1.
Sau khi Iran phóng hàng trăm tên lửa vào Israel tối 1 Tháng Mười, Thủ Tướng Israel là Benjamin Netanyahu nói Israel có quyền tự vệ và sẽ quyết liệt đáp trả Iran.
Nhưng Washington lại tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Không chỉ thế, Tổng Thống Biden còn thúc giục Israel đừng tấn công vào các cơ sở dầu khí của quốc gia Hồi giáo này.
Đó là vì nếu các cơ sở dầu khí của Iran bị tấn công thì sẽ làm giá dầu tăng vọt. Trong quá khứ, các ứng cử viên tổng thống đang tại nhiệm thường gặp bất lợi nếu giá xăng dầu tăng. Điều này khiến sự ủng hộ của cử tri dành cho họ bị suy giảm. Cho nên Washington mong muốn là nếu Israel có tấn công các cơ sở dầu khí của Iran thì đừng làm điều đó vào lúc này, khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Vấn đề là Tel Aviv thích ai là người thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay, bà Harris hay ông Trump? Có thể tin rằng Tel Aviv nghiêng hẳn về phía ông Trump, người luôn dành cho Tel Aviv sự ủng hộ mạnh mẽ trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Thời còn trên cương vị tổng thống, ông Trump là người chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định này khiến cả Trung Đông dậy sóng. Người Palestine vô cùng phẫn nộ vì họ luôn xem Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine độc lập trong tương lai.
Nếu đúng là Israel ủng hộ ông Trump tái đắc cử thì nhiều khả năng Israel sẽ tấn công Iran dữ dội trước ngày cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Mục tiêu đầu tiên ở Iran mà Israel nhắm tới sẽ là các cơ sở dầu khí Iran. Và mục tiêu tiếp theo hẳn sẽ là các cơ sở hạt nhân, nếu Israel quyết chơi tới bến.
2.
Trả lời phỏng vấn của đài CBS, bà Harris từ chối gọi ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel, là “đồng minh.”
Phỏng vấn bà Harris, CBS cho rằng dù Mỹ dành cho Israel nhiều tỷ đôla viện trợ quân sự, nhưng ông Netanyahu vẫn cứ làm theo ý của ông, và từ chối việc Mỹ muốn có một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Thậm chí ông còn không chấp thuận đề nghị của Mỹ khi Mỹ muốn Israel không tiến vào Liban hay tấn công Iran.
Rồi CBS đặt câu hỏi với bà Harris rằng như thế bà có coi ông Netanyahu là đồng minh không. Câu trả lời của bà Harris là: “Mỹ và Israel luôn là đồng minh thân cận.”
Trả lời như thế, rõ ràng bà Harris tránh gọi ông Netanyahu là đồng minh và hẳn không có mấy thiện cảm với ông.
Nhưng vấn đề không phải nằm ở chỗ bà Harris có xem ông Netanyahu là đồng minh hay không, có thiện cảm với ông hay không, mà là những gì ông ấy đang làm cho đất nước có đúng hay không. Thật không vui cho bà Harris khi nhiều người tin rằng ông Netanyahu, với tư cách là thủ tướng Israel, đang đi đúng hướng.
Washington cho rằng Mỹ viện trợ quân sự cho Israel để Israel có thể tự vệ trước kẻ thù. Nhưng Washington cần hiểu rằng tự vệ không có nghĩa là kẻ thù bắn một phát thì mình bắn lại một phát. Vì như thế chỉ là tự vệ một cách thụ động. Cần phải tự vệ một cách chủ động bằng cách triệt hạ mọi khả năng chống phá của kẻ thù, để kẻ thù không bao giờ có thể làm hại được mình. Đó chính là điều mà ông Netanyahu đang làm. Washington không hài lòng là chuyện của Washington. Israel có thân thì phải lo lấy thân. Với Israel, vụ 7 Tháng Mười là quá đủ. Không bao giờ được để lập lại một vụ như thế.
Thiết nghĩ, chuyện của Israel thì không ai hiểu bằng chính người Israel. Mỹ không nên can thiệp sâu vào các quyết định của chính quyền Israel, mà chỉ nên viện trợ tích cực cho Israel, một đất nước luôn phải đối mặt với sự đe dọa của kẻ thù từ thời lập quốc.
Ông Trump không phải không có lý khi kêu gọi Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran. Một thái độ lừng khừng với Iran có thể sẽ là sai lầm chí mạng. Bài học nhớ đời cho Israel vẫn còn sờ sờ ra đó: Chỉ vì đánh giá sai Hamas mà Israel đã phải trả giá đắt bằng vụ 7 Tháng Mười. Nếu Iran chế tạo được bom hạt nhân rồi tiêu diệt Israel, chẳng lẽ Washington chỉ nói “xin lỗi” thôi sao?
Chính quyền Biden muốn chọn con đường ngoại giao và cấm vận để kiềm chế Iran thay cho xung đột. Câu trả lời sau của một quan chức cấp cao Israel có thể được xem là thể hiện quan điểm của Tel Aviv: “Israel luôn lắng nghe ý kiến của đồng minh, nhưng sẽ làm tất cả để bảo vệ công dân và an ninh đất nước.”
Có thể nói, quan điểm về hạt nhân Iran của ông Trump là mạnh mẽ và dứt khoát. Còn quan điểm của ông Biden hay bà Harris về vấn đề đó là không đáng hoan nghênh vì nó không mấy thuyết phục. Với quan điểm đó, bà Harris khó lòng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Do Thái vốn có tiếng nói đáng kể trong nền chính trị Mỹ. Ông Trump từng cho rằng người Do Thái ở Mỹ sẽ có lỗi nếu để ông thất cử. Rất có thể cộng đồng này sẽ không làm ông thất vọng.