LTS: Sự kiện cựu công an Đoàn Văn Báu xung phong đi theo “hộ pháp” sự Minh Tuệ đang ngày càng lộ ra những điều bất thường. Mặc dù bằng lời lẽ của mình, ông Báu vẫn thuyết phục được nhiều người chuyện bảo bọc sư Minh Tuệ là cần thiết, nhưng với những người tỉnh táo hơn, thì nhìn thấy rõ là sự cô lập, cách ly sư Minh Tuệ hiện rõ từng ngày. Dưới đây là một ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh, với góc nhìn vạch trần sự kiện.
Bậc chân tu không cần hộ pháp. Nếu có nghiệp chướng, thì chính ân đức tu hành của người tu mới là thần hộ pháp cho chính họ. Nếu họ không thể vượt qua được nghiệp chướng là do ân đức tu hành còn mỏng manh, thiện duyên chưa đủ dày và như thế, thì người phàm nào mà hộ pháp “dùm” cho được?
Không vượt được nghiệp chướng kiếp này, người tu vẫn còn nhiều kiếp để tu hành nếu trì trí, chứ không phải quyết chí tu một đời đã là đủ, hoặc đã có thể đạt thành chánh quả.
Hãy cứ nhìn vào cuộc đời của người tu hành đắc đạo thành Phật Thích Ca Mâu Ni thì sẽ rõ.
Tiền thân của ngài, Thái tử Tất Đạt Đa, tương truyền ngay khi vừa ra đời, ngài đã có đến 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, như có chữ vạn ở ngực; Thân mình tỏa hào quang; Dáng diệu, dung mạo, cử chỉ như sư tử; Đi đứng đằm thắm, oai nghiêm như voi chúa; Dung mạo ngay chính… Lòng bàn chân bằng phẳng; Dưới bàn chân có hình bánh xe luân hồi; Âm thanh nói như tiếng chim Ca lăng tầng già, ở xa cũng có thể nghe…
Tất cả, được biết như là kết quả tu hành từ vô lượng kiếp.
Với dung mạo phi phàm như thế, khiến nhân gian chúng ta dễ nhầm tưởng rằng ngài sinh vào đời, mượn thân xác phàm trong hoàng tộc quyền quý là để chuyển thành Phật mà không cần phải vượt qua thử thách nào.
Thật ra, chưa kể đến vô lượng kiếp từ trước, mà chỉ với kiếp Tất Đạt Đa, thì con đường tu hành của ngài cũng đã phải ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh… có khổ hạnh, có sai lầm, có nghiệp chướng, có thiện duyên trước khi đặt chân vào đến bờ giác thành chánh quả.
Từng khổ hạnh trong 6 năm, ngài thất vọng không tìm ra đạo, con đường giải thoát khỏi “Sinh, lão, bệnh, tử”. Đổi lại là một thân thể ngày càng suy kiệt.
Nghiệp chướng giăng ngang dọc trên con đường tu hành của ngài, là sự quấy phá, can nhiễu từ tà ma trong khi ngài thiền định dưới gốc cây bồ đề. Chúng gồm Ái Dục, Bất Mãn, Tham Vọng, hóa thành ba cô gái xinh đẹp để quyến rũ. Sau đó, lại cử đội quân quỷ dữ tới tấn công ngài. Gây mưa giông, mưa đá, vũ khí, than hồng và cuối cùng là bóng tối…
Tất Đạt Đa đã vượt qua tất cả nghiệp chướng để đắc đạo bằng sự hộ pháp của chính mình.
Trở lại với ông sư người Việt cũng vậy. Nếu có nghiệp chướng thì nên xem đó là điều bình thường của người tu hành. Kể cả nghiệp chướng thuộc loại gì? Kể cả nghiệp chướng đến mức ngăn trở đường ông sư đến nước Phật hoặc gián đoạn tu hành… Chúng đều là thử thách như ngạ quỷ ngày xưa thử thách Tất Đạt Đa vậy.
Với mắt phàm, dường như chúng ta đang chứng kiến một cuộc đày ải tín ngưỡng, nhưng dưới mắt ông sư, đôi khi chúng chỉ là bụi gai bên đường thiên lý mà thôi.
Cho nên, ông sư rất khác chúng ta. Với tài sản gồm ba y với một bát, ông ấy không có mối lo lắng thường tình như chúng ta.
Do đó, chúng ta phải tự hỏi xem ông sư có cần hộ pháp hay không?
Hộ pháp để làm gì mà ngăn trở thiện duyên từ bá tánh muốn tìm đến cúng dường, đảnh lễ, chiêm bái?
Hộ pháp để làm gì mà ngăn trở thiện duyên tu hành của những người khác muốn theo để tầm sư, học đạo?
Hoặc giả, hộ pháp để làm gì khi phải tạo nghiệp vọng ngữ (nói dối) về điều này, điều khác khi tháp tùng ông sư đầy đạo hạnh?
Tôi thiển nghĩ, nếu có quý mến ông sư, thì nên tôn trọng việc tu hành của ông ấy, tôn trọng luôn cả nghiệp chướng mà ông sư phải đương đầu chứ không chỉ hoan hỉ với thiện duyên.
Vì vậy, việc gì phải lo lắng cho ông sư? Nỗi “lo bò trắng răng”. Người cần lo lắng là chính chúng ta khi trông tấm gương “buông xả” của ông sư mà không ngộ được điều gì cho chính cuộc đời mình? Mà vẫn còn “ôm rơm” nặng gánh cuộc đời, kể cả ôm mối lo cho ông sư có ân đức tu hành gấp bội phần chúng ta.
Nẻo đường thiên lý tìm về đất Phật xa diệu vợi, nhưng có đi ắt có đến. Đừng nên nghĩ rằng ông sư đến với đất Phật chỉ để tận mắt thấy cội bồ đề truyền thuyết. Mà thật ra, ông sư đang đến gần hơn với bờ giác chánh quả của chính ông ấy. Có thể chưa bằng cuộc đời này mà là vô lượng kiếp sau. Không có gì cần vội vã.
Tu là sửa, không chỉ muốn mà thành hoặc ngăn mà được. Mọi sự cứ để tùy duyên…
Ngày cầm bộ đàm thứ mấy rồi?