“Trong lời nói có âm điệu, trong âm điệu hiện lời nói, và vì ‘thương’ tiếng Việt, muốn tìm hiểu sâu về lịch sử dân tộc, tôi quyết tâm tìm hiểu nhạc cổ truyền Việt Nam,” nghệ sĩ Jason Nguyễn tâm sự.
Jason Nguyễn không đơn thuần là một nghệ sĩ chơi nhạc cổ truyền, anh là tiến sĩ nhạc dân tộc Việt Nam, chuyên nghiên cứu âm nhạc dân gian và văn hóa truyền thông, và cũng là nhà sản xuất âm nhạc, dù tuổi đời mới được “bốn mươi cái xuân xanh.”
‘Remix’ độc đáo nhạc pop, R&B với… đàn bầu
“Remix” nhạc là chuyện bình thường, nhưng hòa âm, phối khí nhạc ngoại quốc, đặc biệt là các bài nhạc pop US-UK hoặc R&B với… cây độc huyền cầm (đàn bầu), và các nhạc cụ dân tộc Việt, chắc chỉ có “cao thủ đàn bầu” như anh Jason Nguyễn, mới chịu “chơi.”
Gọi anh là “cao thủ đàn bầu” vì độc huyền cầm là “vật bất ly thân” của nghệ sĩ trẻ người Mỹ gốc Việt này. Với cây đàn một dây, anh thả hồn vào các thanh âm cảm xúc, có khi ai oán, da diết nhưng cũng đầy phóng khoáng với “công phu” gảy đàn dứt khoát đầy điệu nghệ. Jason rất “mê” đàn bầu vì theo anh, loại đàn này khác biệt với các loại nhạc cụ khác trên thế giới, hay ở chỗ có bội âm nên có thể chơi nhiều nốt có khi lên đến ba quãng. “Không có đàn một dây nào mà âm vực cao như đàn bầu,” anh quả quyết.
Nghệ sĩ Jason có thâm niên 20 năm với nghiệp chơi đàn bầu và trình diễn khắp các sự kiện lớn nhỏ để quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam. Anh cũng từng vinh dự trình diễn tại TEDx ở Cincinnati, Ohio, một diễn đàn với các khách mời là diễn giả danh tiếng truyền cảm hứng cho cộng đồng. Tại đây anh hớp hồn khán giả với liên khúc Lới Lơ và Lý Kéo Chài.
Các màn trình diễn của anh luôn được hòa âm, phối khí với các loại nhạc cụ hiện đại khác như guitar điện, keyboard… để cho ra chất “remix,” thổi những làn gió mới vào các tác phẩm, làm cho khán giả đi từ ngỡ ngàng đến phiêu lãng trước sự sáng tạo nghệ thuật của anh. Chỉ là người chơi thành thục các loại nhạc cụ hiện đại và am hiểu nhạc cụ truyền thống Việt như nghệ sĩ Jason, mới có thể làm nên sự mới lạ độc đáo này.
Bỏ ngành y, đi theo âm nhạc cổ truyền
Tinh thông lịch sử nhạc cổ truyền, thông thạo các loại nhạc cụ đờn ca tài tử, đàn tranh, đàn kìm,… có thể ca vọng cổ, hát cải lương bằng tiếng Anh, và “không nói ra thì không ai biết,” rằng anh là người gốc Bắc chính thống.
“Vâng, gia đình mình gốc Bắc, di cư qua Mỹ cách nay 44 năm, cũng gần nửa thế kỷ rồi, và dù mình được sinh tại Mỹ (North Carolina) nhưng mình mê tiếng Việt lắm, tiếng Việt rất bay bổng. Gia đình không theo nghệ thuật nhưng bố mẹ cho mình và hai người em gái chơi nhạc cụ từ nhỏ. Từ năm lớp một mình đã được học violin,” anh kể.
Sau khi tốt nghiệp trung học, anh chọn ngành Sinh Học và tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Đại Học Wake Forest University. Dù đã dành một thời gian dài để luyện và hoàn thành kỳ thi MCAT, một trong những tiêu chuẩn đánh giá khó nhất để tuyển sinh viên vào trường y khoa ở Hoa Kỳ, nhưng anh không theo đuổi ngành y.
Anh quyết định theo đuổi đam mê nghệ thuật, khát khao được nghiên cứu, biểu diễn và đắm chìm vào “hơi” nhạc của quê hương. Cậu bé Joson từ lúc 18 tuổi đã có hứng thú với nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là sau khi xem nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành trình diễn ở chương trình Thúy Nga Paris by Night, nên xin ba mẹ cho gặp thầy Thành để “tầm sư học đạo.” Và như thế, mỗi mùa Hè, chàng sinh viên Jason lại bay sang Canada để học đàn bầu và các nhạc cụ dân tộc tại tư gia sư phụ Phạm Đức Thành.
Thời đại học, anh Jason có thời gian du học bên Ý và được chu du khắp Âu châu. Trong dịp đi ngang qua Pháp, cầm lá thư giới thiệu của thầy Thành, anh có cơ hội được diện kiến Giáo Sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng Việt Nam, người Việt đầu tiên tốt nghiệp bằng tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp và là thành viên danh dự Hội Đồng Âm Nhạc Quốc Tế của UNESCO.
Hôm ấy, anh cùng cố Giáo Sư Khê (người đã qua đời vào năm 2015), và người con trai là Trần Quang Hải có buổi hàn huyên về âm nhạc hết cả buổi trưa. Trước khi chia tay, cố giáo sư căn dặn: “Con cố gắng giữ gìn văn hóa người Việt Nam để truyền cho thế hệ mai sau nhé.” Lời nhắn nhủ ấy thôi thúc Jason Nguyễn nộp đơn vào trường cao học, và học lên cao hơn nữa. Luận án tốt nghiệp bằng tiến sĩ dài hơn 400 trang của Jason tại Đại Học Indiana University là nghiên cứu về sự tiến hóa của nhạc Việt Nam, tập trung tân nhạc, cổ nhạc, cả trong nước lẫn hải ngoại.
Tâm tư với cổ truyền và với thế hệ
“Khi nói về nhạc cổ truyền, tôi cho rằng chữ ‘truyền’ mang ý nghĩa sâu sắc hơn cả chữ ‘cổ’,” anh Jason chia sẻ.
Anh nhắc đến bài “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu – tác phẩm vang bóng hơn 100 năm qua. Bản nhạc này đã không ngừng biến tấu, từ hai nhịp, bốn nhịp rồi đến tám nhịp để hình thành nên vọng cổ như ta biết ngày nay. “Đó chính là tinh thần cổ truyền,” anh nói. “Là mang nhạc cổ rồi truyền lại cho đời sau.”
Jason tâm tình: “Âm nhạc coi vậy chứ không đơn giản. Chơi nhạc, nhất là nhạc dân tộc mình, thì phải chơi cho ‘sâu,’ cho ‘mùi,’ tức là phải tìm hiểu, nghiên cứu và am hiểu cốt truyện để cho ra được ‘cái hồn’ của bản nhạc, nếu không thì nhạc sẽ rất ‘nhạt.’ Nhạc không chỉ có tình khúc, tiền chiến, nhạc vàng… mà còn liên quan đến nhân quyền, và cả một thế hệ. Nếu đã chơi thể loại nhạc gì thì phải nghiên cứu cho sâu, ví như nhạc cổ truyền, càng ngâm cứu thì càng thấy cái hay của đất nước Việt Nam. Lúc đó, ta sẽ thấy vẻ đẹp Việt Nam là từng miền, mỗi nơi có một chất riêng.”
Gần nửa thế kỷ trôi qua, những trang lịch sử về người Việt phải bỏ xứ ra đi vẫn đang được viết tiếp, những câu chuyện vẫn còn nguyên trong ký ức mỗi người, với những tổn thương không thể xóa nhòa. Là thế hệ thứ hai sinh trưởng tại hải ngoại, anh phân vân: “Liệu các em có biết gốc của mình, có biết ‘con đường’ trở về quê hương, có biết là ông bà, cha mẹ của mình đã hy sinh như thế nào không?”
Điều Jason luôn trăn trở là những câu chuyện về “thuyền nhân” có rất nhiều, nhưng khó có thể tìm được “truyền nhân” chịu chơi nhạc dân tộc Việt ở Mỹ, hoặc chí ít là cây đàn bầu.
“Mình theo nghiệp vì đam mê nhưng nhiều lúc cũng rất cô độc và luôn mong có tri kỷ để đàm đạo về đàn, về nhạc. Cho tới hiện tại, mình chưa gặp ai chơi và nghiên cứu sâu dòng nhạc này,” anh tâm sự. “Mình luôn ấp ủ liên kết thể hệ trẻ và dòng nhạc cổ để truyền ‘hơi’ nhạc dân tộc cho thế hệ tiếp nối và gìn giữ bản sắc nghệ thuật Việt Nam. Thật ra cũng có nhiều người yêu thích thể loại nhạc cổ truyền nhưng chỉ dừng ở mức thưởng thức còn dày công tìm hiểu sâu hơn thì hiếm lắm.”
Trên kênh Youtube SoulGook của nghệ sĩ Jason Nguyễn, người nghe dễ dàng nhận thấy anh vẫn còn “đơn thân độc mã” từ hòa âm, phối khí đến sản xuất, và biểu diễn. Có khi anh phải trình diễn hai loại nhạc cụ khác nhau, quay hai lần khác nhau và sau đó ghép hai đoạn ở phần hậu kỳ để tạo ra bản ‘mix’ hoàn chỉnh.
“Ở trong nước, các nghệ sĩ có môi trường để gìn giữ các thể loại nhạc. Ở hải ngoại bị giới hạn hơn, nên chúng ta càng phải có trách nhiệm lưu giữ các dòng nhạc, vì đó là một phần của lịch sử, mình hy vọng có thể tạo một môi trường cho những người muốn ‘tìm về cội nguồn’ theo một cách phóng khoáng, không gò bó. Mình mong thế hệ sau có thể tiếp cận với dòng nhạc cổ truyền và cải lương dễ dàng hơn,” anh tâm sự.