Truyền thông của Ba Đình đưa tin nhiều thuyền viên trên tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công ở Biển Đông. Các báo đưa tin nhiều chi tiết khác nhau, phải tổng hợp, mới rõ là tàu cá Việt Nam đã bị tấn công ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, và 10 thành viên thủy thủ Việt Nam bị thương.
Điều buồn cười nhất, căn bệnh lâu năm cố hữu của Hà Nội lại tái diễn, là sợ nhắc đến tên Trung Quốc. Tờ Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của đảng bộ TP.HCM thì dè dặt đề là “tàu nước ngoài”, như một loại tự điển thông minh mà người Việt đã cài đặt sẵn trong suy nghĩ trong mối quan hệ của Hà Nội với kẻ thù Bắc Kinh: “nước ngoài” hiển nhiên được dịch hiểu là Trung Quốc, và Hoàng Sa, lại càng là sự khẳng định, đó là địa bàn hoành hành của kẻ thù Trung Quốc.
Tệ hơn, hai tờ báo quan trọng bậc nhất của chính quyền CSVN là tờ Nhân Dân và tờ Quân Đội Nhân Dân thì không có một dòng tin nào trong ngày 30 Tháng Chín, kể cả vào mục tìm kiếm với những từ khóa như “tàu cá”, “hoàng sa”, “bị nạn”… tất cả một khoảng trống đầy tính “ưu tiên” trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Tô Lâm đã nói với Tập Cận Bình trong sự sùng kính qua chuyến thăm vào giữa Tháng Tám 2024.
Trong khi đó, báo chí quốc tế đều chỉ rõ thủ phạm là Trung Quốc. Có lẽ vì họ không có lời hứa “ưu tiên” nào nhưng Tô Lâm đã thề với Tập Cần Bình.
Tờ Tiền Phong dẫn lời một quan chức địa phương tại xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cá Việt Nam đã phát thanh báo cáo về vụ tấn công vào Chủ Nhật, nói rằng có ba ngư dân bị gãy chân tay và bảy người khác bị thương. Điều buồn cười là dù mọi thứ được mô tả rõ bởi các thuyền viên gặp nạn, nhưng không ai được trực tiếp nói chuyện với giới báo chí bên ngoài. Các quan chức xã đã đại diện nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng họ không có gì để bổ sung vào bản tin của tờ báo, và không rõ là tàu nào đã gây ra thảm nạn. Kể cả Lực lượng biên phòng Việt Nam cũng nói đang điều tra vụ việc nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin gì.
Nhưng không ai trong số những thuyền viên gặp nạn được trực tiếp cung cấp tin cho báo chí nước ngoài. Một người dân giấu tên, có người thân đi thuyền gặp nạn cho biết chính quyền địa phương cũng ra lệnh không được nói chuyện với bất cứ báo chí nào bên ngoài Việt Nam.
Báo và truyền hình nhà nước thì nói tai nạn xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển phía đông Việt Nam khoảng 400 km (250 dặm) và cách tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng khoảng cách tương tự về phía đông nam. Mặc dù ngôn từ chính quyền mạnh mẽ cho biết vụ tấn công tàu xảy ra ở vùng biển Việt Nam nhưng không nêu rõ địa điểm cụ thể, dù được đề nghị cho chi tiết.
Quần đảo Hoàng Sa thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc kể từ năm 1974, khi Bắc Kinh chiếm quần đảo này từ Việt Nam trong một cuộc xung đột hải quân ngắn ngủi, nhân lúc nội chiến Nam Bắc Việt Nam đang vào lúc căng thẳng nhất.
Hà Nội thì muốn đòi lại đảo, nhưng há miệng mắc quai vì đã từng chúc mừng người đồng chí của mình thành công chiếm đảo, và cũng coi Miền Nam VNCH là kẻ thù. Thậm chí trong ham muốn tủi nhục này của Hà Nội, đã cài cắm giới tuyên truyền viên vẽ nên chuyện VNCH yếu kém, tạo điều kiện dâng đảo cho Bắc Kinh, nhằm rửa mặt cho mình.
Nửa thế kỷ nay, Trung Quốc đã biến hòn đảo này thành một pháo đài với cả đường băng máy bay, bến cảng, các khu nhà kiên cố, cùng với một bãi đáp trực thăng và hệ thống radar. Tất cả đều là bí mật quân sự nên Trung Quốc đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công trình xây dựng đảo của mình. Và vì vậy các tàu cá Việt Nam đánh bắt gần khu vực Hoàng Sa luôn bị Trung Quốc tấn công dã man. Và đây không phải là lần đầu tiên.
Cần phải nhắc lại là Tô Lâm đi sứ Trung Quốc ra mắt vai trò tân chư hầu của mình, đã ngợi ca Trung Quốc là người bạn không thể thay thế, đồng thời nhấn mạnh là mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Trung Quốc mặc dù là tương đương với các quốc gia khác đã ký kết với Việt Nam, nhưng vẫn luôn là ưu tiên hơn.
Nhìn những khoảng trống trên báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân và kể cả mọi cơ quan truyền thông khác ở Việt Nam không dám gọi tên Trung Quốc trong tội ác tấn công vào con người Việt Nam trên biển, tự khắc những ai còn thắc mắc chữ “ưu tiên” đó, sẽ hiểu rằng điều này có nghĩa là gì. Ưu tiên, là gìn giữ mối quan hệ giữa 2 đảng cộng sản, bất chấp xương máu người dân Việt Nam thế nào. Ưu tiên, có nghĩa mọi thứ đối đãi với nhau cười nụ cười của tình anh em cộng sản, mặc cho tiếng rên xiết của người dân vẫn vang vọng trên khắp đất nước với những tội ác mới mỗi ngày.