‘Thiện chí’ của Tô Lâm khi trả tự do cho hai tù nhân lương tâm

Ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do trước chuyến đi của ông Tô Lâm đến Mỹ (Facebook)

Ngay trước chuyến đi của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ, tin tức về 2 tù nhân lương tâm được trả tự do khiến cho nhiều người nức lòng. Có ý kiến nhận định rằng dường như có một sự đổi mới ngấm ngầm nào đó, và đồng thời còn cho rằng dấu hiệu cho thấy Tô Lâm sẽ là một người đem tới những cải cách.

Có thực sự Tô Lâm là một người đang giới thiệu những chỉ dấu tốt đẹp về tương lai một của một đất nước Việt Nam như vậy hay không?

Trong những câu hỏi liên tục được xuất hiện trên mạng từ khi có tin ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, còn có sự quan tâm về khi nào thì nhà báo Huy Đức được cho về hay chập chờn tin tức tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao được thả, rồi sau đó rút lại.

Và vì sao không phải là Phạm Đoan Trang, nhà báo nữ có số tần suất của quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cao nhất từ trước đến nay?

Nếu quan sát thời sự và chú ý thì sẽ thấy rằng tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp Tô Lâm hay nói cách khác là không có một cuộc hẹn chính thức nào với Tô Lâm trong chuyến đi của ông ta đến Hoa Kỳ này.

Bản thân chính quyền của tổng thống Joe Biden cũng đang thực sự vô cùng rát mặt trong thời gian gần đây, qua những lời chất vấn và chỉ trích của với chính trị gia, và các tổ chức quốc tế về việc luôn giơ cao đánh khẽ với Hà Nội để giành vị trí chiến lược địa chính trị với Trung Quốc. Chính Hà Nội cũng nhận ra lợi thế này, cho nên phớt lờ tất cả những lời cảnh báo, gia tăng đàn áp và thậm chí không ngại ngần tấn công vào giới tự do tôn giáo, bất chấp 2 lần danh sách SWL (Special Watch List – theo dõi đặc biệt về vi phạm quyền tự do tôn giáo) đang treo trên đầu của chính quyền Hà Nội.

Chắc chắn là Tô Lâm đi Mỹ là muốn hội đàm riêng với ông Joe Biden, sau chuyến đi quỳ gối rõ ràng trước Tập Cận Bình. Và việc không ra một lịch hẹn cụ thể cũng cho thấy ông Joe Biden đang ra một cái giá với Tô Lâm về vấn đề nhân quyền.

Thường thì Hà Nội chưa bao giờ thiện chí đưa ra một cái tên, hay một danh sách để trả tự do khi có những cuộc gặp quốc tế quan trọng, hoặc những bước đi ngoại giao cần thiết, mà phần lớn là các tòa Đại sứ luôn lên tiếng về vấn đề nhân quyền như Mỹ, Châu âu, trước đây là Thụy Điển đức, Đức, Anh… luôn có những cuộc gặp sớm trước khi có những chuyến đi, mà họ có thể tác động vào vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm. Một nguồn tin ẩn danh cho biết Tòa đại sứ Hoa Kỳ lần này đã đưa một danh sách và đề nghị Việt Nam bộc lộ một thiện chí về nhân quyền, để tránh những rắc rối khi đến Mỹ – lần này là đứng trước Liên Hiệp Quốc – và cũng gây không gây khó cho tổng thống Joe Biden nếu như có một cuộc gặp riêng.

Và trong các giải pháp được đề nghị Tô Lâm đã chọn Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng để xoa dịu cả hai phía Hoa Kỳ và Châu âu.

Với Trần Huỳnh Duy Thức là một sự kiện vẫn gây nhức nhối cho các chính trị gia Hoa Kỳ, và cũng là một vấn đề bẽ bàng của Hà Nội, khi ông Thức đặt lại về những điểm cải cách luật của chính Hà Nội, theo đó thì ông Thức chỉ nhận án tù nhiều nhất là 5 năm. Đồng thời ông Thức cũng chỉ ra việc giam giữ ông cho đến hơn 15 là bất hợp pháp. Chính quyền CSVN đã nhiều lần không dám trả lời việc xét lại này, và luôn im lặng để chờ thời điểm có thể giải quyết êm đẹp nhất. Lời đề nghị từ phía Hoa Kỳ lúc này giống như hàng cứu trợ giữa bão lũ với Hà Nội: món hàng đổi chác con tin sắp hết hạn tù, không còn lợi dụng được giá trị như trước, bên cạnh đó, việc không phải trả lời những chất vấn về mặt luật pháp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, vốn đang làm mất tính chính danh của một hệ thống pháp luật được bịa ra để kềm giữ con người.

Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà vận động môi trường sạch, người có nhiều giải thưởng quốc tế và có tầm hoạt động lớn từ trước đến nay, đột nhiên bị bắt về cáo buộc dựng cớ trốn thuế đã khiến nhiều người bất ngờ vì không nghĩ bà Hồng có thể rơi vào tình trạng này. Dù không liên quan trực tiếp đến những vấn đề về chuyển đổi năng lượng xanh như Đặng Đình Bách, Ngô Thị Tố Nhiên hay Ngụy Thị Khanh, nhưng để làm cho ra vẻ công bằng pháp luật xã hội chủ nghĩa, thì bà Hồng cũng phải bị bắt với cùng tội danh như những người khác. Nhưng bên cạnh đó dường như còn một lý do khác: “Bà Hồng bị đánh giá là thành phần tự diễn biến, quá gần với phương Tây”, một nguồn tin từ Hà Nội ẩn danh nhận định như vậy.

Trả tự do cho bà Hồng, cũng là một giải pháp làm giảm nhiệt phía Châu Âu, vốn ngày càng bị điều tiếng là nhân nhượng Việt Nam để kiếm lợi, bất chấp môi trường, con người và luật (Lao Động) luôn bị Hà Nội đàn áp.

Như vậy cho thấy, rằng Tô Lâm không phải là người có đủ thiện chí để tự ông ta đi tới một sự cải cách hay thay đổi nào mang tính tử tế của một nhà lãnh đạo độc tài – bất ngờ một ngày xuất thần trở thành người lãnh đạo dân chủ. Trả tự do cho 2 tù nhân lương tâm, chỉ là giải pháp tình thế. Sự gấp rút thả tự do vào giờ chót cho ông Thức và bà Hồng, cho thấy sự thúc hối từ giới ngoại giao, và miễn cưỡng của chính quyền Tô Lâm.

Trong đường lối ngoại giao cây tre mà Nguyễn Phú Trọng ăn cắp của Thái Lan, rồi để lại cho hệ thống lãnh đạo CSVN hôm nay, nó còn ẩn chứa một điều khác, đó là sự lươn lẹo của những nhà lãnh đạo ăn đằng sóng nói đằng gió, quay đầu này nói khác, quay đầu kia nói lại. Tô Lâm khi đến Bắc Kinh, đã lập tức thể hiện tính cách độc tài khi tuyên bố rằng mối quan hệ Việt Nam Trung quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, như những quốc gia, khác nhưng “ưu tiên” hơn. Ưu tiên chỉ là một ý kiến nghiêng về ý thức hệ, nhưng hoàn toàn phản bội các chính sách được ghi trong tài liệu ngoại giao được công bố của Hà Nội.

Và đã ưu tiên Trung Quốc một cách công khai đến mức đó, thì Tô Lâm không cần phải gặp Joe Biden để làm gì, mà nên cứ để tiến trình bình thường của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi tới một cách tự nhiên. Nhưng rõ là Tô Lâm có ý muốn, và chính Trung Quốc cũng cảm thấy được điều này, nên đã lên giọng “chỉnh huấn” Hà Nội vài lần trước chuyến đi của Tô Lâm

Mà bản chất đổi chủ, xoay đầu là một tính cách không thể nào quên được của Tô Lâm.

Năm 2009, triều đại công an trị dưới thời của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng luôn tạo ra những vấn đề phức tạp đối với mối quan hệ Việt Mỹ đặc biệt qua vấn đề các nhà tranh đấu và tù nhân lương tâm. Trường hợp nổi cộm công khai trên báo chí đó là cuộc tiếp xúc của đại sứ mỹ Michael Michalak và kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải. Báo Tuổi Trẻ lúc đó bị ép đăng một bài viết mạ lị chính phủ Mỹ và bản thân ông đại sứ Mỹ. Nhưng trong một công điện của Đại sứ mỹ Michael Michalak (về sau bị tiết lộ bởi Wikileak) gửi về Washington, có kể về một nhân vật tên là Tô Lâm. Ông Đại sứ mô tả Tô Lâm là một người có thiện chí cải cách, cởi mở, và có vẻ thân phương Tây. Nhưng dĩ nhiên đó là một bộ mặt của Tô Lâm khi chưa có quyền lực, và đang xoay ở mọi hướng để tìm lợi thế.

Nhiều niềm tin của dân chúng lúc này đang bắt đầu được dựng lên về ông Tô Lâm sẽ là người cải cách và trở thành một tổng thống chế mới của Việt Nam. Nó không khác gì thời của Nguyễn Tấn Dũng mở miệng nói câu “Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa”, đã làm nức lòng nhiều người miền Nam. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ là cái bánh vẽ của những kẻ độc tài để dành chút cảm tình từ dân chúng, và tận dụng thời gian và cơ hội để vơ vét cho bản thân và băng nhóm.

Không chỉ là Trần Huỳnh Duy Thức hay Hoàng Thị Minh Hồng. Nếu Tô Lâm thực sự là một người yêu đất nước và muốn một đổi thay tốt đẹp cho dân tộc, thì ngay lúc này, điều đầu tiên là ông phải trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến và hủy bỏ các điều luật 117 và 331 vốn đang đẩy đất nước vào sự bế tắc và khủng hoảng trong sự cầm quyền độc tài của CSVN.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: