Trong khi xung đột Nga-Ukraine sắp cán mốc 1,000 ngày, Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của EU là ông Josep Borrell nhấn mạnh sự ủng hộ không lay chuyển của EU đối với Ukraine và hối thúc việc chuyển giao nhanh và ít đặt ra giới hạn đỏ trong hỗ trợ vũ khí của Phương Tây cho Ukraine.
Có thể xem đây là sự trấn an Ukraine của EU sau khi chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump khơi nên sự bất định liên quan tới nỗ lực chiến đấu của nước này.
Nhiều người tin rằng trong cuộc gặp với ông Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 13 Tháng Mười Một, Tổng Thống Biden sẽ bàn với ông Trump về vấn đề tiếp tục tài trợ cho Ukraine với quan điểm rằng Mỹ không nên bỏ rơi Ukraine vì động thái đó có thể gây nhiều bất ổn ở Âu châu. Những người ủng hộ Ukraine mong đợi ông Trump sẽ đồng quan điểm với ông Biden, và việc ông Trump đến Tòa Bạch Ốc ngày 13 Tháng Mười Một theo lời mời của Tổng Thống Biden sẽ không chỉ để uống trà suông.
Trong cuộc gặp đó, ngoài vấn đề Ukraine, hai ông Biden và Trump hẳn cũng sẽ bàn về các ưu tiên trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Nghĩa là cuộc gặp hôm 13 Tháng Mười Một có thể có tác động đáng kể đến một số vấn đề, trong đó có sự can dự trong tương lai của Mỹ vào xung đột Nga-Ukraine.
Điện Kremlin từng nói ông Trump khó đoán hơn ông Biden. Có lẽ vì Điện Kremlin cho rằng ông Trump là người nói thế mà không phải thế. Vậy, với Moscow, chính sách của ông Trump sẽ khó đoán hơn chính sách của ông Biden. Giới quan sát đang chờ đợi ông Trump sẽ đưa ra giải pháp nào cho vấn đề Ukraine. Liệu giải pháp đó sẽ gây thiệt hại cho Ukraine hay không?
Một điều khá lạ lùng là mới đây, báo The Washington Post và hãng tin Reuters đồng loan tin rằng tổng thống tân cử Donald Trump hôm 7 Tháng Mười Một đã điện đàm với TT Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã kêu gọi Moscow không leo thang chiến sự tại Ukraine, đồng thời lưu ý ông Putin về sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ tại Âu châu. Cũng theo The Washington Post và Reuters, chính quyền Ukraine đã được thông báo về cuộc điện đàm này và không phản đối.
Thế nhưng ngay sau đó, Điện Kremlin lại cho biết ông Putin và ông Trump chưa hề có cuộc điện đàm nào như thế. “Không hề có cuộc điện đàm nào cả. Chuyện này hoàn toàn không đúng sự thật”, phát ngôn viên Điện Kremlin là Dmitry Peskov bình luận. Về phần mình, Kyiv nói họ không hề được thông báo về cuộc điện đàm nào như thế của ông Trump. Do đó, Kyiv không thể có sự ủng hộ hay phản đối nào.
Vậy lẽ nào một tờ báo lớn như The Washington Post hay một hãng tin lớn như Reuters lại hè nhau bịa đặt ra chuyện này?
Có thể tin rằng cuộc điện đàm này là có thật. The Washington Post và Reuters chẳng hơi đâu bịa cho mất uy tín. Có thể hiều là trong cuộc điện đàm đó, ông Trump đã nói những điều khiến ông Putin không hài lòng vì không như mong đợi của ông ta. Bởi Putin hẳn mong đợi ông Trump sẽ gây áp lực với Kyiv, buộc Kyiv phải có nhiều nhượng bộ cho Moscow. Nhưng hóa ra không phải thế. Vì vậy, Moscow muốn cuộc điện đàm này xem như chưa xảy ra. Còn việc Kyiv nói rằng không biết gì về một cuộc điện đàm như thế là do được ông Trump đề nghị chưa tiết lộ.
Nếu quả vậy thì Ukraine có quyền hy vọng chính quyền Trump sẽ không làm điều gì gây phương hại cho sự nghiệp chính nghĩa của Ukraine.
Mong lắm thay!