Chuyện an sinh xã hội khi tiền dân đổ đầy túi quan

Nhiều người cao tuổi vẫn làm việc mưu sinh để trang trải cuộc sống hằng ngày. (Hình minh họa: Tuổi Trẻ)

Nửa thế kỷ qua, có gần 10 triệu dân đói nghèo trên cả nước. Người dân phải làm từ thiện cho nhau, trách nhiệm nhà cầm quyền trong việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân ở đâu?

Lực lượng bênh vực cho nhà cầm quyền sẽ nói: “Đất nước nào mà không có người nghèo đói!” Đúng vậy, đất nước nào cũng có người nghèo, nhưng phải xem tỷ lệ là bao nhiêu, và nguyên nhân đói nghèo là do các chính sách bất cập của nhà nước hay do bản thân họ không chịu lao động nên đói nghèo?

Ở Việt Nam, đa số người nghèo bị thất nghiệp. Ai ở nhà làm nông thì nông sản không có giá. Có những vùng miền không có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, phải cần chính sách quy hoạch vùng, tạo nguồn nước, hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng trọt, bảo đảm giá cả nông sản sau khi thu hoạch cho người dân,… nhưng nhà nước bỏ lơ, dân làm được gì thì làm, nông sản bán được hay không, đổ bỏ cũng mặc kệ. Trong khi đó, nhà nước lại cho nhập khẩu chính các loại nông sản đó. Nông dân khó khăn, vất vả, mà không thể đi kiếm việc làm ngành nghề khác, vì vốn sinh ra chỉ sống nhờ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà thôi.

Ở Thái Lan lại khác, chính sách luôn vì người dân trước tiên. Từ giảm thiểu bán bất động sản cho người nước ngoài, ưu tiên dùng hàng nội địa (tất nhiên hàng nội địa đó phải bảo đảm chất lượng), quy hoạch về kiến trúc đô thị tương đối đồng đều, không phân biệt khoảng cách về thành thị và nông thôn,… tất cả những đều đó phải từ các chính sách của chính phủ, chứ không phải dân tự làm, tự quy hoạch mà được.

Việt Nam rất cần những chính sách quy hoạch như vậy để người dân làm những ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp,… Lẽ ra người dân có phương hướng và sự bảo trợ để lao động, để bảo đảm việc làm không bấp bênh. Nhưng không, ở những vùng miền tập trung khu công nghiệp, số lượng việc làm chưa nhiều, chưa bảo đảm được tỷ lệ lớn người dân kiếm được việc, chỉ vài tỉnh thành lớn có khu công nghiệp. Những tỉnh miền Trung, đa phần điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, khu công nghiệp lại rất ít, sống bằng nghề ngư nghiệp lại bấp bênh, nguy hiểm.

Đây là những điều cơ bản, mà chính phủ của bất cứ quốc gia nào cũng phải làm được cho dân, nhưng ở Việt Nam, nó chỉ được vẽ trên giấy, nói trong những cuộc họp, rồi đâu lại vào đó.

Cuộc sống người dân Việt lúc nào cũng phải tự bươn chải, một tỷ lệ giàu nứt vách đa phần đều là “con ông cháu cha,” có dây mơ rễ má với cộng sản. Sự làm giàu không từ sức lao động chân chính đã kéo khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc ở Việt Nam.

Chính sách về an sinh xã hội thì không thấy, chỉ thấy nhà cầm quyền chăm chăm suy nghĩ làm sao đưa ra dự thảo, điều luật để “chống thế lực thù địch,” để đàn áp những người vạch trần những sai trái của nhà nước. Nhà cầm quyền sẵn sàng chi ngân sách khủng để đào tạo lực lượng an ninh, công an phân bố từng mọi ngõ ngách để theo dõi hoạt động người dân. Giáo dục, y tế, kinh tế đất nước không được chăm lo nên sau nửa thế kỷ cai trị, đời sống người dân vẫn ì tại chỗ, tỷ lệ dân nghèo ngày càng nghèo hơn, quan chức thì tài sản khủng vì tham nhũng ngân sách bỏ túi riêng.

Giáo dục thì ngày càng tệ hại, đạo đức thế hệ trẻ ngày càng suy đồi, thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại xa rời đạo lý, họ không có khái niệm gì về đạo đức. Học phí không được miễn giảm mà trái lại ngày càng tăng, một tỷ lệ rất lớn học sinh vùng sâu, vùng xa và vùng núi Tây Nguyên không có điều kiện đi học.

Cách đây 20 năm, người dân vào bệnh viện không đủ giường nằm, phải nằm chung giường với nhau, người thân nuôi bệnh phải nằm vật vạ ở gầm giường, hành lang. Chi phí điều trị và thuộc đắt đỏ, có những bệnh thuộc dạng nan y, mãn tính kéo dài, người dân phải bán đất đai nhà cửa để lấy tiền mà điều trị. Còn bây giờ, sau 20 năm, tình trạng này vẫn y như vậy.

Lại sẽ có thành phần cuồng đảng chửi bới, cho rằng đó là những lời xuyên tạc, và rằng bây giờ Việt Nam rất hiện tại, xe hơi chạy đầy đường, nhà lầu mọc lên như nấm,… Nhưng đã có ai thống kê được bao nhiêu phần trăm người dân có nhà lầu, xe hơi, có điều kiện sống đầy đủ, với mức thu nhập bình quân mỗi người chỉ trên $3,000/năm?

Với cách quản trị như vậy, đất nước sẽ không thể phát triển. Đảng CS cầm quyền chỉ vì lợi ích của chính họ. Sự yếu kém về quản trị, cộng với chính sách cố tình thâu tóm kinh tế, nhồi sọ về giáo dục, sẽ làm cho người dân bị tụt lùi về vật chất lẫn tinh thần, trong khi đó đảng CS ngày càng củng cố quyền lực, tiền của dân đổ vào túi quan chức, giúp cho họ trở thành những “tài phiệt” thứ thiệt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: