Nghị trình kinh tế ‘gây hại’ của ông Donald Trump

(Hình minh họa: Element5 Digital/Unsplash)

Chỉ một tuần nữa người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống và cảm nhận của cử tri về hiện tình kinh tế sẽ quyết định chuyện họ bỏ phiếu cho ai, cho bà Kamala Harris của đảng Dân Chủ hay ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa. Ông James Carville, cố vấn chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Bill Clinton năm 1992, từng có câu nói nổi tiếng: “It’s the economy, stupid” (Kinh tế mới là vấn đề).

Cuộc bầu cử năm nay có một hiện tượng khó giải thích: về kinh tế, cảm nhận của cử tri trái ngược hẳn với dữ kiện khách quan và nhận định của giới chuyên môn: trong lúc các kinh tế gia cho rằng nền kinh tế đang phát triển mạnh thì số đông cử tri lại thấy bi quan; họ đổ lỗi cho chính quyền Biden-Harris gây ra lạm phát và hy vọng nhiệm kỳ của ông Trump sẽ làm cho cuộc sống bớt khó khăn. Thật vậy không?

Cuộc khảo sát ý kiến cử tri mới nhất do báo Financial Times phối hợp với trường kinh doanh Ross School of Business của đại học University of Michigan thực hiện tuần trước ghi nhận 44% số cử tri đã ghi danh bầu cử nói rằng trong việc lèo lái nền kinh tế họ tin tưởng ở ông Trump; 43% tin tưởng ở bà Harris. Với câu hỏi về triển vọng tài chính cá nhân, có 45% tin tưởng ông Trump trong khi chỉ 37% tin vào bà Harris.

Như vậy, cho đến sát ngày bầu cử, cảm nhận của cử tri về nền kinh tế vẫn không tích cực hơn dù trong thời gian qua, đảng Dân Chủ đã nỗ lực thuyết phục người dân rằng cuộc sống bây giờ dễ thở hơn, tốt đẹp hơn bốn năm về trước. Xin nhắc lại, một cuộc khảo sát do Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Công Cộng (NORC) phối hợp với hãng tin AP thực hiện vào đầu Tháng Hai ghi nhận 35% số người Mỹ trưởng thành nói rằng nền kinh tế đang tốt, trong khi có tới có 65% cho rằng nền kinh tế đang tệ hơn.

Nhưng các chuyên gia đánh giá khác hẳn. Ông Jerome Powell, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương (Fed), đầu năm nay đã tuyên bố “Hãy thành thật, kinh tế hiện nay đang tốt” và đó là một trong các căn cứ chính để Fed quyết định giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm Tháng Tám vừa qua.

Còn mới tuần trước, tuần báo The Economist uy tín của Anh, trong số báo đặc biệt về kinh tế Mỹ, đã cho in bìa hình một cuộn tiền đô la Mỹ đang phóng lên trời như một hỏa tiễn SpaceX, với dòng chữ in đậm: “The Envy of The World” (Nỗi thèm muốn của thế giới). The Economist đánh giá Mỹ là nền kinh tế phục hồi nhanh nhất và mạnh nhất thế giới từ sau đại dịch COVID-19.

Cảm nhận của chuyên gia và của cử tri về hiện trạng của nền kinh tế Mỹ đang không ăn khớp với nhau, và do đó lựa chọn của họ một tổng thống tương lai cũng khác nhau.

***

Do thất vọng với hiện tại, cử tri – phần lớn là người Cộng Hòa – đặt hy vọng vào nghị trình kinh tế của ông Trump. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo điều ngược lại, rằng chính sách kinh tế của ông Trump sẽ gây nguy hiểm trầm trọng cho nước Mỹ.

Ông Trump không nói nhiều tới kinh tế nhưng qua chiến dịch tranh cử của ông có thể ghi nhận mấy chính sách mà ông sẽ thực hiện nếu tái đắc cử vào ngày 5 Tháng Mười Một tới: Một là, ông sẽ áp mức thuế trừng phạt (tariff) lên hàng hóa nhập cảng; hai là, ông sẽ giảm thuế lợi tức của doanh nghiệp, bãi bỏ việc đánh thuế vào tiền tip và tiền an sinh xã hội (SSA); ba là ông sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp đang cư trú và làm việc trên đất Mỹ.

Ông Trump khẳng định những chính sách như vậy không chỉ giúp phục hồi công ăn việc làm cho người dân Mỹ mà còn giảm thâm hụt thương mại, giảm lạm phát – điều giúp ông thu hút lá phiếu của các cử tri đang chật vật vì vật giá leo thang.

Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ áp thuế 10%, 20% lên tất cả hàng hóa nhập cảng, 60% lên hàng hóa Trung Quốc. Ông cho rằng mức thuế cao như vậy sẽ có tác dụng bảo hộ thị trường, bảo hộ công việc làm và sản xuất công nghiệp của Mỹ vì nó sẽ khuyến khích sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa nhập cảng và do vậy cũng sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong buôn bán với nước ngoài.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng áp thuế 10% lên mặt hàng nhôm, 25% lên mặt hàng thép nhập cảng, gây xung đột thương mại với Canada và Liên Âu – hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Ông cũng áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá $300 tỷ với niềm tin ngây thơ rằng nhà sản xuất nước ngoài phải chịu khoản thuế này.

Hậu quả là cả Trung Quốc, EU và Canada đều trả đũa, hạn chế nhập cảng nông sản của Mỹ, gây tổn hại cho nông dân Mỹ mà chính quyền liên bang phải bỏ tiền ra để hỗ trợ. Một ví dụ, thay vì mua đậu nành của Mỹ, Trung Quốc chuyển sang mua của Brazil, làm người trồng đậu nành Mỹ khốn đốn.

Biện pháp tăng thuế nhập cảng chẳng những vi phạm cam kết của Mỹ về tự do thương mại mà còn đẩy giá hàng hóa tại Mỹ lên cao vì xét cho cùng, tiền thuế luôn được tính vào giá bán sản phẩm mà người mua phải trả. Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute for International Economics tính ra, nếu duy trì biểu thuế nhập cảng hiện hành thì năm 2026, tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ là 1.9%, còn nếu áp dụng các biện pháp tăng thuế của ông Trump thì lạm phát sẽ lên khoảng 6% đến 9.3%. Mọi thứ hàng tiêu dùng, từ hàng điện tử đến thực phẩm, đều sẽ đắt hơn và trung bình mỗi gia đình Mỹ sẽ tốn thêm khoảng $2,600 đến $7,600 cho việc mua sắm mỗi năm.

Dấu ấn quan trọng nhất của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu là ban hành luật giảm thuế năm 2017 và luật này sẽ hết hiệu lực vào năm 2025. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ gia hạn đạo luật giảm thuế, đồng thời giảm thuế lợi tức doanh nghiệp (corporate tax) từ 21% xuống còn 15%. Ông cho rằng, giảm thuế sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm mới.

Việc giảm thuế rộng rãi như vậy sẽ có lợi cho mọi người song theo Tax Foundation, một tổ chức nghiên cứu về thuế phi đảng phái, phi lợi nhuận, người giàu, chủ công ty sẽ được hưởng lợi nhiều, còn người lao động làm công, người thu nhập trung bình và thấp chẳng được bao nhiêu. Thêm nữa, việc giảm thuế sẽ làm cho ngân sách quốc gia bị giảm thu khoảng $5,800 tỷ trong một thập niên, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần mà ông Trump chưa nói sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để bù lại.

Người nhập cư bất hợp pháp là “con bài tẩy” trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông và ứng cử viên phó của ông, Thượng Nghị Sĩ JD Vance (Cộng Hòa-Ohio), liên tục dùng ngôn từ kích động để chống người nhập cư, và hứa hẹn nếu đắc cử họ sẽ thực hiện một chương trình trục xuất di dân lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông Trump cho rằng, trục xuất người nhập cư sẽ giúp kéo giảm giá nhà cửa, tăng tiền lương cho người lao động, đồng thời làm giảm giá hàng hoá do nhu cầu tiêu thụ ít hơn.

Trong cuộc tranh luận với ông Tim Waltz, thống đốc Minnesota, ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân Chủ, hôm 1 Tháng Mười, ông JD Vance nói rằng, sở dĩ người Mỹ không mua nổi nhà là vì “chúng ta đã mang vào hàng triệu di dân bất hợp pháp, cạnh tranh với người Mỹ giành số lượng nhà ít ỏi.”

Giá nhà trung bình toàn quốc đã tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu nhưng nhiều kinh tế gia nói họ không thấy có quan hệ nhân-quả rõ ràng giữa người nhập cư bất hợp pháp và giá nhà. Thêm nữa, chương trình trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sẽ rất tốn kém, gần như bất khả thi và gây ra những hậu quả tai hại.

Theo Hội Đồng Di Dân Mỹ (American Immigration Council), để trục xuất 11 triệu người nhập cư, chính quyền liên bang phải chi ra ít nhất $315 tỷ. Một phân tích gần đây của Viện Peterson tính ra hoạt động của nhiều ngành kinh tế và các địa phương dựa vào lao động nhập cư sẽ bị đình trệ vì thiếu lao động; giá cả sẽ tăng thay vì giảm và tổng sản lượng GDP của Mỹ sẽ bị thu hẹp. Trong ba năm, lạm phát sẽ tăng thêm 1.5%, còn GDP sẽ giảm 3 điểm phần trăm – một triển vọng không mấy tích cực nếu chiến dịch trục xuất của ông Trump được thực thi.

***

Lo ngại trước tác hại mà chính sách kinh tế của ông Trump có thể gây ra cho nước Mỹ nếu ông tái đắc cử, nhiều chuyên gia kinh tế đã viết báo, lên truyền hình để cảnh báo cử tri. Mới đây nhất, hôm Thứ Tư, 23 Tháng Mười, 23 chuyên gia từng được giải Nobel Kinh tế học đã cùng ký một lá thư, nhận định chương trình kinh tế của bà Kamala Harris “siêu việt hơn nhiều” (vast superior) so với kế hoạch của ông Donald Trump.

Bức thư do Giáo Sư Joseph Stiglitz, đại học Columbia University, giải Nobel Kinh tế 2001, soạn thảo, chỉ 228 chữ, được hơn một nửa số người được giải Nobel Kinh tế đang còn sống ký tên ủng hộ; trong số này có ba giáo sư vừa được Giải Nobel Kinh tế học năm nay là Daron Acemoglu, Simon Johnson (đều ở viện công nghệ Massachusetts Institute of Technology) và James A. Robinson (đại học University of Chicago).

Các giáo sư cùng nhận định, chính sách kinh tế của ông Trump sẽ dẫn tới giá cả cao hơn, thâm hụt lớn hơn và bất bình đẳng trầm trọng hơn. “Trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công về kinh tế có pháp quyền, tính chắc chắn về kinh tế và chính trị và ông Trump đe dọa cả ba yếu tố đó,” bức thư viết.

Và bức thư kết luận: “Chúng tôi tin rằng, nhìn chung, nghị trình kinh tế của Kamala Harris sẽ cải thiện sức mạnh, đầu tư, tính bền vững, độ dẻo dai, cơ hội việc làm và sự công bằng của quốc gia, là siêu việt hơn nhiều so với nghị trình kinh tế chẳng những không có lợi mà còn có hại của Donald Trump.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: