Dù bạn có vệ sinh lò vi sóng bao nhiêu lần, chắc hẳn là vẫn không đủ.
Thật dễ dàng để cho rằng bức xạ trong lò vi sóng đủ mạnh để tiêu diệt mọi loại vi khuẩn đang sinh sống trong thiết bị này, nhưng theo nghiên cứu mới thì hoàn toàn không phải vậy.
Trong một khám phá được công bố trên tạp chí Frontiers in Microbiology, các nhà khoa học tại công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Darwin Bioprospecting Excellence và University of Valencia ở Tây Ban Nha lấy mẫu vi khuẩn từ bên trong 30 lò vi sóng khác nhau để xem khuẩn lạc vi khuẩn nào có khả năng phát triển trong phần sâu tít bên trong của các thiết bị hay không.
Nhà vi sinh vật học Manuel Porcar và là giám đốc điều hành của Darwin Bioprospecting Excellence, nói với Newsweek: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng lò vi sóng tích tụ một nhóm vi khuẩn có trong không khí và làm nổi bật những vi khuẩn có khả năng chống lại bức xạ.”
Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 747 nhóm vi khuẩn khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Firmicutes, Actinobacteria và Proteobacteria.
Các nhà khoa học cũng so sánh các khuẩn lạc vi khuẩn tìm thấy trong lò vi sóng gia dụng với các khuẩn lạc trong phòng thí nghiệm của họ và phát hiện ra rằng, trong khi lò vi sóng trong phòng thí nghiệm chủ yếu chứa vi khuẩn vô hại, thì những vi khuẩn tìm thấy trong lò vi sóng gia dụng gây ra nhiều rủi ro hơn cho sức khỏe con người.
“Vi khuẩn trong lò vi sóng gia dụng có thể gây bệnh, mặc dù không nhiều hơn vi khuẩn ở những nơi khác trong bếp,” Porcar giải thích.
Theo dữ liệu để điều tra dân số Hoa Kỳ, lò vi sóng được 90% hộ gia đình ở Mỹ sử dụng và hầu hết các nguồn đều khuyến nghị vệ sinh thiết bị mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, theo khảo sát của YouGov, cứ ba người Mỹ thì có một người không làm điều này.
“Cần nên vệ sinh lò vi sóng nhiều như bất kỳ bề mặt nào khác trong bếp, vì nghiên cứu của tôi cùng các đồng nghiệp chứng minh rằng lò vi sóng không loại bỏ được vi khuẩn gây ô nhiễm, điều này có phần bất ngờ,” Porcar cho biết.
Trong một tuyên bố, đồng tác giả Daniel Torrent chia sẻ thêm: “Đối với cả công chúng và nhân viên phòng thí nghiệm, chúng tôi khuyến nghị thường xuyên khử trùng lò vi sóng bằng dung dịch thuốc tẩy pha loãng hoặc bình xịt khử trùng có bán trên thị trường. Ngoài ra, điều quan trọng là phải lau sạch bề mặt bên trong bằng khăn ẩm sau mỗi lần sử dụng để loại bỏ cặn bẩn và lau sạch ngay các vết loang để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.”
Ngoài những tác động về mặt vệ sinh của những phát hiện này, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng khám phá của họ tạo điều kiện cho các ứng dụng công nghệ sinh học mới, trong đó cần có các chủng vi khuẩn đặc biệt khỏe mạnh để hỗ trợ các quy trình công nghiệp.