CSVN lại tạo điều kiện cho công an có đất dung thân

Một tài xế vi phạm nồng độ cồn sử dụng điện thoại quay video ghi cảnh sát lập biên bản. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Bộ Công An chính quyền CS vừa ban hành quy định liên quan đến hình thức giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) trong đó loại bỏ hoàn toàn hình thức giám sát “thông qua thiết bị ghi âm.

Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Mười Một 2024. “Ghi hình” được quy định từ năm 2019.

Như vậy sắp tới người dân chỉ được giám sát CSGT thông qua 5 hình thức: tiếp cận thông tin công khai, giám sát thông qua các chủ thể theo quy định, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại và quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Việc bỏ qua hình thức giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình – một công cụ phổ biến và hiệu quả – đã dấy lên nhiều lo ngại về tính minh bạch và hiệu quả của việc giám sát lực lượng thực thi pháp luật. Liệu 5 hình thức giám sát còn lại có đủ sức nặng để bảo đảm CSGT thực thi công vụ đúng quy định, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, xâm phạm quyền lợi của người dân hay không?

Quy định sắp tới còn thu hẹp đáng kể phạm vi thông tin mà lực lượng công an, trong đó có CSGT phải công khai trong quá trình thực thi nhiệm vụ, như bỏ quy định công khai “trang phục, số hiệu công an nhân dân” mà chỉ yêu cầu công khai các phương tiện, thiết bị kỹ thuật được sử dụng để phát hiện vi phạm.

Sự thay đổi này đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và hiệu quả của việc giám sát lực lượng thực thi pháp luật. Liệu việc hạn chế quyền giám sát của người dân, kết hợp với việc giảm bớt thông tin công khai, có vô tình tạo ra “khoảng trống” cho các hành vi tiêu cực, xâm phạm quyền lợi của người dân hay không?

Theo báo Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do Bộ Công An đánh giá việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT “có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội.” Thậm chí, Bộ Công An còn cho rằng có “một số đối tượng chống đối đã lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.”

Lời giải thích này của Bộ Công An chưa thực sự làm thỏa đáng người dân và giới chuyên gia. Báo Tuổi Trẻ Online đăng tải bài viết nghi ngờ lý do của những thay đổi trong quy định về giám sát CSGT mà Bộ Công an đưa ra. Dưới phần bình luận, nhiều độc giả bày tỏ sự lo ngại, cho rằng việc này sẽ khiến người dân mất đi “bằng chứng” bảo vệ mình nếu có sai phạm xảy ra trong quá trình làm việc với CSGT.

Rõ ràng, việc người dân được phép ghi âm, ghi hình đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo, góp phần minh bạch hóa hoạt động của lực lượng CSGT. Thiết bị ghi âm, ghi hình không chỉ là công cụ ghi nhận sự việc một cách khách quan, mà còn là bằng chứng quan trọng để người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi có sai phạm xảy ra.

Nếu việc ghi âm, ghi hình bị hạn chế hoặc cấm đoán, sẽ khó có thể phơi bày và chấn chỉnh những hành vi sai trái của một bộ phận CSGT, từ đó tạo điều kiện cho tiêu cực lộng hành hơn.

Trong một chia sẻ với đài BBC, Luật Sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp chỉ ra rằng việc xử lý các hành vi lợi dụng ghi âm, ghi hình để xuyên tạc, vu khống hoàn toàn có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật An ninh mạng và Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Điều này cho thấy, việc lo ngại về việc người dân lạm dụng quyền ghi âm, ghi hình để phá hoại là hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các quy định pháp luật hiện hành chứ không cần phải bãi bỏ như lý luận của Bộ Công An.

Việc sửa đổi quy định này rõ ràng sẽ tác động rất lớn đến sự tự tin của người dân trong việc thực hiện quyền giám sát công quyền của nhà nước. Không chỉ người dân, báo chí truyền thông cũng sẽ dè dặt hơn trong việc sử dụng quyền quay camera để phơi bày các sai phạm của lực lượng công an, nhất là trong bối cảnh hoạt động báo chí đang bị giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ.

Hơn nữa, với không quy định rõ ràng về việc người dân có được phép ghi âm, ghi hình CSGT khi làm nhiệm vụ hay không, đã tạo ra một “vùng xám” về mặt pháp lý. “Vùng xám” này, không chỉ có thể gây mơ hồ cho người dân về quyền hạn của mình, mà còn có thể tạo kẽ hở cho lực lượng CSGT.

Trên tài khoản Facebook cá nhân, nhà báo Đoàn Bảo Châu viết: “Người dân có quyền giám sát hoạt động của lực lượng công an để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Việc loại bỏ hình thức ghi âm, ghi hình có thể hạn chế quyền giám sát và tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời có thể khiến tình trạng lạm dụng quyền khi thi hành công vụ trở nên trầm trọng hơn.

“Tôi hiểu lo ngại về việc một số cá nhân có thể lợi dụng quyền giám sát để chia sẻ thông tin không chính xác hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của lực lượng. Tuy nhiên, tôi không tin rằng việc hạn chế ghi âm, ghi hình là nhằm bảo đảm an ninh trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Giao thông là hoạt động diễn ra công khai trên đường phố, không phải là hoạt động bí mật cần phải ‘bảo đảm an ninh’.”

Vậy cuối cùng liệu việc bãi bỏ quy định cho phép người dân ghi âm, ghi hình CSGT có thực sự nhằm hạn chế những trường hợp lợi dụng, xuyên tạc, như Bộ Công An nêu, hay đây chỉ là “cái cớ” để hạn chế quyền giám sát chính đáng của người dân, tạo điều kiện cho tiêu cực, sai phạm trong lực lượng CSGT có “đất” dung thân?

Thậm chí, phải chăng đây là một toan tính sâu xa hơn của chính quyền CSVN? Liệu họ có đang lo sợ những sai phạm động trời của lực lượng chức năng bị phơi bày, rồi bị “những thế lực bên ngoài” được CS áp đặt lợi dụng để khuyến khích người dân chống đối chính quyền? Phải chăng việc hạn chế quyền giám sát của người dân chính là cách để CSVN duy trì sự ổn định, che giấu những khuất tất bên trong bộ máy của mình?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: