế chồng. Biết thế để em bưng nước ra hộ, có phải khỏi phí cái tách mà bà Dung khỏi ê mặt không.

Nhạn nói:

-Chuyện. Ai coi mắt mày mà mày bưng!

Minh gắt:

-Chứ còn hơn cái bà Dung nhà mình.

Trong khi ấy bên ngoài, Dung đã vội vàng đứng dậy lấm lét nhìn bà Trí:

-Con xin lỗi mẹ.

Nói rồi nàng lững thững bước vào trong, lòng thật giận cho mình sao tồi tệ quá thế. Chả bù với con Nhạn lúc nào cũng tự nhiên, gặp ai cũng tía lia cái miệng xem trời bằng cái vung, chả trách nó hơn mình, ai gặp nó cũng mê, có lẽ mình phải học theo nó mới được.

Ở bàn khách, sau những lời xã giao thông thường ông Hào và Kiệt kiếu từ ra về. Ông bà Trí tiễn ra tận cửa. Bà Trí còn nhắn khéo một câu:

-Anh Kiệt có rảnh, tiện cứ ghé chơi tự nhiên anh nhé!

Kiệt đáp:

-Vâng, cám ơn bác, tiện cháu lại ngay.

Và sáng hôm sau, lúc đi chợ về bà Trí rất ngạc nhiên khi thấy Kiệt đang ngồi trong phòng khách nói chuyện với Dung. Bà mừng quýnh, ngỡ như “cá sắp cắn câu,” bà liền thả thêm mồi:

-Hôm nay anh Kiệt không đi bay à?

-Dạ, cháu đang nghỉ phép ạ.

-Nếu thế, tiện trưa nay mời anh Kiệt ở lại dùng cơm.

Kiệt tự nhiên:

-Vâng, cám ơn bác, cháu không từ chối ạ!

Thế là bà Trí lăng xăng xuống bếp lo cơm nước, lòng bà mừng khấp khởi vì sự hiện diện của Kiệt hôm nay. Bà cứ tưởng Dung sẽ bị chê vì sự vụng về của tối hôm qua và Kiệt sẽ không bao giờ đến.

Trái với ý tưởng của bà, Kiệt thấy thương hại về cử chỉ rụt rè, nhút nhát của Dung, chàng thấy cần đến để an ủi nàng. Hơn nữa thoạt nhìn, Dung cũng dễ thương ấy chứ. Còn tâm hồn tính tình nàng, để từ từ tìm hiểu rồi liệu sau. Riêng bà Trí, bà hiểu tính nết của con mình. Dung đâu phải thứ hiền, biết rụt rè sợ sệt, nhìn lũ bạn “hippy choai choai” của nàng, bà trông, bà… phát khiếp và kể từ hôm thi rớt đến nay, sự rỗi rảnh, bà sợ sẽ làm Dung hỏng. Bà muốn Dung lấy chồng. Với cuộc sống mới, trách nhiệm và bổn phận của gia đình sẽ giúp Dung thay đổi.

Bà trí mừng rơn, nhất là người đến hỏi Dung là Kiệt, một chàng trai khôi ngô tuấn tú có địa vị xã hội, con của một gia đình bạn bè quen biết, có tông giống đàng hoàng, con gái bà sẽ an ổn vui sống như chính đời bà hiện tại. Lòng người mẹ nào mà lại chẳng thương con, mong cho con nên người và mong con hạnh phúc. Bà nghĩ ngợi miên man và chợt thoáng lo âu khi sực nhớ tới Nhạn. Con bé này, bà cũng biết, tuy là em sinh sau đẻ muộn nhưng nó hơn chị về mọi phương diện. Nhạn ngoan ngoãn thông minh, chăm chỉ lại chuyên cần, học hành lại giỏi giang. Đã thế con bé lại lém lỉnh và thật có duyên nên bà tin rằng Nhạn thừa đủ khả năng để chinh phục lòng thương mến của mọi người, nên bà không lo lắng gì về Nhạn. Còn Dung tuy không xấu xí nhưng Dung hời hợt, chẳng được một  nét đặc biệt nào. Nếu không muốn nói là còn nhiều khuyết điểm. Cứ như ý của bà, giữa hai nàng, người ta chọn Nhạn là phải. Chính vì ý nghĩ này bà liền gọi thằng Minh:

-Minh ơi, Minh.

Cũng may Minh không có giờ học buổi sáng, nghe tiếng mẹ gọi, nó chạy ngay xuống bếp:

-Thưa mẹ, gọi con?

Bà Trí  kéo Minh ngồi bệt xuống đất, rồi ghé vào tai nó nói nhỏ:

-Này con, tí nữa đúng mười một giờ rưỡi con chạy ra đầu ngõ đón chị Nhạn đi học về và con nói nhỏ với chị hãy khoan vào nhà vì có anh Kiệt trong phòng khách.

Thằng Minh hiểu ý nhưng trố mắt ngạc nhiên:

-Nếu thế, chẳng lẽ để chị Nhạn đứng mãi ngoài đường?

Bà Trí ra chiều đăm chiêu nghĩ ngợi:

-Để mẹ xem, vì hôm nay anh Kiệt còn ăn cơm ở nhà mình nữa đấy.

Bà Trí chưa biết liệu sao thì Minh đã làm lanh lên tiếng:

-À, con có cách này rồi mẹ. Mẹ cho con hai đồng đi.

Bà Trí ngạc nhiên:

-Con định giở trò gì mà lại xin hai đồng?

Thằng Minh tin tưởng, nài nỉ với mẹ:

-Mẹ cứ cho con đi, con tin sẽ làm được việc. Hai đồng dùng cho công việc chứ không phải hai đồng hối lộ mà mẹ lo. Chị Nhạn có thể vào nhà mà anh Kiệt không thấy.

Bà Trí nghe Minh nói chắc, bà cũng đành nghe theo, xưa nay bà cũng biết Minh tuy học dốt nhưng mà lanh đáo để. Bà móc túi đưa cho nó hai đồng. Minh cầm tiền xong, cám ơn mẹ, rồi chạy mất.

-Gần đúng 11 giờ Minh lót tót về nhà cho mẹ yên tâm. Nó nhìn mẹ nheo mắt cười trong khi miệng nhai chóp chép. Bà Trí thấy vậy, mắng con:

-Sao? Mang tiền đi ăn quà hết rồi chứ!

Minh nghênh ngang trấn an mẹ:

-Mẹ cứ an tâm, con làm được việc mà, không chừng lúc ấy mẹ thưởng cho con nữa là khác.

Bà Trí thúc hối:

-Thôi đúng giờ rồi, đi đi! Đừng đứng đó lải nhải nữa.

Minh vâng lời mẹ, chạy ra ngõ đón Nhạn. Nó không đợi lâu, chỉ một lát đã thấy Nhạn lững thững đi về. Minh vội vàng chạy đến bên chị:

-Chị Nhạn này, có anh Kiệt trong nhà, mẹ bảo em ra đây đón chị. Chị khoan vào, hãy đợi chừng 2 phút, khi thấy em tới cửa chị mới từ từ đi về. Nhớ vào thẳng trong buồng, đừng quanh co đâu nhé!

Nhạn chẳng hiểu Minh giở trò gì, song cũng làm đúng những điều Minh dặn. Trong khi đó Minh vào đến phòng khách, nó lót tót đến nắm tay Kiệt trong lúc chàng đang nói chuyện với Dung:

-Này anh Kiệt ơi, anh đứng dậy theo em, em đưa cái này hay lắm.

Kiệt ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì, hỏi vặn:

-Chuyện gì thế hở em?

Minh làm như quan trọng:

-Bí mật quân sự mà. Anh theo em xuống đây, rồi em sẽ… bật mí.

Không đợi Kiệt trả lời, Minh cứ nắm tay chàng nài nỉ kéo đi. Xuống tới nhà bếp, Minh bắt ghế mời chàng ngồi rồi nhìn chàng ngoẻn đầu cười. Kiệt cứ trố mắt ngơ ngác nhìn Minh. Chàng thấy Minh thò tay vào túi áo lôi ra ba viên kẹo, xòe tay trước mặt chàng, nói:

-Em mến anh, em có cái này muốn mời anh ăn nhưng sợ chị Dung trách.

Kiệt phì cười cho tâm hồn trẻ con của Minh:

-Thôi, kẹo này để cho Minh, anh chẳng ăn đâu.

Minh lắc đầu nũng nịu:

-Không, em không chịu đâu, anh phải ăn với em cơ. Chỉ một viên thôi cũng được.

Nói rồi nó bóc kẹo bắt Kiệt ăn. Chàng chiều theo Minh và nhìn nó cười:

-Sao Minh lại cho anh kẹo?

Minh lém lỉnh:

-Vì anh đẹp trai.

Kiệt cười:

-Đẹp trai đâu bằng Minh.

Minh trố mắt thích chí cười:

-Em cũng đẹp trai hở anh? Hèn gì các chị ở nhà cũng khen em đẹp trai tựa như… Chung Vô Diệm. Vậy Chung Vô Diệm là ai hở anh? Người đó “đẹp” cỡ nào?

Kiệt phì cười:

-Các chị nào của em mà tếu vậy Minh?

-Dạ, chị Thảo, chị Dung và chị…

Minh sực nhớ đến Nhạn vội nín thinh. Vừa khi đó nó nghe tiếng cửa buồng đánh “rầm” một cái, biết là Nhạn đã vào nhà, thế là nó đã hoàn thành xong “công tác”. Minh vội đánh trống lảng:

-Thôi, giờ anh Kiệt lên nhà trên nói chuyện tiếp với chị Dung, kẻo không chị giận, em bị đánh đòn.

Nói rồi, không để cho Kiệt hỏi thêm, nó kéo chàng lên nhà trên, Kiệt làm theo như cái máy. Vừa đi Minh vừa thủ thỉ với Kiệt:

-Bao giờ anh đi bay nhớ dắt em bay theo với nhá!

Bà Trí từ nãy giờ thầm lặng theo dõi mọi hành động của Minh, bà cũng phát phì cười về cái trò ma mãnh trẻ con mà được việc của nó. Thấy Minh lững thững đi xuống, bà vội mắng yêu:

-Sư mày, thằng láu cá!

Minh đứng dựa cửa bếp, nhướng mắt nhìn bà nũng nịu:

-Đấy, con giúp mẹ được việc rồi đấy, mẹ thưởng công cho con gì đây.

Bà Trí không để ý đến những lời nhõng nhẽo của Minh, bà tiếp:

-Con lên buồng gọi chị Nhạn xuống đây mẹ bảo. Bố và chị Thảo cũng sắp về rồi, chuẩn bị dọn cơm.

Minh chưa kịp bước đi thì Nhạn cũng vừa xuống tới. Thấy Nhạn, bà Trí lại gần nhỏ nhẹ bảo nàng:

-Hôm nay có anh Kiệt lại chơi, trưa ăn cơm nhà mình. Vậy con chịu khó lánh mặt, ăn tạm ở đây. Con cố tránh mặt đợi đến chừng nào anh Kiệt có vẻ bằng lòng chị Dung rồi thì con hãy ra mặt. Mẹ cứ sợ như lần trước, rồi lại lỡ duyên chị con.

Nhạn nghe mẹ nói, thông cảm, dễ dãi gật đầu:

-Vâng, con thế nào cũng xong.

Và bữa cơm đãi khách cũng khá tươm tất trong tình thân gia đình. Một bát canh chua cá thu rắc thì là. Một dĩa chả trứng nhồi từ bún tàu, mộc nhĩ, thịt nạt băm. Một dĩa mực xào thơm, hành tây, cần tây, ớt đỏ.

Khi mọi người trong nhà quây quần đầy đủ vào bàn ăn, Kiệt mới đủng đỉnh đến la-va-bô gần bếp rửa tay, chàng thoáng thấy bóng Nhạn nhưng chẳng biết là ai. Rồi khi ngồi vào bàn, chàng vô ý cất tiếng hỏi:

-Thưa bác, còn người nào ở dưới bếp, sao không lên ăn cho tiện.

Bà Trí nghe hỏi, giật mình miệng ú ớ chưa biết trả lời sao. Thảo vội lanh miệng trả lời:

-Dạ…dạ… chị bếp ạ! Hôm nay có khách, chị phải ăn sau.

Thằng Minh nghe nói, trố mắt nhìn mọi người, trong khi Kiệt vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người vừa ăn vừa thong thả chuyện trò. Kiệt kể về những phi vụ của chàng. Có những lúc thật hiểm nguy, mạng sống như treo trên ngọn cỏ. Phải thật can đảm, bình tĩnh mới vượt qua. Có những lúc biểu diễn cho những ngày lễ trọng đại để diễn hành trước khán đài và cho khán giả thưởng thức. Chàng kể luôn đôi khi vì muốn chinh phục người đẹp nào đó, chàng đã lén dùng trực thăng cho việc riêng tư để rồi về đơn vị bị lãnh phạt…. Thằng Minh cũng tía lia, miệng lúc nào cũng líu lo như chim chích. Còn Dung tuy bẽn lẽn thẹn thùng nàng cũng cố góp phần những câu chuyện vu vơ vô thưởng vô phạt về cuộc sống của nàng. Kiệt quen dần với không khí cởi mở, thân thiện của nhà Dung. Bỗng chàng buột miệng:

-Thưa bác, cháu được nghe ba mẹ cháu nói hình như Minh còn có người chị nào nữa thì phải?

Bà Trí vội đáp:

-Vâng, đó là con Nhạn, em Dung.

Thế bây giờ cô ấy đâu ạ?

-Nó…nó…

Bà Trí ngập ngừng chưa biết đáp thế nào. Thằng Minh vội lanh chanh cướp lời:

-Dạ, chị ấy… chết rồi ạ.

Bà Trí tròn xoe mắt, nạt Minh:

-Sao con rủa chị con thế! Con Nhạn nó đang học ở Sài Gòn mà.

Bữa cơm chấm dứt, mọi người vẫn nấn ná ngồi tại bàn trò chuyện. Những câu chuyện không đâu vào đâu vẫn nổ dòn và thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng cười thích thú. Minh thừa lúc không ai để ý, nó lẻn xuống nhà  bếp méc Nhạn:

-Chị Nhạn ơi, lúc nãy anh Kiệt thoáng thấy chị, anh hỏi, chị Thảo bảo chị là chị bếp, phải ăn sau.

Nhạn mở to mắt:

-Sao? Ai nói tao là… con ở?

-Chị Thảo.

-Nhạn nghe Minh nói, mủi lòng òa ra khóc. Thật ra từ nãy giờ, dù đã nói với mẹ là “thông cảm” nhưng cái cảnh ngồi thui thủi một mình ăn cơm ở dưới bếp, lại nghe tiếng người trên nhà nói, cười vọng xuống, Nhạn đã cảm thấy tủi thân nhưng để bụng ráng mà… thông cảm. Giờ nghe bị ví von là con sen thì bảo sao Nhạn không khóc cho được.

Nhạn ấm ức:

-Mặt mũi tao thế này mà bảo là… đi ở.

Thấy Nhạn khóc, lòng Minh cũng xốn xang, nó an ủi:

-Em cũng nghĩ vậy, ai lại bảo thế phải không chị? Chẳng thà nói như em, bảo chị… chết còn vinh hơn.

Nhạn tròn mắt nhìn Minh, càng khóc to hơn. Nàng nói như hét:

-Sao? Đến mày nữa. Mày rủa cho tao chết. Trời ơi, tao biết mà, mày chỉ cầu mong cho tao chết để mày ở lại ăn cho được nhiều, phải không thằng quỷ sứ?

Nghe tiếng ồn ào, bà Trí vội chạy xuống. Khi đã hiểu  chuyện, bà tìm lời dỗ dành Nhạn:

-Thôi, con đừng buồn, các chị và em con lỡ lời, con hãy nghĩ thương chị Dung mà đừng chấp. Lần sau mẹ sẽ cho con ăn trước lúc mẹ đang dọn cơm.

Nghĩ tội nghiệp mẹ, Nhạn liền nín khóc, nhưng vẫn phụng phịu:

-Lần sau con không trốn tránh nữa đâu.

Tuy ngoài miệng Nhạn nói thế, nhưng những lần sau đó nàng vẫn tránh mặt chàng.

Kiệt thì vẫn thường xuyên đến nhà Dung chơi nhưng vẫn chưa đề cập đến chuyện cưới xin gì cả, trong khi Dung đã mê tít chàng. Nàng chỉ chờ Kiệt ngỏ lời là sếp ngay quần áo vào va li. Kiệt thì cứ mãi “lửng lơ con cá vàng,” chỉ lo “rỉa mồi” mà chẳng chịu “cắn câu.” Bà Trí chẳng còn biết tính sao, cuối cùng đành phó mặc cho duyên số, cho thời gian, và bà hy vọng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.”

(Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 1)

(Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 2)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: