Cúng ma gọi hồn

(Hình minh họa: Lan Gao/Unsplash

Cúng ma, gọi hồn là tục lệ đốt vàng mã và lên đồng ở Việt Nam. Nhiều người cho đó là một tục lệ cổ hũ, có tính mê tín, dị đoan trong dân gian. Nhưng mẹ tôi lại là người “mê” đốt vàng mã và hầu đồng, bà cũng có lý do để bị rơi vào cái “thú đam mê” này!

Ông anh của tôi chết trận lúc cuộc nội chiến ở Việt Nam trở nên kinh hoàng, khốc liệt vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Bố mẹ tôi rất đau buồn và tiếc thương con. Mẹ tôi cho rằng ông anh tôi chết oan vì còn quá trẻ, mới 23 tuổi, phải rời đại học đi đầu quân. Âu cũng là số trời, anh phải tham gia vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, làm đau lòng khổ lụy cho những bà mẹ mất con ở cả hai miền Nam Bắc.

Vì thương nhớ con, mỗi năm Tết đến, mẹ tôi thường đi đặt đồ hàng mã để đốt cho anh tôi xài dưới âm phủ…(!) Bố tôi và các anh chị của tôi theo Tây học nên không tin vào những hủ tục cúng bái mê tín, dị đoan. Tất cả anh chị tôi phản đối kịch liệt về hủ tục này, tôi còn bé nên không có ý kiến mà lại tò mò thích thú nhìn ngắm những món đồ làm bằng giấy màu mè, còn khen họ khéo tay hay làm để lấy tiền của mẹ. Anh chị tôi lấy làm xấu hổ khi thấy đầy một góc phòng khách nào là: nhà lầu, xe hơi, quần áo, giày dép, nón mũ, tiền, vòng vàng, đồng hồ,… bằng giấy. Trong nhà, duy nhất chỉ có bố tôi là không phản đối, ông nói rằng:

– Hãy để lòng mẹ thương con được ủi an qua những thứ mà bà tin là con của bà được no đủ, ấm áp nơi cõi âm.

Cả nhà nghe bố tôi nói vậy nên cũng nguôi ngoai, chấp nhận và coi như một “thói quen” hàng năm mẹ tôi sắm quà Tết gởi cho con vui mừng vậy.

Tôi đọc những bài viết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, họ thường ca tụng Hà Nội có 36 phố phường, bán đủ mọi thứ hàng… có phố hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai,… và tôi tò mò để ý đến phố Hàng Mã. Hồi nhỏ tôi ngu ngơ… cứ nghĩ người ta bán “Mã” là “con ngựa”, nhưng đó là nơi bán đồ để xài dưới âm phủ. Bây giờ tôi đặc biệt chú ý đến cái tục lệ cúng vàng mã và tìm hiểu.

Đồ mã hay vàng mã là một loại tiền âm phủ, hay những loại vật dụng thường dùng như nhà, xe, quần áo, tiền, máy tính, ti vi, điện thoại,…làm bằng giấy. Một số người tin là người chết ở cõi âm nếu được đốt nhiều tiền để xài, nhiều đồ để dùng thì sẽ phù hộ cho người sống trở nên phát tài, làm ăn thịnh vượng. Nhưng mục tiêu chính là để thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương đối với người đã khuất.

Người Ai Cập cổ đại, với quan niệm chết là bắt đầu cuộc sống mới dưới âm phủ nên các Pharaoh Ai Cập đã ra công xây dựng những Kim Tự Tháp nguy nga, tráng lệ để ướp xác của mình và chôn theo các hoàng phi, cung tần mỹ nữ, vàng bạc châu báu với mục đích tiếp tục hưởng thụ cuộc sống vua chúa sau khi về cõi âm.

Bên Trung Quốc, từ đời nhà Chu (1.122 Trước Công Nguyên) thường chôn sống thê thiếp, nô bộc, hay đồ vật yêu thích của vua chúa khi họ chết. Đến đời nhà Tần (thế kỷ 2), Vua Tần Thủy Hoàng chết chôn theo hầu thiếp, cung nữ, quân lính và vàng bạc, châu báu, ngọc thạch,… Về sau, tục lệ chôn người sống quá vô nhân đạo nên họ chế ra người gỗ, người cỏ để thay thế người thật và sau này làm bằng giấy được gọi là vàng mã.

Tục lệ đốt vàng mã có từ Trung Quốc, đã ảnh hướng sâu đậm vào Việt Nam, từ vua chúa đến thứ dân. Vụ đốt vàng mã lớn nhất nước Việt vào đầu thể kỷ 20 là đám tang của vua Khải Định – băng hà vào ngày 25 tháng 11 năm 1925. Triều đình Huế đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và nhiều đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu,… để đốt theo vua.

Cổ đại lão hòa thượng Thích Tố Liên (1903 – 1977), là một tu sĩ Phật giáo có nhiều công lao trong phong trào chấn hưng, đưa Phật giáo Việt Nam đến với Phật giáo thế giới vào giữa thế kỷ 20. Bài viết để tuyên truyền bài trừ tục đốt vàng mã “Nguyên nhân tục lệ đốt vàng mã” của Hòa thượng Trí Liên được đăng trên báo Quốc Tuệ năm 1952, để mong xóa bỏ những hủ tục mê tín dị đoan, làm cho bầu trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trở nên trong sáng hơn. Cổ tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt nên không thể từ bỏ vào một sớm một chiều…!

Sau năm 1975, gia đình tôi sa sút, không còn sung túc như xưa, nhưng mẹ tôi cũng không bỏ tục lệ đốt vàng mã cho anh tôi, chỉ mua ít hơn như không có nhà lầu, xe hơi, vòng vàng nhiều nữa… Hình như nó cũng ảnh hưởng “tỷ lệ thuận” đến chuyện làm ăn phát tài hay không của người sống (!?)

Mẹ tôi vẫn không nguôi thương nhớ đứa con chết trẻ, sau này bà lại tin mê chuyện lên đồng. Bà vẫn thường mua hương hoa, bánh trái để đi hầu đồng. Có người giải thích cho mẹ tôi về đồng bóng khiến bà tin rằng hồn người chết có thật và nhập vào cô đồng hay cậu đồng để nói chuyện với người sống.

Đồng bóng là tên gọi của một nghi thức tín ngưỡng dân gian. “Đồng” là người thực hiện nghi thức, “Bóng” là linh hồn sẽ nhập vào người đó. Dân gian cho rằng lên đồng có thể giúp truyền đạt thông điệp từ thần linh hay người chết. Nhiều người tin là những người có căn quả khi bị hành sẽ lên đồng bóng, khi hết bị hành họ trở lại bình thường và không còn nhớ những việc làm lúc ấy nữa.

Có một “Cậu đồng” ở xóm tôi, khoảng 15 tuổi, là một người “đồng tính”. Cậu trắng trẻo, dáng đi ẻo lả như con gái, tóc uốn quăn, nên đám trẻ nhỏ thường hay đi theo sau trêu chọc:

– …Ê…ê… bóng lại cái! Đồng bóng!

Nghe nói bà mẹ của cậu kiếm được nhiều tiền nhờ lên đồng. Có lần mẹ tôi muốn “gọi hồn” anh tôi thì phải xin lễ, hồn anh tôi trở về dương thế nhập vào “cậu đồng” nói chuyện với mẹ tôi, vì bà kể lại chuyện lên đồng cho bố tôi nghe. Bố tôi hỏi:

– Thế thằng cu con nói gì với bà vậy?

Mẹ tôi trả lời:

– Nó chẳng nói được gì cả, nó chỉ ôm tôi khóc rồi gọi: mẹ ơi, mẹ ơi, con chết oan…! con nhớ mẹ lắm!

Bố tôi cười rồi nhỏ nhẹ nói:

– Có thể lần sau tôi đi với bà xem có đúng là con tôi không? Tôi sẽ nói chuyện với nó vì cha con tôi có “mật mã” để nhận ra nhau đấy!

Thế mà mẹ tôi tưởng thật, bà rủ bố tôi đi coi lên đồng, ông thương hại nhìn bà lắc đầu, hết ý kiến…(!). Tôi nhớ, cứ mỗi lần mẹ tôi đi coi đồng bóng, hai bà chị của tôi lại phải làm một mâm bánh trái cây bằng đậu xanh, xum xuê cành lá và màu sắc để sau khi lên đồng, cậu đồng lấy bánh làm “lộc” tặng cho những người đến tham dự và “hầu đồng.”

Vài năm sau, cậu đồng lớn lên và đến tuổi phải đi thi hành nghĩa vụ quân sự. Bà mẹ của cậu mất đi nguồn lợi tức béo bở, nhưng bà vẫn không chịu thua. Cán bộ phường khóm muốn diệt đồng bóng và bài trừ mê tín dị đoan thì được “đút lót” tí tiền để làm ngơ. Con trai bị gọi đi nghĩa vụ, bà liền tìm một “cô đồng” trẻ đẹp thay thế. Một hôm, mẹ tôi thắc mắc hỏi bố tôi:

– Không biết lên đồng có thật là hồn người chết về không mà sao tôi chẳng bao giờ được nói chuyện với con nhiều như người khác, nó chỉ khóc và nói bị chết oan, còn tôi hỏi chuyện xưa nó không nhớ gì? Hôm nay, lên đồng có một con bé, khi bà nội nó nhập vào cô đồng, mẹ nó nói ra ôm bà nội đi con. Cô đồng ôm nó vuốt ve nói:

– Nội đây! nội nhớ thương con lắm! con có nhớ nội hông?

Nhưng con bé dãy dụa, đẩy cô đồng ngã lăn nhào và nói:

– Bà đâu phải nội tui, nội tui đâu biết tiếng ‘Diệt’ (Việt), nội nói tiếng Campuchia mà… (?!)

Bố tôi nhìn mẹ tôi cười lớn, giọng hả hê:

– Bà vẫn còn tin đồng bóng là thật sao? Bao nhiêu năm tôi để bà thích làm gì thì làm cho bà vơi bớt nỗi buồn, thương tiếc con thôi. Làm sao tôi tin được những cái vớ vẩn, thiếu khoa học ấy chứ!

Tôi lại kể thêm cho mẹ nghe một câu chuyện của một chàng trai trẻ đã khôi hài tả lại cảnh lên đồng:

“Hôm qua cả nhà tôi tổ chức đi gọi hồn ông ngoại. Cô đồng còn trẻ lắm nhìn mũm mĩm, xinh đẹp. Cô làm phép múa may một hồi thì ông ngoại tôi nhập vào cô… Gặp lại ông sau bao nhiêu năm xa cách, tôi không kìm được xúc động… khóc nấc lên rồi lao vào ôm lấy cô đồng mà cứ ngỡ là ông ngoại, tôi dụi đầu và mặt vào ngực ông trong vui mừng hạnh phúc, … Không ngờ … ông lại đẩy tôi ra và tát tôi hai cái nảy đom đóm mắt (!)… tôi bàng hoàng không hiểu tại sao (?!) Tôi tủi thân lắm vì ngày xưa ông ngoại yêu chiều tôi nhất nhà. Nếu như tôi được ôm chặt lấy ông, dụi vào ngực ông thật lâu thêm vài lần nữa thì hạnh phúc biết là bao! Tôi nhớ khi còn bé tôi thường ôm ông vòi vĩnh, nhõng nhẽo mà.”

Mẹ tôi nghe xong cười nắc nẻ, từ đó không muốn đi coi lên đồng hay hầu đồng nữa…Và cũng bỏ luôn cái “thói quen” đốt vàng mã cho ông anh tôi vào dịp Tết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: