“Kỷ nguyên mới” mà một số lãnh đạo Đảng CSVN từng nhắc đến đang được xây dựng trên nền tảng của sự xáo trộn nhân sự chưa từng có tiền lệ. Khi nhiệm kỳ Đại Hội 13 còn chưa kết thúc, hệ thống chính trị và công quyền Việt Nam chứng kiến những biến động nhân sự sâu rộng, từ trung ương đến địa phương.
Diễn biến mới nhất là việc ông Nguyễn Thanh Nghị, bộ trưởng Bộ Xây Dựng, được “chỉ định” làm phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM, một ngày sau khi ông Vũ Hồng Văn, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung Ương, cũng được “chỉ định” làm bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai. Trước đó, hàng loạt các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác cũng đã được thay đổi một cách chóng vánh. Bí thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng thừa nhận, chỉ trong nhiệm kỳ này, thành phố này trải qua tới năm lần thay đổi phó bí thư thường trực, và những sự thay đổi đó được lý giải là để “cung cấp nguồn cán bộ chiến lược cho trung ương.” Tuy nhiên, cách lý giải này vẫn không thể xoa dịu hoài nghi về động cơ thực sự đằng sau những cuộc “thay máu” nhân sự này.
Theo Khoản 1, Điều 8 của Quy định 80-QĐ/TW, văn bản được ban chấp hành Trung Ương (BCH TƯ) khóa XIII ban hành vào Tháng Tám, 2022, việc lựa chọn bí thư và các phó bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc thẩm quyền của địa phương. Quy định này nhấn mạnh vai trò tự chủ của các cấp ủy địa phương trong việc quyết định nhân sự chủ chốt. Thậm chí, trong trường hợp Bộ Chính Trị hoặc Ban Bí Thư có “ý tưởng, dự định khác về nhân sự,” các cơ quan này cũng chỉ được phép “giới thiệu ứng cử” để địa phương tổ chức bỏ phiếu bầu, nhằm bảo đảm tính dân chủ và sự tham gia của cấp ủy địa phương vào công tác nhân sự cấp cao.
Trên thực tế hoàn toàn khác. Hàng loạt các vị trí bí thư, phó bí thư lãnh đạo đảng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang được thay thế bằng hình thức “điều động, chỉ định” trực tiếp từ trung ương. Vai trò của đảng bộ cấp dưới gần như hoàn toàn bị bỏ qua. Các cấp ủy địa phương không có quyền đề xuất, lựa chọn, hay thậm chí tham gia ý kiến. Quy trình nhân sự bị đảo ngược hoàn toàn, từ “hiệp thương dân chủ” trở thành “chỉ định áp đặt.”
Để làm rõ hơn bức tranh nhân sự đầy biến động này, việc xem xét “quá trình hoạt động cách mạng” của một số “ngôi sao đang lên” trong hệ thống chính trị Việt Nam là vô cùng cần thiết. Trường hợp của ông Vũ Hồng Văn là một ví dụ điển hình. Tháng Sáu, 2018, khi đang là phó chính ủy Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động, ông Văn được Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm bổ nhiệm làm giám đốc Công An tỉnh Đắk Lắk. Chỉ một năm sau, ông tiếp tục được điều động về làm giám đốc Công An tỉnh Đồng Nai, đồng thời trúng cử đại biểu Quốc Hội khóa 14 tại tỉnh này. Năm 2021, ông được phong quân hàm thiếu tướng, và đến năm 2022, ông được rút về Bộ Công An giữ chức cục trưởng Cục An Ninh Chính Trị Nội Bộ. Việc điều động này được xem là bước đệm quan trọng để ông Văn được bầu bổ sung vào UBKT Trung Ương hồi Tháng Mười, 2023. Và tới Tháng Tám, 2024, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm UBKT Trung Ương. Quá trình thăng tiến “thần tốc” của ông Văn cho thấy lộ trình được “dọn sẵn” một cách kỹ lưỡng.
Cần phải nhắc lại, kể từ khi chiến dịch phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh với khẩu hiệu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ,” UBKT Trung Ương trở thành lực lượng xung kích quan trọng. Cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An để loại bỏ hàng loạt ủy viên BCH Trung Ương, thậm chí cả những ủy viên Bộ Chính Trị, những người vốn được xem là “tinh hoa” của Đảng, tạo ra một tình huống chưa từng có trong lịch sử Đảng CSVN. Chỉ trong một nhiệm kỳ, ba trong số các vị trí lãnh đạo cao nhất của nhà nước: chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thường trực Ban Bí Thư, lần lượt bị “bẻ cánh.” Thậm chí, sinh mạng chính trị của thủ tướng đương nhiệm cũng bị đe dọa bởi những “tin đồn” liên quan đến vụ án AIC.
Ông Vũ Hồng Văn được “chỉ định” làm bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai có thể được xem là một bước đi tiếp theo trong lộ trình đưa ông vào BCH Trung Ương Đảng khóa 14. Tương tự, việc ông Nguyễn Thanh Nghị được “điều động” về làm phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM được hiểu là một động thái “dọn đường” để ông trở thành bí thư Thành Ủy, và xa hơn nữa, là ủy viên Bộ Chính Trị trong nhiệm kỳ tới. Những diễn biến này, cùng với tuyên bố của ông Tô Lâm về “kỷ nguyên mới” tại Đại Hội Đảng XIV, cho thấy một sự chuẩn bị nhân sự theo phương thức “mới” đầy đáng ngại, nơi sự tùy tiện và ý chí chủ quan dường như đang lấn át các quy định và nguyên tắc.
Trước khi ông Văn chính thức rời UBKT Trung ương để về Đồng Nai, một tướng công an khác, ông Nguyễn Duy Ngọc khi đó đang là bí thư Trung Ương Đảng, chánh văn phòng Trung Ương Đảng, được bầu làm chủ nhiệm UBKT Trung Ương, và “bước chân” vào Bộ Chính Trị. Theo Quy định 214-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư quản lý, chỉ những người chưa từng là ủy viên BCH Trung Ương mới được xem xét bầu vào BCH Trung Ương khi tuổi đời dưới 55 đối với nam, và dưới 50 đối với nữ. Vào thời điểm ông Ngọc được bầu vào BCH Trung Ương Đảng khóa 13, ông đã 57 tuổi, và được xem là “trường hợp đặc biệt.”
Sau khi ông Tô Lâm trở thành bộ trưởng Bộ Công An, con đường thăng tiến của ông Ngọc trở nên rộng mở. Và giờ đây, dù không hội đủ điều kiện đảm nhận vai trò ủy viên Bộ Chính Trị theo quy định, ông Ngọc vẫn dễ dàng “vượt rào” để tiến vào cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Một tướng công an khác, ông Lương Tam Quang, cũng được xem là “thân tín” của ông Tô Lâm, và cũng được “ưu ái” tương tự. Ông Quang cũng được đưa vào BCH Trung Ương Đảng khóa 13 khi đã 56 tuổi. Ông Quang được đề cử thay thế vị trí bộ trưởng Bộ Công An của ông Tô Lâm mà không phải là ủy viên Bộ Chính Trị. Rồi chỉ hai tháng sau, ông Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính Trị, dù quy định của đảng CSVN là chỉ những cá nhân đã là ủy viên BCH Trung Ương trọn một nhiệm kỳ mới được xem xét đưa vào Bộ Chính Trị.
Không có bất kỳ lời giải thích chính thức nào về bố trí nhân sự bất chấp mọi quy định, nhưng trong dư luận xã hội, có nhiều đồn đoán sở dĩ có những “trường hợp đặc biệt” như vậy là do “khủng hoảng nhân sự.” Quả thực, chưa bao giờ trong một nhiệm kỳ, BCH Trung Ương đảng CSVN phải loại bỏ hơn 30 thành viên, trong đó có tới bảy ủy viên Bộ Chính Trị.
Đến nay, Đảng CSVN không những không nhận bất kỳ trách nhiệm nào về những hậu quả mà các thành viên bị kỷ luật gây ra cho đất nước và dân tộc, và cũng không đưa ra một lời xin lỗi công khai nào. Công tác lựa chọn và sắp xếp nhân sự cho nhiệm kỳ tới tùy tiện và thiên về “kỹ thuật thao túng” hơn là thực chất. Bước khởi đầu đã như vậy, liệu có thể tin tưởng vào một “kỷ nguyên mới” tươi sáng, ấm no và hạnh phúc cho người dân?