Kế hoạch chiến thắng

(Hình minh họa: Keith Luke/Unsplash)

1.

Đến Mỹ để phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng báo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về xung đột Nga-Ukraine, Tổng Thống Zelensky nói ông có thể gặp cựu Tổng Thống Donald Trump cũng như Tổng Thống Joe Biden và bà Kamala Harris.

Trong các cuộc gặp gỡ đó, Tổng Thống Zelensky được cho là sẽ trình bày kế hoạch hòa bình của mình, vốn hướng tới 3 mục tiêu chính : Kết thúc xung đột, duy trì sức mạnh của Ukraine và không để xung đột bị đóng băng.

Gọi kế hoạch của mình là “kế hoạch chiến thắng,” Tổng Thống Zelensky nói điều quan trọng là phải có quyết tâm thực hiện nó. Ông cho rằng kế hoạch này là cách duy nhất tiến tới hòa bình. Kyiv trước sau không chấp nhận “bất ký hình thức đóng băng cuộc chiến nào”, cho rằng nếu chấp nhận điều này là rơi vào bẫy của Nga.

Còn với cuộc gặp với ông Trump, có lẽ ông Zelensky muốn cho ông ấy, cũng như những người ủng hộ ông, thấy rằng cái gọi là kế hoạch hòa bình của vị cựu tổng thống này thực chất chỉ là một sự nhượng bộ Nga không hơn không kém, khi mà cái kế hoạch đó muốn Ukraine phải nhượng đất cho Nga và không được gia nhập NATO.

Mới đây, hơn 100 cựu quan chức cao cấp đảng Cộng hòa ra tuyên bố ủng hộ bà Harris làm tổng thống. Họ cho rằng ông Trump không xứng đáng được trở lại Tòa Bạch Ốc, và rằng “với tư cách là tổng thống, ông Donald Trump đã thúc đẩy sự hỗn loạn trong chính quyền, ca ngợi các đối thủ của nước Mỹ và làm suy yếu các đồng minh”.

Bà Harris hoàn toàn có lý khi cho rằng ông Trump thực ra không hề có kế hoạch hòa bình nào, mà chỉ có kế hoạch bỏ rơi Ukraine.

2.

Hôm 18 Tháng Chín, 2024, Đại Hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết do Palestine soạn thảo. Theo đó, Israel phải “chấm dứt sự hiện diện phi pháp tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng” trong vòng 12 tháng.

Nghị quyết này, như nhiều nghị quyết khác của LHQ, không mang tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa chính trị. Israel đã kịch liệt phản đối, cho rằng nó mang tính thiên lệch bởi trước đó, LHQ không hề lên án cuộc tấn công bất ngờ của phe Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, khiến hàng ngàn người chết và hàng trăm người bị Hamas bắt làm con tin.

Khii ra nghị quyết yêu cầu Israel “chấm dứt sự hiện diện phi pháp trên lãnh thổ Palestine”, LHQ không nhắc lại sự hiện diện phi pháp của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Hay là LHQ quên cái nghị quyết này rồi?

Có thể nói, với những nghị quyết nửa vời như thế, LHQ ngày càng tỏ ra mình chỉ là một tổ chức hữu danh vô thực, tồn tại chỉ để mà tồn tại.

Về phần mình, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết mới này (gồm 124 phiếu thuận, 43 phiếu trắng và 12 phiếu chống), nhưng lại không bỏ phiếu thuận cho nghị quyết của LHQ yêu cầu Nga rút hết quân ra khỏi lãnh thổ của Ukraine.

Đó là tính trung lập của cây tre!

3.

Mới đây 5 nước Trung Á là Kazakhstan, Kyrgýztan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đề nghị Đức hỗ trợ thúc đẩy quan hệ với Châu Âu để giúp tạo ra các liên kết với Châu Âu mà không cần Nga.

Các nước Trung Á này vốn thuộc Liên Xô cũ và được xem là “sân sau” của Nga. Đây không phải là lần đầu Nga bị bạn bè bỏ rơi. Trước đó, Arrmenia thông báo đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã là một đòn đau cho Nga. Trước đó nữa, Kyrgistan năm 2022 đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung đã lên kế hoạch với Nga mà không đưa ra lời giải thích nào. Còn Kazakhstan cũng thông báo sẽ không giúp Nga vượt qua các biện pháp trừng phạt mà Phương Tây áp đặt lên Nga vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

CSTO là một liên minh quân sự và được xem là đối trọng với NATO. Việc Arrmenia rời bỏ CSTO khiến liên minh quân sự này chỉ còn 5 quốc gia là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgistan và Tajikistan.

Nhưng trong khi gặm nhấm nỗi buồn “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, Nga còn phải đối mặt với nỗi lo khủng bố trỗi dậy từ sân sau của mình. Tajikistan chẳng hạn, người dân nước này sống trong nghèo khổ, dễ trở thành mục tiêu lôi kéo của những kẻ tuyển mộ Hồi giáo cực đoan. Các nghi phạm thực hiện vụ khủng bố tại nhà hát Crocus đều đến từ Tajikistan.

Chắc chắn cuộc chiến với Ukraine đã khiến Nga lâm vào cảnh suy yếu và mất uy tín với bạn bè, dẫn tới việc Nga mất dần sân sau của mình. Nga nên nhìn lại mình thay vì đổ lỗi cho các “thế lực thù địch”. Hẳn những cái đầu nóng ở Moscow đang ước ao rằng nếu thời gian quay ngược lại, thì họ sẽ không tiến hành xâm lược Ukraine. Nhưng đời không có chữ nếu như thế. Nga bây giờ rút quân thì nhục, mà cố đấm ăn xôi thì cũng không xong. Còn đem hạt nhân ra dọa cũng chẳng ai sợ.

Nói thẳng ra, Nga đang không còn là chính mình, không còn là siêu cường khiến thế giới phải kính nể. Cựu Thủ Tướng Anh Boris Johnson rất có lý khi nói Nga chỉ là con cọp giấy!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: