Đón Xuân này, nhớ Xuân xưa…

: Khách thập phương chụp hình ở Thương Xá Phước Lộc Thọ ngày Tết. (Hình: Đoan Trang)

Sau khi nộp đơn xin đi Mỹ tỵ nạn theo diện HO, dành riêng cho các viên chức hay quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có thời gian cải tạo ít nhất là ba năm trở lên, tôi chờ đợi gần bốn năm, mãi cho đến khi hoàn tất thủ tục cuối cùng để nhận vé máy bay định ngày đi, chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết.

Mọi người bảo sao không chờ qua Tết rồi hẵng đi. Cả thị trấn người người, nhà nhà, ai cũng chuẩn bị mua sắm đủ thứ để đón Tết. Riêng gia đình tôi lại gói ghém hành lý để lên đường đúng theo lịch trình ấn định, trong lòng chỉ mong được đi sớm ngày nào tốt ngày đó, không chần chờ vì lo sợ biết đâu có trục trặc thì lỡ mất cơ hội, ngàn năm có một.

Thật ra, lúc bấy giờ mọi thủ tục xuất cảnh đều do sở xuất nhập cảnh cũng như Tòa Đại Sứ Mỹ ấn định, mình chỉ chờ thông báo và làm đúng theo như quy định. Đi ngày nào họ báo cho mình biết chứ không có ý kiến hay đề nghị gì cả. Đi được là may lắm rồi, chỉ mong sao thông suốt là tạ ơn trời đất đã cho có được ngày này.

Gần 10 năm cải tạo từ Nam ra Bắc, tôi có bao giờ biết đến Tết, rồi tám năm sau đó sống ở quê nhà Cai Lậy như một công dân hạng bét, thì Tết đến còn khốn khổ hơn nhiều, chỉ sống nhờ vào sạp bán guốc dép ngoài chợ. Cho nên trong lòng tôi cũng chẳng có mảy may gì mà nghĩ đến việc ở lại để chờ đón Tết.

Từ khi biết được chắc chắn vợ chồng tôi và đứa con nhỏ đã có vé máy bay đi Mỹ, mẹ tôi lựa ngày lên chùa đội sớ xin cho con đi đường bình an, sớm tới nơi tới chốn. Không nói ra chớ mẹ nghĩ nơi đó là thiên đường, hay ít ra cũng thoát khỏi được chỗ này, không có đất sống. Thế là gia đình tôi vui vẻ lên đường.

Cả nhà mướn một chiếc xe đò loại nhỏ chở hết gần 20 người từ Cai Lậy lên Sài Gòn tiễn chúng tôi đi. Dọc đường, xe cộ đông nghịt người xuôi ngược, gió Tết hơi lành lạnh lướt qua hai bên thành xe nghe như tiếng rít hòa lẫn với tiếng nổ đều đều phà hơi ấm từ đầu máy cabin xe ở phía trước, tạo thành một âm thanh rè rè đơn điệu. Hầu như mọi người ai nấy đều lộ vẻ vui mừng như đang đi dự lễ hội ngày Tết. Tất cả hy vọng là tôi sang bên đó xây dựng lại cuộc đời, vốn dĩ đã có quá nhiều khó khăn, trắc trở.

Lòng mừng khấp khởi khi mọi thủ tục ở phi trường thông suốt cho đến trước khi vào phòng cách ly thì mọi bịn rịn và nước mắt chia ly mới bắt đầu thút thít, khiến tôi lẩn thẩn như người ở trên mây, không nói được lời nào, chỉ biết ôm mẹ, kề tai nói nhỏ “Má yên tâm, qua bên đó con sẽ cố gắng liên lạc thường xuyên về nhà mình.”

-Thôi con đi mạnh giỏi.

Chỉ có bấy nhiêu lời thôi mà tôi nghe vô cùng cay đắng. Cũng vào những ngày giáp Tết cuối năm 1980, mẹ một thân một mình lặn lội từ Cai Lậy lên Sài Gòn nhờ người quen mua giùm chiếc vé đi xe lửa lần đầu tiên trong đời ra tận Nam Hà thăm con sau gần 5 năm trời vắng bặt, chỉ biết rằng con đang ở ngoài miền Bắc. Sau khi thăm nuôi xong, buổi ấy cũng chia tay trong mưa phùn gió bấc, hai mẹ con khóc, mẹ lủi thủi đi bộ trong đêm, băng rừng ra ga Phủ Lý cho kịp chuyến xe lửa về Nam. Từ đó, hằng đêm mẹ luôn cầu Trời khấn Phật cho con còn sống sót để trở về sum họp với gia đình, nhưng rồi bây giờ con lại phải ra đi…

-Má sanh con má biết, con đi chuyến nầy chắc không về.

-Không đâu má, con sẽ về thăm. Má đừng lo.

Nhìn mẹ đứng ôm cây cột xi măng trước phòng cách ly mà lòng không đành, nhân viên an ninh thúc đi nhanh lên theo thứ tự của đoàn hành khách, tôi vừa đi vừa cố ngoảnh đầu nhìn lại… Hình ảnh mẹ mờ nhạt dần theo ánh đèn đêm phi trường.

Sau gần 20 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, chúng tôi quá cảnh ở phi trường Nhật Bản rồi nhập cảnh vào Mỹ ở phi trường Seattle (WA) và cuối cùng đáp máy bay nội địa về thẳng phi trường Los Angeles. Ra đón chúng tôi có cả hai v

chồng người bảo trợ cùng với đại diện hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, tất cả lên xe về Long Beach.

Gia đình tác giả chụp năm 2000. (Hình: Trần Bạch Thu)

Buổi cơm tối đầu tiên của chúng tôi tại Mỹ được gia chủ tổ chức thật thịnh soạn, có bia lon Budweiser và đùi gà chiên bơ lót trên xà lách, cà chua xắt lát đựng trong hai mâm nhôm thật lớn, ăn với mì xào. Rất ngon. Ngoài câu chuyện hỏi han về sức khỏe khi đi máy bay, người bảo trợ còn cho biết thêm gia đình đang sửa chữa nhà cửa nên rất bề bộn, xin thông cảm ở trong một phòng trống đã dọn sẵn, chưa có bày biện đầy đủ, chỉ có một chiếc giường ngủ mà thôi.

Tôi nói lời cảm ơn chân thành và xin anh chị yên tâm “tụi em quen chịu đựng thiếu thốn nhiều rồi nên được như thế nầy là quý lắm.” Suốt đêm hôm đó hai vợ chồng và đứa con nhỏ lục đục không ngủ được vì trái múi giờ và người cũng đang còn mơ mơ màng màng làm sao ấy.

Mấy hôm sau, anh Huệ chủ nhà đưa ý kiến là gia đình tôi cứ ở tạm nơi đây, tháng đầu tiên không phải trả tiền chi hết, qua tháng thứ hai nếu muốn tiếp tục ở lại thì tham gia đóng góp tiền ăn cho 3 người là 600 đôla cho tới khi nào muốn đi ra ngoài, mướn nhà ở riêng thì tùy. Chỉ có vậy thôi.

Hình như chưa có người bảo trợ nào tốt đến như vậy, ngay cả gia đình cật ruột cũng hiếm có. Anh đưa cả gia đình tôi đi làm những giấy tờ tùy thân cần thiết cũng như nộp đơn xin tiền trợ cấp tỵ nạn của chính phủ cho sáu tháng đầu tiên. Tôi còn nhớ quy định lãnh hằng tháng là 600 đôla tiền mặt và khoảng hơn 300 đôla tiền phiếu thực phẩm (Food Stamps) nên rất yên tâm, tôi hỏi chỗ gởi tiền về Việt Nam.

Anh Huệ cười thật vui khi thấy tôi gởi hết 600 đôla về ngay cho mẹ, còn tôi thì trong lòng vui lắm, khi nhớ lại những năm dài còn ở quê, nhà nghèo quá, Tết đến mẹ chỉ mong sao có đủ tiền mua nấu được nồi thịt kho tàu với trứng cho gia đình trong ba ngày Tết là hạnh phúc lắm rồi, mà cũng không có được.

Loanh quanh một hồi là đến Tết âm lịch, chúng tôi đề nghị cùng nhau nấu bánh tét cho vui, gói bánh, cột bánh là sở trường của nhà tôi, còn nấu và canh lửa suốt đêm để trở đầu bánh là nhiệm vụ của tôi. Đến khi vớt ra, bánh còn nóng, tôi biểu diễn tài lăn bánh tét cho tròn mà tôi còn nhớ hồi thuở nhỏ ở quê, Nội đã dạy làm sao lăn cho bánh tét thật tròn mà không bị bung lá. Anh chị Huệ rất vui.

Anh Huệ trước đây là lính Không Quân, từng đi du học tại Hoa kỳ năm 1967 về chuyên ngành bảo trì máy bay. Sau khi về nước anh phục vụ tại phi trường Tân Sơn Nhứt đặc trách sửa chữa máy bay phản lực của VNCH do Mỹ viện trợ.

Sau ngày 30 Tháng Tư, anh chị Huệ tự đóng ghe vượt biển rất sớm, khoảng trung tuần Tháng Năm năm 1975, sang tới Phi Luật Tân và sau đó được đi định cư tại Mỹ. Từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, anh theo đuổi ngành tiện, làm thợ mãi cho đến năm 1990 mới mở được một hãng tiện (machine shop), có hợp đồng với hãng Boeing chuyên sản xuất các linh kiện phụ tùng máy bay. Hãng của anh rất uy tín và linh kiện xuất xưởng thuộc loại tốt, nên hãng chẳng những đứng vững mà còn phát triển ngày càng quy mô.

Điều đáng nói ở đây là anh Huệ có nhiều phát minh được đăng ký bằng sáng chế, trong đó có mấy loại về linh kiện của máy tiện gọi là “tay gắp” (bar puller) do hãng của anh độc quyền sản xuất, chuyên cung cấp cho các nhà máy sản xuất máy tiện (CNC Lathe) Cơ xưởng của anh trị giá hàng triệu đôla.

Anh Huệ mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, là con út và các anh chị lớn đều có gia đình ra riêng tứ tán khắp nơi. May còn có người anh cả đang làm Linh mục chánh xứ họ đạo Phương Hòa, Kontum nên anh được gia đình đưa lên ở đó để ăn học, cho đến khi cha Khoa, người anh ruột của anh bị tai nạn xe hơi qua đời. Từ đó anh mới rời Kontum vào Sài Gòn sinh sống cho đến ngày đăng lính.

Tôi được người bà con của anh ở Kontum giới thiệu đứng ra bảo lãnh cho gia đình tôi khi sang Mỹ định cư ở Long Beach, California theo diện tỵ nạn chính trị.

Qua đến Mỹ, lần đầu tiên đi chợ Tết ở Little Saigon, tôi rất thích thú, cả khu vực dân cư đông đúc, quán xá đều trưng bảng hiệu bằng tiếng Việt và ngôn ngữ giao thiệp, mua bán ở đây sử dụng hoàn toàn tiếng Việt, ít thấy người dân da trắng bản xứ nên xem y hệt như một thành phố ở Việt Nam. Tôi không thể tưởng tượng một khu vực tương đối sầm uất, to lớn như vậy mà toàn là người Việt làm chủ trên đất Mỹ.

Trước sân khu thương xá Phước Lộc Thọ là một chợ Hoa trong những ngày giáp Tết, trưng bày đủ các loại hoa và phụ kiện để chưng tết. Người đi chợ Tết, kẻ mua bán chen chật hết cả các lối đi. Dọc theo con đường Bolsa, hàng quán, chợ búa bán đủ thứ, đủ loại hàng hóa thực phẩm. Nhớ ngày trước, khi Sài Gòn sắp thất thủ, có người kêu gọi không di tản ra nước ngoài “không có mắm tôm mà ăn” thì nay trái lại chẳng những có đủ hết, mà tất cả còn là hàng thượng hạng xuất khẩu sang Mỹ, so với giá cả thị trường ở đây tương đối rất rẻ.

Ngoài ra còn có các bảng hiệu của các văn phòng bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ hay các dịch vụ cao cấp cũng đều là tên Việt Nam, thật hãnh diện ở một xứ sở văn minh, tiên tiến hàng đầu thế giới mà người Việt vươn lên đến như vậy. Anh Huệ bảo không chỉ có Little Saigon tổ chức chợ Tết mà hầu như những nơi nào có người Việt sinh sống cũng đều có tổ chức chợ Tết y như nhau, ngay cả ở thủ đô Washington còn có lớn hơn nữa.

Tết đến ở đây, ngoài chợ Hoa mở rất sớm, có khi đến nửa tháng trước ngày mùng Một, còn có những ngày tổ chức lễ diễn hành và hội chợ Tết, tất cả đều rơi đúng vào những ngày cuối tuần tương ứng với ba ngày Tết. Đặc biệt lễ diễn hành thường khởi đầu vào sáng sớm ngày Thứ Bảy, dân chúng đứng dày đặc hai bên đường dọc theo đại lộ Bolsa, từ ngã tư Magnolia cho đến ngã tư Bushard. Các đoàn diễn hành bao gồm đủ mọi thành phần hoặc đại diện các hội đoàn trong thành phố. Cờ xí rợp trời, nhạc diễn hành vang dội làm nức lòng người với tiếng hò reo không ngớt của dân chúng tham dự đang tràn ra sát hàng rào dựng tạm ở hai bên đường.

Sân khấu lễ đài trang hoàng đầy màu sắc rực rỡ được xây dựng phía trước khu thương mại trên khoảng sân trống đối diện với mặt tiền khu thương xá Phước Lộc Thọ. Khi đoàn diễn hành đi ngang lễ đài các vị dân cử mặc áo dài khăn đóng xanh hoặc đỏ xuống xe đi bộ đến sát bên dân chúng hai bên đường phát tiền “lì xì” trong các phong bì đỏ chói tạo thành một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt trong những ngày Tết.

Gia đình tác giả chụp tại USC, năm 2019. (Hình: Trần Bạch Thu)

Thông thường, nói đến Tết là nói đến hội chợ – nơi vui chơi, giải trí không thể thiếu trong ba ngày Tết, cho nên ở đây, Little Saigon cũng có nhiều địa điểm tổ chức hội chợ, nhưng nổi bật nhất và lâu đời nhất là Hội chợ Tết Sinh Viên do Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức. Ở đây hội chợ Tết tái hiện lại không khí thanh bình của một làng quê qua mô hình “Làng Việt Nam” Ngoài phần ẩm thực chính trưng bày trong các quầy tạo thành từng dãy bán thức ăn, thức uống đặc trưng của miền Nam trong ba ngày Tết, còn có các lễ hội như “đám cưới đầu xuân” với đầy đủ chi tiết của một đám cưới thật ở miền quê Việt Nam ở thế kỷ trước. Đặc biệt có căn nhà tranh, vách phên “quán đầu làng” trong đó có một ông đồ già ngồi viết “liễng” hay thư pháp giống y như cảnh chợ quê ở miền Bắc trước kia.

Nói chung, toàn bộ cảnh quan ở hội chợ Tết gợi nhớ thật sự sinh hoạt ngày Xuân ở một làng quê Việt Nam thanh bình trước Tháng Tám năm 1945. Xen lẫn giữa các khu giải trí là các gian hàng giới thiệu sản phẩm thương mại hoặc các dịch vụ về sức khỏe mà thường có tặng quà miễn phí, như các giỏ xách tay để đựng quà hoặc các vật dụng tế nhuyễn linh tinh dùng trong gia đình.

Về sinh hoạt vui chơi giải trí ngoài các trò chơi như thả thơ, đánh cờ, xổ số, lô tô… còn có các trò chơi điện tử hiện đại như đi xe lửa nhỏ hay ngồi trên vòng quay vận tốc cao hoặc ngồi cabin lên cao trượt xuống thật nhanh đến độ muốn thót tim. Bên cạnh đó còn có một sân khấu ngoài trời để các đoàn ca nhạc tình nguyện trình diễn hay múa những bài dân ca quen thuộc chủ đề mùa xuân thanh bình.

Điều nổi bật hơn hết trong ba ngày Tết ở đây là mọi người được phép đốt pháo khi múa lân, trong diễn hành, trong hội chợ hay ở các trung tâm thương mãi đều có đốt pháo dây. Lần đầu tiên đón Tết ở Little Saigon nghe tiếng pháo nổ giòn giã làm tôi liên tưởng đến những ngày miền Nam thật sự thanh bình kể từ sau ngày ký kết hiệp định Genève 1954, pháo nổ rang, đì đùng khắp nơi từ thành thị cho đến thôn quê, từ vỹ tuyến 17 cho đến tận mũi Cà Mau suốt ba ngày tết.

Nhưng kể từ năm 1960 tiếng pháo im bặt, thay vào đó là tiếng súng nổ khi Cộng Sản Việt Nam phát động cuộc chiến tranh Nam Bắc. Bàng hoàng nhất là Tết Mậu Thân 1968, khắp các đô thị miền Nam vang rền tiếng súng, người chết đầy các con đường góc phố từ nửa đêm giao thừa kéo dài cho đến rằm Tháng Giêng, một cái Tết đau thương nhất trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Mãi cho đến năm 1975 khi chiến tranh chấm dứt, tiếp theo sau đó là nghèo đói triền miên gần 20 năm thì làm gì có tiếng pháo nổ mừng xuân, mà nếu có thì cũng chỉ có triệu người vui và có triệu triệu người buồn…

Tối mùng 6 Tết, tôi gọi điện cho mẹ và gia đình, kể về nơi ăn chốn ở, đồng thời hứa sẽ gởi hình chụp của gia đình, nhất là những ngày đi chợ Tết ở Little Saigon. Mẹ bảo:

-Má mừng lắm, con đã yên nơi yên chỗ, còn gia đình mình Tết năm nay cũng đầy đủ. Tạ ơn trên đã ban phước lành cho gia đình mình.

-Con cầu chúc má luôn mạnh khỏe, an khang trường thọ.

Dứt điện thoại tâm hồn tôi phơi phới, nhìn qua khung cửa sổ sao trời lấp lánh, gió vi vu nghe như mùa xuân mới đang nhẹ nhàng lướt tới. Lòng chợt mơ ước làm sao đem được mùa Xuân nơi này về trên quê hương xứ Việt. Mong lắm thay!

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: