Một hôm, khoảng chín giờ sáng Tuấn ra khỏi nhà vẫn với cái áo thun hai màu và cái quần tây cũ kỹ, hướng về Khu 8. Hôm nay chàng định lên Thư Viện Trung Tâm xem có báo bên hải ngoại gửi qua chưa để tìm đọc thì chợt thấy Loan; “sư cô” của ghe chàng trong bộ áo nâu sòng sủng nước, đang từ ngoài biển đi chậm rãi về trại, trên con đường lớn ở cạnh Ban Lương Thực!
Tuấn nhớ, lúc ghe chàng được đưa về trại, vô “barrack” thì cả trại xôn xao khi nghe tin trại lại có thêm một “sư cô” tị nạn! Không lâu sau đó, Ban Đại Diện của Chùa Vạn Đức có cử người tới thăm Loan và tìm hiểu lúc hay tin “sư cô tắp đảo” nhằm mục đích lo phần ăn uống chay tịnh cho “sư cô” cũng như xúc tiến bảo lãnh cho cô về chùa. Tuy nhiên Loan đã thành thật nói rằng nàng vì sợ nên chỉ “giả tu” nhằm tránh hải tặc trên đường vượt biển mà thôi.
Về sau được biết thêm rằng, ngày ấy Ban Đại Diện của chùa cũng có khuyên Loan nếu không thật sự là người tu hành thì bây giờ đã an toàn rồi cô không nên tiếp tục mặc áo nhà tu nữa để tránh điều tiếng không tốt cho Phật Giáo, nhưng không hiểu cô ấy nghĩ sao mà vẫn không bỏ bộ đồ nâu sòng và chiếc khăn trên đầu?
Có thể vì lý do đó mà tháng ngày ở đây, Loan không có giao tiếp với ai và cũng chẳng gia nhập đoàn thể nào để sinh hoạt. Nàng sống tách biệt, lặng lẽ và cô độc. Loan thường âm thầm đi tắm biển một mình vào mỗi buổi sớm mai khi bình minh thức giấc trên biển nên cũng chẳng ai biết gì về nàng nhiều. Duy có điều đôi khi vô Thư Viện CADP, nhiều lần Tuấn bắt gặp nàng ngồi thu mình trong góc kẹt với cuốn English 900 số 6 trên tay thì chàng đoán có lẽ Loan khá Anh Văn lắm nên mới học tới cuốn này. Quả nhiên mấy năm sau khi có kết quả “Thanh Lọc” thì người ta mới biết Loan được công nhận tị nạn chính trị vì ba cô từng là thiếu tá của quân đội VNCH. Rồi một ngày cô lên đường đi Bataan một cách im lìm như lá thu rơi chớ chẳng ồn ào như khi tới.
Hình ảnh bất chợt của Loan lúc đó bỗng nhiên làm Tuấn sực nhớ là đã lâu lắm chàng chưa có đi chùa khiến chàng đổi ý ghé lại Chùa Vạn Đức cách cổng chính của trại không xa, bỏ ý định lên thư viện.
Qua cổng Thiện Nam, Tuấn bước lần trên những viên đá xanh của cái sân rộng tạo nên tiếng kêu xào xạc,và đến trước Tượng Phật Bà Quan Âm chắp tay cầu nguyện, lòng không khỏi cảm thấy xấu hổ. Bởi con người ta thường chỉ nhớ đến Trời Phật, đến Đấng Tối Cao lúc lâm nạn hơn là khi an lành. Điều mà Tuấn còn nhớ rõ trong lần vượt biên hụt thứ 19 vừa qua, khi ghe chàng đụng phải cơn bão mà sau này chàng biết là Bão Số 12 thì chàng nghe vô số tiếng niệm Phật, tiếng đọc kinh lạy Mẹ Maria vang ra khắp ghe.
Khấn vái xong, chàng vô Chánh Điện lạy Phật rồi bước ra, đến chiếc ghế cây gần ở hồ cá, ngồi nghỉ chân. Giờ này gần trưa nên Chùa khá vắng vẻ, im ắng. Lâu lâu chàng thấy có bóng dáng những đồng bào sống và làm việc Phật sự trong chùa qua lại. Tuấn biết chùa có vài sư cô và đại đức, thượng tọa ở riêng biệt phía sau nhưng vì không thường xuyên đến đây nhiều nên chẳng quen ai.
Thỉnh thoảng một vài Phật Tử cũng đến lạy Phật như chàng rồi rời đi với nét trầm tư trên vầng trán hằn lên những nếp nhăn âu lo cho tương lai bất định sắp tới. Chàng đưa mắt nhìn ra con đường đất đỏ rộng lớn, lối vào chính của trại qua hàng rào cây bao quanh sân chùa thấy thiên hạ tấp nập lên xuống. Ngồi yên khá lâu nơi đây Tuấn lắng lòng, cảm thấy bình an hơn bên ngoài. Điều mà Tuấn ít để ý từ lúc đến trại cho tới bây giờ.
Tuấn thò tay vào túi quần, móc bao Winston rút một điếu thuốc gắn lên môi rồi chấm rải lấy cái quẹt gas bật lửa. Sau khi hít một vài hơi chàng ngồi xuống bên cạnh hồ, nhìn các con cá Tàu bơi nhởn nhơ, đuôi quẩy nhẹ nhàng trong làn nước trong xanh, chàng thấy tâm hồn lắng đọng, bớt sầu não phiền muộn nhiều.
Bất chợt sau lưng chàng một giọng nói vang lên làm chàng giật mình:
-Ba, ba. Ba… có thuốc cho con xin điếu ba!
Quay lại, chàng thấy anh Phong “khùng” đang ở trần trùng trục, mặc độc nhất chiếc quần xà lỏn bẩn thỉu nhăm nhúm, người ghẻ chóc nhiều nơi, cao lêu nghêu như cây tre “miễu,” đứng sát sau lưng mình, mặt nhăn nhó, miệng nhóp nhép, các ngón tay ngọa ngoẹo, liên tục cử động trong vô thức, mắt nhìn chằm chặp vào điếu thuốc trên tay chàng.
Dù cũng đang nghèo đói, hôm qua phải đổi gạo mua thuốc nhưng giờ nhìn anh, Tuấn chẳng nỡ từ chối đành lấy một điếu cho anh. Anh mừng quýnh chụp điếu thuốc, miệng lắp bắp trước khi đưa nó lên môi:
-Ba, ba… lửa.
Đốt thuốc xong, rít liền hai ba hơi, cơn ghiền của anh có vẻ dịu xuống. Anh lấy tay kia vò cái đầu tóc ngắn cũn cỡn của mình, nhìn vào khoảng không trước mặt cười to “hước hước,” và bất chợt quay lại nhìn Tuấn hỏi:
-Ba biết Trần Quang Thái * không ba?
-Trần Quang Thái nào?
-Trần Quang Thái, Mã Vĩnh Trinh đó, ba. Nãy con mới thấy Trần Quang Thái đi dưới kia kìa ba! Ba, ba có coi phim Mã Vĩnh Trinh** không ba?
Nghe anh nói, Tuấn quan sát anh thật lâu. Đúng như người ta nói về anh mà chàng được nghe khi tới nơi này. Thật tội quá! Chẳng ai biết chuyến vượt biên của anh ra sao? Người ta chỉ đoán anh là người Hoa ở Chợ Lớn vì đôi lúc nghe anh nói tiếng Hoa và nhắc tới Chợ Lớn nhưng không ai rõ ghe anh tắp vào đảo hoang từ lúc nào, nhưng chết cả, chỉ còn mỗi mình anh sống sót được máy bay phát hiện và báo Cao Ủy mang anh về đây. Chẳng ai biết ghe anh xuất phát từ đâu, đi bao nhiêu ngày, trên ghe có bao nhiêu người?
Trong mớ hồi ức lộn xộn luôn nhắc về dĩ vãng ấy của anh khi anh lảm nhảm, người ta đoán anh đã chứng kiến những người trên ghe ăn thịt lẫn nhau, kẻ khác thì bảo anh nhìn thấy em trai anh chết thê thảm vào phút chót…làm anh phát khùng! Tuy nhiên sự điên loạn của anh chứng tỏ anh đã trải qua một chuyến hải hành ắt hẳn là ghê gớm lắm mới khiến anh ra nông nổi này. Số PA của anh rất nhỏ, nhưng vì bịnh mất trí của anh nên không nước nào nhận anh thành ra anh đã ở đây lâu lắm rồi!
Chợt ngay lúc đó có một anh thanh niên từ hành lang bên ngoài hậu điện bước lên chỉ mặt anh la lớn:
-Phong hả? Sao tối hôm qua nhảy vô hồ chứa nước của chùa tắm vậy hả?
Nghe gọi tên mình, anh Phong quày quả bỏ đi không quên phân bua:
-Nóng quá đi kiếm nước tắm ba. Thôi con đi, Khương Đại Vệ*** nó kêu kìa!
Nhìn anh Phong “khùng” sải bước, thoáng cái đã mất dạng, Tuấn lắc đầu rồi cũng ra về. Trên đường đi chàng nghĩ ngợi miên man về anh. Trại PFAC này là nhà anh! Vì anh bịnh, anh đi lung tung, đâu có chịu ở yên chốn nào? Anh xuất hiện khắp nơi, lang thang khắp chỗ, nhất là ban đêm. Anh thường mò tới các nơi nào còn ánh đèn để tìm người, xin thuốc lá hút!
Số phận của anh Phong, hình hài tiều tụy của anh là một bằng chứng rõ ràng nhất về sự vô nhân của chủ nghĩa cộng sản đối với dân chúng Việt Nam sau 1975. Thảm cảnh đời anh kéo dài tới tận khi trại không còn làm bao nhiêu người ngày sau rơi lệ lúc nghe về anh đến độ có một vị mạnh thường quân sau đó đã bỏ tiền ra lo mọi chi phí khi Luật Sư Trịnh Hội đưa anh lên gửi trong một cơ sở chăm sóc những người bịnh tật ở thành phố Quezon, Manila.
Ngày nay, mỗi khi ai có dịp trở lại Phi cũng thường ghé đến đây thăm anh với một ít quà cáp và nghe nói dù không nhớ ai nhưng trong tiềm thức của mình anh cũng biết mang máng đó là các đồng bào ở cùng trai với anh khi xưa nên anh hay cười sung sướng vô lối, lúc gặp mặt. Ôi anh Phong ơi, người thuyền nhân xấu số, đáng thương nhất của thời vượt biên trốn cộng sản còn sống sót trong kiếp người bất hạnh!
Đang đi, suy nghĩ vẩn vơ bỗng chàng nghe Ban Điều Hành Trại thông báo trên loa là chiều nay Sister L.T.T sẽ về từ Manila và có cuộc gặp gỡ với đồng bào ngoài Sân Cao Ủy sau đó làm Tuấn “khao khát” vô cùng. Vì từ ngày chàng đến trại tới bây giờ, Tuấn đã nghe nói nhiều về Sơ nhưng chưa thấy Sơ bao giờ! Rồi khoảng hai giờ chiều, trong lúc Tuấn ngồi học bài trên gác và qua vuông cửa sổ chàng nhìn xuống thì đã thấy một phái đoàn trong Hội Đồng Điều Hành lủ khủ dắt nhau đi xuống dưới văn phòng CADP, dẫn đầu là ông Chủ Tịch Nguyễn Đức Bạn của Nhiệm Kỳ 28 cùng các trưởng hội đoàn, đoàn thể trong trại. Tổng cộng cũng phải cỡ mười mấy người, nam có, nữ có, đầy đủ!
Họ được cơ quan CADP lấy xe đưa ra Phi Trường Puerto Princesa gần phố “đón” Sơ, và chừng độ một tiếng đồng hồ sau thì cả đoàn về lại trại. Tuấn thoáng thấy bóng dáng một bà Sơ ngồi trên xe lúc nó chạy ngang qua nhưng không trông rõ được mặt.
Lúc nắng chiều rọi tới chân tường nhà “minor nữ” là vào khoảng bốn giờ rưỡi chiều thì chàng với thằng Quang, thằng Vỹ, thằng Tiến, má con chị Năm trong nhà đã tà tà tới Sân Cao Ủy. Nơi đây thiên hạ đã tụ tập đông đảo, gần kín cả sân rồi. Chị Năm chỉ lớn hơn tuấn chừng năm tuổi nhưng có tới ba đứa con. Thành là thằng con lớn của chị, năm nay được khoảng mười tuổi, kế tới là con Thảo, tám tuổi, và sau cùng là con Út mới ba tuổi. Chị là người ở Tu Bông, Vạn Giã, có đôi má lúm đồng tiền thật sâu và làn nước da nâu của phụ nữ miền biển làm chị thêm mặn mòi duyên dáng!
Tất cả hòa vào đám đông, ngồi xếp theo hàng dọc trên nền xi măng chờ đợi. Không lâu sau, khoảng năm giờ nhiều tiếng ồn bỗng nổi lên ở bên góc sân Nhà Thờ Nữ Vương Hòa Bình khi Sơ từ dưới Văn Phòng CADP đi lên. Sơ xuất hiện trong chiếc váy (serrée,) eo thon, dài, màu trắng, đầu đội một cái khăn cũng màu trắng. Còn hai bà Sơ Phi mặc váy và đội khăn màu xanh dương đậm. Tháp tùng với mấy sơ là Frère Tánh; một sư huynh của dòng Lasan ở Úc, Thầy Vân; quản thủ Thư Viện CADP, cô Thanh Hoa; phụ trách “minor nữ,” trong cái áo kiểu ngắn tay xanh dương có điểm những bông trắng nhỏ li ti với chiếc váy (jupe,) hồng, một cái băng cài tóc (bandeau) màu trắng trên mái tóc xõa ngang vai rất dễ thương từ Colorado, Mỹ, sang làm thiện nguyện cho văn phòng với những thầy cô dạy Anh Văn đi theo sau như Thu Thảo, Vinh nhỏ, Vinh lớn…Vừa đi tới, Sơ vừa vỗ tay vừa hát:
-“Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời, Việt Nam hai câu nói trên vành môi, Việt Nam nước tôi. Việt nam, Việt Nam, tên gọi là người Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời. Việt Nam đây miền xanh tươi… Việt Nam trên đường tương lai… tình yêu đây là khí giới….Việt Nam, Việt Nam, quê hương đất nước sáng ngời… Việt Nam!… Việt Nam!… Việt Nam!… muôn đời.”
Nhiều tiếng reo hò phấn khích nổi lên, người Tuấn như nổi da gà và chàng đã hát theo thật to trong niềm say mê, sung sướng tự hào với bài hát thương yêu một thời của Nhạc Sĩ Phạm Duy mà đã từ lâu lắm Tuấn không còn được ca. Không khí lúc ấy như vỡ òa và mọi người cảm thấy hạnh phúc khi gặp lại Sơ như con mừng rỡ lúc mẹ đi chợ về!
Khi Sơ đến trước đám đông thì nhân viên Ban Truyền Thông đã kéo ra cái máy Sing-A-Long mà họ đã chuẩn bị sẵn và đưa “microphone” cho Sơ. Đoạn các thành phần chức sắc trong Hội Đồng cũng lục tục tới đứng phía sau. Trong số đó Tuấn thấy có cả các vị đại diện của Phật Giáo, Tin Lành và Cao Đài…là những người cùng với Sơ nằm trong Ban Cố Vấn Tinh Thần của Liên Hội Đoàn.
Sơ T. có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ mến, giọng nói của Sơ nhẹ nhưng sắc, đầy uy lực và Sơ hay cười; một nụ cười thoạt trông vô cùng hiền hòa nhưng ngay sau nụ cười vừa dứt sắc mặt Sơ cứng lại và chuyển sang một trạng thái lạnh lùng khó tả! Đó là một điều chàng luôn ái ngại sau này khi tiếp xúc với Sơ. Như Sơ tự giới thiệu Sơ là vị nữ tu của Dòng Bác Ái (Daughter of Charity,) du học Phi Luật Tân năm 1972, và là bạn học của bà Tổng Thống Corazon Aquino sau đó.
Năm 1975, khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, Sơ đã xin tị nạn tại chỗ (Sur Place,) ở lại Phi cho đến bây giờ, và lúc làn sóng thuyền nhân Việt Nam đầu tiên đổ tới Phi vào cuối thập niên 1970, Sơ là người đã vận động mạnh mẽ với Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân để xin cựu Tổng Thống Ferdinand Marcos cho phép người Việt được tá túc trên lãnh thổ Phi và thành lập trại tị nạn ở Palawan. Bên cạnh đó, dưới sự giúp đỡ của Giáo Hội Công Giáo Phi Luật Tân, ngày 01 tháng 09 cùng năm Sơ lập ra cơ quan CADP và là giám đốc của cơ quan này để giúp các người mới tới. Trải qua bao năm tháng với những đóng góp to lớn ấy Sơ đã trở thành vị lãnh đạo tinh thần của trại. Sơ cất tiếng:
-Chào quý vị. Quý vị khỏe không?
-Dạ, khỏe. Nhiều người đồng thanh đáp.
-Ở đây chắc người “PS” không phải hông? Vì bà con PA thì họ đã ở đây lâu và ai cũng biết Sơ rồi nên “không thèm” tới đây nữa đâu, phải không nà? Mà quý vị có biết PS là gì chưa?
-Dạ, mới biết! Mọi người lại đồng thanh trả lời.
Lời châm biếm của Sơ tưởng như đùa nhưng nếu nghĩ kỹ cũng thấy thấm lắm, Tuấn bèn nghĩ bụng “Sơ này cũng sâu sắc và tâm lý ghê” bởi vì lúc ấy chàng đâu biết Sơ có bằng cấp cao về môn tâm lý xã hội học đâu!
-À, tốt quá. Ông Cao Ủy đã nói rồi hả? Vậy Sơ khỏi phải giải thích lại. Đấy như quý vị cũng biết bây giờ quý vị là “những người khách không mời mà tới” vì tình thương của thế giới đã “mệt mỏi” rồi! Quý vị nghe vậy quý vị có buồn không?
Hỏi xong Sơ ngừng lại. Vài tiếng vang lên trong đám đông:
-Dạ, buồn!
-Nói thật với quý vị người ta gọi quý vị như vậy đối với Sơ thì chẳng những Sơ buồn không thôi mà Sơ còn cảm thấy đau nữa. Vì sao? Vì quý vị đây là đồng bào của Sơ, người Việt của Sơ. Vậy thì bây giờ chúng ta phải làm sao? Người ta lúc này đã có ý nghĩ không hay với chúng ta nên để cho người ta có thay đổi suy nghĩ, có thiện cảm với chúng ta thì chúng ta phải thể hiện bằng hành động tốt, bằng lối sống văn minh như phải siêng năng học hành vì ở đây chúng ta có dịp đi học tiếng Anh hay học nghề không tốn tiền mà còn được phát tập viết miễn phí nữa. Vì thế chúng ta phải lợi dụng cơ hội này mà ráng cố gắng học cho thật giỏi, nếu rủi chẳng may không đi được và phải trở về thì chúng ta cũng có một ít vốn liếng để dễ hội nhập phải không nà? Sắp tới đây Sơ sẽ xây thêm trường Việt Ngữ 2 để có đủ lớp cho con em chúng ta có trường học vì “Tiếng Việt còn, Nước Việt còn!”
Lời Sơ vừa dứt, tiếng vỗ tay tán thưởng rần rần vang lên khắp mọi nơi. Sơ tiếp tục:
-Thứ hai, hiện nay dân số trong trại rất đông nhà cửa không đủ nên trong các ngày tới đây Cao Ủy sẽ phải phá rừng bên phía đường qua Wescom để xây thêm hai khu nữa là Khu 9 và Khu 10 do đó cần rất nhiều người nhất là mấy anh em trẻ nên Sơ yêu cầu những anh em này hăng hái tham gia công tác cộng đồng để cho người ta thấy chúng ta cũng có tinh thần trách nhiệm nhất là nhà đó xây cho chính chúng ta chứ chẳng cho ai khác cả.
Thứ ba, siêng năng đi lễ ở nhà thờ hay chùa, vì chúng ta hay nói chúng ta bị đàn áp, ngược đãi về tôn giáo như bị chính quyền Việt Nam phá chùa chiền, nhà thờ, cấm hành lễ…mà ở đây có sẵn các nơi cầu nguyện ngay trong trại mà chúng ta không đến thì lời khai xin tị nạn của chúng ta có đáng tin không? Người ta gọi chúng ta là “di dân kinh tế” có oan không? Quý vị hãy suy nghĩ kỹ nhé! Thứ tư, mỗi sáng khi nghe loa phát thanh chào cờ, nếu quý vị ở ngoài thì dù đang làm việc gì cũng phải dừng lại, đi thì đứng lại, đang ngồi thì đứng lên, ai đội nón thì giở ra, và nghiêm trang làm lễ chào cờ cho tới khi dứt để thể hiện lòng yêu nước và kính trọng tổ quốc. Ngoài ra, bớt nhậu nhẹt, uống rượu bia, đâm chém, đánh lộn, gây mất trật tự trại, làm đàn anh, làm cớm vòi nước…
Nhưng vì mọi người cười ầm lên khiến lời nói sau cùng của Sơ, Tuấn nghe không rõ vội quay sang hỏi chị Năm ngồi bên trái chàng:
-Sơ vừa nói cái gì, chị Năm?
-Sơ bảo đừng làm “cứm dòi nước!”
-Cứm dòi nước là gì?
Bên kia thẳng Tiến cười nắc nẻ, rú lên từng chập:
-“Cớm vòi nước” anh!
-À.
Tuấn la lớn lên và hiểu ra mọi chuyện. Ý của Sơ là đừng nên làm đàn anh, làm đại ca, hà hiếp người ngoài vòi nước ấy mà!
Buổi gặp gỡ kéo dài khá lâu. Có lẽ sau khi cảm thấy mình đã nói nhiều, Sơ ngừng và hỏi ngược lại:
-Bây giờ có ai muốn nói gì với Sơ không nà?
Im lặng một lúc, chợt có một chị tuổi cỡ hơn ba mươi, đen đúa ẵm một bé gái trên tay rụt rè:
-Dạ thưa Sơ, con mới tới và hôm con vô nhà mà con được phân vào nhưng con bị chủ nhà và mấy người ở đó đuổi ra không cho vô. Con xin Sơ nói giúp người ta cho con ở bởi vì con có hai ba đứa con nhỏ…con…
Nói tới đó chị nghẹn lời vì uất ức, không nói được nữa và bật khóc làm mọi người áy náy. Sơ nghiêm giọng:
-À, chuyện này Sơ vừa nghe Sister Carinat báo lại. Sơ nói với quý vị thế này, nếu ai đã hành xử như thế thì nên bỏ đi vì nếu chúng ta làm thế thì người ngoại quốc nghĩ sao về người Việt Nam chúng ta? Chúng ta đang lên án người ngoại quốc bây giờ tàn nhẫn, đóng cửa đảo, không nhận chúng ta nữa trong khi đó chính chúng ta lại không cho đồng bào mình vào ở chung thì họ sẽ nghĩ sao về mình? Chính mình còn không thương người mình thì sao lại kêu gọi người khác thương mình?
Nói đến đây Sơ ngừng lại, đảo mắt nhìn khắp sân một vòng rồi đột nhiên Sơ gằn giọng, lớn tiếng:
-Do đó Sơ cấm chuyện này tái diễn nữa. Quý vị nên nhớ nhà này không phải là nhà của quý vị mà Sơ cũng biết chắc là quý vị cũng muốn đi định cư chứ đâu muốn ở đây luôn đâu phải không? Vì thế đừng làm vậy, nếu ai bị như thế nữa thì cho Sơ hay Sơ sẽ nhờ Ban An Ninh làm việc với chủ nhà đó. Quý vị nhớ cho rằng người phụ nữ Việt Nam chúng tôi đã từng khổ đau lắm rồi, hãy thương lấy họ. Chớ nên xua đuổi hất hủi, để họ thêm đau khổ nữa nhé!
Không khí như chùng xuống, nhận thấy buổi gặp gỡ trở nên khá nặng nề. Sơ chỉ tay lên trời nói đùa:
-Thôi hôm nay Sơ có bấy nhiêu chuyện đó muốn tâm tình với quý vị bây giờ trời sắp tối rồi, Sơ trả lại thời gian cho quý vị xem phim được không?
-Dạ, được.
-Nghe coi phim là thích rồi phải không? Hôm nay “Trung Tâm” chiếu phim gì vậy?
-Dạ “Thần Điêu Đại Hiệp ạ!”
-Chà, hả́p dẫn lắm à nha. Tới lúc Dương Quá bị Quách Phù chặt đứt cánh tay chưa?
Mọi người ngồi dưới cười khúc khích. Rồi như sực nhớ ra điều còn quên, Sơ quay ra sau hỏi:
-À, ai là Trưởng Ban Kỹ Thuật bên Truyền Thông đâu cho Sơ gặp chút xíu?
-Dạ con, thưa Sơ.
Một người đàn ông lên tiếng và bước tới. Tuấn nhận ra ngay đó là thầy Thanh dạy điện tử vì thầy có một bàn tay bị tật không sử dụng như người lành lặn được.
-Mình chiếu phim mấy ngày một tuần vậy anh?
-Dạ, thưa Sơ, đêm nào cũng chiếu!
Sơ trợn mắt:
-Gì mà dữ vậy?
Đoạn Sơ nói ngay:
-Lâu nay Sơ bận nhiều chuyện quá nên không để ý tới vấn đề này. Thôi từ nay trở đi chỉ chiếu vào hai ngày thứ sáu và thứ bảy cuối tuần thôi nghe. Chủ Nhật không chiếu để đồng bào nghỉ ngơi, thứ hai đi học!
-Dạ.
-Thường là chiếu tới mấy giờ thì ngưng?
Thầy Thanh gải gải đầu:
-Dạ, hai giờ.
-Hai giờ sáng hả?
-Dạ! Thầy Thanh ấp úng.
Câu Sơ hỏi làm Tuấn nhớ có những đêm bọn chàng ở ngoài Sân Khấu Trung Tâm xem phim say mê. Có người ngồi trên ghế tự đóng thật cao của mình coi mà vì gió biển ban đêm thổi vào lạnh quá nên họ mang theo cả mền vừa trùm vừa xem chứ nhất quyết không bỏ buổi chiếu nào. Sơ giờ hai tay lên trời:
-Ông Chủ Tịch đâu rồi? Từ hôm nay trở đi chỉ cho chiếu tới mười hai giờ thôi nhe. Mười hai giờ khuya chớ không phải tới mười hai giờ trưa hôm sau đâu nghe!
Mọi người cười ầm trước câu khôi hài của Sơ. Buổi gặp gỡ kết thúc trong vui vẻ, hả hê!
Không biết tự lúc nào nhưng đến đầu năm 1990, quán cà phê của Hân, đối diện với Chùa Vạn Đức gần cổng chính của trại tị nạn đã trở nên đông đúc và tấp nập vào mỗi buổi sáng đến độ lâu dần thì cô chủ đã được mang một cái biệt danh khá ngộ nghĩnh là “Hân chùa” cho đến bây giờ mỗi khi nhắc đến!
Cũng như mọi hôm, sáng nay Tuấn đã có mặt ở đây, ngồi nhâm nhi ly cà phê “tị nạn” cùng với chú Mạnh họa sĩ của Group 169 Mangsee trong lúc “bàn dân thiên hạ” chung quanh bàn tán sôi nổi về tiến trình CPA (The Comprehensive Plan of Action) để thanh lọc tư cách tị nạn của người lánh cư thì bất chợt chiếc Van trắng của cơ quan CADP bỗng xuất hiện và dừng lại bên ngoài cổng trại.
Người lính Phi gác cổng như đã quen thuộc từ lâu, rời khỏi chiếc bàn đang ngồi và bước xuống bậc thềm, mở cửa. Anh Phục tài xế, giơ tay chào rồi cho xe chạy chầm chậm vào trong đoạn quẹo phải xuống con đường đất đỏ rộng lớn dẫn về cơ quan CADP, nằm gần biển. Bên trong, người ta thấy có Sr. Carina và vài ba cô đang ngồi lố nhố phía sau.
Từ bàn cà phê kế bên, Hiếu; một thiện nguyện viên của CADP, cao giọng oang oang:
-Bữa nay cơ quan mình có thêm hai cô thiện nguyện viên mới từ Mỹ sang giúp nữa đó. Chắc là anh Phục ra phi trường đón họ về đây!
Hôm sau, trong lúc Tuấn đang học tiếng Anh trong lớp của trường CADP thì cô Ann; thư ký của trường dẫn theo một cô gái mặc áo đầm trắng, khá xinh, tóc dài xõa ngang vai, đeo kính cận trắng, gọng vàng, tuổi ngoài đôi mươi bước vào. Cô Anna giới thiệu cô gái trẻ ấy sẽ là cô giáo mới của lớp, thay thế thầy Thanh lên đường đi định vào cuối tháng này. Tên cô ta là Thùy Trâm, ở tiểu bang Utah, Mỹ, mới tới đây hôm qua.
Mọi người ồ lên một tiếng lớn vì bất ngờ. Riêng đám đàn ông con trai thì tỏ vẻ thích thú, mặt rạng rỡ, mắt sáng ngời hẳn lên!
Sau hôm đó, học sinh lớp cô Thùy Trâm đi học đầy đủ hơn, mọi người siêng năng, chăm chỉ hơn. Chẳng những vậy mà ở bên ngoài lớp, người ta đứng bu đầy ở song cửa bằng cây để dự thính. Không biết vì cô giáo dạy giỏi hay đẹp nhưng chắc chắn là dễ thương vì Thùy Trâm có một giọng nói nhỏ nhẹ như oanh vàng thỏ thẻ!
Một ngày nọ, cả lớp được dạy về thức ăn, về các món ăn, hoa quả trong những buổi ăn theo chương trình giảng dạy của lớp Ba. Khi Thùy Trâm hỏi Tuấn về bữa điểm tâm sáng của anh thì Tuấn đứng dậy:
-I don’t have any breakfast here.
-What?
Thùy Trâm hỏi lại theo bản năng, mắt trợn tròn ngạc nhiên trước câu trả lời lạnh lùng không kém phần cay đắng của Tuấn. Lúc nghe chàng giải thích mỗi ngày chàng chỉ lãnh được có một lon cá hộp nhỏ xíu với một miếng đu đủ sống hay vài cọng rau hoặc một cái cánh gà cỏn con không đủ cho hai bữa ăn thì lấy gì cho buổi điểm tâm khiến Thùy Trâm sững sờ.
Đến chừng ấy thì có lẽ cô giáo bé nhỏ kia mới phần nào hiểu được nỗi khổ của phận người lánh cư (asylum seeker) trong trại này. Cuối buổi học, khi mọi người ra về thì Thùy Trâm hấp tấp bước theo sau lưng Tuấn. Nàng lên tiếng:
-Anh ơi?
Nghe gọi, Tuấn quay lại. Dưới ánh nắng ban mai, tóc Thùy Trâm lòa xòa tung bay, đùa trên đôi gò má đỏ hồng căng mịn trong gió biển làm cô trông đẹp lạ lùng. Thùy Trâm bước đến gần chàng hơn nói nhỏ như gió thoảng:
-Trâm xin lỗi anh về câu hỏi ban nãy. Mong anh không giận Trâm!
Mùi thơm từ cửa miệng của người con gái đứng đối diện làm Tuấn ngây ngất, chàng vội vã xua tay:
-Ô, không có chi cô.
Vậy là hai người quen nhau và từ đó Thùy Trâm hiểu cũng như không còn lạ lúc nghe bà con ở đây hay nói đùa vui “ớn lờn như cá hộp” nữa!
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.