7 tháng 4 đời chủ tịch nước: Quan đấu, dân khổ

Thời hoàng kim, bốn ông chủ tịch nước có dịp ngồi cùng với nhau trong phiên họp Bộ Chính Trị Khoá 13, Tháng Hai, 2021. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Chỉ trong vòng bảy tháng, tính từ 21 Tháng Ba tới 21 Tháng Mười, Việt Nam có bốn đời chủ tịch nước.

Đầu tiên là ông Võ Văn Thưởng, giữ chức chủ tịch được 1 năm 19 ngày thì bị Quốc Hội phế truất vào ngày 21 Tháng Ba để “chịu trách nhiệm người đứng đầu.” Sau đó bà Phó Chủ Tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân được “trám” vào ghế “quyền chủ tịch nước” 62 ngày để các phe phái chọn ra chủ tịch nước mới.

Tới ngày 22 Tháng Năm, Trung Ương Đảng chỉ định cho quốc hội bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước. Sau 150 ngày, ông Lâm nhường ghế lại cho Lương Cường vào ngày 21 Tháng Mười.

Nhìn rộng ra, từ năm 2018 tới nay, chỉ trong 6 năm, ghế chủ tịch nước Việt Nam đã có 9 lần đổi ngôi với 8 người thay nhau ngồi vào vị trí đứng đầu nhà nước CSVN. Trong đó bà Võ Thị Ánh Xuân có 2 lần nắm quyền chủ tịch nước.

Khai màu cho cuộc chín cuộc đổi ngôi này là vào Tháng Chín năm 2018, ông Trần Đại Quang qua đời sau 2 năm 172 ngày tại vị. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được cho tạm đảm nhiệm quyền chủ tịch nước trong 32 ngày. Tiếp đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giành ngồi vào cái ghế chủ tịch nước được 2 năm 164 ngày.

Tới ngày 5 Tháng Tư 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc được cho thay ông Trọng, ngồi vô ghế này được 1 năm 288 ngày thì ông này bị Quốc Hội phế bỏ. Bà Võ Thị Ánh Xuân tạm nắm “quyền chủ tịch nước” được 43 ngày trước khi giao lại cho ông Võ Văn Thưởng. Và tiếp theo thì như câu chuyện năm 2024 như ở trên đã phân tích.

Cùng với sự thay đổi ở vị trí đứng đầu nhà nước, các vị trí khác cũng bị xáo trộn theo hiệu ứng domino. Như ghế chủ tịch Quốc Hội, thường vụ Ban Bí Thư, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương, trưởng Ban Nội Chính, trưởng Ban Kinh Tế, các bộ trưởng, chánh án, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành… Chưa bao giờ hệ thống chính trị CSVN trải qua thời kỳ tranh chấp khốc liệt như những năm nay.

Trong lịch sử, vào những giai đoạn vua chúa bị phế truất, lật đổ liên tục; thì cũng chính là lúc triều đình rối ren, xã hội u tối, người dân khổ sở, đất nước đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm thôn tính. Như thời nhà Nguyễn, sau khi hoàng đế Tự Đức băng hà, thì từ ngày 19 Tháng Bảy tới 29 Tháng Mười Một 1883, Việt Nam có tới 3 lần đổi vua: Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc. Sử gọi là “tứ nguyệt tam vương,” tức bốn tháng có ba vua.

Nếu thời Nguyễn, vương triều bị thao túng bởi các quyền thần và thực dân Pháp, thì hoàn cảnh Việt Nam hiện tại cũng tương tự, bên trong thì các phe công an, quân đội, và sĩ phu Bắc Hà tranh đoạt quyền lợi lẫn nhau, bên ngoài họ đua nhau cầu viện vào những tác động từ phía Trung cộng.

Nếu vấn đề chỉ dừng lại ở sự chia rẽ trong nội bộ đảng cộng sản thì đó cũng là một tín hiệu tốt cho nền dân chủ Việt Nam. Vì ít nhất là khi họ yếu, người dân mới có cơ hội vùng lên. Thế nhưng CSVN càng suy yếu, càng tìm cách dựa dẫm vào “người bạn vàng cùng chung vận mệnh.” Như năm 1990, khi cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CSVN phải gấp rút sang Trung Quốc ký “mật ước Thành Đô” nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn cho chế độ; với  tư tưởng thà mất nước còn hơn mất đảng.

Giờ đây, lịch sử lập lại. Khi các thế lực trong đảng CSVN đấu nhau thì cũng thường cậy nhờ Trung Quốc. Ví dụ trường hợp Vương Đình Huệ nửa năm trước. Ông Huệ được ông Trọng sắp xếp để chuẩn bị kế thừa ghế tổng bí thư đảng cộng sản. Đứng trước nguy cơ bị ông Lâm phế truất, thì ngày 8 Tháng Tư, ông Huệ mau chóng sang Trung Quốc cầu viện Tập Cận Bình để xin được chống lưng.

Lúc đó ông Huệ đại diện Quốc Hội Việt Nam ký kết hàng loạt thoả thuận bất lợi, nhượng bộ cho Trung cộng. Cuối cùng ông Huệ vẫn thua ông Lâm và người Việt vẫn phải chấp nhận các điều khoản mà chủ tịch Quốc Hội cam kết với Tập Cận Bình.

Quay lại 9 lần đổi ngôi chủ tịch nước trong 6 năm qua. Không một ông chủ tịch nào ngồi quá nửa nhiệm kỳ. Và nay ông Lương Cường cũng sẽ như vậy. Vì đầu năm 2026 CSVN sẽ tiến hành bầu bán xếp ghế cho nhiệm kỳ mới. Tức là Lương Cường sẽ làm chủ tịch nước Việt Nam trong khoảng một năm rưỡi rồi lại nhường ghế cho người khác.

Bây giờ nhận chức chủ tịch nước, chắc chắn ông Lương Cường sẽ sang Trung Quốc “yết kiến thiên triều” như các đời chủ tịch trước đây. Người dân cũng sẽ chẳng biết ông Cường ký cái gì với Trung cộng, nhưng bảo đảm rằng sẽ là những bất lợi cho phía Việt Nam.

Thậm chí, câu hỏi đặt ra là nếu tới khi hết nhiệm kỳ, muốn ngồi lại ghế này, ông Cường có sang Trung Quốc cầu viện theo cái cách của ông Huệ hay không? Hoặc các thế lực sau này muốn lên thay thế lực hiện tại thì sẽ phải sang Trung Quốc thoả hiệp những gì? Dân không biết những thông tin đó, nhưng chắc chắn dân chịu hậu quả; còn các quan cứ hết nhiệm kỳ là lại hạ cánh an toàn, cao lắm xin lỗi rồi từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, rồi thôi…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: