Viết lại lịch sử – chuyện của các nhà độc tài

(Hình minh họa: Joanna Kosinska/Unsplash)

“Lịch sử thường được bên thắng cuộc viết ra” – nhận định đó, nghe đâu là do ông Elon Musk, người giàu nhất thế giới, tổng giám đốc Tesla và SpaceX, thốt ra trong một cuộc họp với ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng Israel.

Có thể ông Musk không tự nghĩ ra mà lặp lại lời một triết gia hay sử gia nào đó. Nhưng nó đúng trong một số trường hợp và càng ngày càng chứng tỏ sự chính xác trong một thế giới mà mọi thứ giá trị dường như bị đảo lộn để phục vụ cho một tham vọng duy nhất: quyền lực.

Trump và ngày 6 Tháng Giêng, 2021

Trong hàng trăm sắc lệnh hành pháp mà ông Donald Trump, tổng thống, ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức vào Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, sắc lệnh gây “sốc” nhất là ông ân xá 1,600 phạm nhân và nghi can đã gây ra cuộc bạo loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng, 2021. Sắc lệnh đình chỉ và hủy bỏ tất cả các vụ án liên quan đang chờ được xét xử, và trả tự do ngay lập tức cho những người đã bị kết án và đang thụ án trong các nhà tù liên bang.

Những sự kiện ngày 6 Tháng Giêng, 2021, được tường trình rộng rãi trên tất cả các kênh truyền hình, trên khắp các mạng xã hội, người dân Mỹ ai cũng thấy tận mắt: cảnh đám đông xô ngã hàng rào bảo vệ, tấn công cảnh sát, tràn vào đập phá các văn phòng, cảnh các thượng nghị sĩ và dân biểu không phân biệt Cộng Hòa hay Dân Chủ, kể cả ông Mike Pence, phó tổng thống, chạy trốn như bầy vịt vào các hầm trú ẩn…

Sau cuộc bạo loạn, các cơ quan công lực Hoa Kỳ đã mất nhiều tháng, tốn hàng chục triệu đô la, để điều tra và truy tố những kẻ bạo loạn: những người chỉ theo bầy đàn xâm nhập vào tòa dinh thự mà không có hành vi phá phách thì được xử nhẹ, những kẻ đầu sỏ chủ mưu và tổ chức thì bị xử nặng, nặng nhất là ông Enrique Tarrio, thủ lãnh nhóm dân quân cực hữu Proud Boys, bị xử 22 năm tù về tội nổi loạn.

Nặng hay nhẹ, tất cả những người này đều được các tòa án xét xử theo đúng pháp luật, có điều tra, có chứng cứ, có luật sư biện hộ và có đối chất tranh tụng. Không thể nói những vụ án này là “oan sai,” càng không thể nói ngành tòa án, ngành tư pháp Hoa Kỳ đã bị chính quyền Joe Biden “vũ khí hóa” để hại ông Trump.

Hạ Viện Hoa Kỳ đã thành lập cả một ủy ban đặc biệt lưỡng đảng điều tra về vụ bạo loạn “vô tiền khoáng hậu” và đã tổ chức chín phiên điều trần công khai, trong đó người dân Mỹ trực tiếp chứng kiến và nghe lời khai của hàng chục nhân chứng, trong đó có nhiều quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc và của đảng Cộng Hòa.

Hành động phạm pháp của những kẻ bạo loạn đã rành rành giữa thanh thiên bạch nhật. Ấy thế mà chỉ bằng một sắc lệnh, ông Trump đã “đổi trắng thay đen,” biến một cuộc bạo loạn chính trị thành một “ngày yêu thương” (love fest day), biến tội phạm thành “người yêu nước,” chỉ vì họ mù quáng thực hiện ý đồ của chính ông.

Ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một, 2024, tuy thắng lợi của ông, với 32% số cử tri ủng hộ, không phải “hết sức vĩ đại” như ông nói. Bây giờ thì với quyền lực của người chiến thắng, ông manh tâm “viết lại lịch sử” ngày 6 Tháng Giêng, 2021; ông ân xá những kẻ tội phạm, ông trả thù những người điều tra và truy tố. Hành động đó không chỉ làm sai lệch một sự thật lịch sử, biện hộ cho tội ác mà còn kích thích xu hướng sử dụng bạo lực chính trị trong đời sống xã hội Hoa Kỳ. Khi những người có quan điểm đối lập nhau không ngồi vào bàn thương lượng để đi tới một sự thỏa hiệp như văn hóa của chế độ dân chủ mà dùng súng đạn, hăm dọa để nói chuyện với nhau thì xã hội tất loạn.

Putin và cuộc chiến Ukraine

“Lịch sử thường được bên thắng cuộc viết ra” – điều đó gần như đúng tuyệt đối trong các chế độ độc tài.

Trong một động thái bất ngờ, hôm 27 Tháng Giêng, chính quyền Nga của ông Vladimir Putin, tổng thống, vừa cho phát hành một bộ sách giáo khoa mới dành cho học sinh độ tuổi 15-16, trong đó cuộc xâm lược Ukraine được cho là “cần thiết,” là “một phần của cuộc đấu tranh sinh tồn của nước Nga chống lại một Tây phương suy đồi đang cố gắng làm suy yếu và chia cắt nước Nga.

Cuộc chiến tranh, hay là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo cách nói của ông Putin, đã được ông Putin phát động vào ngày 24 Tháng Hai, 2022, nhưng thực tế đã bắt đầu từ năm 2014 khi Nga đơn phương chiếm bán đảo Crimea và kích động ly khai ở hai tỉnh vùng Donbass của Ukraine. Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và hành động xâm lược trắng trợn của Nga không thể biện minh bằng bất cứ lý lẽ nào.

Ấy vậy mà trong bộ sách giáo khoa lịch sử mới, cuộc xâm lược Ukraine được sánh với cuộc “chiến tranh vệ quốc” của người Nga chống lại cuộc xâm lược của phát xít Đức năm 1941-1945 – một sự xuyên tạc lịch sử, biến thủ phạm thành nạn nhân, không thể chấp nhận được với bất kỳ ai có đầu óc bình thường.

Ukraine, cũng như NATO chưa từng gây ra mối đe dọa Nga, còn chuyện hành động đe dọa của Ukraine và Tây phương đối với an ninh quốc gia của Nga đã khiến ông Putin phải động binh, chỉ là nỗi hoang tưởng của kẻ mưu toan sắm vai một sa hoàng thời mới.

Tập và nước cộng hòa quên lãng

Chợt nhớ, Tháng Hai, 1979, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bất ngờ xua quân xâm lược sáu tỉnh biên giới Việt Nam, gây vô số tội ác. Ông ta biện luận đây là “cuộc phản kích tự vệ” dù thực tế Việt Nam khi ấy cả nước bị đói rã họng, bị quốc tế cấm vận, bị sa lầy ở Cambodia, chưa từng có hành động khiêu khích Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.

Trung Quốc mới là bậc thầy về chỉnh sửa lịch sử để phục vụ mục tiêu chính trị của nhà cầm quyền. Trong hơn 100 năm tồn tại, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã gây ra vô số tội ác cho người dân Hoa Lục, riêng số người chết do nạn đói, do các vụ thanh trừng chính trị đã lên đến nhiều chục triệu người. Thế nhưng sách vở Trung Quốc hầu như không có dòng nào về các thảm họa “Công xã nông thôn,” “Đại Nhảy Vọt,” “Cách mạng văn hóa” hoặc gần đây hơn là “Thảm sát Thiên An Môn.”

Viết lại lịch sử của đảng và đất nước Trung Quốc nhằm đề cao những thắng lợi – nhiều phần tưởng tượng hoặc phóng đại – và che giấu những tội ác ghê tởm mà đảng đã gây ra cho nhân dân Trung Quốc suốt 100 năm qua là nhiệm vụ quan trọng mà ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, nhấn mạnh trong Chỉ Thị số 9 (Communique on the Current State of the Ideological Sphere) mà ông ban hành ngay sau khi lên cầm quyền tối cao vào Tháng Tư, 2013.

Công cuộc “viết lại lịch sử” của đảng Cộng Sản Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đến mức một nhà khoa học Úc, bà Louisa Lim, đã xuất bản một công trình nghiên cứu quan trọng lấy tên “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Quên Lãng” (The People’s Republic of Amnesia) được tuần báo The Economist bình chọn là xuất sắc nhất năm 2014.

Cũng như đàn anh Nga và Trung Quốc, Việt Nam cũng nhào nặn lịch sử theo ý đồ chính trị của đảng cầm quyền, tạo ra một thứ lịch sử giả mạo mà muốn tìm hiểu sự thật về Việt Nam trong thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu phải dựa vào những tài liệu lưu trữ ở Pháp, Hòa Lan, Mỹ và nhiều quốc gia khác, sách lịch sử trong nước hoàn toàn không đáng tin mà chỉ là công cụ tuyên truyền. Đáng lo ngại là bị nhồi sọ trong thứ lịch sử giả mạo đó, thế hệ trẻ trong nước đang mất phương hướng, trở thành những con thiêu thân cho ý đồ của đảng. Sự phổ biến của mạng Internet toàn cầu có một tác động tích cực là giúp lớp trẻ tiếp cận thông tin đa chiều, có hiểu biết đúng đắn hơn, vấn đề là có chịu tìm hiểu hay không.

Từ TikTok đến DeepSeek

Việc “viết lại lịch sử,” bóp méo sự thật đang có thêm nhiều công cụ mới, nguy hiểm hơn. Vài ngày qua, sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc gây sóng gió trên các thị trường tài chánh và công nghệ. So với các sản phẩm của Mỹ như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google… DeepSeek có lợi thế là chi phí đầu tư thấp, chi phí sử dụng rẻ, phù hợp với túi tiền eo hẹp của nhiều giới trong xã hội.

Có điều, mọi sản phẩm AI đều hoạt động dựa trên khối dữ kiện khổng lồ mà nó thu thập được. Nếu dữ kiện nguồn bị sai hoặc không đầy đủ thì câu trả lời mà AI đưa ra sẽ không chính xác. DeepSeek có giá thành rẻ có thể do sự đầu tư của chính phủ Bắc Kinh, sử dụng dữ liệu Trung Quốc và chịu sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Vì vậy, khi thử “chat” với DeepSeek, rất dễ nhận ra “trợ lý ảo” AI này mù tịt hoặc né tránh rất nhiều chuyện, từ những đề tài lịch sử như Thiên An Môn, đến những vấn đề đương đại như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thân phận người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương… Nó chỉ nói những gì mà chính phủ Trung Quốc cho phép.

Đằng sau sự ồn ào của DeepSeek, ít người nhận ra rằng đây có thể là một công cụ mới của Cộng Sản Trung Quốc để tuyên truyền và thao túng dư luận thế giới, không khác nhiều so với ứng dụng chia sẻ video TikTok hiện nay. Rồi sẽ có ngày DeepSeek đi vào vết xe của TikTok, bị nghi ngờ và cấm đoán ở nhiều nơi trên thế giới, chỉ trừ ở những nơi mà các nhà độc tài có thể lợi dụng chúng để kiếm lợi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: