Một góc Khu Chế Xuất Tân Thuận ngày nay. (Hình: Khu Chế Xuất Tân Thuận)

Chiếc áo khiêm nhượng này với nhãn hiệu “JBM South Vietnam” được tặng cho tôi vào khoảng giữa Tháng Tư, 1975 để kỷ niệm sản phẩm đầu tiên của Khu Chế Xuất Tân Thuận Đông mới được thiết lập khoảng hơn một năm trước đó, khi tôi còn làm Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thương Mãi và Kỹ Nghệ, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Tôi đã khoác chiếc áo này sáng ngày 29 Tháng Tư năm 1975 trong khi tìm đường di tản khỏi Sài Gòn. Vợ tôi khâu thêm cho tôi hai túi nhỏ bên trong để đựng giấy tờ tùy thân và một chút tiền bạc phòng khi cần đến.

Tôi tiếp tục mặc chiếc áo này trong suốt cuộc hành trình tìm tự do, từ Bến Nhà Rồng, Khánh Hội, qua Cửa Cần Giờ tới Subic Bay, Phi Luật Tân. Rồi sau ba tuần lễ tạm trú trên Đảo Wake, gia đình tôi được đưa tới trại tỵ nạn Camp Pendleton, California.

Tới nay, sau gần nửa thế kỷ, tôi vẫn còn trân trọng gìn giữ chiếc áo bạc mầu này vì nó mang theo thật nhiều kỷ niệm của một giai đoạn đổi đời đối với tôi, và với biết bao nhiêu triệu người dân VNCH trước năm 1975.

Tôi đặc biệt trân quý chiếc áo này vì nó còn là chứng tích về những nỗ lực phát triển kinh tế của một đội ngũ chuyên viên VNCH mà tôi đã có hân hạnh được cộng tác trong khoảng thời gian 10 năm, từ năm 1965 khi tôi mới từ trường Đại Học Stanford về nước cho đến năm 1975, lúc quân đội Cộng Sản miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam.

Chiếc áo, sản phẩm đầu tiên của Khu Chế Xuất Tân Thuận Đông, Việt Nam Cộng Hòa – Tháng Tư, 1975. (Hình: Nguyễn Đăng Khôi)

Trong hoàn cảnh chiến tranh cực kỳ khó khăn, đội ngũ chuyên viên đó đã kiên trì đặt từng viên đá làm nền móng cho việc phát triển kinh tế quốc gia trong thời chiến, và hướng về tương lai khi hòa bình trở lại trên quê hương.

Nói về Việt Nam người ta biết nhiều về khía cạnh chiến tranh tàn khốc, nhưng ít ai biết đến những nỗ lực kiến quốc của VNCH, ngay trong thời chiến. Vì trong khi chính quyền Cộng Sản miền Bắc dồn toàn lực vào việc tiến chiếm miền Nam bằng võ lực thì Chính Phủ VNCH miền Nam luôn chủ trương, vừa ngăn chặn cuộc xâm lăng từ phương Bắc, vừa đặt nền tảng cho việc xây dựng một quốc gia dân chủ, tiến bộ và no ấm cho người dân.

Với một quân lực hùng mạnh trên một triệu người, chính quyền cũng như nhân dân VNCH luôn vững tin ở một tương lai tươi sáng cho đất nước sau khi chiến tranh chấm dứt, và ít ai ngờ VNCH lại bị bỏ rơi, để cho Cộng Sản thôn tính miền Nam bằng võ lực.

Khu Chế Xuất – viên đá nền móng cuối cùng trước khi VNCH thất thủ

Trong một dịp thăm viếng Khu Chế Xuất Cao Hùng (Kao Hsiung) ở Đài Loan cùng với Ủy Ban Đầu Tư vào khoảng 1973, tôi được thấy một mô hình xuất cảng thật hữu hiệu, lại có thể thực hiện được một cách rất mau chóng để tạo công ăn việc làm tại những vùng đông dân, đồng thời gia tăng thu nhập ngoại tệ cho quốc gia.

Khu Chế Xuất là một khu vực nằm ngoài hàng rào quan thuế của một quốc gia, tại đó nguyên liệu từ ngoại quốc được mang vào khỏi phải qua những thủ tục nhập cảng và đóng thuế quan, rồi được nhân công địa phương biến chế thành những sản phẩm hoàn tất để xuất cảng ra ngoại quốc mà không phải qua những thủ tục xuất cảng.

Tại Cao Hùng tôi thấy họ sản xuất được nhiều sản phẩm đủ loại, từ áo quần, giầy dép mang nhãn hiệu Âu Mỹ đắt tiền, tới những “microchip” bán dẫn và những sản phẩm điện tử tinh vi, tất cả đều được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, với phẩm chất rất cao và thời gian hoàn tất rất nhanh.

Các quốc gia đang phát triển có thể sử dụng mô hình này để du nhập kỹ thuật cao và xâm nhập thị trường Âu Mỹ một các nhanh chóng qua những doanh nghiệp đã có danh tiếng trên thế giới, vừa tạo cơ hội cho nhân công địa phương mau chóng phát triển tay nghề, vừa gia tăng thu nhập ngoại tệ qua việc xuất cảng sản phẩm hoàn tất mà không phải tốn kém ngoại tệ nhập cảng nguyên liệu.

Đối với những nhà đầu tư ngoại quốc, mô hình này giảm thiểu chi phí đầu tư và thời gian hoàn tất dự án vì cơ sở sản xuất đã có sẵn trong Khu Chế Xuất; hơn nữa hàng hóa được xuất nhập dễ dàng, khỏi phải đi qua những thủ tục giấy tờ rườm rà.

Phỏng theo mô hình Khu Chế Xuất Cao Hùng của Đài Loan, một cơ quan công lập tự trị, trực thuộc Bộ Thương Mãi và Kỹ Nghệ, mang tên Khu Chế Xuất đã được thành lập vào đầu năm 1974 và giao cho Kỹ Sư Lê Trọng Mưu đảm trách. Khu Chế Xuất đầu tiên được khởi công tại Tân Thuận Đông (vùng Nhà Bè) và hoàn tất trong một thời gian kỷ lục, chưa đầy một năm, vì tái sử dụng được những cơ sở và nhà kho sẵn có tại Nhà Bè do Tổng Cục Tiếp Vận của Quân Lực VNCH trao lại.

Chỉ sau ít tháng hoạt động, Khu Chế Xuất này thu hút được bảy dự án với vốn đầu tư của Nhật Bản, Hong Kong, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đài Loan và Việt Nam. Các anh chị em tại Khu Chế Xuất hăng say trợ giúp các dự án này xúc tiến mau lẹ.

Đến đầu Tháng Tư 1975, một số xí nghiệp được trang bị máy móc và huấn luyện nhân công để bắt đầu sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt mua của các công ty ngoại quốc. Trong khi mọi người phấn khởi chờ đợi những sản phẩm “Made in South Vietnam” đầu tiên sắp sửa xuất cảng, thì ngày 30 Tháng Tư 1975 ập đến, làm gián đoạn tất cả.

Chiếc áo khiêm nhượng này mang dấu tích lịch sử vì nó là sản phẩm đầu tiên của Khu Chế Xuất Tân Thuận Đông, đánh dấu sự thành công của một mô hình phát triển đầy triển vọng trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia.

Tôi được hân hạnh trao tặng chiếc áo này cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum) ở Thủ Đô Người Việt Tị Nạn Little Saigon.

Tôi được biết sau khi VNCH thất thủ Khu Chế Xuất Tân Thuận Đông ngưng hoạt động, và phải mất 16 năm, đến năm 1991, và 5 năm sau khi nhà nước Cộng Sản đã ban hành chính sách “Đổi Mới, Hội Nhập” và “Kinh Tế Thị Trường,” Khu Chế Xuất này mới được phục sinh dưới tên Khu Chế Xuất Tân Thuận.

Ngày nay, gần 50 năm sau khi Khu Chế Xuất đầu tiên của VNCH đi vào hoạt động, chính quyền VNCS cho thành lập nhiều Khu Chế Xuất theo mô hình này tại khắp nơi trên toàn quốc. Riêng Khu Chế Xuất Tân Thuận, theo báo Tuổi Trẻ, đã thu hút được 233 dự án đầu tư đến từ 25 quốc gia và khu vực, tổng vốn đầu tư đạt khoảng $2.1 tỉ và tạo công ăn việc làm cho hơn 60,000 lao động. Tất cả đã được khởi đầu từ Khu Chế Xuất Tân Thuận Đông của VNCH mà bằng chứng là chiếc áo đã phai mầu này làm bằng vải “denim” và dây kéo hiệu YKK nhập cảng không qua quan thuế, và hoàn tất bởi bàn tay khéo léo của nhân công “South Vietnam,” một cái tên nay không còn nữa.

(*) Tác giả nguyên Tổng Cuộc Trưởng, Tổng Cuộc Phát Triển Đầu Tư VNCH; nguyên Phụ Tá Tổng Trưởng, Bộ Thương Mãi và Kỹ Nghệ VNCH.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: