Bến đỗ!

Viết cho cuộc từ giã cõi tạm của anh T.
(Hình minh họa: Aaron Burden/Unsplash)

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? (Tống Biệt hành – Thân Tâm) 

Anh ngồi bất động trước hiên nhà, những chú chim sẻ truyền cành ríu rít hót, những cô bướm đủ màu lượn lờ bay quay tưởng chừng như muốn đậu lên cả người anh, anh vẫn yên lặng như pho tượng, không để ý đến những vật thể linh động bao quanh mình, kể cả dải nắng chan hòa ấm áp đang phủ lấy con người bệnh hoạn của anh.

Anh bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian cách đây 50 năm, hồi anh còn trẻ khỏe, khi anh chị mới lấy nhau; anh di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, chật vật học ra bằng bác sĩ, lập gia đình với chị khi ấy chị mới chỉ là một thiếu nữ thơ ngây của một gia đình trung lưu miền Nam.

Cuộc sống của anh chị nhẹ nhàng thoải mái với đồng lương bác sĩ của anh, sau đó hai con trai ra đời, chưa được bao lâu thì miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm.

Anh ĐNT và chị HM hồi mới cưới nhau. (Hình: Sỏi Ngọc cung cấp)

Chẳng bao giờ anh có thể ngờ được cả gia đình phải bỏ nước ra đi, phải trốn chạy hung thần giặc đỏ, hy sinh thân mình chống chọi với gió bão ác nghiệt của biển cả để tìm đến bến bờ tự do.

Gia đình anh chị được chính phủ Canada cấp cho một căn nhà nhỏ tại một thị trấn khá xa, nằm trong tiểu bang Quebec, Berthierville, vào những năm 1976-1977, lúc ấy hai con trai mới lên 5 và 7;  cho dù có khó khăn cực nhọc cách mấy, anh vẫn mang ý nghĩ trong đầu phải phấn đấu, kiếm tiền nuôi gia đình; chị cũng không quản ngại thức khuya dậy sớm, làm những món ăn Việt Nam thật đặc biệt là chả giò, xôi, bún, bán cho người dân bản xứ trong vùng, phụ thêm chút thu nhập để nuôi các cháu nhỏ và tạo điều kiện để anh yên tâm đi học lấy lại bằng bác sĩ hành nghề trên đất khách; mặc dù cả ngày chị chạy lên chạy xuống, hết đón con đến đi chợ, rồi làm bếp, chị không hề thấy mệt, ngược lại thấy vui với sự bận rộn mỗi ngày, vui với sự hài lòng, nụ cười của khách hàng mỗi lần chị làm món ngon cho họ thưởng thức bữa cơm tối; số tiền thu được chị đã chắt chiu từng đồng nuôi dậy các con, vén khéo trong gia đình mà anh không cần phải lo lắng đến.

Berthierville nằm ở phía Bắc sông St-Laurent, rất ít dân cư chỉ một hai ngàn người, mọi người ai cũng biết nhau, yêu quý và giúp đỡ lẫn nhau, nhất là lúc ấy nguồn thu nhập chính của chị từ món chả giò nổi tiếng nên ai cũng biết đến chị và gia đình; con cái chị được dậy dỗ và lớn lên giữa những người dân bản xứ hiền lành, tốt bụng và giàu lòng nhân ái 

Cái lạnh cắt da, cơn gió hú, những tảng băng tuyết rơi từ nóc nhà lăn ùn ùn xuống thành từng đống trước mặt anh khi anh mở cửa đi làm vào buổi sáng ở những tháng một, hai khi mùa đông Canada tới, thương các con dậy đi học sớm với hai ba lớp áo lạnh, ủng, găng tay, mũ nón len mà mặt vẫn đỏ au, da bị dộp phồng đỏ vì quá lạnh, anh chị đã bàn nhau dọn về Montreal cho bớt lạnh, vả lại lúc đó anh đã học xong bằng bác sĩ chỉ còn thực tập trong nhà thương mà thôi.

Ngày anh chị rời bỏ thành phố nhỏ Berthierville làm khuấy động cả một góc thị trấn, ai cũng thương mến, đến giã từ, mọi người bịn rịn tặng quà và chúc tụng những lời lẽ đẹp nhất như một hành trang tinh thần giúp anh chị tiến mạnh hơn và tin tưởng ở tương lai trên quê hương thứ hai này.

***

Tôi có hẹn ở phòng mạch của anh khi anh ở độ tuổi 50, còn tôi mới bước vào đại học năm thứ nhất. Tôi đến khám để xin thuốc antibiotique (kháng sinh) vì đau cổ, ho hai tuần vẫn chưa khỏi.

Gặp người đồng hương vào thời đó, anh vui lắm, hỏi tôi:

-Cô qua đây lâu chưa? Bên này lạnh quá nên ai cũng ho cũng cảm, đi ra ngoài phải lấy foulard (khăn quàng cổ) quấn mấy vòng như thế này rồi mới ra đường, chứ không thì sẽ bị cảm suốt! Thôi lấy 10 viên này về uống thử nếu hết thì thôi, còn ho thì gặp lại tôi nhé.

Anh muốn trêu tôi, lấy chiếc khăn quàng quấn chung quanh cổ, xiết mạnh, chỉ chừa hai con mắt trợn to và chiếc lưỡi thè dài ra, làm tôi đang đau cổ nói giọng khàn đặc cũng phải bật cười thành tiếng.

Anh nói chuyện rất có duyên, lúc nào cũng pha trò tếu lâm, làm người bệnh quên cả bệnh tình của mình; từ phòng mạch bước ra, ai cũng mang nụ cười trên môi như đi thăm người thân chứ không phải vào khám bệnh. Tiếng cười của anh vang dội ra cả ngoài phòng đợi. Khách khám với anh ngày càng đông. Họ rất mến ông bác sĩ gia đình này, vừa hài hước lại vừa hiểu tâm trạng bệnh nhân.

Sự thành đạt về gia đình, con cái lập nghiệp tốt, làm anh chị thêm hưng phấn, không còn lo sinh kế; cuộc đời đẹp hơn khi xung quanh có những người bạn thân, mối giao hảo cùng đẳng cấp được rộng mở, anh chị quen biết nhiều người hơn trong đó có đủ độ tuổi gặp nhau vui chơi ăn uống, ca hát nhảy nhót cuối tuần.

Những lần ra mắt sách trong cộng đồng người Việt, thỉnh thoảng tôi gặp anh chị, chị cũng là một trong những cây bút chuyên viết truyện tình cho nguyệt san của Montreal; gặp chị như cá gặp nước, tôi và chị hàn huyên không bao giờ dứt về văn chương, gia đình, cuộc sống. Chị trẻ hơn mẹ tôi không nhiều nhưng trong giới văn nghệ thường xưng hô « anh chị » cho trẻ trung nên tôi cũng không ngoài luật đó!

Tuy tôi và anh chị không cùng độ tuổi nhưng chúng tôi phải nói là bén duyên nhau, chuyện gì chúng tôi chung tay làm đều thành công như những lần làm văn nghệ ủy lạo các bác lớn tuổi ở nhà già, ra mắt sách cho nhóm, văn nghệ bỏ túi đến nhà những người bạn thân, sinh nhật bạn bè… Những tiếng cười nói, yêu thương đã làm chúng tôi thật sự gần gũi và quên đi tuổi tác của mỗi người.

***

Trong ba năm covid, mọi người ở trong nhà, chính phủ cấm không được hội họp, anh đứng ra thành lập một nhóm mạt chược mà anh là người thầy dậy.

Từ ở Việt Nam, anh đã chơi mạt chược rất giỏi, nhưng vì mưu kế sinh nhai khi mới đến một đất nước mới lạ lẫm nên anh chưa “trổ tài,” thời kỳ covid quá nhàn nhã, đây chính là cơ hội, anh lập ra từng nhóm bốn người dậy chúng tôi đánh mạt chược, vui, thật hào hứng và luyện trí nhớ cho khỏi quên khi lớn tuổi. Anh thâu một cuốn băng DVD dậy cách đánh mạt chược, và cũng viết một quyển sánh với những thế trận khó và cách tính điểm ra sao…

Chúng tôi đã quên đi những ngày tháng nhàn chám bị cô lập mà ai cũng lo học thêm cách đánh mới để ra quân đánh cho thắng, chúng tôi chơi một tuần hai lần ở nhà anh chị, còn khi về nhà thì tập luyện thêm những thế đánh hóc búa làm sao để có thể “ăn” được ông thầy. Lúc đó tên tuổi của anh vang rộng vì không ai có thể “hạ gục” anh trên những ván mạt chược.

Quân bài mạt chược. (Hình: Sỏi Ngọc)

Những ngày tháng bên nhau thân mật, ngắn ngủi trôi qua…

Bất thình lình tôi nghe chị nói anh bị suy thận và phải làm lọc thận mỗi hai lần trong tuần. Anh vẫn mang tâm trạng tích cực, vẫn tươi cười mỗi khi gặp bạn bè thân thiết, anh chấp nhận và hiểu rằng chuyến xe mà anh đang đi cùng mọi người sắp sửa đỗ bến! Và người xuống bến sẽ là anh!

Anh vẫn dậy và chơi mạt chược rất cừ khôi, khi vào cuộc, anh quên tất cả bệnh hoạn, mà chỉ tập trung suy nghĩ sao cho ăn được đối phương, nên khi ngắm mọi người chơi mạt chược tôi có cảm tưởng như anh không hề mang bệnh trong người mà trái lại rất khỏe, giọng nói sang sảng, tiếng cười thật vui, nhưng có ai biết đâu là sau khi chúng tôi ra về thì anh thấm mệt! Anh vẫn chấp nhận chịu đựng đau đớn để được gặp bạn bè, để được tiếp tục đánh mạt chược, để quên đi căn bệnh đang đeo bám trong chốc lát, anh muốn thi gan với con bệnh đang đè lên con người của anh mỗi lúc một nặng hơn.

Một ngày họp mặt bạn bè, chị nói với chúng tôi có thể đó là lần cuối vì anh đã rất mệt rồi, anh không thở nổi nữa, mỗi lần anh đi lọc thận về, anh té nằm lăn ra đất vì đi không nổi, còn chị đã 80, làm sao có đủ sức để đỡ anh lên giường, nên chị để anh nằm yên dưới đất mà bấm 911 gọi xe cứu thương.

Cơ thể anh lúc nóng, lúc lạnh, rất kỳ quái! Có khi thì rất nóng phía sau lưng, chị phải lấy đá chườm phía sau, nhưng phía trước ngực lại phải đắp mền vì lạnh run!

Bên cạnh những đau đớn mệt nhọc, anh vẫn khôi hài. Anh vẫn nói những lời rất yêu thương, đầy biết ơn đến người vợ bên cạnh mình từ 50 năm nay, anh còn viết một bài báo nói về việc lọc thận làm cơ thể bị lạnh run, cách khắc phục như thế nào, gởi đi khắp nơi cho người cùng bệnh rút kinh nghiệm, vì là một bác sĩ 40 năm nên những thuốc chích vào người, anh đều tìm hiểu phản ứng phụ của nó ra sao.

Ơn nghĩa vợ chồng, anh đã viết một bài riêng cho chị trên tập san y sĩ ta main dans ma main (tay em trong lòng tay anh), trong đó anh nhắc đến Le temps qu’il nous reste (thời gian còn lại của chúng ta) của tác giả Fernand Gignac, một người bạn thân của anh chị đã dịch lại như sau:

Anh nhắm mắt lìa trần mãi mãi

Trên đôi môi sót lại nụ cười

Anh đi anh đã đi rồi

Còn em, em mất nửa đời tiếc thương

Trái tim em, vẫn thường đập nhẹ

Nhưng cho ai, nhưng để làm gì?

 

Thiên đường mở, bước quen đi

Tim em lỗi nhịp bởi vì dáng anh

Xiết đôi tay, quên nhanh tất cả

Thấy thời gian giờ đã ngừng trôi! (Lộc Bắc)

Một ngày cuối Tháng Tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe:

-Tôi cần một phương pháp trợ tử!

Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự:

-Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi… Rốt cuộc chỉ còn hai ông bà già! Cuộc đời có giới hạn, mình đã xây dựng, sống với tất cả nỗ lực, bổn phận trách nhiệm đã xong, thì bây giờ Chúa gọi về lúc nào anh chị cũng chấp nhận thôi!

Lần ấy, tôi thật ái ngại, thấy anh bước đi không còn khỏe như những lần gặp nhau trước nữa vì càng lớn tuổi mắt càng mờ, anh nói thật cảm động:

-Trước mắt anh như có một làn mây bao phủ, anh muốn chỉ một lần được nhìn chị cho rõ hơn để kiếp sau có thể tìm thấy chị mà lấy làm vợ….

***

Bỗng một buổi tối sau giờ cơm, tôi nhận được một điện thư của chị nói rằng đã để anh vào palliative care (phòng chăm sóc cuối đời). Tôi run hết cả người, nước mắt chảy dài xuống má không nói được một lời nào, bàng hoàng, xót xa nghĩ đến anh. Tình cảm của tôi giành cho anh chị cũng như những người thân trong gia đình, làm tôi câm nghẹn không nói lên được một lời nào; biết rằng tình trạng của anh bệnh như thế đó, biết rằng anh sẽ từ giã chúng tôi một ngày không xa, nhưng thật sự tôi chưa hề sửa soạn tư tưởng sẽ mãi mãi không gặp anh và sẽ chỉ nhìn thấy chị trong tương lai một mình cô độc ở tuổi 80!

Tôi nhớ lại hình ảnh bố tôi gầy còm vì bệnh nan y phổi ở tuổi 86, khi bố cảm thấy sự sống không còn cần thiết nữa, ông không muốn bị mổ xẻ, cắt cứa đau đớn nên đã can đảm tự chọn vào palliative care, ở đây ông được ăn uống tất cả những gì mình thích, không cần kiêng cữ nữa, mỗi ngày y tá sẽ chích cho ông một mũi thuốc morphine giảm đi những giác quan, tức là giảm đi sự cảm nhận, đau đớn, và đồng thời những giấc ngủ lâu và triền miên hơn, trong vòng một tuần bố đã ra đi nhẹ nhàng trong một giấc ngủ sâu…

Bây giờ tôi mới hiểu những người đàn ông trụ cột, gánh vác trách nhiệm của gia đình can đảm và dứt khoát như thế!

***

Vừa bước vào phòng bệnh, tôi thấy cả gia đình anh chị cùng hai con trai, con dâu, và các cháu quây quần bên giường bệnh, còn anh thì vẫn ngủ thật say, không nước biển truyền vào mạch máu hay ống oxygen cắm vào mũi để thở như những người bệnh bình thường khác.

Đúng thật là “ra đi trong bình an nhẹ nhàng” nhưng sao trái tim tôi quặn thắt!

Trên tường những hình ảnh kỷ niệm của gia đình anh chị từ ngày lấy nhau cho đến tận bây giờ, hình các con cháu nô đùa bao quanh anh chị thật hạnh phúc. Tất cả chỉ là phù du khi con người đến một khúc quanh?!

Trên chiếc bàn nhỏ, tôi thấy một quân bài mạt chược thật to bự mà một người học trò nào đó đến tặng ông thầy dậy mạt chược, vì thực tình anh chính là vị hoàng đế của mạt chược Montreal! không có ai có thể chơi qua nổi khi anh còn khỏe.

Những cánh hoa rực rỡ màu tươi thắm trên bàn trong góc cũng không đủ làm căn phòng vui tươi hơn, chúng tôi phải đè nén lòng khi nói chuyện với nhau, tôi sợ nếu sơ xuất điều gì sẽ làm nước mắt của tôi và chị tràn ngập cả phòng!

90 năm sống của anh qua những hình ảnh, gia đình con cháu vây quanh ở phút cuối, làm lòng tôi se thắt, đúng là cuộc sống này chỉ là một chặng dừng chân ngắn ngủi trong hành trình dài vô tận của sự tồn tại ở một cõi khác sau cái chết ở trần gian.

Tôi hỏi chị:

-Anh vào đây nằm từ bao giờ? Và đã quyết định chuyện này từ bao lâu rồi ạ?

-Thực sự mà nói anh đi lọc thận từ 4 năm rưỡi nay rồi, dạo gần đây sau khi từ nhà thương về anh rất mệt, ăn ngủ không yên, anh cứ bị đau nhức trong cơ thể ngày càng nhiều, rất khó chịu; tuổi đã cao, có kéo dài sự sống hơn nữa cũng chẳng để làm gì mà phiền thêm cho con cháu mỗi khi có chuyện, anh thực sự muốn ra đi êm ả, nên đã nói chuyện này với cơ quan y tế nơi mà họ cử những y tá đến chăm sóc cho anh hàng tuần tại nhà. Anh đã bàn với chị và các con, chính anh là người quyết định….

Câu chuyện chúng tôi bị cắt ngang khi anh hơi tỉnh lại, tôi đứng bên cạnh, vuốt tay anh: anh vẫn còn minh mẫn khi nói đúng tên tôi, anh lại còn thêm:

-Mắt mờ quá không thấy rõ…

Xiết chặt tay anh cho một lần cuối, tôi cố nuốt nước mắt vào trong, cổ họng nghẹn lại, những lời nói cuối cùng từ giã cho một kiếp người, khi anh còn nhận biết:

-Chúc anh… đi chơi xa thuận buồm xuôi gió, chúc anh đi thật bình an…

Chị thêm vào:

-Anh nhớ chờ em nhé!

Ơn em hồn sớm ngậm ngùi

Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau. (Giữ đời cho nhau- Từ Công Phụng)

(3 Sept 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: