Đó là một buổi tối Ba Mươi khá lạnh. Sau khi viếng Lăng Ông về, tôi ghé thăm nhà người dì ruột ở gần đó mà tôi biết vẫn còn thức đợi giờ Giao thừa.
Mấy cô em họ định bày bộ bài ra chơi nhưng tôi để nghị ngồi trò chuyện một chút cho vui. Dù sao, tôi muốn hưởng chút cảm giác êm đềm của một đêm cuối năm như đêm nay.
Ngôi nhà tôi đang ngồi gần chín mươi năm trước nằm giữa miếng đất trồng cây trái miệt Bà Chiểu. Bây giờ, cây cối trong mảnh vườn nhỏ ấy đã được thay thế bằng vài cái nhà, garage để xe hơi. Cây vú sữa từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn đó nhưng không ra trái nhiều như trước nữa. Cây nhãn sát cổng ngày càng gầy guộc. Ăn miếng khô bò nướng, như quay về ngày xưa khi tôi hơn mười tuổi, được dì tôi cho ăn miếng khô làm từ thịt nai do ba chồng của dì săn được trên rừng miền Đông. Câu chuyện giữa tôi, dì và các cô em họ dần quay về chuyện: bây giờ khá giả hơn rồi, muốn ăn gì cũng có sẵn, không như ngày xưa. Vậy thì món gì mình thấy ngon nhất?
Cô em tên Hà gần sáu mươi tuổi mỉm cười: “Tới tuổi này, dù được ăn nhiều món ngon, em chưa bao giờ có cảm giác ngon miệng và sung sướng như khi được bà Năm Hồ, một người bà con trong họ, cho ăn bánh lúc em lên mười tuổi. Tức cười là những cái bánh đó, có cả mấy món mứt, là do chính tay em phụ mẹ và mấy cô làm trong nhà. Cũng do em được sai mang sang để biếu cho bà Năm.”
Đó là khoảng những năm 1973- 1974. Giáp Tết, trong nhà đầy ắp không khí chộn rộn của việc nấu nướng các thứ. Ông nội của Hà là trưởng tộc dòng họ Nguyễn, nhà rộng lại có sân nên đủ chỗ cho con cháu tụ về. Đàn ông lo dọn dẹp. Các bà các cô trong họ về phụ gói bánh và làm các việc bếp núc dưới sự chỉ huy của bà Hai, chị ruột của ông nội.
Bà Hai bày làm mứt dừa hình bông hồng. Mứt dừa xắt sợi dài, ngâm màu thực phẩm rồi sên trên chảo. Lấy ra khi còn nóng, bà dùng tay uốn từng cánh bông, rất giống bông hồng.
Sau đó bà làm ba thứ trái cây bằng bột là là trái cà, trái hồng và trái vải. Đậu xanh luộc chín đãi vỏ xay thành bột nắn thành trái cà hay trái hồng. Nếu là trái cà thì cắm cành và lá nhãn tạo hình cuống trái. Còn trái hồng, đã để dành sẵn những cuống hồng tròn sau khi ăn trái rồi phơi cho khô, khi nặn xong trái hồng, áp cái cuống vào, gắn thêm cọng lá nhãn là giống y hệt trái hồng, chỉ khác màu. Trái vải thì lấy bột năng xào cùng lá dứa. Lấy bột ra tô, thắng nước đường trộn với bột ca cao cho có màu nâu, nặn bột thành hình trái vải. Xong dùng tấm lưới đan bằng len bọc nó lại để có lớp vỏ nổi ô như vỏ trái vải, bên trong có cả hột làm bằng chuối khô.
Ngày Tết, bà Hai bày ra một hộp trái cây bằng bột có đủ cành lá, trái vải, hồng, cà bằng bột… rất đẹp nhưng chỉ dùng để cúng Phật, cúng tổ tiên. Sau đó là mang xuống đãi khách hay đem biếu. Con nít trong nhà có thèm quá thì bà cho ăn một chút lúc nặn bánh hay nếu còn dư sau Tết. Mà ít khi dư vì nhà đông khách.
Ngoài các món kỳ trân trên, các bà trong nhà còn làm bánh ít nhân ngọt, bánh ít nhân mặn có lạp xưởng, tôm khô cùng mấy loại bánh nữa. Làm xong, bà Hai để cúng một số, còn lại cất để làm quà biếu cho khách. Bà làm giáo học một trường nữ công, quen biết nhiều và nhờ vả không ít. Bà là chị lớn nhất của chủ nhà, người trong họ lại đông, bà phải giữ lễ, tết nhất phải có quà cáp qua lại cho họ.
Đám cháu đông đúc tuy có nhiều món để thưởng thức nhưng vẫn thèm các món ăn đặc biệt đó.
Sau khi bánh trái xong xuôi, bà Hai gọi Hà là cháu gái lớn nhất nhà ra dặn dò mang bánh đến biếu mấy nhà bà con gần đó. Hà cùng hai đứa em nhỏ xách đi từng gói, biếu từng nhà và chặng cuối luôn là nhà bà Năm. Bà Năm Hồ được bà Hai gọi bằng thím.
Nhà bà Năm là căn nhà gỗ lớn ba gian hai chái theo kiểu xưa nằm giữa một sân rộng trồng cây cạnh nghĩa trang dòng họ Nguyễn. Hà bấm chuông, chó chạy ồ ra sủa vang rân. Mai trong sân nở vàng ươm tuyệt đẹp, thả hoa xuống mặt ghế xích đu phía dưới. Như mọi lần, bà Năm tự ra mở cửa. Những năm đó, bà còn khỏe mạnh, vẫn giữ được sự xởi lởi, phóng khoáng của một tiểu thơ nhà điền chủ ở Bến Lức ngày xưa..
Khi mấy chị em đã được ngồi trên bộ ván, bà Năm bày bánh của bà Hai biếu ra bàn. Trước hết, bà dặn Hà khi về nhà nhớ cho bà gửi lời cảm ơn bà Hai. Sau đó, bà tươi cười: “Bây giờ, bánh có đủ thứ, các con thích gì thì ăn đi. Tội nghiệp, tụi bây đâu có được ăn mấy món này phải không?” Bà nhìn các cháu ăn, cười hiền từ.
Những lần như vậy luôn là một bữa tiệc. Mấy chị em được ăn thoả thích những món bánh cầu kỳ của bà Hai. Món nào cũng ngon và lạ, dù xuất xứ ngay tại nhà mình. Một phần nhỏ trong số bánh đó ăn cũng đủ no, nên Hà đứng dậy cám ơn bà, xin phép dắt hai em về. Trong đầu Hà tự hỏi sao bà Năm biết mấy chị em không được ăn bánh ở nhà làm?
Đó là câu chuyện đã xảy ra hơn nửa thế kỷ nay. Bà Năm Hồ đã mất từ lâu, bà Hai cũng vậy. Đến giờ, ngày giáp tết, Hà vẫn tiếp tục đến nhà bà Năm, mang biếu vài thứ bánh trái cho gia đình bà. Khi thắp nhang cho bà, trong đầu Hà nghĩ quanh quẩn rồi cũng đến câu chuyện đi biếu bánh hồi đó. Bây giờ trong họ không còn ai làm được những cái bánh như vậy nữa, chỉ có vị ngon đó không phôi pha trong trí nhớ của Hà.
Dì của tôi ngồi nghe chuyện mà mỉm cười. Dì bảo: “Lúc đó các con đầy đủ quá, nên chuyện thèm ăn một vài món cũng nên có, để thông cảm với những người nghèo luôn thiếu thốn, có gì ăn nấy không đòi hỏi.”
Nhưng nói vậy thôi, chỉ ngay sau năm 1975, cuộc sống mọi người dần rơi vào cảnh thiếu thốn. Lúc đó, cơm độn khoai, bo bo nấu lên cứng ngắt vẫn phải nhai, bánh mì phân phối cứng như đá… Những món ngon thời trước 1975 không dám nghĩ tới nữa, dù có chỗ bán nhưng mắc tiền so với đồng lương ít ỏi của cô giáo đang nuôi đàn con khi chồng đi học tập cải tạo.
Một hôm, gần cuối thập niên 1980, lúc đang ngồi chơi với đứa con gái út, một cô cháu trong họ đến thăm dì. Lúc đó, cô cháu tuy đang là công nhân viên nhưng chỗ làm việc vừa được phép kinh doanh lương thực giá cao nên có đồng ra đồng vô. Sau một hồi chuyện trò, cô cháu cảm thấy đói bụng nên ngỏ lời mời dì và bé út ra ngoài phía ngã tư Bình Hoà để cùng ăn mì ở tiệm Minh Sanh gần đó.
Tiệm mì vịt tiềm Minh Sanh nằm gần ngã tư Nơ Trang Long – Lê Quang Định nổi tiếng từ đầu thập niên 1960. Quán này, hồi xưa là nơi gia đình bên chồng dì thường kéo nhau ra ăn vào cuối tuần, nổi tiếng vì các món mì xá xíu, mì hoành thánh, mì vịt tiềm… nấu ngon, nước lèo thơm đậm đà đáng đồng tiền. Đằng trước tiệm có xe mì gắn kiếng vẽ hình các tích tuồng trong truyện Tàu.
Sau năm 1975, một tiệm mì cũng được coi là nhà hàng sang trọng đối với hầu hết cư dân Sài Gòn – Gia Định. Lo cơm nước ngày hai bữa còn toát mồ hôi thì lấy đâu ra tiền đi ăn hàng.
Cả ba đi bộ ra tiệm mì. Cô cháu gọi cho mỗi người một tô mì vịt tiềm là món ngon và mắc nhất. Cả ba xì xụp gắp mì, dẽ thịt, húp nước lèo… Dì vừa ăn vừa nhớ ra rằng đã hơn chục năm rồi hai mẹ mới có thể ăn được một tô mì như vậy. Thoáng chốc, dì nghĩ đến ba đứa con khác đang đi học. Giá như tô mì của dì chúng có được mà chia nhau ăn.
Hơn ba mươi năm đã trôi qua. Dì đã quá tuổi tám mươi, các con đã trưởng thành và có gia đình riêng, làm ăn khá giả. Thỉnh thoảng, cô cháu gái sang thăm dì. Lâu lâu dì nhắc lại cho cháu nghe về lần ăn mì ở tiệm Minh Sanh thời xưa. Tiệm mì vẫn còn đó, vẫn chủ cũ nhưng là lứa con cháu. Món mì vịt tiềm không biết còn ngon như trước không? Dù sao, dì tin chắc rằng tô mì Minh Sanh ngon nhất đã được cô cháu mời ăn thời bao cấp chính là tô mì ngon nhất đời của dì.
Trong đêm lạnh, hai câu chuyện kể ngẫu nhiên như đưa tôi trở lại bao nhiêu chặng đường đời, thời thơ ấu hồn nhiên và sung túc, thời bao cấp khổ sở sau năm 1975 cùng những lo toan nhọc nhằn của cha mẹ. Món ăn ngon nhất và đáng nhớ nhất, nói cho cùng là món ăn trong khung cảnh gây nhiều cảm xúc nhất. Hai câu chuyện như những hạt muối trắng, thứ gia vị làm đậm đà hương vị cuộc đời mà tôi cảm nhận trong đêm đầu năm đó.