Đại Hồng Chung ở Chùa Thiên Mụ. (Hình minh họa: Bảo tàng Nhân Học)

Đêm hôm đó, trằn trọc mãi không ngủ được, tôi bèn mượn người chủ quán trọ cây đàn guitar để chơi cho khuây khỏa.

Đang tính gảy vài bài cổ điển thì chợt nghe đâu đây những âm thanh nặng nề, tưởng như tiếng chuông mà cũng có thể không phải tiếng chuông. Không biết thực sự là tiếng gì. Nhìn vẻ mặt thắc mắc của tôi, người bạn cùng phòng vốn là hướng dẫn viên, cười bảo:

-Đó chính là tiếng chuông đồng nặng hơn 7 tấn ở tháp chuông bờ phía nam cạnh Thành Cổ, không xa đây lắm.

-Vậy ư? Tôi ngạc nhiên. Nhưng ai lại đánh chuông giữa đêm khuya thế này?

-Chắc là ma, anh ạ. Để tôi nói cho anh rõ về lai lịch cái chuông nhé. Chuông này, còn gọi là Đại Hồng Chung, vốn được chính quyền địa phương làm với mong muốn tiếng chuông sẽ trở thành tiếng chiêu hồn, giúp các linh hồn siêu thoát. Trong thời chiến tranh giữa hai miền nước Việt, Thành Cổ là nơi chứng kiến cái chết bi thảm của hàng ngàn thanh niên đến từ miền Bắc. Đa số là tuổi mười tám, đôi mươi. Họ bị buộc phải cầm súng vào Nam để rồi bỏ mạng nơi đây. Người dân ở đây tin rằng chính linh hồn của nững người lính miền Bắc chết oan uổng đã bịt kín tiếng chuông, làm nó không thoát đi được. Tất cả các loại chuông trong thành phố này, từ chuông Nhà thờ Trí Bưu tới chuông ở bờ Bắc sông Thạch Hãn… dù cách đây nhiều cây số vẫn nghe rất rõ, rất thanh. Còn cái chuông này, dù gần ngay đây, thì lại nghe nặng trình trịch.

-Biết đâu chiếc chuông này đã được đúc bởi một tay thợ kém cỏi?

-Ngược lại là khác. Bạn tôi lắc đầu. Người đúc nó chính là anh Sinh, nghệ nhân bậc thầy xứ Huế về đúc chuông và là bạn thân của tôi. Anh ta từng đúc thành công nhiều chiếc chuông lớn hơn nhiều. Vả lại trước khi được chuyển từ Huế ra Thành Cổ ở Quảng Trị, chuông này đã được thử nhiều lần và cho âm thanh hoàn hảo. Có mặt trong một lần thử như vậy khi tới chơi anh Sinh, tôi phải công nhận hiếm chuông nào lại có âm thanh hay đến thế. Vang và thanh thoát. Ấy vậy mà khi về Thành Cổ, nó lại trở nên một cái chuông kỳ dị. Có điều gì siêu nhiên chăng?

Bạn tôi vừa dứt lời thì chúng tôi lại nghe thấy tiếng chuông ấy. Những âm thanh nghèn nghẹn,  tựa một người hấp hối đang gắng thở những hơi cuối cùng.

Sáng hôm sau tôi có việc phải vào Sài Gòn ngay, không thể ở lại xem cái chuông kỳ lạ. Mấy ngày sau tôi nhận được cuộc gọi của người bạn hướng dẫn viên. Giọng xúc động, anh cho biết buổi chiều hôm tôi rời Quảng Trị, trời bỗng nổi mưa to. Trong cơn mưa tầm tã, chiếc chuông Thành Cổ bị sét đánh trúng. Người trong vùng quả quyết rằng ngay sau đó chiếc chuông bỗng vang dậy một âm thanh kinh dị tựa như tiếng khóc than của hàng ngàn con người cùng với tiếng ì ầm của đạn bom.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: