UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa gửi Bộ Xây Dựng về việc thẩm định, trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Bình Sơn đến năm 2045.
Thay vì vui mừng cho địa phương sắp có thêm dự án góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế, nhiều người dân huyện Bình Sơn-tỉnh Quảng Ngãi chẳng mấy quan tâm, vì cả chục năm qua, bà con phải sống trong sự ngột ngạt, khổ sở trăm bề vì vấn đề ô nhiễm môi trường do các dự án tại đây đem lại.
Đây là dự án có quy mô diện tích khoảng 46,685,24 ha, bao trùm toàn bộ 21 xã và thị trấn Châu Ổ thuộc hiện Bình Sơn. Nhà chức trách còn cho biết thêm, khi dự án được thông qua, đây không chỉ là bước tiến quan trọng trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc hình thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và du lịch hàng đầu của miền Trung Việt Nam.
Cũng là người con sinh ra tại mảnh đất miền Trung, tôi có không ít lần ghé đến vùng đất Bình Sơn-Quảng Ngãi. Tại đây, hơn chục năm qua đã tồn tại Khu Kinh Tế Dung Quất. Phải thừa nhận rằng, kể từ khi khu kinh tế này được thành lập vào năm 2005, cuộc sống nghèo khó của người dân tại vùng đất đầy nắng gió này đã được thay đổi.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm với vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng đã và đang triển khai tại Khu Kinh Tế Dung Quất, như dự án nhà máy thép Hòa Phát, dự án nhà máy Bột Giấy VNT-19, nhà máy đóng tàu Dung Quất… giúp địa phương giải quyết việc làm cho cả trăm ngàn lao động ở Quảng Ngãi và các địa phương lân cận. Khu Kinh Tế Dung Quất đang dần trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.
Vì vậy, khi nghe có thêm dự án mới, tôi thêm mừng cho người dân Bình Sơn, hẳn cuộc sống của bà con sẽ được cải thiện hơn, nâng cao hơn. Tuy nhiên, khi thăm một số bà con đang sinh sống tại Bình Sơn để biết thêm thông tin về dự án mới thì người viết chửng hửng, hầu hết các ý chia sẻ đều tỏ ra không mấy quan tâm. Bởi lẽ, đi cùng với mặt tích cực là mặt tiêu cực từ các dự án tại Khu Kinh Tế Dung Quất đem lại, hàng ngàn cư dân sinh sống tại đây phải sống trong tình trạng môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ngột ngạt, khổ sở trăm bề.
Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông (gần nhà máy Dung Quất) phải sống trong cảnh thiếu nước ngọt bởi nguồn nước nơi đây bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, người dân phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để mua từng thùng nước về sử dụng. Chưa kể, do hằng ngày tiếp xúc với nguồn nước nhiễm mặn nên rất nhiều trẻ em mắc bệnh ghẻ, da nổi mề đay…
Ngươi dân thôn Sơn Trà cho rằng, nguyên nhân nguồn nước nhiễm mặn là do Nhà máy đóng tàu, nhà máy thép Hòa Phát đi vào hoạt động, quá trình thi công đã đào sâu xuống lòng đất, chặn nguồn nước ngọt, đồng thời hút nước biển vào để dọn rửa vệ sinh nhà máy nên về lâu dài độ mặn thấm sâu vào nguồn nước khiến nguồn nước bị nhiễm mặn chứ thời gian trước đó nguồn nước vẫn bình thường. Khi người dân phản ánh vụ việc lên nhà chức trách thì nhận được câu trả lời từ đại diện lãnh đạo rằng, sống gần biển nước nhiễm mặn là phải thôi.
Rồi cách xã Bình Đông không xa là xã Bình Thuận, cho đến hiện tại, cả trăm hộ dân nơi đây vẫn đang kiên trì đấu tranh, phản đối dự án bến cảng tổng hợp Container Hòa Phát. Theo chia sẻ của người dân, nếu dự án thực hiện lối ra biển sẽ bị bịt và làm mất công việc đánh bắt, mưu sinh hằng ngày của bà con. Đỉnh điểm là vào cuối Tháng Mười Hai năm 2021, khi người dân đứng ra phản đối việc thi công, thì nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi huy động hàng trăm cảnh sát cơ động cùng các thành phần chức năng đến đàn áp, bắt bớ khiến nhiều người dân bị thương tích.
Chưa hết, cũng tại Khu Kinh Tế Dung Quất và cũng tại xã Bình Thuận, hàng trăm hộ dân thôn Đông Lỗ phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, đầy bụi bặm đến nỗi cây cối ngã màu chết héo, hoa màu không thể trồng được. Nguyên nhân cũng được cho là do nhà máy Hòa Phát sả khói độc hại. Ngoài ra, người dân thôn Đông Lỗ còn chia sẻ thêm, khổ nhất là những hộ dân sinh sống cận gần Nhà máy Hòa Phát phải gánh thêm mùi hôi thối, tiếng ồn phát ra từ Nhà máy và lâu lâu phải thất kinh cả người bởi hoạt động khai thác đá bắn ra làm sập nhà.
Một Nhà máy Hòa Phát chưa đủ, người dân sinh sống trong Khu Kinh tế Dung Quất còn đối mặt thêm những hậu quả do dự án nhà máy Bột Giấy VNT-19 gây ra. Khởi công từ 2015 tại xã Bình Phước, tính đến nay đã chín năm nhưng sự tồn tại của công trình này vẫn không được đông đảo người dân thừa nhận.
Ngay từ thời điểm dự án mới bắt đầu khởi công đã vấp phải sự phẫn nộ của người dân thôn Phú Long (xã Bình Phước) khi biến ruộng đồng nơi đây bỏ hoang, kênh suối khô cạn, mồ mã bị san lấp, giải tỏa đền bù không thỏa đáng, phá hỏng đường dân sinh… Chưa hết, từ năm 2022 cho đến nay, lãnh đạo nhà máy Bột Giấy VNT-19 liên tục xin nhà chức trách tỉnh Quảng Ngãi cho đặt ống xả thải kéo từ nhà máy ra vịnh biển Việt Thanh (xã Bình Trị). Ngay lập tức, cả ngàn hộ dân ở hai xã Bình Trị và Bình Hải đứng lên phản đối gay gắt, hành động này là hủy diệt môi trường biển, triệt tiêu đường mưu sinh của người dân, đó là chưa kể vịnh Việt Thanh khá đẹp, tiềm năng khai thác du lịch trong tương lai là rất lớn.
Vì vậy, bất chấp lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo nhà máy cam kết chịu mọi trách nhiệm, thu hồi dự án nếu quá trình hoạt động có sự cố xảy ra, nhưng đông đảo người dân vẫn không đồng ý, nhiều buổi họp mặt để tìm giải pháp thỏa thuận các bên, người dân bỏ ngang ra về.
Hồi Tháng Sáu năm 2024, cả trăm người dân xã Bình Trị tập trung ngăn cản, giật dây điện khi số công nhân đang thi công đường dây 110 KV kéo vào nhà máy.
Cũng tại vịnh biển Việt Thanh này, từ nhiều năm trước đã tồn tại tuyến xả thải của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vùng biển từ xã Bình Trị đến xã Bình Hải giáp ranh không ít lần xảy ra hiện tượng nước biển đổi màu đen ngòm.
Vùng đất Bình Sơn sẽ chết trong tương lai gần bởi các dự án gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại và tiếp tục hoạt động, nhà chức trách chưa có phương án giải quyết. Vậy thì cấp thêm dự án mới để làm gì? Liệu có đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân hay không?